Chỉ thị 02/2007/CT-UBND tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy do tỉnh An Giang ban hành
Số hiệu | 02/2007/CT-UBND |
Ngày ban hành | 26/01/2007 |
Ngày có hiệu lực | 05/02/2007 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh An Giang |
Người ký | Lâm Minh Chiếu |
Lĩnh vực | Văn hóa - Xã hội |
ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 02/2007/CT-UBND |
Long Xuyên, ngày 26 tháng 01năm 2007 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG CHÁY CHỮA CHÁY
Hàng năm vào mùa hanh khô và dịp tết Nguyên Đán thường xảy ra nhiều vụ cháy lớn, gây thiệt hại về người và tài sản. Đây là thời điểm mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tăng lên, do đó nguy cơ cháy và cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng cũng tăng cao. Để thực hiện chỉ đạo của Thủ Tướng Chính Phủ về việc thực hiện luật phòng cháy và chữa cháy, triển khai các biện pháp cụ thể về phòng chống cháy, nổ. Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:
1. Các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường hoạt động tuyên truyền, khuyến cáo về nguy cơ cháy và biện pháp phòng cháy chữa cháy (PCCC) trong sinh hoạt, an toàn phòng cháy chữa cháy trong sử dụng điện, xăng, dầu, gas, hoá chất tại các cơ sở có nguy hiểm cháy nổ, khu đông dân cư, chợ trung tâm thương mại. Thông qua các hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trong việc thực hiện các quy định của Pháp luật về phòng cháy chữa cháy.
2. Chủ tịch UBND cấp huyện và cấp xã tổ chức đoàn kiểm tra công tác PCCC, ở các chợ trung tâm thương mại, khu tập trung đông dân cư, một số cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao. Nội dung kiểm tra cần tập trung vào các điều kiện đảm bảo an toàn PCCC, phương án, phương tiện, lực lượng PCCC tại chổ, nguồn nước, giao thông, công tác phối hợp, huy động lực lượng khi có cháy nổ xảy ra.
3. Các sở, ban, ngành, các khu công nghiệp, cơ quan, doanh nghiệp xây dựng kế hoạch phòng cháy chữa cháy chủ động kiểm tra hoạt động PCCC theo quy định của pháp luật PCCC. Tổ chức bố trí lực lượng ứng trực, tuần tra, canh gác, bảo vệ nhất là ngày nghỉ, ngoài giờ hành chính, ban đêm. Tổ chức kiểm tra phương tiện chữa cháy tại chỗ, ký cam kết đảm bảo an toàn PCCC.
4. Ban chỉ huy phòng cháy chữa cháy rừng của Tỉnh tổ chức kiểm tra công tác phòng chống cháy rừng tại các địa phương có rừng. Kịp thời xây dựng, củng cố Ban chỉ huy phòng chống cháy rừng ở những địa phương hoạt động chưa có hiệu quả. Thường xuyên cảnh báo kịp thời các khu rừng có nguy cơ cháy cao, tổ chức kiểm tra, hướng dẫn các biện pháp đảm bảo an toàn phòng chống cháy rừng, có phương án huy động tổng hợp các lực lượng và phương tiện để sẳn sàng tham gia chữa cháy rừng từ khi mới xảy ra.
5. Công an tỉnh hướng dẫn các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC. Đồng thời tổ chức kiểm tra các cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao, Chợ - Trung tâm thương mại, tăng cường quản lý vật liệu nổ công nghiệp, kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn, xử lý những vụ vận chuyển, mua bán, đốt pháo nổ. Tổ chức thực tập các phương án chữa cháy đảm bảo công tác thường trực sẳn sàng chiến đấu của lực lượng Cảnh sát PCCC cả về lực lượng và phương tiện chữa cháy, cương quyết xử lý các trường hợp cố tình không thực hiện các biện pháp PCCC để xảy ra cháy nổ gây hậu quả nghiêm trọng.
6. Thủ trưởng các sở, ban, ngành, doanh nghiệp, Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố phải thành lập ngay Ban chỉ đạo PCCC và có kế hoạch, biện pháp cụ thể để tổ chức thực hiện tốt tinh thần Chỉ thị này. Hàng năm các địa phương đơn vị phải tổng kết và định kỳ 06 tháng có sơ kết đánh giá kết quả phòng cháy, rút kinh nghiệm chữa cháy và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về công tác PCCC.
Công an tỉnh chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện và tổng hợp tình hình báo cáo định kỳ về UBND tỉnh để có chỉ đạo kịp thời.
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |