Chỉ thị 04/CT-UBND năm 2024 tăng cường chăm sóc sức khỏe trẻ em nhằm giảm tử vong trẻ em dưới 05 tuổi do tỉnh An Giang ban hành

Số hiệu 04/CT-UBND
Ngày ban hành 21/08/2024
Ngày có hiệu lực 21/08/2024
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh An Giang
Người ký Lê Văn Phước
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 04/CT-UBND

An Giang, ngày 21 tháng 8 năm 2024

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG CHĂM SÓC SỨC KHỎE TRẺ EM NHẰM GIẢM TỬ VONG TRẺ EM DƯỚI 05 TUỔI

Trong những năm 2022 và 2023, tỷ suất tử vong trẻ em dưới 01 tuổi và dưới 05 tuổi tại Việt Nam đều đạt vượt mức Chính phủ giao. Tuy nhiên, tình trạng tử vong ở trẻ dưới 01 tuổi và dưới 5 tuổi tại vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số cao gấp 02 đến 03 lần so với các vùng thành thị, đồng bằng. Tử vong trẻ em dưới 05 tuổi của Việt Nam (18,9‰) cao gấp 2,4 lần Thái Lan (8‰). Tại An Giang, Tỷ suất tử vong trẻ dưới 01 tuổi và trẻ dưới 05 tuổi trong năm 2023 lần lượt là 3,21‰ và 4,37‰. Nguyên nhân tử vong trẻ em và trẻ sơ sinh được ghi nhận chủ yếu là do sơ sinh nhẹ cân, non tháng, tim bẩm sinh, bại não, đuối nước, tai nạn thương tích... Nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho trẻ em và giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi, đồng thời thực hiện Chỉ thị số 05/CT-BYT ngày 26/6/2024 của Bộ Y tế về việc tăng cường chăm sóc sức khỏe trẻ em nhằm giảm tử vong trẻ em dưới 5 tuổi, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, đoàn thể và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện tốt các nội dung sau:

1. Sở Y tế: Chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh củng cố, nâng cao năng lực xử trí cấp cứu và hồi sức sơ sinh; thực hiện các can thiệp chuyên môn về chăm sóc thiết yếu bà mẹ và trẻ sơ sinh trong và ngày sau đẻ thường/mổ đẻ, chăm sóc trẻ bằng phương pháp Kangaroo theo hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế; tăng cường khám sức khỏe định kỳ cho trẻ em, trong đó sử dụng rộng rãi và hiệu quả Sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em phiên bản giấy và phiên bản điện tử; tăng cường phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em dưới 05 tuổi; triển khai tiêm chủng các vắc xin cho các đối tượng thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng đảm bảo đạt tỷ lệ, an toàn, hiệu quả; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, liên thông, kết nối các nền tảng cơ sở dữ liệu về sức khỏe để quản lý sức khỏe trẻ em; giám sát các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập và ngoài công lập trên địa bàn trong việc thực hiện các giải pháp, các can thiệp chuyên môn về chăm sóc, cấp cứu sơ sinh, chăm sóc sức khỏe trẻ em; thực hiện chế độ báo cáo theo quy định của Bộ Y tế.

2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Tăng cường các hoạt động phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em nhằm giảm tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 05 tuổi có liên quan đến tai nạn thương tích trẻ em; chủ trì phối hợp với địa phương xây dựng kế hoạch, tăng cường các hoạt động tuyên truyền, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng phòng, chống chống tai nạn thương tích, phòng chống đuối nước trẻ em cho đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em ở các cấp, cha mẹ, người chăm sóc trẻ em và cho chính trẻ em; chỉ đạo tiếp tục nhấn rộng thực hiện mô hình “Ngôi nhà an toàn, phòng chống tai nạn thương tích trẻ em”, “Trường học an toàn”, “Cộng đồng an toàn”...

3. Sở Giáo dục và Đào tạo: Triển khai các hoạt động về phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước cho học sinh, trẻ em; tăng cường truyền thông giáo dục, đổi mới phương pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, phụ huynh, nhất là học sinh về kiến thức, kỹ năng phòng chống đuối nước trẻ em, phòng chống tai nạn thương tích theo tài liệu liên quan của ngành giáo dục đào tạo đã ban hành

4. Sở Thông tin và Truyền thông: Định hướng, chỉ đạo các cơ quan báo chí, truyền hình, Cổng thông tin điện tử tỉnh An Giang và hệ thống thông tin cơ sở tăng cường phối hợp với ngành Y tế triển khai các hoạt động thông tin, tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh ở trẻ em; lợi ích của việc tiêm vắc xin phòng bệnh và vận động người dân đưa trẻ di tiêm vắc xin phòng bệnh trong Chương trình tiêm chủng mở rộng đảm bảo đủ mũi và đúng lịch; cảnh báo về tình hình tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em, tai nạn giao thông, ngộ độc thực phẩm...; tuyên truyền cho người dân thường xuyên quan tâm, giám sát con em mình; đặc biệt trong dịp học sinh nghỉ hè, mùa mưa bão.

5. Sở Tài chính: Căn cứ khả năng cân đối, phối hợp với Sở Y tế và các cơ quan, đơn vị và địa phương có liên quan tham mưu cơ quan có thẩm quyền bố trí nguồn kinh phí thực hiện các hoạt động liên quan đến việc tăng cường chăm sóc sức khỏe trẻ em nhằm giảm tử vong trẻ em dưới 05 tuổi lồng ghép trong nhiệm vụ chi thường xuyên thực hiện các Chương trình, Kế hoạch, dự án,... của các cơ quan, đơn vị và địa phương theo quy định phân cấp của Luật NSNN.

6. UBND các huyện, thị xã, thành phố: Chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể địa phương tăng cường triển khai thực hiện các biện pháp nhằm giảm tử vong trẻ em dưới 05 tuổi; cân đối bố trí ngân sách địa phương và vận động từ các nguồn hợp pháp khác để tăng cường thực hiện các giải pháp can thiệp, các chỉ tiêu giảm tử vong trẻ em trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố theo phân cấp của Luật NSNN.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị nêu trên tổ chức thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- TT. TU, UBND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- UBND huyện, thị xã, thành phố;
- LĐ VP.UBND tỉnh;
- Cổng TTĐT tỉnh;
- Phòng: KGVX, TH;
- Lưu: HC-TC.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Văn Phước

 

2
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ