Chỉ thị 02/CT-UBND năm 2016 về tổ chức thực hiện cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 do tỉnh Đắk Nông ban hành
Số hiệu | 02/CT-UBND |
Ngày ban hành | 03/02/2016 |
Ngày có hiệu lực | 03/02/2016 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Đắk Nông |
Người ký | Nguyễn Bốn |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 02/CT-UBND |
Đắk Nông, ngày 03 tháng 02 năm 2016 |
CHỈ THỊ
VỀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN CUỘC BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XIV VÀ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP NHIỆM KỲ 2016-2021
Căn cứ Nghị quyết số 105/2015/QH13 về ngày đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021; Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 13/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021.
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 là sự kiện chính trị lớn, có ý nghĩa quan trọng đối với cả nước và của địa phương, được tổ chức vào thời điểm cả nước đã giành được những thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực theo các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã đặt ra đối với cả nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII và Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016. Đây cũng là thời điểm các cấp, các ngành của tỉnh tập trung triển khai và thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng theo nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XI, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuẩn bị, tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021.
Để cuộc bầu cử bảo đảm dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm, thực sự là ngày hội của toàn dân, thể hiện đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Chỉ thị như sau:
1. Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành; các cơ quan, đơn vị trong tỉnh căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của đơn vị khẩn trương triển khai kế hoạch, chỉ đạo tổ chức và phục vụ tốt cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021.
2. Giám đốc các đơn vị: Thông tin và Truyền thông, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bưu điện tỉnh, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Đắk Nông căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng ở Trung ương tổ chức tuyên truyền kịp thời, sâu rộng trong cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc bầu cử; quyền ứng cử, quyền bầu cử của công dân theo quy định của Hiến pháp; các nội dung cơ bản của Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính quyền địa phương, Luật Bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, góp phần nâng cao ý thức làm chủ, tinh thần tự giác của mọi công dân, cơ quan, tổ chức trong thực hiện công tác bầu cử.
3. Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh cung cấp số liệu dân số đến ngày 31 tháng 12 năm 2015 của đơn vị hành chính các cấp để làm căn cứ tính số lượng đại biểu Quốc hội và số lượng đại biểu HĐND các cấp ở mỗi đơn vị hành chính.
4. Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh; Giám đốc Công an tỉnh xây dựng kế hoạch, phương án triển khai lực lượng bảo đảm an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội trong suốt quá trình chuẩn bị, tổ chức cuộc bầu cử, đặc biệt chú trọng bảo đảm an ninh, trật tự tại những địa bàn trọng điểm, khu vực trọng yếu về quốc phòng, an ninh; chỉ đạo và hướng dẫn các lực lượng quân đội, công an tham gia cuộc bầu cử.
5. Giám đốc Sở Tài chính phối hợp với Sở Nội vụ lập dự trù kinh phí bầu cử để tham mưu cho UBND tỉnh chuẩn bị kinh phí kịp thời phục vụ cuộc bầu cử theo kế hoạch; đồng thời chịu trách nhiệm hướng dẫn và kiểm tra chặt chẽ, nhằm thực hiện chi tiêu tiết kiệm, đúng mục đích, chế độ.
6. Giám đốc các Sở: Giao thông vận tải, Thông tin và Truyền thông xây dựng kế hoạch, phương án cụ thể, bảo đảm giao thông và thông tin liên lạc thông suốt trong quá trình chuẩn bị tổ chức bầu cử, đặc biệt trước và trong ngày bầu cử (ngày 22/5/2016).
7. Chánh Thanh tra tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn việc kê khai tài sản đối với người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tập trung giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các khiếu nại, tố cáo của công dân trước, trong và sau bầu cử.
8. Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng các phương án chủ động đối phó với những tình huống thiên tai, dịch bệnh có thể xảy ra trong thời gian chuẩn bị và tổ chức bầu cử.
9. Sở Nội vụ:
- Là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm trước UBND, Chủ tịch UBND tỉnh trong việc chỉ đạo các Sở, Ban, ngành, UBND các cấp thực hiện công tác bầu cử; kiểm tra, đôn đốc UBND các cấp thực hiện các quy định của pháp luật về bầu cử và các văn bản hướng dẫn của các cơ quan Trung ương.
- Phối hợp chặt chẽ với Văn phòng UBND tỉnh, các cơ quan liên quan theo dõi, cập nhật tình hình chuẩn bị, tiến độ thực hiện công tác bầu cử tại các Sở, Ban, ngành và UBND các cấp để kịp thời tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh theo đúng quy định.
10. Chủ tịch UBND các huyện, thị xã; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn:
- Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình tổ chức thực hiện cuộc bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp theo đúng quy định; chủ động thực hiện và bảo đảm tiến độ việc chuẩn bị cho cuộc bầu cử; công tác hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp; trình tự các bước tiến hành công việc trước, trong, sau ngày bầu cử và các điều kiện vật chất, kỹ thuật phục vụ cho cuộc bầu cử.
- Chủ động phối hợp với Thường trực HĐND, các cơ quan có liên quan giám sát, kiểm tra và thực hiện công tác bầu cử; xây dựng các kế hoạch, biện pháp cụ thể nhằm giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn và tại các địa điểm bỏ phiếu; bảo đảm cho cuộc bầu cử được diễn ra an toàn, đúng pháp luật; xây dựng phương án dự phòng bảo đảm cuộc bầu cử được tiến hành liên tục, không bị gián đoạn.
- Chủ tịch UBND các huyện, thị xã chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về tổ chức thực hiện cuộc bầu cử tại địa phương mình, có kế hoạch phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận ở địa phương để tổ chức cuộc bầu cử thực hiện dân chủ, đúng luật và phù hợp với các quy định hiện hành; vận động cử tri tự giác thực hiện nghĩa vụ bầu cử của công dân.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành, Chủ tịch UBND các cấp khẩn trương triển khai công tác chuẩn bị bầu cử, thường xuyên báo cáo UBND tỉnh (thông qua Sở Nội vụ) về tiến độ thực hiện từ khâu chuẩn bị đến khi kết thúc tổng kết công tác bầu cử một cách đầy đủ, kịp thời, chính xác./.
|
CHỦ TỊCH |