Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Chỉ thị 06/2005/CT-UB thực hiện Nghị định 135/2003/NĐ-CP về kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật, trên địa bàn thành phố do Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành

Số hiệu 06/2005/CT-UB
Ngày ban hành 16/02/2005
Ngày có hiệu lực 03/03/2005
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Nguyễn Thành Tài
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

SỐ: 06/2005/CT-UB

TP.Hồ Chí Minh, ngày 16 tháng 02 năm 2005 

 

CHỈ THỊ

VỀ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 135/2003/NĐ-CP NGÀY 14 THÁNG 11 NĂM 2003 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ KIỂM TRA VÀ XỬ LÝ VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT, TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ

Ngày 14 tháng 11 năm 2003, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 135/2003/NĐ-CP về kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật, Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 06 tháng 12 năm 2003 và ngày 16 tháng 6 năm 2004, Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 01/2004/TT-BTP hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 135/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2003 của Chính phủ về kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật ;

Theo đó, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp phải tự kiểm tra văn bản do mình ban hành ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp trên có thẩm quyền kiểm tra và xử lý văn bản do Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp dưới ban hành ; Trưởng Ban Pháp chế của Hội đồng nhân dân, Giám đốc Sở Tư pháp, Trưởng phòng Tư pháp, Trưởng ban Tư pháp cấp xã có nhiệm vụ giúp Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cùng cấp thực hiện công tác kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật. Đây là nhiệm vụ mới của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp, của ngành Tư pháp và của tất cả các ngành, các cấp trên địa bàn thành phố trong công tác xây dựng, ban hành và kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật.

Để triển khai thực hiện công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn thành phố theo quy định tại Nghị định số 135/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2003 của Chính phủ ; Ủy ban nhân dân thành phố Chỉ thị như sau :

I.- CÔNG TÁC KIỂM TRA VÀ XỬ LÝ VĂN BẢN CỦA CẤP DƯỚI :

1. Giám đốc Sở Tư pháp có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân thành phố kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân,  Ủy ban nhân dân quận-huyện ban hành :

1.1- Trực tiếp kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân quận-huyện ban hành.

1.2- Thông báo cho Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân quận-huyện tự kiểm tra, xử lý văn bản nếu qua công tác kiểm tra phát hiện văn bản có nội dung trái pháp luật.

1.3- Đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố đình chỉ việc thi hành và bãi bỏ Quyết định, Chỉ thị trái pháp luật do Ủy ban nhân dân quận-huyện ban hành.

1.4- Kiến nghị Ủy ban nhân dân thành phố đình chỉ việc thi hành và đề nghị Hội đồng nhân dân thành phố bãi bỏ Nghị quyết trái pháp luật do Hội đồng nhân dân quận-huyện ban hành.

2. Trưởng phòng Tư pháp có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân quận-huyện kiểm tra, xử lý văn bản do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân phường-xã, thị trấn ban hành :

2.1- Trực tiếp kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân phường-xã, thị trấn ban hành.

2.2- Thông báo cho Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân phường-xã, thị trấn tự kiểm tra, xử lý văn bản nếu qua công tác kiểm tra phát hiện có nội dung trái pháp luật.

2.3- Đề nghị Ủy ban nhân dân quận-huyện đình chỉ thi hành và bãi bỏ Quyết định, Chỉ thị trái pháp luật do Ủy ban nhân dân phường-xã, thị trấn ban hành.

2.4- Kiến nghị Ủy ban nhân dân quận-huyện đình chỉ việc thi hành và đề nghị Hội đồng nhân dân quận-huyện bãi bỏ Nghị quyết trái pháp luật do Hội đồng nhân dân phường-xã, thị trấn ban hành.

II.- CÔNG TÁC TỰ KIỂM TRA VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT :

1. Giám đốc các sở-ngành có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân thành phố tự kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của mình do Ủy ban nhân dân thành phố ban hành và tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản.

2. Sở Tư pháp là cơ quan đầu mối giúp Ủy ban nhân dân thành phố thực hiện việc tự kiểm tra văn bản và có nhiệm vụ sau :

2.1- Giúp Ủy ban nhân dân thành phố chủ trì, phối hợp với các sở- ngành có liên quan trong việc tự kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản.

2.2- Khi phát hiện hoặc khi nhận được yêu cầu, kiến nghị, khiếu nại của cơ quan, tổ chức, các cơ quan thông tin đại chúng và của cá nhân về văn bản có nội dung trái pháp luật hoặc không còn phù hợp, Sở Tư pháp thông báo ngay cho cơ quan đã chủ trì soạn thảo, trình văn bản theo quy định tại điểm 1, mục II của Chỉ thị này để thực hiện tự kiểm tra văn bản. 

3. Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân quận-huyện, phường-xã, thị trấn có trách nhiệm thực hiện việc tự kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật do mình ban hành theo quy định tại Điều 11, Nghị định số 135/2003/NĐ-CP.

Trưởng Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân quận-huyện ; Trưởng Phòng Tư pháp quận-huyện ; Trưởng Ban Tư pháp xã-phường, thị trấn là đầu mối giúp Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cùng cấp thực hiện việc tự kiểm tra văn bản.

III.- CÔNG BỐ KẾT QUẢ XỬ LÝ VĂN BẢN TRÁI PHÁP LUẬT :

1. Đối với kết quả xử lý văn bản trái pháp luật của Ủy ban nhân dân thành phố :

1.1- Niêm yết kết quả xử lý văn bản trái pháp luật tại trụ sở Văn phòng Tiếp công dân thành phố trong thời gian 03 (ba) ngày, kể từ ngày có kết quả xử lý. Thời gian niêm yết là 30 (ba mươi) ngày.

1.2- Công bố kết quả xử lý văn bản trái pháp luật trên Công báo của Ủy ban nhân dân thành phố số gần nhất. Trong thời gian chưa triển khai, thực hiện Công báo, kết quả xử lý văn bản trái pháp luật phải được in trong Tập quy định của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố.

1.3- Công bố kết quả xử lý văn bản trái pháp luật trên Báo Sàigòn Giải phóng trong thời hạn 07 (bảy) ngày, kể từ ngày có kết quả xử lý văn bản. Mức  độ, thời lượng đưa tin về kết quả xử lý văn bản trái pháp luật trên báo phải tương xứng với việc phổ biến khi ban hành văn bản đó.

[...]