Chỉ thị 04/2005/CT-UB thực hiện Nghị định 135/2003/NĐ-CP về kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn Thành phố Hà Nội do Ủy ban Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành

Số hiệu 04/2005/CT-UB
Ngày ban hành 11/01/2005
Ngày có hiệu lực 11/01/2005
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Nguyễn Quốc Triệu
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 04/2005/CT-UB

Hà Nội, ngày 11 tháng 01 năm 2005 

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 135/2003/NĐ-CP CỦA CHÍNH PHỦ KIỂM TRA VÀ XỬ LÝ VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Trong thời gian qua, công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Thành phố Hà Nội đã đạt nhiều kết quả tích cực. Nhìn chung cho đến nay văn bản quy phạm pháp luật của Thành phố đều được ban hành đúng thẩm quyền, tuân thủ theo quy định của pháp luật, công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện thường xuyên, hiệu quả. Để tiếp tục thực hiện Nghị định số 135/2003/NĐ-CP ngày 14/11/2003 của Chính phủ về kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật, Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội chỉ thị:

1. Sở Tư pháp Hà Nội:

a- Là cơ quan Thường trực, chịu trách nhiệm phối hợp với Văn phòng Uỷ ban nhân dân Thành phố xây dựng kế hoạch, chuẩn bị tài liệu, đề xuất phương án mở lớp tập huấn cho cán bộ làm công tác văn bản của các Sở, Ngành Thành phố, Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân các quận, huyện, trình UBND Thành phố xem xét, phê duyệt.

b- Giúp các sở, ngành, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân các quận, huyện khi xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cần đảm bảo đúng thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật. Thẩm định lần cuối và có ý kiến về các văn bản Quy phạm pháp luật do sở, ngành trình UBND Thành phố trước khi ban hành. Thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, rà soát và kiến nghị xử lý văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền được quy định tại Nghị định số 135/2003/NĐ-CP của Chính phủ.

c- Phối hợp với các sở, ngành, quận, huyện lập danh mục và xây dựng kế hoạch ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Thành phố.

2. Các Sở, Ban, Ngành của Thành phố: Phối hợp với Sở Tư pháp, Văn phòng Uỷ ban nhân dân Thành phố trong việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; gửi văn bản lấy ý kiến góp ý của cơ quan liên quan vào dự thảo văn bản quy phạm pháp luật trước khi trình UBND Thành phố ban hành. Tạo điều kiện để Sở Tư pháp, Văn phòng UBND Thành phố kiểm tra, rà soát, xử lý các văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân các quận, huyện liên quan đến ngành, lĩnh vực quản lý của đơn vị mình.

3. Uỷ ban nhân dân các quận, huyện:

a- UBND các quận, huyện có trách nhiệm thường xuyên tự kiểm tra các văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân quận, huyện ban hành và kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn trên địa bàn ban hành.

b- Văn phòng Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân, Phòng Tư pháp các quận, huyện chịu trách nhiệm  tham mưu, giúp Uỷ ban nhân dân các quận, huyện:

 - Tự kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân quận, huyện ban hành và kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật do Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn trên địa bàn ban hành; kiến nghị xử lý văn bản trái pháp luật theo thẩm quyền theo quy định tại Điều 22 Nghị định 135/2003/NĐ-CP của Chính phủ.

 - Gửi văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân  quận, huyện ban hành cho Sở Tư pháp Thành phố trong thời gian chậm nhất là 03 ngày kể từ ngày ký ban hành để kiểm tra theo quy định.

 - Hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, Ban Tư pháp xã, phường, thị trấn kiểm tra, xử lý văn bản trái pháp luật theo quy định.

c- Định kỳ tổng hợp, báo cáo đề xuất với cấp tên về tình hình công tác kiểm tra, xử lý văn bản ở địa phương.

4. Văn phòng Uỷ ban nhân dân Thành phố:

a- Phối hợp với Sở Tư pháp tham mưu giúp Uỷ ban nhân dân Thành phố tổ chức tập huấn cho  cán bộ làm công tác văn bản của các Sở, Ngành, Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân các quận, huyện về những quy định của Nghị định số 135/2003/NĐ-CP ngày 14/11/2003 của Chính phủ và những văn bản có liên quan.

b- Rà soát, thẩm định nội dung, hình thức văn bản quy phạm pháp luật do các sở, ngành soạn thảo trước khi trình UBND Thành phố ký ban hành. Phối hợp với Văn phòng HĐND Thành phố gửi văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân Thành phố ban hành tới Cục kiểm tra văn bản thuộc Bộ Tư pháp, tổ chức pháp chế của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có thẩm quyền kiểm tra văn bản theo ngành, lĩnh vực quản lý của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ chậm nhất là 03 ngày kể từ ngày ký ban hành.

c- Phối hợp với Ban pháp chế Hội đồng nhân dân Thành phố, Văn phòng HĐND Thành phố và Sở Tư pháp  thực hiện việc tự kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân Thành phố ban hành.

5. Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn:

a- Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn tự kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn ban hành.

b- Ban Tư pháp các xã, phường, thị trấn có trách nhiệm:

- Thường trực giúp Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn thực hiện việc tự kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn ban hành.

- Chủ động tham mưu, đề nghị Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn đình chỉ thi hành, sửa đổi hoặc bãi bỏ, huỷ bỏ văn bản trái pháp luật do Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn ban hành hoặc tham mưu cho Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn đề nghị Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét, xử lý đối với Nghị quyết trái pháp luật của Hội đồng nhân dân xã, phường, thị trấn.

c- Gửi văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân  xã, phường, thị trấn cho Văn phòng Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân, Phòng Tư pháp quận, huyện, trong thời gian chậm nhất là 03 ngày kể từ ngày ký ban hành để kiểm tra theo quy định.

d- Định kỳ tổng hợp, báo cáo, đề xuất với cấp trên về tình hình công tác kiểm tra, xử lý văn bản ở địa phương.

6- Sở Tài chính :  Phối hợp với Sở Tư pháp hướng dẫn cân đối, bảo đảm kinh phí phục vụ công tác kiểm tra văn bản ở cơ quan, đơn vị, địa phương theo quy định.

Uỷ ban nhân dân Thành phố giao Giám đốc Sở Tư pháp đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này. Định kỳ báo cáo tổng hợp và đề xuất để Uỷ ban nhân dân Thành phố chỉ đạo giải quyết kịp thời những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện  ./. 

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
CHỦ TỊCH




Nguyễn Quốc Triệu

 

 

 

 

 

 

2
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ