Chỉ thị 03/2011/CT-UBND về tổ chức thực hiện và quản lý điều hành dự toán ngân sách nhà nước năm 2011 trên địa bàn do tỉnh Long An ban hành
Số hiệu | 03/2011/CT-UBND |
Ngày ban hành | 20/01/2011 |
Ngày có hiệu lực | 30/01/2011 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Long An |
Người ký | Dương Quốc Xuân |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính,Tài chính nhà nước |
ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 03/2011/CT-UBND |
Tân An, ngày 20 tháng 01 năm 2011. |
Căn cứ Quyết định số 2145/QĐ-TTg ngày 23/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 3051/QĐ-BTC ngày 24/11/2010 của Bộ Tài chính về việc giao dự toán ngân sách Nhà nước năm 2011; Thông tư 202/2010/TT-BTC ngày 14/12/2010 của Bộ Tài chính quy định về tổ chức thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2011; các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh: số 150/2010/NQ-HĐND về phân bổ chi ngân sách địa phương và số bổ sung từ ngân sách tỉnh cho ngân sách huyện, thành phố năm 2011; số 151/2010/NQ-HĐND về dự toán thu, chi ngân sách nhà nước tỉnh Long An năm 2011; Quyết định số 55/2010/QĐ-UBND ngày 10/12/2010 của UBND tỉnh về việc giao dự toán thu-chi ngân sách nhà nước năm 2011;
Để tổ chức quản lý điều hành dự toán ngân sách nhà nước có hiệu quả, đúng quy định và phấn đấu thực hiện hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách, bảo đảm nhiệm vụ chi đã được giao; UBND tỉnh yêu cầu các ngành, UBND các cấp triển khai, thực hiện tốt các nhiệm vụ của năm ngân sách nhà nước 2011 như sau:
A. Phân bổ và giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2011:
I. Về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi:
- Năm 2011 là năm đầu của thời kỳ ổn định ngân sách địa phương giai đoạn 2011-2015, việc phân cấp nguồn thu và tỷ lệ phần trăm (%) phân chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách địa phương giai đoạn 2011-2015 được thực hiện theo Quyết định số 53/2010/QĐ-UBND ngày 10/12/2010 của UBND tỉnh và số bổ sung cân đối (nếu có) từ ngân sách cấp tỉnh cho ngân sách cấp huyện, xã được ổn định cho suốt thời kỳ ổn định ngân sách mới.
- Tiếp tục thực hiện cơ chế cân đối nguồn thu tiền sử dụng đất trong cân đối ngân sách địa phương để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội theo nguyên tắc thu tiền sử dụng đất dùng để chi đầu tư xây dựng cơ bản sau khi dành một phần nguồn này để thực hiện công tác đo đạc, lập cơ sở dữ liệu hồ sơ địa chính và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; chi thực hiện nhiệm vụ dự án quy hoạch theo quy định tại Thông tư 24/2008/TT-BTC ngày 14/3/2008 của Bộ Tài chính. Đối với nguồn thu tiền sử dụng đất của các cụm, tuyến dân cư nộp vào ngân sách nhà nước và chỉ được dùng để trả nợ vay và tiếp tục chi đầu tư cho hạ tầng các cụm, tuyến dân cư, không chi cho mục đích khác; đồng thời sử dụng tối thiểu 30% nguồn thu sử dụng đất để thành lập Quỹ Phát triển đất theo quy định tại Nghị định số 69/2009/NĐ-CP ngày 13/8/2009 của Chính phủ.
- Tiếp tục thực hiện cơ chế đối với các trường hợp UBND tỉnh quyết định cho chuyển mục đích sử dụng đất hoặc giao đất cho các tổ chức và trường hợp chuyển từ thuê sang giao đất có thu tiền sử dụng đất thì nộp vào ngân sách tỉnh 100%; nếu số nộp có bao gồm phần đất công do cấp huyện, thành phố (gọi tắt là cấp huyện) và cấp xã, phường, thị trấn (gọi tắt là cấp xã) hiện đang quản lý, thì ngân sách tỉnh sẽ chuyển trả 100% về cho ngân sách cấp huyện, xã để đầu tư kết cấu hạ tầng theo dự toán được giao (trường hợp nếu do Cục Thuế trực tiếp tổ chức thu thì cơ chế hỗ trợ là phần đất công do cấp huyện và xã quản lý vẫn thực hiện như trên).
- Thực hiện Nghị quyết số 68/2006/QH11 ngày 31/10/2006 của Quốc hội, nguồn thu xổ số kiến thiết không đưa vào cân đối thu, chi ngân sách địa phương mà được quản lý qua ngân sách nhà nước; đồng thời sử dụng số thu này để đầu tư các công trình y tế, giáo dục đào tạo, dạy nghề và các công trình phúc lợi xã hội quan trọng của địa phương theo quy định.
II. Phân bổ giao dự toán ngân sách nhà nước:
Căn cứ dự toán thu, chi ngân sách và định mức phân bổ chi ngân sách địa phương năm 2011 được Ủy ban nhân dân tỉnh giao; Ủy ban nhân dân huyện, thành phố giao dự toán đối với cấp xã, phường, thị trấn; UBND huyện, thành phố và cấp xã, phường, thị trấn trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, dự toán chi ngân sách địa phương, quyết định phân bổ dự toán ngân sách cấp mình, tổ chức triển khai giao dự toán thu, chi ngân sách năm 2011 đến từng đơn vị sử dụng ngân sách, từng đơn vị sự nghiệp và phải đảm bảo thời gian triển khai dự toán và công khai dự toán ngân sách đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước, quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính.
1. Phân bổ, giao dự toán thu ngân sách:
- Việc giao dự toán thu ngân sách Nhà nước năm 2011 phải trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện thu năm 2010; căn cứ Luật Thuế và các chế độ thu hiện hành; mức tăng trưởng kinh tế của từng ngành, từng lĩnh vực, khả năng phát triển sản xuất kinh doanh, dịch vụ cụ thể của các doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh; yêu cầu thực hiện các biện pháp chống thất thu, gian lận thương mại, trốn thuế, đẩy mạnh thu hồi dứt điểm các khoản nợ đọng thuế; thu đầy đủ, kịp thời số thuế thu nhập doanh nghiệp được gia hạn nộp của năm 2010 đến thời hạn nộp ngân sách nhà nước; phấn đấu thu ngân sách tăng tối thiểu 5% so với dự toán đã được UBND tỉnh giao.
- Chủ tịch UBND các huyện, thành phố phân bổ và giao dự toán cho các đơn vị trực thuộc và cấp xã, phường, thị trấn theo nguyên tắc tổng số không thấp hơn mức UBND tỉnh giao, đảm bảo mức phấn đấu cao hơn mức thu UBND tỉnh giao. Ngoài việc giao dự toán thu ngân sách, UBND các huyện, thanh phố giao nhiệm vụ thu sự nghiệp cho các đơn vị trực thuộc.
2. Phân bổ, giao dự toán chi ngân sách địa phương:
a) Phân bổ giao dự toán chi đầu tư phát triển:
- Phân bổ nguồn vốn hợp lý, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, các công trình chuyển tiếp có hiệu quả mà khả năng sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2011; ưu tiên cho những công trình, dự án mang tính đột phá và không bố trí vốn cho các dự án chưa đủ thủ tục đầu tư theo quy định;
- Bố trí trả nợ gốc và lãi các khoản huy động đầu tư theo quy định tại Khoản 3 Điều 8 Luật Ngân sách nhà nước; các khoản huy động đầu tư các khoản vay tín dụng ưu đãi thực hiện chương trình kiên cố hóa kênh mương, giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng làng nghề, hạ tầng thủy sản đến hạn phải trả trong năm 2011; trong đó đặc biệt chú ý là phải bố trí để trả các khoản nợ vay tôn nền của cụm tuyến dân cư vượt lũ đã đến hạn trả TW từ các nguồn thu của cụm, tuyến dân cư vượt lũ; nguồn tiền sử dụng đất của các cụm, tuyến dân cư, chỉ được dùng để trả nợ vay và tiếp tục chi đầu tư cho hạ tầng các cụm tuyến dân cư, không sử dụng vào mục đích khác;
- Phân bổ và giao dự toán chi đầu tư phát triển đối với lĩnh vực giáo dục - đào tạo và dạy nghề, lĩnh vực khoa học và công nghệ không được thấp hơn mức Thủ tướng Chính phủ giao;
- Sau khi bố trí cho các nhiệm vụ nêu trên, số còn lại bố trí cho các dự án khởi công mới có đủ điều kiện bố trí vốn theo chế độ quy định, theo hướng tập trung vốn, tránh dàn trải; trong đó ưu tiên cho các công trình, dự án đầu tư phát triển lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn;
- Trên cơ sở dự toán HĐND và UBND tỉnh giao, thủ trưởng các ngành, UBND các huyện, thành phố phải đảm bảo thực hiện các chính sách, chế độ và các chương trình mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng đã được bố trí từ nguồn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương và ngân sách tỉnh theo đúng mục tiêu, đúng dự toán được giao; cố gắng giải quyết xong trong năm dự toán; trong đó bố trí kinh phí để thực hiện đề án phát triển kinh tế - xã hội các xã tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia đến năm 2010 theo Quyết định số 160/2007/QĐ-TTg ngày 17/10/2007 của Thủ tướng Chính phủ mà UBND tỉnh đã bổ sung có mục tiêu về XDCB cho các huyện với kinh phí mỗi xã biên giới được hỗ trợ 500 triệu để xây dựng kết cấu hạ tầng;
Thực hiện tốt công tác giám sát quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án. Tăng cường trách nhiệm của chủ đầu tư và đơn vị tư vấn trong công tác lập dự án, thiết kế dự toán tránh tình trạng công trình đấu thầu mà khối lượng phát sinh quá nhiều gây ảnh hưởng đến việc bố trí vốn và kéo dài thời gian quyết toán.
b) Phân bổ, giao dự toán chi thường xuyên:
Các loại sự nghiệp, đảm bảo xã hội, chi quản lý hành chính nhà nước, Đảng, đoàn thể, quốc phòng, an ninh, năm 2011: việc giao dự toán chi ngân sách sự nghiệp kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý hành chính cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc và chính quyền cấp dưới phải thực hiện theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước, trong đó Chủ tịch UBND huyện, thành phố khi xây dựng và trình HĐND huyện, thành phố phân bổ và giao dự toán cho các đơn vị trực thuộc; cấp xã, phường, thị trấn đảm bảo yêu cầu chi tiêu ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo đủ nguồn để thực hiện các chính sách an sinh xã hội và cần lưu ý một số điểm sau:
- Chi sự nghiệp giáo dục và đào tạo, các chương trình mục tiêu, dự phòng ngân sách, nguồn làm lương năm 2011 không được bố trí thấp hơn mức tỉnh giao. Các khoản chi còn lại cần linh động sắp xếp cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
- Đơn vị dự toán cấp trên phân bổ, giao dự toán chi ngân sách cho các đơn vị cấp dưới phải khớp đúng dự toán chi được Ủy ban nhân dân cấp huyện, giao cả về tổng mức và chi tiết theo từng lĩnh vực chi.
- Phân bổ và giao dự toán chi ngân sách địa phương, các huyện, thành phố căn cứ nhiệm vụ được giao và chế độ chi tiêu ngân sách với tinh thần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đối với các đơn vị có nguồn thu, phải phấn đấu nâng mức tự trang trải nhu cầu chi từ nguồn thu của đơn vị mình; các huyện, thành phố phải điều hành ngân sách theo hướng chủ động sắp xếp nội dung chi theo thứ tự ưu tiên và gói gọn trong dự toán chi được giao; hạn chế tối đa việc chi bổ sung ngoài dự toán; việc tăng chi ngân sách phải trên cơ sở tăng thu ngân sách, phải có nguồn đảm bảo, điều hành chi trên cơ sở thu. UBND tỉnh không bổ sung dự toán chi cho UBND các cấp (trừ trường hợp đặc biệt nếu được UBND tỉnh giao thêm nhiệm vụ chi).
- Các huyện, thành phố phải sử dụng dự phòng ngân sách chủ động thực hiện phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh theo quy định của luật ngân sách; khi nào sử dụng hết dự phòng của ngân sách huyện, thành phố, tỉnh mới hỗ trợ.
- Trong quá trình quyết định phân bổ dự toán thu, chi ngân sách; trường hợp Hội đồng nhân dân quyết định dự toán thu ngân sách cấp mình được hưởng theo chế độ quy định cao hơn mức cấp trên giao, thì dự toán chi được bố trí tăng thêm (không kể tăng chi từ nguồn thu tiền sử dụng đất) theo hướng: dành 50% thực hiện cải cách tiền lương, phần còn lại cần ưu tiên để thực hiện những nhiệm vụ, chế độ, chính sách quan trọng được cấp có thẩm quyền quyết định, xử lý thanh toán nợ khối lượng xây dựng cơ bản theo chế độ quy định, bổ sung dự phòng ngân sách địa phương để chủ động trong quá trình điều hành ngân sách.