Chỉ thị 03/2008/CT-UBND về công tác thi đua khen thưởng năm 2008 do Thành phố Cần Thơ ban hành

Số hiệu 03/2008/CT-UBND
Ngày ban hành 17/01/2008
Ngày có hiệu lực 27/01/2008
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Thành phố Cần Thơ
Người ký Tô Minh Giới
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 03/2008/CT-UBND

Cần Thơ, ngày 17 tháng 01 năm 2008

 

CHỈ THỊ

VỀ CÔNG TÁC THI ĐUA KHEN THƯỞNG NĂM 2008

Năm 2008 là năm bản lề của kế hoạch 5 năm (2006 - 2010), năm có ý nghĩa rất quan trọng trong việc nâng cấp thành phố Cần Thơ trở thành đô thị loại I trước năm 2010; thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ là đẩy mạnh phát động phong trào thi đua yêu nước động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phát huy thành tích, tranh thủ thời cơ, thuận lợi, vượt qua thách thức, hoàn thành cơ bản những chỉ tiêu nhiệm vụ đề ra năm 2008. Cần đẩy mạnh đổi mới trong công tác thi đua khen thưởng, mục tiêu phong trào thi đua phải bám vào mục tiêu chung phát triển kinh tế gắn liền với các chính sách xã hội. Do vậy, Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo các cấp, các ngành phát động phong trào thi đua và đề ra nội dung, tiêu chí thi đua phù hợp, cụ thể:

1. Trong quý I năm 2008, các ngành, các cấp và các doanh nghiệp tổ chức tổng kết phong trào thi đua năm 2007 và phát động phong trào thi đua năm 2008 với nội dung đổi mới, thiết thực và tiết kiệm; tích cực lãnh đạo, chỉ đạo và động viên cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, chiến sĩ cùng với nhân dân duy trì phát triển mạnh phong trào thi đua trong các lĩnh vực sau đây:

- Phát triển kinh tế nhanh và đạt tốc độ tăng trưởng cao, bền vững: Đẩy mạnh phong trào thi đua “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo”, phát huy mọi nguồn lực, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, quyết tâm duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt và vượt kế hoạch.

- Xây dựng và phát triển văn hóa - xã hội đồng bộ với phát triển kinh tế: Tiếp tục đổi mới, tạo chuyển biến rõ nét về phát triển giáo dục và đào tạo, đẩy mạnh công tác dạy nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực với cơ cấu hợp lý, tăng cường chỉ đạo thực hiện cuộc vận động “hai không” với 4 nội dung. Nâng cao chất lượng, hiệu quả và cải thiện các dịch vụ y tế. Phát triển phong trào thể dục thể thao để không ngừng nâng cao sức khỏe nhân dân. Đẩy mạnh xã hội hóa trong các lĩnh vực văn hóa xã hội và cuộc vận động toàn dân xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng một xã hội văn minh, lành mạnh. Thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính. Cải tiến, đổi mới công tác quản lý trong mọi lĩnh vực; nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả, nâng cao đời sống nhân dân, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

- Xây dựng và giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và đảm bảo an ninh, quốc phòng vững mạnh, chủ động phát hiện những dấu hiệu phức tạp về an ninh trong các lĩnh vực tài chính, Ngân hàng, đầu tư nước ngoài, các khu công nghiệp, lợi dụng khiếu kiện, lợi dụng tôn giáo chống phá chính quyền; giảm thiểu tai nạn giao thông; đẩy mạnh cải cách tư pháp, không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp; phát huy sức mạnh của toàn dân tham gia củng cố quốc phòng, bảo vệ an ninh, tạo môi trường chính trị ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội.

- Xây dựng và củng cố hệ thống chính trị: Xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể, cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn thành phố trong sạch, vững mạnh; nâng cao sức chiến đấu của cơ sở Đảng; Đẩy mạnh công cuộc vận động xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức “Trung thành, sáng tạo, tận tụy, gương mẫu”, tạo ra diện mạo mới của chính quyền các cấp, góp phần xây dựng thái độ của công chức, viên chức trong giao tiếp với tổ chức, doanh nghiệp, công dân đúng mực. Tăng cường công tác phổ biến giáo dục pháp luật đảm bảo tính hiệu quả, minh bạch các quy định pháp luật và chính sách của nhà nước.

- Xây dựng và đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”, đấu tranh ngăn ngừa và đẩy lùi nạn tham nhũng dưới mọi hình thức, nhất là trong các lĩnh vực: nhà đất, giao thông, tài chính, đầu tư xây dựng…

- Tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo xã hội: Tiếp tục đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo, khuyến khích làm giàu hợp pháp. Toàn dân tham gia phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” ở các cấp, duy trì và phát triển các phong trào nhân đạo xã hội phù hợp với truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, tạo điều kiện thuận lợi để những người có hoàn cảnh khó khăn cải thiện cuộc sống, có cơ hội vươn lên hòa nhập với cộng đồng.

2. Công tác thi đua, khen thưởng phải tập trung vào đổi mới chất lượng nội dung, phương thức tổ chức. Nội dung thi đua phải tập trung vào việc thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ chính trị của đơn vị, địa phương; đồng thời phải hướng tới giải quyết có kết quả những vấn đề mới phát sinh từ cơ sở. Việc đề ra mục tiêu của các phong trào thi đua phải được lượng hóa cụ thể, thiết thực, rõ ràng, sát với thực tế. Hình thức thi đua phải đa dạng, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng nơi để mọi đối tượng dễ hiểu, dễ thực hiện và tích cực hưởng ứng tham gia vào các phong trào thi đua.

3. Đổi mới công tác theo dõi, sơ kết, tổng kết, nuôi dưỡng các phong trào thi đua để kịp thời uốn nắn những sai sót về phương thức tiến hành, đồng thời phát hiện và bồi dưỡng những điển hình tiên tiến, những nhân tố mới của phong trào. Việc sơ kết, tổng kết cần phải được tiến hành nghiêm túc, đánh giá đúng thực chất, tác dụng của phong trào và kịp thời khen thưởng động viên, tránh tình trạng chiếu lệ, qua loa, chống bệnh thành tích trên mọi lĩnh vực. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, theo dõi và đôn đốc việc thực hiện các chủ trương, chính sách và các quy định về thi đua, khen thưởng. Xử lý nghiêm các hiện tượng tiêu cực trong công tác khen thưởng.

4. Năm 2008, tiếp tục tổ chức học tập, nghiên cứu, tuyên truyền sâu rộng Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 21 tháng 5 năm 2004 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến; đẩy mạnh phong trào học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; kế hoạch kỷ niệm 60 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi Thi đua Ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2008) gắn với việc thực hiện nhiệm vụ của địa phương, ngành, đơn vị. Trên cơ sở những vấn đề thực tiễn đặt ra, công tác thi đua khen thưởng phải quan tâm cơ sở và người lao động, nhằm động viên được phong trào hành động cách mạng của quần chúng nhân dân; đồng thời tăng cường việc kiểm tra chấp hành Luật và việc thực hiện các chủ trương về công tác thi đua khen thưởng ở các cấp, các ngành, các địa phương, tiếp tục duy trì kiểm tra, giám sát theo khối, cụm, gắn với nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội.

5. Thực hiện đúng quy định tổ chức làm công tác thi đua, khen thưởng ở các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể; củng cố Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp với hoạt động thiết thực, quy chế làm việc cụ thể, bố trí đủ cán bộ có năng lực, nhiệt tình làm công tác thi đua, khen thưởng để công tác thi đua, khen thưởng thực sự là động lực giúp cấp ủy, chính quyền lãnh đạo thắng lợi mọi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

6. Phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể thành phố và các cơ quan thông tấn, báo chí tiếp tục tăng cường và nâng cao chất lượng tuyên truyền công tác thi đua, khen thưởng nhằm nhân rộng các điển hình tiên tiến, các nhân tố mới, gương người tốt, việc tốt trên các lĩnh vực bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú.

7. Ban Thi đua - Khen thưởng thành phố có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, theo dõi các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện Chỉ thị này và định kỳ báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố về kết quả thực hiện.

Chỉ thị này có hiệu lực sau mười ngày và đăng trên Báo Cần Thơ chậm nhất là năm ngày kể từ ngày ký./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Tô Minh Giới