Chỉ thị 04/2014/CT-UBND nâng cao hiệu quả công tác ngành tư pháp trên địa bàn tỉnh Kon Tum

Số hiệu 04/2014/CT-UBND
Ngày ban hành 18/07/2014
Ngày có hiệu lực 28/07/2014
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Kon Tum
Người ký Nguyễn Hữu Hải
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 04/2014/CT-UBND

Kon Tum, ngày 18 tháng 07 năm 2014

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC NGÀNH TƯ PHÁP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM

Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự nỗ lực của ngành Tư pháp, công tác Tư pháp trên địa bàn tỉnh đã được triển khai đồng bộ, bám sát theo chỉ đạo của cấp ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và cơ quan Tư pháp cấp trên, Các mặt công tác Tư pháp đã có những bước chuyển biến tích cực. Đội ngũ cán bộ làm công tác Tư pháp đã được củng cố, kiện toàn một bước, ngành Tư pháp đã kịp thời tham mưu cho cấp ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các giải pháp quan trọng nhằm đẩy mạnh cải cách thể chế, hoàn thiện môi trường pháp lý cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác Tư pháp trong thời gian qua vẫn còn một số hạn chế cần được khắc phục: Tổ chức, bộ máy cơ quan Tư pháp cấp tỉnh, cấp huyện chậm được củng cố kiện toàn, nhất là trên các lĩnh vực: theo dõi thi hành pháp luật, trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, lý lịch tư pháp, pháp chế; cán bộ Tư pháp cấp xã thường xuyên thay đổi, luân chuyển và còn một tỷ lệ không nhỏ chưa đạt chuẩn theo quy định. Chất lượng thẩm định các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật còn hạn chế. Công tác theo dõi thi hành pháp luật chưa đi vào chiều sâu. Chất lượng hoạt động của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật chưa cao. Trợ giúp pháp lý trong tố tụng chưa được tiến hành thường xuyên: việc đăng ký, quản lý hộ tịch còn xảy ra sai sót; công tác tham mưu, quản lý nhà nước đối với hoạt động của luật sư và tổ chức hành nghề luật sư còn hạn chế.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác Tư pháp trong thời gian tới, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:

1. Sở Tư pháp:

- Căn cứ phương hướng, nhiệm vụ được nêu trong Báo cáo số 279-BC/TU ngày 17/9/2013 của Tỉnh ủy “Về tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TU ngày 01/8/2003 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng nhằm nâng cao hiệu quả của ngành Tư pháp”: Chương trình trọng tâm công tác cải cách tư pháp giai đoạn 2012-2016 (Chương trình số 30-CTr/TU ngày 22/5/2012 của Tỉnh ủy) chủ động phối hợp với các đơn vị, địa phương có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh giải pháp triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung yêu cầu tại Báo cáo và Chương trình nêu trên.

- Tổ chức sắp xếp, bố trí cán bộ, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các phòng, đơn vị trực thuộc Sở. Thực hiện tốt các nhiệm vụ về xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật gắn với cải cách thủ tục hành chính; thực hiện quyết liệt, tạo bước đột phá trong công tác xây dựng, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật. Kết hợp có hiệu quả giữa công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật với kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử lý và rà soát văn bản quy phạm pháp luật, kịp thời phát hiện, kiến nghị xử lý các văn bản chồng chéo, mâu thuẫn nhằm đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống văn bản pháp luật của địa phương.

- Nâng cao hiệu quả công tác hành chính tư pháp, thực hiện đúng quy định, thủ tục, trình tự đối với công tác đăng ký và quản lý hộ tịch trong nước và có yếu tố nước ngoài. Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh giải quyết con nuôi có yếu tố nước ngoài, đảm bảo thực thi cam kết trong Công ước LaHay trên địa bàn tỉnh. Tăng cường kiểm tra công tác hộ tịch cấp huyện và cấp xã, trong đó chú trọng kiểm tra công tác đăng ký việc nuôi con nuôi tại cấp xã theo Luật Nuôi con nuôi. Hướng dẫn nghiệp vụ cho cấp huyện và cấp xã trong công tác đăng ký và quản lý hộ tịch; kịp thời chấn chỉnh ngay những sai sót, yếu kém, đưa công tác hộ tịch trên địa bàn tỉnh đi vào nề nếp.

- Đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp; cấp phiếu lý lịch tư pháp đảm bảo trình tự, thời hạn theo quy định. Phối hợp các cơ quan có liên quan giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện có hiệu quả công tác bồi thường nhà nước. Tiếp tục triển khai có hiệu quả Luật quốc tịch. Có Kế hoạch cụ thể trong việc xử lý người không quốc tịch trên địa bàn tỉnh (các trường hợp không đủ điều kiện theo quy định tại Điều 22. Luật quốc tịch)

- Xây dựng kế hoạch phát triển mạng lưới hành nghề Công chứng theo Đề án quy hoạch mạng lưới hành nghề Công chứng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Cử cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo nghề Công chứng viên để tạo nguồn Công chứng viên bổ sung cho các Phòng Công chứng. Thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác của các Công chứng viên giữa các Phòng công chứng theo quy định. Tiếp tục nghiên cứu, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh giao thẩm quyền công chứng các hợp đồng, giao dịch về bất động sản cho các tổ chức hành nghề công chứng. Đẩy mạnh kiểm tra công tác công chứng, chứng thực, đảm bảo đúng quy định của Luật Công chứng, Nghị định số 79/2007/NĐ-CP ngày 18/5/2007 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và Nghị định số 04/2012/NĐ-CP ngày 20/01/2012 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 5 về thẩm quyền và trách nhiệm chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký của Nghị định số 79/2007/NĐ-CP ngày 18/5/2007 của Chính phủ; chứng thực bản sao từ bản chính chứng thực chữ ký và các văn bản hướng dẫn thi hành.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan tham mưu Ban chỉ đạo thực hiện Đề án đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp. Triển khai thực hiện có hiệu quả Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư và Chiến lược phát triển đội ngũ luật sư đến năm 2020 để được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tăng cường năng lực hoạt động của Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản, đồng thời tăng cường kiểm tra, thanh tra hoạt động của các tổ chức hành nghề bán đấu giá.

- Đẩy mạnh công tác trợ giúp pháp lý, chú trọng trợ giúp pháp lý lưu động đến vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nâng cao chất lượng trợ giúp pháp lý trong tố tụng để bảo vệ quyền lợi của người được trợ giúp pháp lý là người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự; đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động trợ giúp pháp lý. Tăng cường việc hướng dẫn công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; gắn công tác phổ biến giáo dục pháp luật với trợ giúp pháp lý;

- Phối hợp với Sở Nội vụ và các đơn vị - địa phương có liên quan:

+ Kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ làm công tác tư pháp. Hướng dẫn các cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân tỉnh, các doanh nghiệp nhà nước thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế;

+ Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh mở lớp Trung cấp luật để đào tạo cho công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã chưa đạt chuẩn về trình độ chuyên môn trong năm 2015;

+ Tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ Tư pháp cho công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã, đặc biệt đối với cán bộ mới được bố trí; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của ngành.

2. Sở Nội vụ

- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét cân đối, bố trí biên chế để thành lập các Phòng Pháp chế tại các sở, ngành, đơn vị theo đúng quy định tại Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ về việc quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế (khi tỉnh được giao biên chế) và bố trí biên chế sự nghiệp cho các đơn vị thuộc Sở Tư pháp theo Đề án vị trí việc làm khi được Bộ Nội vụ phê duyệt.

- Hướng dẫn các huyện, thành phố rà soát, củng cố và tăng cường đội ngũ cán bộ làm công tác Tư pháp cấp huyện, cấp xã bảo đảm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao, Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh phân bổ chỉ tiêu biên chế cho Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố để bố trí về các Phòng Tư pháp (khi tỉnh được giao biên chế)

- Căn cứ Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt năm 2014, phối hợp Sở Tư pháp tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ Tư pháp cấp xã.

3. Sở Tài chính

- Hàng năm, trên cơ sở dự trù kinh phí của các ngành, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí phục vụ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và xây dựng, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật; theo dõi tình hình thi hành pháp luật cho các sở, ngành. Hướng dẫn các sở, ngành lập, thanh, quyết toán kinh phí theo quy định hiện hành. Phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Nội vụ tham mưu Ủy ban nhân dân mở lớp Trung cấp Luật vào năm 2015

4. Các sở, ban, ngành

- Căn cứ chức năng, nhiệm vụ quyền hạn được giao, phối hợp chặt chẽ với Sở Tư pháp để thực hiện tốt công tác Tư pháp trên địa bàn.

- Củng cố, kiện toàn tổ chức pháp chế để thực hiện nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật; theo dõi tình hình thi hành pháp luật, xây dựng, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành theo đúng tiến độ được xác định tại Quyết định số 453/QĐ-UBND ngày 27/6/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Đề án kiện toàn tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức pháp chế. Việc tuyển dụng, bố trí nhân sự làm công tác pháp chế phải đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định tại Điều 12, Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ.

- Tổ chức tiếp nhận, tổng hợp, giáo dục và xử lý các thông tin về tình hình thi hành pháp luật trong ngành, lĩnh vực quản lý do các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân cung cấp: cung cấp các thông tin, báo cáo liên quan đến đánh giá, sơ kết, tổng kết thi hành pháp luật của ngành, lĩnh vực gửi Sở Tư pháp tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Tư pháp theo thời gian quy định.

- Chủ động cân đối dự toán được Ủy ban nhân dân tỉnh giao hàng năm đảm bảo kinh phí cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, công tác xây dựng, rà soát, hệ thống hóa pháp luật, theo dõi thi hành pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành.

[...]