Chỉ thị 04/2015/CT-CA thực hiện việc chuyển giao thẩm quyền xét xử theo Nghị quyết 81/2014/QH13, Nghị quyết 956/NQ-UBTVQH13 và Nghị quyết 957/NQ-UBTVQH13 do Tòa án nhân dân tối cao ban hành

Số hiệu 04/2015/CT-CA
Ngày ban hành 29/05/2015
Ngày có hiệu lực 08/06/2015
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tòa án nhân dân tối cao
Người ký Trương Hòa Bình
Lĩnh vực Thủ tục Tố tụng

TÒA ÁN NHÂN DÂN
TỐI CAO
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 04/2015/CT-CA

Hà Nội, ngày 29 tháng 5 năm 2015

 

CHỈ THỊ

VỀ THỰC HIỆN VIỆC CHUYỂN GIAO THẨM QUYỀN XÉT XỬ THEO NGHỊ QUYẾT SỐ 81/2014/QH13 CỦA QUỐC HỘI, NGHỊ QUYẾT SỐ 956/NQ-UBTVQH13 VÀ NGHỊ QUYẾT SỐ 957/NQ-UBTVQH13 CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

Để thi hành Luật tổ chức Tòa án nhân năm 2014[1], ngày 24-11-2014, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 81/2014/QH13 “Về việc thi hành Luật tổ chức Tòa án nhân dân”. Tại Điều 2 Nghị quyết đã xác định cụ thể việc chuyển giao thẩm quyền xét xử từ ngày 01-6-2015 giữa Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao với Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao được thành lập theo Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014; giữa các Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao, Tòa hình sự, dân sự, kinh tế, lao động, hành chính Tòa án nhân dân tối cao, các Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương với các Tòa án nhân dân cấp cao, Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao; xác định thẩm quyền xét xử của các Tòa án quân sự; xác định thẩm quyền kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Chánh án Tòa án quân sự trung ương; xác định thẩm quyền xem xét, giải quyết đơn khiếu nại, đề nghị xem xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật được thụ lý trước ngày 01-6-2015 nhưng chưa được xem xét, giải quyết.

Ngày 28-5-2015, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 956/NQ-UBTVQH13 phê chuẩn đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về tổ chức bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn của các đơn vị trong bộ máy giúp việc của Tòa án nhân dân tối cao; Nghị quyết số 957/NQ-UBTVQH13[2] thành lập Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội[3], Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng[4] và Tòa án nhân dân cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh[5].

Thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội; để bảo đảm hoạt động của các Tòa án trong quá trình chuyển giao, tránh việc thất lạc, mất mát hồ sơ, tài liệu và tài sản, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao yêu cầu:

1. Về trụ sở của các Tòa án nhân dân cấp cao:

Trước mắt, trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội là trụ sở của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội (địa chỉ: số 262 Đội Cấn, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội); trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng là trụ sở Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng (địa chỉ: 372 Núi Thành, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng); trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao là trụ sở Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh (địa chỉ: 124 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh).

2. Về công tác tổ chức, cán bộ:

Trước mắt, giữ nguyên tổ chức bộ máy của các Tòa phúc thẩm và tạm thời phân công cán bộ, Thẩm phán của các Tòa phúc thẩm thực hiện công tác hành chính tư pháp của Tòa án nhân dân cấp cao, tiến hành các công việc khác để tiếp nhận hồ sơ, đơn khiếu nại, đề nghị xem xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, chuẩn bị cho việc thực hiện các nhiệm vụ, thẩm quyền khác của Tòa án cấp cao khi có quyết định của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc bổ nhiệm Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, thành lập và quy định nhiệm vụ, quyền hạn của bộ máy giúp việc của Tòa án nhân dân cấp cao.

Vụ Tổ chức - Cán bộ căn cứ vào các điều 2, 3, 4, và 6 của Nghị quyết số 957/NQ-UBTVQH13; Điều 30 và 34 của Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, khẩn trương đề xuất việc thành lập các đơn vị giúp việc, nhiệm vụ, quyền hạn của bộ máy giúp việc trong Tòa án nhân dân cấp cao; sớm hoàn thiện thủ tục đề xuất bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý trong từng Tòa án nhân dân cấp cao theo đúng quy trình công tác cán bộ; đề xuất phân bổ biên chế, bố trí Thẩm phán, biên chế cán bộ cho từng Tòa án nhân dân cấp cao và báo cáo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trước ngày 10-6-2015.

3. Về bảo đảm cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động cho các Tòa án nhân dân cấp cao và đơn vị thành lập mới thuộc bộ máy giúp việc của Tòa án nhân dân tối cao:

Giao Văn phòng Tòa án nhân dân tối cao phối hợp với Vụ Kế hoạch - Tài chính tiến hành việc kiểm kê cơ sở vật chất của từng đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao, tình hình cấp phát kinh phí cho từng đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao trong năm 2015; trên cơ sở kết quả kiểm kê, xây dựng phương án chuyển giao và tiếp nhận cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động giữa các Tòa phúc thẩm và Tòa chuyên trách của Tòa án nhân dân tối cao với các Tòa án nhân dân cấp cao; đề xuất kế hoạch cấp bổ sung để bảo đảm điều kiện hoạt động cho các Tòa án nhân dân cấp cao; đề xuất kế hoạch bố trí trụ sở làm việc, kinh phí hoạt động cho các Vụ Giám đốc, kiểm tra của Tòa án nhân dân tối cao.

4. Về công tác nghiệp vụ và việc chuẩn bị bàn giao hồ sơ, tài liệu các vụ án:

Từ ngày 01-6-2015 cho đến khi hình thành được tổ chức bộ máy của Tòa án nhân dân cấp cao theo Nghị quyết số 957/NQ-UBTVQH13 và Điều 30 của Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 thì việc chuyển giao, tiếp nhận hồ sơ, tài liệu các vụ án thực hiện như sau:

a) Các Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiến hành rà soát, phân loại, lập bảng kê đơn đề nghị, hồ sơ giám đốc thẩm, tái thẩm và tùy từng trường hợp cụ thể để xử lý như sau:

Trường hợp đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đã được xem xét và bản án, quyết định đã bị kháng nghị thuộc thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm của Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nhưng chưa xét xử thì lập danh sách kèm theo hồ sơ có đánh số bút lục để chuyển cho Tòa án nhân dân cấp cao giải quyết theo khoản 6 Điều 2 Nghị quyết số 81/2014/QH13.

Trường hợp đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đã được xem xét và đã có văn bản trả lời về việc không kháng nghị thì phải chuyển trả hồ sơ có đánh số bút lục cho Tòa án nơi đã gửi hồ sơ.

Trường hợp đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đã được Tòa án thụ lý nhưng chưa được xem xét thì chuyển đơn đề nghị cho người có thẩm quyền kháng nghị theo khoản 4 Điều 2 Nghị quyết số 81/2014/QH13; nếu đã tiến hành việc lấy hồ sơ để nghiên cứu thì phải chuyển trả hồ sơ có đánh số bút lục cho Tòa án nơi đã gửi hồ sơ.

b) Các Tòa chuyên trách, Ban thư ký, Ban thanh tra Tòa án nhân dân tối cao rà soát, phân loại, lập bảng kê đơn đề nghị, hồ sơ giám đốc thẩm, tái thẩm và tùy từng trường hợp cụ thể để xử lý như sau:

Đối với đơn đề nghị đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đã thụ lý, được xem xét và bản án, quyết định đã bị kháng nghị thuộc thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao nhưng chưa xét xử thì lập danh sách kèm theo hồ sơ có đánh số bút lục để chuyển cho Vụ Giám đốc, kiểm tra về hình sự, hành chính, Vụ Giám đốc kiểm tra về dân sự, kinh doanh - thương mại hoặc Vụ Giám đốc, kiểm tra về lao động, gia đình và người chưa thành niên ngay sau khi có quyết định thành lập để triển khai việc nghiên cứu để báo cáo Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thành lập theo Luật tổ chức Tòa án năm 2014.

Đối với đơn đề nghị đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đã thụ lý, được xem xét và bản án, quyết định đã bị kháng nghị thuộc thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa chuyên trách Tòa án nhân dân tối cao nhưng chưa xét xử thì lập danh sách kèm theo hồ sơ có đánh số bút lục để chuyển cho Tòa án nhân dân cấp cao theo khoản 11 Điều 2 Nghị quyết số 81/2014/QH13.

Trường hợp đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đã được xem xét và đã có văn trả lời về việc không kháng nghị thì phải chuyển trả hồ sơ có đánh số bút lục cho Tòa án nơi đã gửi hồ sơ.

Đối với đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đã được thụ lý nhưng chưa được xem xét thì lập bảng kê kèm theo đơn đề nghị chuyển cho người có thẩm quyền kháng nghị theo khoản 4 Điều 2 Nghị quyết số 81/2014/QH13; nếu đã tiến hành việc lấy hồ sơ để nghiên cứu thì phải chuyển hồ sơ có đánh số bút lục cho Vụ Giám đốc, kiểm tra của Tòa án nhân dân tối cao (nếu thẩm quyền kháng nghị thuộc Chánh án Tòa án nhân dân tối cao) hoặc Tòa án nhân dân cấp cao (nếu thẩm quyền kháng nghị thuộc Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao). Trường hợp vụ việc có kiến nghị, văn bản kiến nghị thuộc trường hợp nêu tại tiểu mục 8.1 mục 8 Thông báo số 12/TBB-TANDTC-TK ngày 24-10-2014[6] thì báo cáo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xem xét, giải quyết.

c) Việc bàn giao, tiếp nhận hồ sơ, tài liệu các vụ án giữa các Tòa án và các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao phải được lập thành biên bản, có chữ ký của bên bàn giao và bên nhận bàn giao.

d) Các Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tạm dừng việc xét xử phúc thẩm nhưng vẫn phải phân công cán bộ, Thẩm phán tiếp nhận, thụ lý hồ sơ mới; tiếp tục nghiên cứu hồ sơ đã được thụ lý để chuẩn bị cho việc xét xử phúc thẩm khi các Thẩm phán được Chủ tịch nước bổ nhiệm làm Thẩm phán cao cấp.

Đối với các hồ sơ vụ án có kháng cáo, kháng nghị, khi thụ lý phải kiểm tra việc áp dụng biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự (đặc biệt là biện pháp tạm giam), việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính; nếu phát hiện có trường hợp cần thay đổi, hủy bỏ hoặc tiếp tục ra lệnh áp dụng biện pháp ngăn chặn hoặc trường hợp cần thay đổi, hủy bỏ ngay biện pháp khẩn cấp tạm thời thì báo cáo Chánh án Chánh án Tòa án nhân dân tối cao để xem xét, giải quyết.

đ) Chánh án Tòa án quân sự trung ương chỉ đạo việc chuyển giao nhiệm vụ, thẩm quyền; bàn giao, tiếp nhận hồ sơ, tài liệu các vụ án giữa các Tòa án quân sự.

5. Về một số công tác hành chính, tư pháp khác:

[...]