Thứ 5, Ngày 14/11/2024

Kế hoạch 256/KH-UBND năm 2024 thực hiện Chương trình “Can thiệp giảm tử vong trẻ em dưới 5 tuổi đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh

Số hiệu 256/KH-UBND
Ngày ban hành 05/11/2024
Ngày có hiệu lực 05/11/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Ninh
Người ký Nguyễn Thị Hạnh
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 256/KH-UBND

Quảng Ninh, ngày 05 tháng 11 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH “CAN THIỆP GIẢM TỬ VONG TRẺ EM DƯỚI 5 TUỔI ĐẾN NĂM 2030” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NINH

Thực hiện Quyết định số 1493/QĐ-TTg ngày 10/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình “Can thiệp giảm tử vong trẻ em dưới 5 tuổi đến năm 2030”. Theo đề nghị của Sở Y tế tại Tờ trình số 4765/TTr-SYT ngày 21/10/2024, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình “Can thiệp giảm tử vong trẻ em dưới 5 tuổi đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung: Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội trong việc thực hiện các can thiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe và cứu sống trẻ em; đồng thời tăng cường năng lực hệ thống y tế, nâng cao khả năng tiếp cận, sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe trẻ em có chất lượng; thúc đẩy các can thiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe trẻ em nhằm giảm tử vong trẻ em dưới 5 tuổi đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

2. Mục tiêu cụ thể

2.1. Giảm tử vong trẻ sơ sinh, trẻ em dưới 1 tuổi và trẻ em dưới 5 tuổi nhằm thu hẹp khoảng cách giữa các địa phương về tiếp cận, sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe trẻ em có chất lượng.

- Giảm tỷ suất tử vong trẻ sơ sinh xuống dưới 9‰ vào năm 2025 và dưới 8‰ vào năm 2030.

- Giảm tỷ suất tử vong trẻ dưới 1 tuổi xuống dưới 12,5‰ vào năm 2025 và dưới 10‰ vào năm 2030.

- Giảm tỷ suất tử vong trẻ dưới 5 tuổi xuống dưới 18,5‰ vào năm 2025 và dưới 15‰ vào năm 2030.

2.2. Tăng cường năng lực hệ thống y tế, nâng cao khả năng tiếp cận trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em bao gồm cả dự phòng và điều trị trên địa bàn tỉnh.

- Tỷ lệ phụ nữ đẻ được người đỡ đẻ có kỹ năng hỗ trợ đạt trên 98% vào năm 2025 và đạt trên 99% vào năm 2030.

- Tỷ lệ trẻ có cân nặng sơ sinh dưới 2.500 gram xuống dưới 8% vào năm 2025 và dưới 6% vào năm 2030.

- Tỷ lệ trẻ sơ sinh được chăm sóc sơ sinh thiết yếu sớm đạt trên 80% vào năm 2025 và đạt trên 90% vào năm 2030.

- Tỷ lệ trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ đạt trên 95% vào năm 2025 và duy trì đến năm 2030.

- Tỷ lệ trẻ từ 0-59 tháng tuổi viêm phổi được điều trị bằng kháng sinh đạt trên 90% vào năm 2025 và đạt trên 95% vào năm 2030.

- Giảm tỷ suất tử vong do tai nạn, thương tích ở trẻ dưới 5 tuổi xuống dưới 10/100.000 vào năm 2025 và xuống dưới 8/100.000 vào năm 2030.

2.3. Giao chỉ tiêu, và tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ, thực thi các chính sách nhằm tạo môi trường xã hội thuận lợi và tăng cường nguồn lực đầu tư cho công tác chăm sóc sức khỏe trẻ em.

- 100% Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố đưa mục tiêu giảm tử vong trẻ em dưới 5 tuổi vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương vào năm 2025 và duy trì đến năm 2030;

- 100% Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố có bố trí ngân sách để thực hiện các mục tiêu của Chương trình vào năm 2025 và đạt 100% vào năm 2030;

- 100% huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện các dịch vụ y tế cơ bản về dự phòng và chăm sóc, nâng cao sức khỏe bà mẹ, trẻ em vào năm 2025 và đạt 100% vào năm 2030;

- 100% cơ sở khám chữa bệnh cấp huyện có giải pháp (hoặc được thụ hưởng chính sách) thu hút cán bộ chuyên ngành sản/nhi công tác tại y tế cơ sở vào năm 2025 và duy trì đến năm 2030;

- 100% các địa phương, sở, ngành liên quan có triển khai chương trình về phòng chống tai nạn thương tích ở trẻ em vào năm 2025 và duy trì đến năm 2030.

2.4. Nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân, thúc đẩy thực hành đúng về các can thiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe và cứu sống trẻ em của gia đình và cộng đồng.

- Trên 70% cha mẹ, người chăm sóc trẻ nhận biết được các dấu hiệu nguy hiểm ở trẻ sơ sinh vào năm 2025 và đạt trên 80% vào năm 2030;

- Tỷ lệ bà mẹ thực hành cho trẻ bú sớm đạt trên 80% vào năm 2025 và đạt trên 90% vào năm 2030;

- Đến năm 2025 tăng trên 15% tỷ lệ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và tăng 15% tỷ lệ tiếp tục bú mẹ đến 24 tháng so với năm 2020, đến năm 2030 tăng 25% tỷ lệ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và tăng 20% tỷ lệ tiếp tục bú mẹ đến 24 tháng so với năm 2020;

- Trên 80% cha mẹ, người chăm sóc trẻ nhận biết được các dấu hiệu viêm phổi ở trẻ em vào năm 2025 và tăng lên trên 90% vào năm 2030;

[...]