Chỉ thị 04/2008/CT-UBND về tăng cường các hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá trên địa bàn thành phố Cần Thơ do Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ ban hành

Số hiệu 04/2008/CT-UBND
Ngày ban hành 21/01/2008
Ngày có hiệu lực 31/01/2008
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Thành phố Cần Thơ
Người ký Tô Minh Giới
Lĩnh vực Thể thao - Y tế,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
-----

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------

Số: 04/2008/CT-UBND

Cần Thơ, ngày 21 tháng 01 năm 2008

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÁC HOẠT ĐỘNG PHÒNG, CHỐNG TÁC HẠI CỦA THUỐC LÁ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Thuốc lá là nguyên nhân của nhiều loại bệnh nguy hiểm gây chết người như ung thư phổi, nhồi máu cơ tim, xơ vữa động mạch... Theo dự báo của Tổ chức Y tế thế giới vào năm 2020 số người chết do thuốc lá gây ra sẽ nhiều hơn tổng số người chết do HIV/AIDS, lao, tai nạn giao thông đường bộ và nếu không có các biện pháp ngăn chặn kịp thời, sẽ có khoảng 10% dân số Việt Nam bị chết sớm do các bệnh có liên quan đến sử dụng thuốc lá.

Ngày 14 tháng 8 năm 2000, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 12/2000/NQ-CP về “Chính sách quốc gia phòng, chống tác hại của thuốc lá giai đoạn từ năm 2000 đến năm 2010”. Sau 6 năm thực hiện Nghị quyết, cộng đồng nhận thức và hiểu rõ hơn về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe, ngày càng có nhiều người dân tự nguyện bỏ thói quen hút thuốc lá. Tuy nhiên kết quả công tác phòng, chống tác hại thuốc lá còn hạn chế. Thành phố Cần Thơ trong những năm qua đã thực hiện cuộc vận động không hút thuốc lá và các quy định về cấm hút thuốc lá và quảng cáo thuốc lá nhưng tỷ lệ người hút thuốc lá, hút thuốc lá nơi công cộng vẫn còn cao, kéo theo số lượng không nhỏ người tiếp xúc thuốc lá thụ động với khói thuốc lá, đặc biệt đối tượng trẻ em và học sinh hút thuốc lá có chiều hướng gia tăng. Nguyên nhân là do công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe về phòng, chống tác hại của thuốc lá chưa được tiến hành thường xuyên, chưa đủ mạnh, chưa có sức thuyết phục cao, người dân chưa nhận thức đúng mức về tác hại của thuốc lá. Ngoài ra vấn đề quảng cáo, tiếp thị thuốc lá, quản lý bán lẻ và bán buôn thuốc lá vẫn còn nhiều tồn tại cần giải quyết.

Để tăng cường hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá, phấn đấu đến năm 2020 đạt mục tiêu đề ra trong Chính sách quốc gia phòng, chống tác hại của thuốc lá, đồng thời thực hiện tốt Chỉ thị số 12/2007/CT-TTg ngày 10 tháng 5 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá, Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo các sở, ban ngành thành phố, Ủy ban nhân dân quận, huyện triển khai thực hiện những công việc sau:

1. Sở Y tế có trách nhiệm:

- Là cơ quan đầu mối, phối hợp với các sở, ban ngành, đoàn thể trong việc triển khai thực hiện Chương trình phòng, chống tác hại của thuốc lá theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế; tổ chức truyền thông giáo dục sức khỏe về phòng, chống tác hại của thuốc lá và các biện pháp cai nghiện thuốc lá để triển khai trong cộng đồng; thường xuyên tiến hành kiểm tra, thanh tra; đánh giá, tổng kết và định kỳ hàng năm báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố kết quả công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá;

- Chủ trì, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Văn hóa - Thông tin kiểm tra việc thực hiện in nội dung lời cảnh báo sức khỏe trên mặt chính mỗi vỏ bao thuốc lá theo thời hạn quy định tại Chỉ thị số 12/2007/CT-TTg.

- Phối hợp với Thanh tra các sở, ban ngành và các đơn vị có liên quan thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định tại Điều 16 Nghị định số 45/2005/NĐ-CP ngày 06 tháng 4 năm 2005 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế;

- Chủ trì và phối hợp cơ quan, đơn vị có liên quan lồng ghép hoạt động truyền thông phòng, chống tác hại của thuốc lá vào các chương trình chăm sóc sức khỏe và chương trình xã hội khác như: chăm sóc sức khỏe sinh sản; phòng chống HIV/AIDS; xây dựng Làng Văn hóa sức khỏe.

2. Sở Văn hóa - Thông tin:

- Chỉ đạo cơ quan thông tin đại chúng và thông tin cơ sở đẩy mạnh công tác thông tin, giáo dục truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá nhằm thay đổi hành vi hút thuốc lá; có biện pháp hạn chế tối đa việc sử dụng hình ảnh thuốc lá trên hoặc trong các tác phẩm nghệ thuật;

- Chỉ đạo các cơ quan chức năng thuộc sở kiểm soát chặt chẽ việc cấm quảng cáo thuốc lá và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các tổ chức, cá nhân vi phạm.

3. Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:

- Tuyên truyền, phổ biến nội dung phòng, chống tác hại của thuốc lá cho học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, trường dạy nghề và các trường phổ thông phù hợp với yêu cầu của từng đối tượng;

- Đẩy mạnh công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá trong các cơ sở giáo dục; xây dựng các cơ sở giáo dục không thuốc lá; phát động và duy trì thường xuyên phong trào thi đua không hút thuốc lá trong các cơ sở giáo dục.

4. Sở Thương mại:

- Kiểm soát chặt chẽ việc kinh doanh bán buôn hoặc đại lý bán buôn sản phẩm thuốc lá theo quy định hiện hành; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về khuyến mại, tiếp thị và kinh doanh các sản phẩm thuốc lá.

- Phối hợp các cơ quan chức năng đề xuất các biện pháp và tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác chống buôn lậu thuốc lá, thuốc lá giả, thuốc lá nhái nhãn mác, thuốc lá kém chất lượng và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định pháp luật; xây dựng và chỉ đạo thực hiện phương án tiêu hủy triệt để thuốc lá nhập lậu, thuốc lá giả, thuốc lá nhái nhãn mác, thuốc lá kém chất lượng.

5. Sở Công nghiệp:

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc tổ chức sắp xếp lại các doanh nghiệp sản xuất thuốc lá điếu phù hợp với quy hoạch; tăng cường quản lý đầu tư, nhập khẩu và sử dụng thiết bị sản xuất thuốc lá, giấy cuốn thuốc lá điếu, nguyên liệu thuốc lá và sản phẩm thuốc lá theo quy định hiện hành.

6. Sở Tài chính:

Đề xuất việc cân đối, bảo đảm tài chính cho các hoạt động của chương trình phòng, chống tác hại của thuốc lá trong dự toán chi ngân sách nhà nước hàng năm của các sở, ngành, địa phương có liên quan theo chế độ quy định và phân cấp ngân sách hiện hành;

7. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

- Phối hợp với Sở Công nghiệp và các cơ quan liên quan quản lý việc đầu tư, sản xuất của các Công ty, xí nghiệp thuốc lá theo quy định của Chính phủ; chủ động đề xuất các biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật đối với các cơ sở liên doanh hợp tác sản xuất với nước ngoài vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá;

8. Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em: tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền về phòng, chống tác hại của thuốc lá đối với trẻ em, phụ nữ mang thai. Huy động gia đình, nhà trường và xã hội tham gia ngăn ngừa trẻ em mua, bán và sử dụng thuốc lá.

9. Đài Phát thanh - Truyền hình, Đài Phát thanh và Báo Cần Thơ:

- Phối hợp với cơ quan truyền thông tăng thời lượng phát sóng và đăng tải thông tin về phòng, chống tác hại của thuốc lá, các biện pháp cai nghiện thuốc lá, phổ biến rộng rãi các quy định cấm hút thuốc lá ở nơi làm việc và nơi công cộng trong nhà theo đúng hướng dẫn tại Chỉ thị số 12/2007/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

[...]