Chỉ thị 03/CT-UBND năm 2019 về tiếp tục nâng cao chất lượng công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật do thành phố Hồ Chí Minh ban hành

Số hiệu 03/CT-UBND
Ngày ban hành 04/03/2019
Ngày có hiệu lực 04/03/2019
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Nguyễn Thành Phong
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 03/CT-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 04 tháng 3 năm 2019

 

CHỈ THỊ

VỀ TIẾP TỤC NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CÔNG TÁC XÂY DỰNG, BAN HÀNH VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT

Nhằm nâng cao chất lượng công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn thành phố, gắn với trách nhiệm của từng đơn vị trong soạn thảo, góp ý, thẩm định, ban hành văn bản; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, tăng cường hiệu quả công tác kiểm soát thủ tục hành chính trong công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo như sau:

1. Thường xuyên tổ chức bồi dưỡng quy định pháp luật và kiến thức nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức phụ trách công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật

1.1. Hàng năm, thủ trưởng các sở, ban, ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện chủ động xây dựng chương trình/kế hoạch tổ chức hoặc phối hợp tổ chức bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng-nghiệp vụ liên quan đến công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cho cán bộ, công chức tại cơ quan, đơn vị và tại địa phương phù hợp với yêu cầu công tác. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện chịu trách nhiệm tổ chức tập huấn về xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cho cán bộ, công chức cấp xã theo hình thức phù hợp (ví dụ như: hội nghị phổ biến, quán triệt, cập nhật các quy định pháp luật, tập huấn kỹ năng xây dựng, soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật,...).

1.2. Sở Tư pháp phối hợp, hỗ trợ các cơ quan, đơn vị theo chức năng; giới thiệu báo cáo viên có kinh nghiệm thực tiễn trong lĩnh vực xây dựng, kiểm tra và rà soát văn bản quy phạm pháp luật để hỗ trợ cho các quan, đơn vị tập huấn.

2. Tăng cường trách nhiệm khi chủ trì soạn thảo, trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Thủ trưởng các cơ quan đơn vị được giao chủ trì soạn thảo, trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật chịu trách nhiệm sau:

2.1. Đối với việc tham mưu xây dựng, soạn thảo và trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố:

2.1.1. Đảm bảo tham mưu xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân phù hợp thẩm quyền về nội dung và hình thức, tuân thủ đúng trình tự, thủ tục ban hành theo quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật do Ủy ban nhân dân thành phố ban hành; thực hiện đúng thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm theo các mẫu văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được quy định tại Phụ lục 01 ban hành kèm theo Nghị định số 34/2016/NĐ-CP (Mẫu số 16, 17, 18 hoặc 19); không để sai sót lặp lại đối với các lỗi về hình thức văn bản.

2.1.2. Đối với dự thảo nghị quyết của Hội đồng nhân dân có quy định chính sách, phải thực hiện đầy đủ quy trình xây dựng chính sách (các quy định từ Điều 112 đến Điều 116 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015); thực hiện nghiêm túc công tác đánh giá tác động chính sách, bao gồm tác động kinh tế, xã hội, tác động về giới và thủ tục hành chính (nếu có) theo quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, Nghị định số 34/2016/NĐ-CP và Quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật do Ủy ban nhân dân thành phố ban hành để có cơ sở tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố đề xuất chính sách, giải pháp trình Hội đồng nhân dân thành phố xem xét.

2.1.3. Đối với dự thảo có quy định thủ tục hành chính hoặc có dấu hiệu thủ tục hành chính, phải thực hiện đánh giá tác động về thủ tục hành chính trước khi gửi lấy ý kiến về nội dung thủ tục hành chính của cơ quan kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Phòng Kiểm soát thủ tục hành chính). Cơ quan chủ trì soạn thảo tổng hợp, giải trình việc tiếp thu ý kiến góp ý của các cơ quan, trong đó có ý kiến góp ý của cơ quan kiểm soát thủ tục hành chính và hoàn chỉnh dự thảo trước khi gửi Sở Tư pháp thẩm định.

2.1.4. Cơ quan, đơn vị chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân thành phố về tiến độ soạn thảo, chất lượng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật được phân công soạn thảo. Người đứng đầu cơ quan chủ trì soạn thảo chịu trách nhiệm trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn về việc không hoàn thành nhiệm vụ và tùy theo mức độ mà bị xử lý theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và quy định khác của pháp luật có liên quan trong trường hợp dự thảo văn bản không bảo đảm về chất lượng, chậm tiến độ, không bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật được phân công thực hiện.

2.2. Đối với việc tham mưu xây dựng, soạn thảo và trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã:

2.2.1. Cơ quan, đơn vị chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã đảm bảo tham mưu xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân phù hợp thẩm quyền về nội dung và hình thức theo quy định, tuân thủ đúng trình tự, thủ tục ban hành theo quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, Nghị định số 34/2016/NĐ-CP; thực hiện đúng thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm theo các mẫu văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân dân, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã được quy định tại Phụ lục 01 ban hành kèm theo Nghị định số 34/2016/NĐ-CP (Mẫu số 20, 21, 22, 23, 24, 25, 26 hoặc 27); không để sai sót lặp lại đối với các lỗi về hình thức văn bản.

2.2.2. Cơ quan, đơn vị chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân cùng cấp về tiến độ soạn thảo, chất lượng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật được phân công soạn thảo. Người đứng đầu cơ quan chủ trì soạn thảo chịu trách nhiệm trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn về việc không hoàn thành nhiệm vụ và tùy theo mức độ mà bị xử lý theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và quy định khác của pháp luật có liên quan trong trường hợp dự thảo văn bản quy phạm pháp luật không bảo đảm về chất lượng, chậm tiến độ, không bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật được phân công thực hiện.

3. Tăng cường phối hợp tổ chức lấy ý kiến đối với đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật

3.1. Cơ quan chủ trì soạn thảo có trách nhiệm tổ chức lấy ý kiến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, các cơ quan, đơn vị có liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học và đối tượng chịu tác động trực tiếp của dự thảo văn bản quy phạm pháp luật trong quá trình lập đề nghị, soạn thảo, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo quy định.

3.2. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và các tổ chức đoàn thể các cấp quan tâm, phối hợp chặt chẽ trong tham gia đóng góp ý kiến đối với các chính sách, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

3.3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân được đề nghị tham gia góp ý kiến về đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật chịu trách nhiệm về nội dung, thời hạn tham gia góp ý kiến theo quy định pháp luật.

3.4. Cơ quan chủ trì soạn thảo báo cáo rõ số lần tổ chức lấy ý kiến đối với đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và những trường hợp không có ý kiến; giải trình cụ thể đối với việc tiếp thu ý kiến góp ý tại Tờ trình dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và Bản tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến kèm theo hồ sơ dự thảo.

Cơ quan chủ trì soạn thảo có trách nhiệm rà soát quy định pháp luật để tổ chức lấy ý kiến Bộ, ngành có liên quan đối với các đề nghị xây dựng nghị quyết Hội đồng nhân dân thành phố về chính sách đặc thù trong trường hợp pháp luật có quy định (ví dụ như Khoản 3 Điều 21 Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật Ngân sách nhà nước) hoặc trong trường hợp cần thiết để có cơ sở xác định thẩm quyền và cơ sở pháp lý xây dựng chính sách.

4. Nâng cao vai trò của cơ quan thẩm định dự thảo văn bản quy phạm pháp luật

4.1. Văn bản thẩm định đảm bảo đầy đủ, cụ thể các nội dung theo đúng quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, Nghị định số 34/2016/NĐ-CP và Quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật do Ủy ban nhân dân thành phố ban hành, phải có chính kiến về việc dự thảo văn bản quy phạm pháp luật đủ hay chưa đủ điều kiện trình xem xét, ban hành.

4.2. Không thực hiện thẩm định đối với các đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có chứa chính sách nhưng không đảm bảo đầy đủ nội dung đánh giá tác động chính sách theo quy định.

4.3. Cơ quan thẩm định chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân cùng cấp về kết quả thẩm định đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Người đứng đầu cơ quan thẩm định chịu trách nhiệm trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn về việc không hoàn thành nhiệm vụ và tùy theo mức độ mà bị xử lý theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và quy định khác của pháp luật có liên quan trong trường hợp dự thảo văn bản quy phạm pháp luật không bảo đảm về chất lượng, chậm tiến độ, không bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật được phân công thực hiện.

5. Tổ chức thực hiện

5.1. Thủ trưởng các sở, ban, ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ thị tại cơ quan, đơn vị; chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố trong trường hợp tham mưu ban hành văn bản quy phạm pháp luật không đúng pháp luật; có trách nhiệm báo cáo, phối hợp báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố về kết quả thực hiện Chỉ thị khi được yêu cầu.

[...]
6
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ