Chỉ thị 04/2004/CT-BTC về tăng cường công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong ngành tài chính do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 04/2004/CT-BTC
Ngày ban hành 06/04/2004
Ngày có hiệu lực 06/04/2004
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Nguyễn Sinh Hùng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 04/2004/CT-BTC

Hà Nội, ngày 06 tháng 4 năm 2004

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ TRONG NGÀNH TÀI CHÍNH

Thực hiện Pháp lệnh số 02/1998/PL-UBTVQH10 ngày 26/2/1998 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và Nghị định số 38/1998/NĐ-CP ngày 9/6/1998 của Chính phủ về việc quy định chi tiết Pháp lệnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính đã có Chỉ thị số 09/BCS ngày 14/6/2001; Bộ trưởng Bộ Tài chính đã có Chỉ thị số 10/CT-BTC ngày 27/12/2001 về việc đẩy mạnh việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong ngành tài chính.

Trong những năm qua, cùng với việc tăng cường công tác kiểm tra thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Bộ Tài chính đã triển khai nhiều cơ chế chính sách nhằm đẩy mạnh việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí như: thực hiện cơ chế khoán biên chế, khoán kinh phí hoạt động đối với các hệ thống Thuế, Kho bạc Nhà nước, Tổng cục Hải quan; Giao quyền tự chủ tài chính cho các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ; Đẩy mạnh việc phân cấp về quản lý tài chính, tài sản, quản lý đầu tư và xây dựng đối với các đơn vị, hệ thống thuộc Bộ; Ban hành các văn bản hướng dẫn về nghiệp vụ, quy trình, cụ thể hoá các chế độ chính sách nhà nước có liên quan đến công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để triển khai đồng bộ và thống nhất trong toàn ngành. Qua kết quả kiểm tra theo chương trình kiểm tra số 90-CTr/TW ngày 19/5/2003 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2003, các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ về cơ bản đã chấp hành nghiêm túc các quy định của Nhà nước về chi tiêu, quản lý tài chính nội bộ, quản lý đầu tư xây dựng cơ bản và quản lý tài sản nhà nước giao cho ngành tài chính quản lý.

Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, ngành tài chính vẫn còn một số đơn vị chưa thực hiện tốt công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong một số lĩnh vực như: chi tiêu hành chính vượt định mức, chi trang bị điện thoại, thanh toán cước phí điện thoại, mua sắm tài sản không đúng tiêu chuẩn, định mức quy định, nhiều khoản chi về tổ chức lễ hội, kỷ niệm ngày thành lập, đón tết hàng năm… còn mang tính hình thức, chi tiêu tốn kém, gây lãng phí thời gian và kinh phí.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên trước hết là do Thủ trưởng đơn vị chưa nhận thức đầy đủ việc thực hiện Pháp lệnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong đơn vị mình, còn tình trạng khoán việc cho cấp dưới, thiếu sự kiểm tra, đôn đốc và uốn nắn kịp thời các sai phạm. Một số đơn vị chưa quan tâm đến các quy định, quy trình quản lý, mua sắm tài sản của Nhà nước, của ngành đã ban hành, dẫn đến mua sắm, trang bị vượt về tiêu chuẩn, định mức. Ngoài ra, còn có nguyên nhân khách quan là hệ thống các văn bản hướng dẫn về tiêu chuẩn, định mức chi tiêu tài chính và quản lý tài sản, quản lý đầu tư xây dựng của Nhà nước chưa ban hành đầy đủ, kịp thời để các đơn vị thực hiện, nhất là trong việc triển khai các cơ chế chính sách mới.

Để tăng cường thực hiện các quy định của Nhà nước về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiếp tục triển khai công tác kiểm tra chi tiêu trong nội bộ ngành theo các nội dung của Kế hoạch kiểm tra số 31 TC/BCS ngày 11/7/2003 của Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính; Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu Thủ trưởng đơn vị, các cấp uỷ Đảng, các tổ chức đoàn thể quần chúng trong các đơn vị thuộc ngành Tài chính triển khai ngay một số công việc sau đây:

1. Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ (Vụ Hành chính sự nghiệp, Vụ Đầu tư, Cục Quản lý công sản, Cục Tài chính doanh nghiệp) khẩn trương triển khai ngay việc rà soát hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về tài chính hiện hành, kịp thời sửa đổi, bổ sung các quy định về tiêu chuẩn, định mức chi tiêu, định mức sử dụng tài sản cho phù hợp với tình hình và yêu cầu tăng cường công tác quản lý Nhà nước về tài chính trong giai đoạn hiện nay, tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị hành chính sự nghiệp nói chung và các đơn vị thuộc ngành tài chính nói riêng có cơ sở pháp lý triển khai và chấp hành tốt Pháp lệnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

2. Ban chỉ đạo thực hành tiết kiệm chống lãng phí và Vụ trưởng Vụ Tài vụ quản trị chỉ đạo thực hiện tốt Pháp lệnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, thông qua việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát trong chi tiêu và quản lý tài chính, quản lý tài sản và đầu tư xây dựng nội bộ ngành.

- Vụ Tài vụ quản trị chủ trì xây dựng kế hoạch kiểm tra và phối hợp với Thanh tra Bộ, các đơn vị và hệ thống có tổ chức ngành dọc trực thuộc Bộ (Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Kho bạc nhà nước, Dự trữ quốc gia) tiếp tục triển khai kiểm tra theo Kế hoạch 31/ TC/ BCS ngày 11/7/2003 của Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính tại các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ trong năm 2004.

- Kiểm tra nắm bắt tình hình tại các đơn vị để tổng kết 3 năm thực hiện công tác khoán biên chế, khoán kinh phí hoạt động và giao tự chủ tài chính trong các đơn vị, tổ chức trực thuộc Bộ. Tiếp tục thực hiện giao tự chủ tài chính cho tất cả các đơn vị sự nghiệp còn lại, mở rộng thực hiện khoán chi hành chính cho các đơn vị của ngành có đủ điều kiện trong thời gian tới.

- Tăng cường mở rộng phân cấp về quản lý tài sản, quản lý đầu tư và xây dựng cơ bản trong nội bộ ngành, phù hợp với cơ chế khoán chi và tự chủ tài chính, tạo chủ động cho các đơn vị và nâng cao hiệu quả trong sử dụng tài sản nhà nước. Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các nội dung về quản lý tài sản theo đề án quản lý tài sản công đã được Bộ phê duyệt. Hướng dẫn triển khai kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật mới trong công tác quản lý nội bộ ngành (Luật Xây dựng, Luật Kế toán…).

3. Thủ trưởng các hệ thống dọc trực thuộc Bộ và đơn vị dự toán các cấp có trách nhiệm:

- Chấp hành nghiêm túc các quy định của Nhà nước và của Bộ về công tác dự toán, quyết toán và điều hành các nguồn vốn, kinh phí được giao, đảm bảo việc sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả và theo đúng các quy định về chi tiêu, mua sắm tài sản, tổ chức hội nghị, sơ kết, tổng kết.

- Thực hiện tốt cơ chế khoán chi, tự chủ tài chính trong nội bộ ngành. Chủ động bố trí các nguồn kinh phí hợp lý cho việc tăng cường cơ sở vật chất, hiện đại hoá ngành Tài chính theo chủ trương của Bộ và các quy định hiện hành.

- Chấp hành nghiêm các quy định về trang bị và sử dụng tài sản. Thực hiện xây dựng kế hoạch trang bị tài sản hàng năm kết hợp với việc đánh giá thực trạng tài sản hiện có để sử dụng tài sản có hiệu quả và bố trí hợp lý các nguồn kinh phí cho mua sắm tài sản phục vụ công tác chuyên môn, theo đúng quy định của Nhà nước. Đối với việc trang bị điện thoại di động, điện thoại cố định tại nhà riêng và thanh toán cước phí hàng tháng phải thực hiện ngay theo các quy định đã hướng dẫn tại Công văn số 5683 TC/TVQT ngày 30/5/2003 của Bộ Tài chính.

- Thực hiện đầu tư XDCB đúng quy hoạch, kế hoạch được duyệt. Khẩn trương khảo sát, lập quy hoạch đầu tư xây dựng mới và sửa chữa cải tạo (đến năm 2010). Chấm dứt tình trạng đầu tư xây dựng trụ sở làm việc ngoài quy hoạch được duyệt. Tăng cường chất lượng thẩm định, giám định, quyết định đầu tư, đảm bảo đúng thủ tục Nhà nước quy định.

- Đối với các Chủ đầu tư: Thực hiện nghiêm túc các thủ tục trong XDCB: Lập trình duyệt dự án đầu tư, thiết kế dự toán, đấu thầu. Tăng cường công tác giám sát kỹ thuật, quản lý chất lượng công trình, tuân thủ thiết kế dự toán được duyệt, kiện toàn lực lượng cán bộ chuyên trách để đảm bảo thực hiện đúng vai trò, nhiệm vụ của Chủ đầu tư.

- Duy trì công tác tự kiểm tra tại đơn vị mình và gửi báo cáo về đơn vị quản lý cấp trên trực tiếp để tổng hợp báo cáo Bộ.

- Thủ trưởng các hệ thống dọc trực thuộc Bộ (Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Kho bạc nhà nước, Dự trữ quốc gia) chỉ đạo các đơn vị thuộc hệ thống mình làm tốt công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát các đơn vị cấp dưới để kịp thời chấn chỉnh và xử lý các sai phạm trong quản lý tài chính, tài sản và đầu tư xây dựng. Báo cáo Bộ tình hình xử lý sai phạm sau kiểm tra theo yêu cầu tại Công văn số 10913 TC/TVQT ngày 21/10/2003 của Bộ Tài chính.

- Thủ trưởng các đơn vị và hệ thống trực thuộc Bộ tăng cường phổ biến, quán triệt thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đến từng cán bộ, công chức và xây dựng chương trình hành động cụ thể trong đơn vị mình. Thực hiện nghiêm túc chế độ công khai tài chính, tài sản, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và chấp hành báo cáo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo đúng các quy định hiện hành.

4. Giám đốc Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong quá trình thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình, có trách nhiệm tham mưu với cấp Uỷ Đảng, Chính quyền địa phương để chỉ đạo thực hiện tốt công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại địa phương.

5. Tổ chức Thanh tra nhân dân các cấp:

Cùng phối hợp với các tổ chức quần chúng làm tốt nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, tuyên truyền, vận động cán bộ công chức của ngành để thực hiện tốt công tác tiết kiệm, chống lãng phí.

6. Giao cho Ban Chỉ đạo thực hiện Pháp lệnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Pháp lệnh chống tham nhũng, các cấp uỷ Đảng, Ban Thanh tra Nhân dân và các tổ chức quần chúng Công đoàn, Nữ công, Thanh niên cơ quan thuộc ngành Tài chính kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện. Thủ trưởng các đơn vị có trách nhiệm quán triệt tinh thần tiết kiệm, chống lãng phí đến từng công chức, viên chức trong đơn vị mình, chịu trách nhiệm hướng dẫn và tổ chức thực hiện Chỉ thị này.

 

 

Nguyễn Sinh Hùng

(Đã ký)

 

[...]