Chỉ thị 03/CT-TLĐ năm 2010 tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong nữ công nhân viên chức lao động do Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam ban hành
Số hiệu | 03/CT-TLĐ |
Ngày ban hành | 18/08/2010 |
Ngày có hiệu lực | 18/08/2010 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam |
Người ký | Đặng Ngọc Tùng |
Lĩnh vực | Lao động - Tiền lương,Văn hóa - Xã hội |
TỔNG
LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 03/CT-TLĐ |
Hà Nội, ngày 18 tháng 8 năm 2010 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH PHONG TRÀO THI ĐUA “GIỎI VIỆC NƯỚC, ĐẢM VIỆC NHÀ” TRONG NỮ CNVCLĐ
Phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong nữ CNVCLĐ được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động từ năm 1989. Sau hơn 20 năm chỉ đạo và triển khai của các cấp công đoàn, phong trào đã phát triển sâu rộng và đạt được những kết quả thiết thực. Phong trào mang tính đặc thù giới đã phát huy được vai trò, tiềm năng to lớn của nữ CNVCLĐ trong công cuộc đổi mới, xây dựng gia đình “no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, góp phần phát triển kinh tế xã hội và thực hiện mục tiêu bình đẳng giới.
Thông qua phong trào, tổ chức Công đoàn đã góp phần thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng về công tác phụ nữ trong tình hình mới, tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế của nữ CNVCLĐ trong sự nghiệp CNH-HĐH nước. Các cấp công đoàn đã quan tâm chỉ đạo, lồng ghép phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” với các phong trào thi đua yêu nước do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động; tranh thủ sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, sự phối hợp với các cơ quan hữu quan để triển khai thực hiện, định kỳ có sơ kết, tổng kết, từng bước phát triển và nhân rộng phong trào trong cả nước.
Bên cạnh những kết quả dó đạt được, phong trào vẫn còn một số hạn chế:
Phong trào phát triển chưa đồng đều ở các lĩnh vực, chưa đến được với đông đảo nữ CNVCLĐ ở các doanh nghiệp ngoài nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Nhiều nơi, việc triển khai khai còn mang tính hình thức, chưa có sức lôi cuốn; nội dung, tiêu chuẩn thi đua chưa được cụ thể hoá phù hợp với đặc thù ngành nghề, điều kiện việc làm của một số đơn vị đăng ký thi đua, sơ kết, tổng kết, khen thưởng phong trào cũng còn những bất cập.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do một bộ phận cán bộ chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa, mục đích của phong trào, sự phối hợp giữa các Ban chuyên đề ở một số đơn vị trong công tác chỉ đạo và triển khai còn hạn chế. Đội ngũ cán bộ nữ công ở nhiều nơi không ổn định, chưa được bồi dưỡng kịp thời kiến thức, kỹ năng trong công tác vận động tổ chức phong trào. Một bộ phận nữ CNVCLĐ vẫn còn tự ti, an phận chưa nỗ lực phấn đấu vươn lên.
Nhằm tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua” Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong giai đoạn mới, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam yêu cầu các cấp công đoàn tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ chủ yếu sau:
1. Tiếp tục quán triệt Nghị quyết 11/NQ-TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước, Luật bình đẳng giới , Chiến lược Quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2010-2020; tuyên truyền, phổ biến sâu rộng ý nghĩa của phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong CNVCLĐ, những bài học kinh nghiệm, những gương điển hình của các tập thể, cá nhân tiêu biểu. Lồng ghép phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” với phong trào thi đua “Lao động giỏi, Lao động sáng tạo”, phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
2. Căn cứ hướng dẫn chung của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để cụ thể hóa mục tiêu, nội dung, tiêu chuẩn thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” phù hợp với đặc điểm tình hình và nhiệm vụ của ngành, địa phương, đơn vị, đưa phong trào tiếp tục phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu, đặc biệt ở các doanh nghiệp ngoài nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Định kỳ sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả phong trào và kịp thời biểu dương khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu.
3. Chủ động tham gia với chính quyền, người sử dụng lao động tạo việc làm ổn định, cải thiện môi trường, điều kiện làm việc cho nữ CNVCLĐ; đấu tranh chống các hành vi phân biệt đối xử, xúc phạm danh dự và nhân phẩm người phụ nữ. Tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách đối với lao động nữ, kiến nghị sửa đổi những bất hợp lý và xử lý những vi phạm trong việc thực hiện chính sách pháp luật lao động nữ.
4. Đẩy mạnh các hoạt động xã hội, nhân đạo, duy trì và phát triển các quỹ “Vì nữ CNLĐ nghèo”, qũy Trợ vốn”, “Quỹ mái ấm công đoàn”, “Quỹ bảo trợ trẻ em của Công đoàn Việt Nam”... để hỗ trợ cho nữ CNLĐ và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
5. Phát hiện, giới thiệu những nữ CNVCLĐ ưu tú, trưởng thành từ phong trào để đào tạo, bồi dưỡng, giới thiệu cho Đảng xem xét kết nạp hoặc tham gia vào các cấp uỷ, bộ máy lãnh đạo công đoàn, chính quyền các cấp. tranh thủ sự lãnh đạo của cờp uỷ Đảng, sự phối hợp, hỗ trợ của lãnh đạo chuyên môn, chính quyền, Hội LHPN cùng cấp, các Ban ngành liên quan trong quá trình chỉ đạo, triển khai phong trào.
6. Tăng cường sự chỉ đạo của các cấp công đoàn, tiếp tục củng cố, kiện toàn Ban nữ công các cấp đủ về số lượng, nâng cao về chất lượng để làm tốt công tác tham mưu về công tác vận động nữ CNVCLĐ và triển khai phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”; đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, nâng cao hiệu quả công tác nữ công.
Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam giao cho Ban Nữ công chủ trì, phối hợp với Ban Chính sách- Pháp luật giúp Đoàn Chủ tịch theo dõi, chỉ đạo việc thực hiện chỉ thị.
LĐLĐ các tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn Tổng Công ty, các Ban, đơn vị trực thuộc Tổng Liên đoàn quán triệt và tổ chức thực hiện có hiệu quả chỉ thị này.
Nơi nhận: |
TM.
ĐOÀN CHỦ TỊCH |