Chỉ thị 03/2006/CT-UBND tăng cường công tác kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk

Số hiệu 03/2006/CT-UBND
Ngày ban hành 06/04/2006
Ngày có hiệu lực 16/04/2006
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Đắk Lắk
Người ký Lữ Ngọc Cư
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐĂK LĂK
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 03/2006/CT-UBND

Buôn Ma Thuột, ngày 06 tháng 4 năm 2006

VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC KIỂM TRA, XỬ LÝ VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Công tác kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật (sau đây gọi tắt là văn bản) theo quy định tại Nghị định số 135/2003/NĐ-CP ngày 14/11/2003 của Chính phủ được triển khai từ năm 2004. UBND tỉnh đã có Quyết định số 56/2004/QĐ-UB ngày 13/8/2004 ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện công tác kiểm tra, xử lý văn bản trên địa bàn tỉnh; đồng thời, tại Chỉ thị số 10/2005/CT-UBND ngày 26/4/2005, UBND tỉnh cũng đề cập chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện tốt công tác này... Trên cơ sở đó, đến nay công tác kiểm tra, xử lý văn bản bước đầu đã có những chuyển biến tích cực và đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần đảm bảo tính hợp pháp, tính thống nhất, hiệu lực và hiệu quả của văn bản được ban hành; từng bước lập lại trật tự, kỷ cương, nâng cao chất lượng trong công tác ban hành văn bản trên địa bàn toàn tỉnh.

Tuy nhiên, công tác kiểm tra, xử lý văn bản trên địa bàn tỉnh mới chỉ được quán triệt và triển khai thực hiện tốt ở tỉnh, còn ở cấp huyện và cấp xã, công tác này vẫn chưa được quan tâm, chú trọng đúng mức nên việc chỉ đạo, triển khai thực hiện và kết quả đạt được chưa cao. Còn tình trạng có nhiều văn bản do các cấp, địa phương trong tỉnh ban hành có những nội dung chồng chéo, mâu thuẫn với văn bản khác, không phù hợp với thực tế, thậm chí không phù hợp với các quy định của pháp luật... nhưng chưa được kiểm tra, xử lý kịp thời nên vẫn được áp dụng, làm ảnh hưởng xấu đến lợi ích chung của nhà nước và quyền lợi của các tổ chức, cá nhân; đồng thời tác động không tốt đến hiệu quả quản lý xã hội bằng pháp luật của các cấp chính quyền địa phương của tỉnh.

Để công tác kiểm tra, xử lý văn bản trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới được thực hiện một cách nghiêm túc, đồng bộ và có hiệu quả; đồng thời, để triển khai thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 32/2005/CT-TTg ngày 10/10/2005 về việc tăng cường công tác kiểm tra, xử lý văn bản, UBND tỉnh chỉ thị các sở, ban, ngành, địa phương của tỉnh quán triệt và tổ chức thực hiện những nội dung sau:

1. Tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức, cán bộ làm công tác tham mưu kiểm tra, xử lý văn bản:

Sở Tư pháp phối hợp với Sở Nội vụ tăng thêm biên chế và năng lực hoạt động của Phòng Văn bản quy phạm pháp luật thuộc Sở Tư pháp, để tham mưu giúp tỉnh quản lý, chỉ đạo và triển khai thực hiện công tác văn bản nói chung, trong đó có công tác rà soát, kiểm tra, xử lý văn bản do các cấp chính quyền của tỉnh ban hành theo quy định của pháp luật; tiến hành tổ chức xây dựng đội ngũ Cộng tác viên kiểm tra văn bản khi có đủ các điều kiện cần thiết.

Các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh có trách nhiệm tổ chức, kiện toàn Phòng Pháp chế, công chức pháp chế chuyên trách ở cơ quan mình theo quy định tại Nghị định số 122/2004/NĐ-CP ngày 18/5/2004 của Chính phủ, để giúp Thủ trưởng cơ quan trong việc phối hợp với cơ quan chức năng thực hiện kiểm tra, xử lý văn bản.

UBND các huyện - thành phố có trách nhiệm củng cố, kiện toàn tổ chức, cán bộ, tăng thêm biên chế cho Phòng Tư pháp các huyện, thành phố để các đơn vị này bố trí cán bộ chuyên trách công tác kiểm tra, xử lý văn bản và chỉ đạo kiện toàn các Ban Tư pháp theo chỉ đạo tại Chỉ thị số 06/2004/CT-UB ngày 19/3/2004 của UBND tỉnh, nhằm đảm bảo tham mưu thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ công tác kiểm tra, xử lý văn bản ở huyện, thành phố mình.

Việc củng cố, kiện toàn tổ chức, cán bộ làm công tác tham mưu kiểm tra, xử lý văn bản, về cơ bản phải được hoàn thành trong năm 2006 và tiếp tục được kiện toàn trong những năm tiếp theo. Sở Nội vụ có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan để thực hiện các nội dung chỉ đạo trên đây.

2. Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác tham mưu kiểm tra, xử lý văn bản:

Hàng năm, Sở Tư pháp có trách nhiệm tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức tập huấn nghiệp vụ về công tác kiểm tra, xử lý văn bản cho cán bộ Pháp chế, cán bộ làm công tác Văn phòng của các sở, ban, ngành ở tỉnh; cán bộ Pháp chế HĐND, cán bộ làm công tác Văn phòng HĐND - UBND và cán bộ Tư pháp của các huyện, thành phố thuộc tỉnh.

Trên cơ sở nội dung tập huấn ở tỉnh, Phòng Tư pháp có trách nhiệm tham mưu cho UBND cùng cấp tổ chức tập huấn nghiệp vụ về công tác kiểm tra, xử lý văn bản cho các cán bộ phụ trách các phòng, ban ở huyện, thành phố; cho cán bộ phụ trách Văn phòng và Trưởng, Phó Ban Tư pháp của các xã, phường, thị trấn thuộc địa phương mình. Sở Tư pháp có trách nhiệm giúp các huyện, thành phố về nội dung tập huấn.

3. Đảm bảo các điều kiện cho công tác kiểm tra, xử lý văn bản:

Sở Tư pháp, các cơ quan có liên quan của UBND tỉnh và HĐND, UBND các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn phải ưu tiên cấp kinh phí, trang thiết bị làm việc và các điều kiện đảm bảo khác cho công tác kiểm tra, xử lý văn bản; huy động các nguồn lực để xây dựng và từng bư­ớc tin học hoá hệ cơ sở dữ liệu văn bản của địa phương phục vụ cho công tác kiểm tra, xử lý văn bản.

Văn phòng UBND tỉnh có trách nhiệm tham mưu tổ chức triển khai việc phát hành Công báo của tỉnh theo quy định tại Nghị định của Chính phủ số 104/2004/NĐ-CP ngày 23/3/2004 về Công báo nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt nam; đồng thời tổ chức cho các cơ quan của tỉnh và UBND các huyện - thành phố đấu nối vào mạng tin học diện rộng của tỉnh, để thông qua đó khai thác có hiệu quả dữ liệu Công báo điện tử của Chính phủ được truyền tải trên mạng... nhằm phục vụ cho công tác kiểm tra, xử lý văn bản trên địa bàn tỉnh.

Sở Tư pháp, các Phòng Tư pháp và các Ban Tư pháp có trách nhiệm tham mưu thường xuyên tổ chức rà soát và hệ thống hoá văn bản do HĐND, UBND cùng cấp thuộc địa phương mình ban hành, thông qua đó nhằm lập hệ cơ sở dữ liệu văn bản của địa phương phục vụ công tác kiểm tra, xử lý văn bản ở địa phương.

Trong thời hạn chậm nhất là 3 ngày kể từ ngày ký ban hành, các văn bản do HĐND, UBND tỉnh ban hành phải được gửi đến Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp, cơ quan Pháp chế của Bộ - ngành ở Trung ương có liên quan đến lĩnh vực điều chỉnh của văn bản và Sở Tư pháp; các văn bản do HĐND, UBND huyện - thành phố ban hành phải được gửi đến Sở Tư pháp và Phòng Tư pháp; các văn bản do HĐND, UBND cấp xã ban hành phải được gửi đến Phòng Tư pháp và Ban Tư pháp, để kiểm tra theo quy định của pháp luật.

Kinh phí phục vụ cho công tác kiểm tra, xử lý văn bản được đảm bảo theo hướng dẫn tại Thông tư số 109/2004/TTLT-BTC-BTP ngày 17/11/2004 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định cụ thể về vấn đề này. Các cơ quan có liên quan có trách nhiệm cấp kinh phí đảm bảo cho các hoạt động cần thiết của công tác này theo đúng quy định.

4. Tổ chức thực hiện việc kiểm tra, xử lý văn bản ở các cấp:

- Các cơ quan có liên quan từ tỉnh đến huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh phải thường xuyên quan tâm chỉ đạo, phối hợp và tổ chức thực hiện tốt công tác tự kiểm tra và kiểm tra văn bản theo thẩm quyền; xử lý kịp thời và đúng quy định của pháp luật đối với các văn bản có nội dung trái pháp luật đã đư­ợc phát hiện trong quá trình kiểm tra văn bản; kịp thời kiến nghị, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc thay thế những quy định trong các văn bản của các cơ quan nhà nước cấp trên có mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội; áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả do việc ban hành và thực hiện văn bản trái pháp luật gây ra.

- Ở tỉnh: Sở Tư pháp có trách nhiệm giúp UBND tỉnh tự kiểm tra, xử lý kịp thời, đúng pháp luật đối với các văn bản do UBND tỉnh ban hành; đồng thời tiến hành kiểm tra theo thẩm quyền đối với các văn bản do các cơ quan, đơn vị ở tỉnh và do HĐND, UBND các huyện, thành phố ban hành.

Các cơ quan, ban, ngành ở tỉnh; HĐND, UBND các huyện, thành phố có trách nhiệm phối hợp thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, xử lý văn bản khi có yêu cầu của Sở Tư pháp.

- Ở cấp huyện: HĐND các huyện, thành phố có trách nhiệm tổ chức và chỉ đạo việc tự kiểm tra, xử lý đối với các văn bản do mình ban hành. Ban Pháp chế HĐND các huyện, thành phố có trách nhiệm giúp HĐND thực hiện nhiệm vụ này.

UBND các huyện, thành phố có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện việc kiểm tra, xử lý văn bản của cấp xã thuộc huyện, thành phố mình; tự kiểm tra, xử lý đối với các văn bản do mình ban hành; đồng thời tiến hành kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền đối với các văn bản do các cơ quan, đơn vị ở huyện, thành phố hoặc do HĐND, UBND các xã, phường, thị trấn thuộc huyện, thành phố mình ban hành. Phòng Tư pháp các huyện, thành phố có trách nhiệm giúp UBND thực hiện nhiệm vụ này.

- Ở cấp xã: Thường trực HĐND, UBND các xã, phường, thị trấn có trách nhiệm tự kiểm tra, xử lý đối với các văn bản do mình ban hành.

- Thông qua công tác kiểm tra văn bản theo thẩm quyền, các cơ quan có chức năng tổ chức các đợt kiểm tra văn bản ở các cấp chính quyền của tỉnh.

Hàng năm, Sở Tư pháp có trách nhiệm xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các đợt kiểm tra văn bản tại các huyện, thành phố; UBND các huyện, thành phố chỉ đạo Phòng Tư pháp có kế hoạch và tổ chức thực hiện các đợt kiểm tra văn bản tại các xã, phường, thị trấn ở huyện, thành phố mình.

Từ nay đến hết tháng 6/2006, các địa phương tập trung chỉ đạo kiểm tra, xử lý văn bản đang còn hiệu lực pháp luật do mình ban hành và báo cáo kết quả về UBND tỉnh (thông qua Sở Tư pháp) trước ngày 30/6/2006 để tổng hợp báo cáo Chính phủ.

- Ngoài ra, khi được phát hiện hoặc khi có ý kiến, yêu cầu, kiến nghị, khiếu nại của cơ quan, tổ chức, các phương tiện thông tin đại chúng và của cá nhân công dân đối với các văn bản có chứa quy phạm pháp luật nhưng không được ban hành bằng hình thức Quyết định, Chỉ thị của UBND hoặc Nghị quyết của HĐND, và văn bản có chứa quy phạm pháp luật nhưng do cơ quan không có thẩm quyền (không phải là HĐND, UBND các cấp) ban hành, thì cơ quan, cá nhân đã ban hành văn bản phải kịp thời tự kiểm tra, xử lý đối với văn bản đó. Nếu không tự kiểm tra, xử lý kịp thời thì cơ quan có thẩm quyền tổ chức kiểm tra, xử lý văn bản đó theo quy định của pháp luật.

[...]
2
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ