Quyết định 65/2005/QĐ-TTg phê duyệt đề án “Chăm sóc trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em bị tàn tật nặng, trẻ em là nạn nhân của chất độc hoá học và trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS dựa vào cộng đồng giai đoạn 2005 - 2010) do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 65/2005/QĐ-TTg
Ngày ban hành 25/03/2005
Ngày có hiệu lực 14/04/2005
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Phạm Gia Khiêm
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 65/2005/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 25 tháng 3 năm 2005

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 65/2005/QĐ-TTG NGÀY 25 THÁNG 3 NĂM 2005 VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN "CHĂM SÓC TRẺ EM MỒ CÔI KHÔNG NƠI NƯƠNG TỰA, TRẺ EM BỊ BỎ RƠI, TRẺ EM TÀN TẬT NẶNG, TRẺ EM LÀ NẠN NHÂN CỦA CHẤT ĐỘC HÓA HỌC VÀ TRẺ EM NHIỄM HIV/AIDS DỰA VÀO CỘNG ĐỒNG GIAI ĐOẠN 2005 - 2010"

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em ngày 15 tháng 6 năm 2004;
Căn cứ Quyết định số 23/2001/QĐ-TTg ngày 26 tháng 02 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình Hành động quốc gia vì trẻ em Việt Nam giai đoạn 2001 - 2010;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt đề án "Chăm sóc trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em tàn tật nặng, trẻ em là nạn nhân của chất độc hóa học và trẻ em nhiễm HIV/AIDS dựa vào cộng đồng giai đoạn 2005 - 2010" (sau đây gọi tắt là đề án "Chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn dựa vào cộng đồng giai đoạn 2005 - 2010") với những nội dung chủ yếu sau đây:

1. Mục tiêu của đề án:

a) Mục tiêu tổng quát:

Tiến tới trợ giúp tất cả trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống và có cơ hội thực hiện các quyền của trẻ em theo quy định của pháp luật; từng bước thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với trẻ em bình thường tại nơi cư trú trên cơ sở huy động các nguồn lực xã hội, phát triển các hình thức chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn dựa vào cộng đồng.

b) Các mục tiêu cụ thể đến năm 2010:

- Số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được hưởng trợ cấp xã hội, được chăm sóc thay thế tại cộng đồng và được trợ giúp về y tế, giáo dục tăng từ 30% lên 65% (bình quân mỗi năm tăng thêm 15000 trẻ em).

- Số trẻ em tàn tật nặng được chỉnh hình phục hồi chức năng tăng từ 40% lên 70%.

- Thí điểm chuyển 1000 trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em tàn tật nặng đang được chăm sóc tại các cơ sở bảo trợ xã hội của Nhà nước về chăm sóc ở cộng đồng thông qua các hình thức gia đình hoặc cá nhân nhận nuôi dưỡng, nhận đỡ đầu, nhận nuôi con nuôi và chăm sóc tại Nhà xã hội.

- Thí điểm chuyển đổi hình thức chăm sóc tập trung tại các cơ sở bảo trợ xã hội của Nhà nước sang chăm sóc tại các "gia đình quy mô nhỏ" tại 10 cơ sở bảo trợ xã hội của Nhà nước.

Đối với những nội dung mới của đề án, như Nhà xã hội tại cộng đồng và chuyển đổi hình thức chăm sóc tập trung tại các cơ sở bảo trợ xã hội của Nhà nước sang chăm sóc tại "gia đình quy mô nhỏ" tại các cơ sở bảo trợ xã hội của Nhà nước, thực hiện thí điểm ở giai đoạn 2005 - 2007; nhân rộng mô hình ở giai đoạn 2008 - 2010.

2. Đối tượng và phạm vi của đề án:

a) Đối tượng của đề án bao gồm:

- Trẻ em mồ côi không nơi nương tựa.

- Trẻ em bị bỏ rơi.

- Trẻ em tàn tật nặng.

- Trẻ em là nạn nhân của chất độc hoá học.

- Trẻ em nhiễm HIV/AIDS.

b) Phạm vi của đề án:

Đề án được thực hiện trên phạm vi toàn quốc, nhưng có bước đi phù hợp với từng vùng và từng địa phương.

3. Nhiệm vụ của đề án:

a) Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân, cán bộ, công chức, viên chức các cấp, các ngành về chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn dựa vào cộng đồng.

b) Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chính sách trợ cấp xã hội, trợ giúp y tế, giáo dục, kết hợp với vận động cộng đồng hỗ trợ và chăm sóc thay thế trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Trong giai đoạn 2005 - 2010, bình quân mỗi năm tăng thêm 15000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được hưởng trợ cấp, trợ giúp xã hội tại cộng đồng, thông qua các hình thức sau đây:

[...]