Thứ 4, Ngày 30/10/2024

Chỉ thị 03/CT-TLĐ về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận và hoạt động khoa học trong tổ chức công đoàn do Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam ban hành

Số hiệu 03/CT-TLĐ
Ngày ban hành 26/11/2009
Ngày có hiệu lực 26/11/2009
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam
Người ký Hoàng Ngọc Thanh
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG
VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 03/CT-TLĐ

Hà Nội, ngày 26 tháng 11 năm 2009

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC NGHIÊN CỨU LÝ LUẬN VÀ HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC TRONG TỔ CHỨC CÔNG ĐOÀN

Ngày 05/10/2004, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn (khóa IX) đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-TLĐ về đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận và hoạt động khoa học trong tổ chức Công đoàn. Từ khi có Nghị quyết đến nay, công tác nghiên cứu lý luận và hoạt động khoa học trong tổ chức Công đoàn, đặc biệt là nghiên cứu về công nhân và công đoàn, về môi trường, vệ sinh và an toàn lao động có bước chuyển biến quan trọng. Chất lượng nghiên cứu các đề tài khoa học trong hệ thống công đoàn được nâng lên; nhiều công trình nghiên cứu có giá trị thực tiễn, giúp cho Tổng Liên đoàn tham gia có hiệu quả việc xây dựng chính sách pháp luật, bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Những kết quả nghiên cứu bước đầu đã làm sáng tỏ một số vấn đề như dự báo xu thế biến động của giai cấp công nhân Việt Nam trong những thập niên tới; vấn đề xây dựng giai cấp công nhân trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; phương thức hoạt động công đoàn trong các loại hình doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả hoạt động của Công đoàn cơ sở; công tác xây dựng tổ chức và phát triển đoàn viên trong nền kinh tế thị trường…

Tuy nhiên, trước yêu cầu của thời kỳ mới, công tác nghiên cứu lý luận và hoạt động khoa học trong hệ thống tổ chức Công đoàn cũng còn nhiều bất cập, nhận thức của một bộ phận cán bộ về công tác nghiên cứu lý luận và hoạt động khoa học trong hệ thống công đoàn còn hạn chế, chưa có sự quan tâm đúng mức. Các hoạt động khoa học và nghiên cứu khoa học trong hệ thống công đoàn còn chắp vá, chưa đồng bộ, đặc biệt là công tác nghiên cứu dự báo, nghiên cứu đón đầu chưa tốt, nên còn bị động trong việc tham gia xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động. Chất lượng một số đề tài nghiên cứu chưa cao, chưa ứng dụng được trong thực tiễn, gây lãng phí. Một số vấn đề lý luận về giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn chưa được làm sáng tỏ. Việc tuyên truyền, phổ biến kết quả nghiên cứu khoa học trong hệ thống công đoàn còn nhiều hạn chế, dẫn đến tình trạng các đề tài nghiên cứu chồng chéo, kém hiệu quả. Chưa xây dựng được cơ chế phối hợp và chia sẻ thông tin về kết quả các đề tài nghiên cứu khoa học trong toàn hệ thống.

Nguyên nhân của tình hình trên là do công tác chỉ đạo nghiên cứu lý luận và hoạt động khoa học trong hệ thống công đoàn chưa được quan tâm đúng mức. Lực lượng làm công tác nghiên cứu còn mỏng, năng lực của đội ngũ làm công tác nghiên cứu còn nhiều hạn chế. Thiếu sự phối hợp, kết hợp giữa các đơn vị làm công tác nghiên cứu trong và ngoài hệ thống công đoàn. Việc đầu tư kinh phí cho công tác này còn ít. Nội dung, hình thức và phương pháp nghiên cứu chậm đổi mới…

Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 28/1/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về “tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” đã chỉ rõ: Tiếp tục nghiên cứu tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận về giai cấp công nhân trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế.

Để thực hiện có hiệu quả công tác nghiên cứu lý luận và hoạt động khoa học trong tình hình mới, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn yêu cầu các cấp công đoàn tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau:

1. Các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành TW, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn và các ban đơn vị thuộc TLĐ tiếp tục tổ chức quán triệt nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện Nghị quyết 02/NQ-TLĐ ngày 5/10/2004 của Đoàn Chủ tịch TLĐ về “đẩy mạnh công tác nghiên cứu và quản lý các hoạt động khoa học trong tổ chức Công đoàn”.

Tập trung nghiên cứu các vấn đề cấp bách, bức xúc từ thực tiễn đặt ra như: Nghiên cứu về vị trí, vai trò và sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế; những thay đổi về số lượng, chất lượng, thành phần cơ cấu CNVC-LĐ; tình hình việc làm, tiền lương, điều kiện lao động và quan hệ lao động; sự phân tầng xã hội trong giai cấp công nhân. Nghiên cứu về liên minh Công - Nông - Trí và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới…

2. Tập trung nghiên cứu những vấn đề về Công đoàn, làm sáng tỏ địa vị pháp lý, vai trò đại diện, chức năng và nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn trong nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa; giải pháp đổi mới tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động phù hợp với từng loại hình cơ sở nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Công đoàn trong tình hình mới.

3. Chủ động nghiên cứu tham gia xây dựng chính sách, pháp luật có liên quan đến công nhân viên chức và người lao động; cơ chế đảm bảo quyền dân chủ của người lao động ở cơ sở; nghiên cứu và triển khai áp dụng các giải pháp kỹ thuật công nghệ nhằm cải thiện môi trường và điều kiện làm việc, chăm sóc sức khỏe cho người lao động…

4. Để thực hiện yêu cầu nhiệm vụ nghiên cứu, vào quý IV hàng năm, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành TW, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc TLĐ lập kế hoạch báo cáo Đoàn Chủ tịch, trong đó nêu rõ những vấn đề cần nghiên cứu, tên đề tài, thời gian thực hiện, nguồn kinh phí. Ngoài nguồn kinh phí của tổ chức Công đoàn, cần tranh thủ nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà nước qua Sở Khoa học và Công nghệ của các tỉnh, thành, hoặc các Bộ, ngành hữu quan.

5. Giao cho Viện nghiên cứu giai cấp công nhân và Tổ chức Công đoàn là đầu mối giúp Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn tham mưu, tư vấn và quản lý các đề tài nghiên cứu khoa học trong hệ thống công đoàn từ ngân sách công đoàn. Viện nghiên cứu Khoa học kỹ thuật Bảo hộ Lao động là đầu mối giúp Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn tham mưu, tư vấn và quản lý các đề tài nghiên cứu từ nguồn ngân sách sự nghiệp khoa học do Nhà nước cấp.

Chỉ thị này thay thế Chỉ thị số 02/CT-TLĐ, ngày 26 tháng 10 năm 2009. Yêu cầu các cấp Công đoàn nghiêm túc triển khai thực hiện và thường xuyên báo cáo kết quả nghiên cứu về Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn qua Viện nghiên cứu giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn.

 

 

Nơi nhận:
- Thường trực ĐCT (b/c)
- Các LĐLĐ tỉnh,Tp, CĐ ngànhTW, CĐ TCTtrực thuộc TLĐ;
- Các ban, đơn vị trực thuộc TLĐ;
- Lưu VP TLĐ;
- Lưu Viện CN&CĐ.

TM. ĐOÀN CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Hoàng Ngọc Thanh