Chỉ thị 03/CT-BYT năm 2012 tăng cường quản lý cung ứng, sử dụng dược liệu, thuốc đông y, thuốc từ dược liệu trong cơ sở khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền do Bộ Y tế ban hành
Số hiệu | 03/CT-BYT |
Ngày ban hành | 24/02/2012 |
Ngày có hiệu lực | 24/02/2012 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Bộ Y tế |
Người ký | Nguyễn Thị Kim Tiến |
Lĩnh vực | Thể thao - Y tế |
BỘ
Y TẾ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 03/CT-BYT |
Hà Nội, ngày 24 tháng 02 năm 2012 |
Trong thời gian qua, công tác cung ứng và sử dụng dược liệu, thuốc đông y, thuốc từ dược liệu đóng vai trò rất quan trọng, góp phần đạt được những thành tựu to lớn trong lĩnh vực, khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền. Tuy nhiên, việc quản lý chất lượng dược liệu chưa được tiến hành đồng bộ và triệt để, dẫn đến nhiều dược liệu cung cấp cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và sản xuất thuốc không có hồ sơ, nguồn gốc rõ ràng. Trên thị trường, dược liệu kém chất lượng hoặc bị trộn các hóa chất độc hại vẫn tồn tại. Nhiều cơ sở chế biến dược liệu và thuốc đông y vẫn sử dụng hóa chất trong quá trình bảo quản và chế biến vượt quá mức cho phép. Dược liệu ở một số cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền chỉ được kiểm tra bằng cảm quan nên chất lượng không được kiểm soát đầy đủ, có khả năng ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị và sức khỏe của người bệnh.
Để đảm bảo chất lượng dược liệu, thuốc đông y, thuốc từ dược liệu, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu Lãnh đạo các Tổng cục, Cục, Vụ, Văn phòng, Thanh tra Bộ Y tế, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Sở Y tế các tỉnh) và các đơn vị liên quan căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được phân công tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau đây:
1. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chất lượng dược liệu, thuốc đông y, thuốc từ dược liệu cho các cơ sở sản xuất, cung ứng, sử dụng dược liệu, thuốc đông y.
2. Các Tổng cục, Cục, Vụ, thanh tra Bộ Y tế có nhiệm vụ:
2.1. Vụ Y Dược cổ truyền:
a) Chủ trì việc rà soát, sửa đổi, bổ sung và xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc sử dụng dược liệu, thuốc đông y, thuốc từ dược liệu trong các cơ sở khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền. Chủ trì xây dựng, trình Bộ trưởng ban hành Thông tư hướng dẫn sử dụng an toàn, hiệu quả dược liệu, thuốc đông y, thuốc từ dược liệu trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; phối hợp với Cục Quản lý, Cục Quản lý Khám, Chữa bệnh sửa đổi, bổ sung Danh mục thuốc thiết yếu Việt Nam và Danh mục thuốc chủ yếu y học cổ truyền cho phù hợp với nhu cầu khám chữa bệnh.
b) Chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra định kỳ và đột xuất công tác quản lý chất lượng cũng như việc sử dụng dược liệu, thuốc đông y tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
c) Chủ trì, phối hợp với các Hội nghề nghiệp (Hội Đông y, Hội Dược liệu), các cơ sở đào tạo và các đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch và chương trình đào tạo, tập huấn, hướng dẫn các văn bản quy phạm pháp luật về y học dược cổ truyền; hướng dẫn thực hiện các quy trình kỹ thuật đảm bảo vệ sinh và chất lượng thuốc đông y, thuốc từ dược liệu trong quá trình sơ chế, chế biến và sản xuất; sử dụng hợp lý; an toàn và hiệu quả thuốc đông y, thuốc từ dược liệu trong các cơ sở khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền.
d) Hướng dẫn Sở Y tế các tỉnh tiến hành kiểm tra, thanh tra quản lý chất lượng dược liệu, thuốc đông y, thuốc từ dược liệu sử dụng trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền trên địa bàn.
đ) Làm đầu mối tổng kết, báo cáo Bộ trưởng Bộ Y tế về kết quả triển khai Chỉ thị này.
2.2. Cục Quản lý Dược:
a) Làm đầu mối hoặc phối hợp triển khai Kế hoạch 886/KH-BYT ngày 29 tháng 10 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc triển khai ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại Thông báo số 164/TB-VPCP ngày 16 tháng 6 năm 2010 của Văn phòng Chính phủ; phối hợp với Vụ Y Dược cổ truyền xây dựng Thông tư ban hành quy định việc sử dụng dược liệu có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng tại các cơ sở khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền.
b) Hướng dẫn triển khai và phối hợp tổ chức đào tạo GACP-WHO cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh dược liệu, phổ biến quy định sử dụng dược có nguồn gốc, đảm bảo chất lượng tiến tới dùng "dược liệu sạch" trong sản xuất thuốc và khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền.
c) Chủ động lập kế hoạch kiểm tra định kỳ và đột xuất khâu đảm bảo chất lượng dược liệu đầu vào trong quy trình sơ chế, chế biến dược liệu, sản xuất thuốc thành phẩm của tất cả các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh dược liệu.
d) Chỉ đạo Sở Y tế các tỉnh tổ chức kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định về điều kiện kinh doanh dược liệu tại các cơ sở kinh doanh thuốc.
2.3. Thanh tra Bộ Y tế:
a) Chủ động phối hợp với Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại Trung ương (Ban Chỉ đạo Trung ương 127/TW) xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch định kỳ thanh tra, kiểm tra chuyên đề phòng chống việc kinh doanh bao gồm buôn bán, sản xuất, xuất nhập khẩu và sử dụng dược liệu, thuốc đông y, thuốc từ dược liệu nhập lậu, không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, không hợp pháp; đặc biệt chú trọng thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh dược liệu, thuốc đông y, thuốc từ dược liệu tại các tỉnh biên giới, các địa bàn trọng điểm.
b) Xây dựng kế hoạch và chương trình thanh tra việc đảm bảo chất lượng dược liệu, thuốc đông y trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền; các cơ sở sản xuất, cung ứng dược liệu; Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về chất lượng dược liệu theo đúng quy định của pháp luật.
c) Chỉ đạo Thanh tra Sở Y tế các tỉnh tập trung thanh tra các nội dung trọng tâm nhằm chấn chỉnh việc quản lý chất lượng dược liệu tại các cơ sở khám bệnh, chữa bằng y học cổ truyền.
a) Xây dựng chương trình và kế hoạch tăng cường lấy mẫu kiểm tra chất lượng dược liệu, thuốc đông y, thuốc từ dược liệu tại các cơ sở kinh doanh và các cơ sở khám bệnh, chữa bằng y học cổ truyền trên toàn quốc, đặc biệt chú ý đến các địa bàn trọng điểm, các cơ sở kinh doanh đầu mối tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
b) Chỉ đạo và hỗ trợ về chuyên môn kỹ thuật cho các Trung tâm kiểm nghiệm Dược - Mỹ phẩm các tỉnh thuộc mạng lưới để tăng cường triển khai công tác kiểm tra chất lượng dược liệu, thuốc đông y, thuốc từ dược liệu trong các cơ sở kinh doanh, sản xuất, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền.
c) Định kỳ 6 tháng một lần báo cáo tình hình chất lượng dược liệu, thuốc đông y, thuốc từ dược liệu về Bộ Y tế (Cục Quản lý dược) để tổng hợp báo cáo Bộ trưởng.
4. Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm:
a) Chỉ đạo Thanh tra Sở Y tế và Trung tâm Kiểm nhiệm Dược - mỹ phẩm tăng cường thanh tra, kiểm tra chất lượng dược liệu, thuốc đông y, thuốc từ dược liệu lưu hành trên thị trường, tại các cơ sở sản xuất thuốc, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn, đặc biệt chú trọng các vùng, các làng nghề chuyên sản xuất, kinh doanh dược liệu.
b) Chủ động phối hợp với Ban Chỉ đạo 127 địa phương giải quyết những trường hợp hành nghề khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền hoặc kinh doanh dược liệu không phép; từng bước ngăn chặn việc lưu hành dược liệu không rõ nguồn gốc trên thị trường.