Chỉ thị 02/CT-UBND năm 2014 tăng cường thực hiện biện pháp kiểm soát, bảo tồn loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng
Số hiệu | 02/CT-UBND |
Ngày ban hành | 28/02/2014 |
Ngày có hiệu lực | 28/02/2014 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Lâm Đồng |
Người ký | Nguyễn Xuân Tiến |
Lĩnh vực | Tài nguyên - Môi trường,Văn hóa - Xã hội |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 02/CT-UBND |
Lâm Đồng, ngày 28 tháng 02 năm 2014 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG THỰC HIỆN CÁC BIỆN PHÁP KIỂM SOÁT, BẢO TỒN CÁC LOÀI ĐỘNG VẬT HOANG DÃ NGUY CẤP, QUÝ, HIẾM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG
Trong những năm qua, tình trạng khai thác, vận chuyển, kinh doanh động vật hoang dã trái phép diễn ra phức tạp. Mặc dù các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp và đơn vị chủ rừng đã có nhiều cố gắng trong công tác này; tuy nhiên, do một số tổ chức, cá nhân chưa nhận thức và chấp hành đúng quy định của pháp luật về bảo vệ và quản lý động vật hoang dã, nên các hành vi vi phạm không giảm mà vẫn diễn ra ở nhiều địa phương trong tỉnh;
Để tăng cường thực hiện các biện pháp quản lý, kiểm soát, bảo tồn các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 20/02/2014 và kịp thời khắc phục những tình trạng nêu trên; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở; Thủ trưởng cơ quan, ban, ngành thuộc tỉnh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc (sau đây gọi tắt là UBND cấp huyện) thực hiện các nhiệm vụ sau:
1. Các sở, ban, ngành thuộc tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện chỉ đạo cán bộ công chức, viên chức và người lao động chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật về bảo tồn loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm; đặc biệt không mua, bán, sử dụng, cất giữ, tặng cho hay nhận quà là các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm; tăng cường tuyên truyền, phổ biến tới cộng đồng địa phương các văn bản quy phạm pháp luật và hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến bảo tồn các loài động vật hoang dã nguy cấp quý hiếm; khuyến cáo các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân không được tiêu thụ động vật hoang dã nguy cấp quý hiếm và khuyến khích việc thông báo các hành vi vi phạm tới cơ quan Kiêm lâm.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
a) Thường xuyên tổ chức tuyên truyền, giáo dục, phổ biến các quy định của pháp luật về quản lý và bảo tồn động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh.
b) Chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm xây dựng kế hoạch, phương án phối hợp các sở, ngành; UBND cấp huyện và cơ quan có liên quan tổ chức kiểm tra, kiểm soát các hoạt động buôn bán, kinh doanh, gây nuôi động vật hoang dã trên địa bàn; ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định về săn, bắt, mua, bán, vận chuyển, nuôi, giết mổ, kinh doanh, tàng trữ các loài động vật hoang dã và sản phẩm, dẫn xuất trái pháp luật và các quy định của Công ước quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES).
3. Sở Công Thương, Sở Giao thông Vận tải, Công an tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện chỉ đạo các đơn vị chức năng trực thuộc có trách nhiệm hỗ trợ và phối hợp chặt chẽ với lực lượng Kiểm lâm tăng cường kiểm tra, kiểm soát tại các quán ăn, nhà hàng, các chợ, điểm kinh doanh, khu dân cư, hộ gia đình có nuôi, nhốt động vật hoang dã để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các trường hợp vi phạm.
4. Sở Thông tin và Truyền thông:
a) Chỉ đạo Đài Phát thanh Truyền hình Lâm Đồng, Báo Lâm Đồng phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương, đơn vị chủ rừng thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về bảo vệ và phát triển động vật hoang dã để họ biết và chấp hành.
b) Tăng cường công tác ngăn chặn, xử lý các hành vi lợi dụng việc cung cấp, sử dụng internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích quảng cáo, tuyên truyền, mua bán hàng hóa, dịch vụ trái phép đối với các mẫu vật loài động vật hoang dã trên địa bàn.
5. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tăng cường chỉ đạo các tổ chức kinh doanh dịch vụ du lịch lữ hành trên địa bàn thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc và các huyện không tổ chức đưa khách đến tham quan các điểm khai thác, kinh doanh động vật hoang dã không được phép kinh doanh phục vụ du lịch.
6. Ủy ban nhân dân cấp huyện:
a) Chỉ đạo các phòng, đơn vị trực thuộc, chính quyền cấp xã:
- Chủ động tổ chức kiểm tra, kiểm soát và xử lý các trường hợp về vận chuyển, nuôi nhốt, chế biến, kinh doanh trái phép động vật hoang dã và sản phẩm của chúng trên địa bàn theo đúng quy định của pháp luật.
- Tích cực phối hợp, hỗ trợ các sở, ngành và cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, kiểm soát, xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm về bảo vệ và phát triển động vật hoang dã.
b) Yêu cầu các đơn vị chủ rừng thuộc Nhà nước: Chủ động xây dựng và tổ chức thực hiện phương án tuần tra, truy quét (định kỳ, đột xuất hàng tuần/tháng) để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm săn, bắt động vật hoang dã trái phép ngay tại rừng; phối hợp với cơ quan chức năng hoàn tất hồ sơ, xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.
Yêu cầu lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương và các đơn vị có liên quan nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị này; định kỳ báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết quả thực hiện để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, kịp thời xử lý hoặc báo cáo UBND tỉnh xem xét giải quyết những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện./.
Nơi nhận: |
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN |