Nghị định 36/2005/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em

Số hiệu 36/2005/NĐ-CP
Ngày ban hành 17/03/2005
Ngày có hiệu lực 06/04/2005
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Giáo dục,Thể thao - Y tế,Văn hóa - Xã hội

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 36/2005/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 17 tháng 3 năm 2005

 

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 36/2005/NĐ-CP NGÀY 17 THÁNG 3 NĂM 2005 QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT BẢO VỆ, CHĂM SÓC VÀ GIÁO DỤC TRẺ EM

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em ngày 15 tháng 6 năm 2004;
Theo đề nghị của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em về đối tượng trẻ em được hưởng các quyền và thực hiện bổn phận, các hành vi vi phạm quyền trẻ em, đăng ký khai sinh và xác định cha mẹ cho trẻ em, bảo vệ lợi ích cho trẻ em sống cách ly cha mẹ, khám bệnh, chữa bệnh cho trẻ em dưới sáu tuổi, Quỹ Bảo trợ trẻ em, công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, cơ sở trợ giúp trẻ em và trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

Điều 2. Đối tượng trẻ em được hưởng các quyền và thực hiện bổn phận

1. Trẻ em là công dân Việt Nam được hưởng các quyền và thực hiện bổn phận theo quy định của Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Trẻ em là công dân Việt Nam trong thời gian sinh sống ở nước ngoài, được hưởng các quyền và phải thực hiện các bổn phận theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước nơi trẻ em đang sinh sống. Trường hợp pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước nơi trẻ em là công dân Việt Nam đang sinh sống có quy định khác nhau thì quyền và bổn phận của trẻ em được thực hiện theo điều ước quốc tế mà hai nước cùng là thành viên.

Trường hợp không có điều ước quốc tế giữa Việt Nam và nước ngoài liên quan thì quyền và bổn phận của trẻ em là công dân Việt Nam được thực hiện theo tập quán quốc tế hoặc theo thỏa thuận giữa hai nước trong từng trường hợp cụ thể.

3. Trẻ em là người nước ngoài trong thời gian cư trú tại Việt Nam được hưởng các quyền và thực hiện các bổn phận theo quy định của điều ước quốc tế mà hai nước cùng là thành viên.

Chương 2:

CÁC HÀNH VI VI PHẠM QUYỀN TRẺ EM

Điều 3. Cha mẹ bỏ rơi con, người giám hộ bỏ rơi trẻ em được mình giám hộ

1. Sau khi sinh con, cha mẹ bỏ con, không chăm sóc, nuôi dưỡng.

2. Cha mẹ, người giám hộ để trẻ em cho người khác nuôi, cắt đứt quan hệ, không thực hiện nghĩa vụ đóng góp nuôi dưỡng trẻ em mặc dù có khả năng thực hiện nghĩa vụ, trừ trường hợp cho trẻ em làm con nuôi.

3. Cha mẹ, người giám hộ bỏ mặc trẻ em tự sinh sống, không quan tâm chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ em, để trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.

Điều 4. Dụ dỗ, lôi kéo trẻ em đi lang thang, lợi dụng trẻ em lang thang để trục lợi

1. Nói chuyện, viết, dịch, nhân bản sách, báo, tài liệu, tranh, ảnh, ghi âm, ghi hình hoặc hành vi khác nhằm dụ dỗ, lôi kéo trẻ em bỏ nhà đi lang thang.

2. Dùng tiền, vật chất, uy tín hoặc lợi ích khác để dụ dỗ, lôi kéo trẻ em đang sinh sống cùng với gia đình bỏ nhà đi lang thang.

3. Tập hợp, chứa chấp trẻ em lang thang để bán vé số, sách, báo, tranh, ảnh, bán hàng rong hoặc các hoạt động khác nhằm mục đích trục lợi.

4. Cha mẹ, người giám hộ bắt trẻ em đi lang thang kiếm sống.

Điều 5. Dụ dỗ, lừa dối, ép buộc trẻ em mua, bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma tuý; lôi kéo trẻ em đánh bạc; bán, cho trẻ em sử dụng rượu, bia, thuốc lá và chất kích thích khác có hại cho sức khoẻ

1. Nói chuyện, viết, dịch, nhân bản sách, báo, tài liệu, tranh, ảnh, ghi âm, ghi hình hoặc hành vi khác nhằm dụ dỗ, lôi kéo trẻ em mua, bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma tuý, đánh bạc, sử dụng rượu, bia, thuốc lá, chất kích thích khác có hại cho sức khoẻ và sự phát triển của trẻ em.

2. Dùng tiền, vật chất, uy tín hoặc lợi ích khác để dụ dỗ, lôi kéo trẻ em mua, bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma tuý.

[...]