Chỉ thị 01/CT-VKSTC năm 2012 về công tác của ngành Kiểm sát nhân dân do Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ban hành

Số hiệu 01/CT-VKSTC
Ngày ban hành 01/01/2012
Ngày có hiệu lực 01/01/2012
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Người ký Nguyễn Hòa Bình
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN
TỐI CAO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 01/CT-VKSTC

Hà Nội, ngày 01 tháng 01 năm 2012

 

CHỈ THỊ

VỀ CÔNG TÁC CỦA NGÀNH KIỂM SÁT NHÂN DÂN NĂM 2012

Năm 2012 là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng, trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục biến động khó lường, suy thoái kinh tế toàn cầu chưa có dấu hiệu chấm dứt, các thế lực thù định tiếp tục chống phá cách mạng nước ta dưới nhiều hình thức, tình hình biển Đông vẫn tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp. Trong nước, các thành tựu về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại đã tạo tiền đề cho đất nước tiếp tục phát triển. Bên cạnh đó, khó khăn thách thức cũng không nhỏ, kinh tế tăng trưởng không bền vững, đời sống nhân dân khó khăn do lạm phát; tình hình tội phạm gia tăng, nhất là trong lĩnh vực môi trường, tội phạm về ma túy... Năm nay, Đảng và Nhà nước xác định tiếp tục thắt chặt tín dụng, lựa chọn mô hình tăng trưởng hợp lý, ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội. Đồng thời, cũng là năm triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ chiến lược như tái cơ cấu nền kinh tế, bổ sung, sửa đổi Hiến pháp năm 1992, xây dựng chỉnh đốn Đảng toàn diện, đẩy mạnh cải cách tư pháp,... Tình hình đó sẽ tác động nhiều mặt đến hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân.

Năm 2012, ngành Kiểm sát nhân dân xác định là năm hoạt động: “Đổi mới, Chất lượng, Kỷ cương, Hướng về cơ sở”. Toàn Ngành tập trung thực hiện tốt những mục tiêu, chỉ tiêu và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:

I. MỤC TIÊU

Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra; nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên toà, hiệu quả hoạt động của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát; thực hiện đầy đủ quyền hạn, trách nhiệm trong công tác kiểm sát giải quyết các vụ án hình sự, các vụ, việc dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động, vụ án hành chính; đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm sát tạm giữ, tạm giam, kiểm sát thi hành án và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp theo quy định của pháp luật. Mở rộng hợp tác quốc tế, tiếp tục thực hiện chiến lược cải cách tư pháp, xây dựng Ngành trong sạch, vững mạnh, đảm bảo đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ về số lượng, không ngừng nâng cao về chất lượng, đề cao kỷ luật, kỷ cương, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, thiết thực góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; đấu tranh phòng, chống tội phạm có hiệu quả, bảo vệ cuộc sống thanh bình của nhân dân. Thực hiện đầy đủ trách nhiệm của ngành Kiểm sát nhân dân trong việc tham gia ý kiến vào quá trình xây dựng Hiến pháp(sửa đổi, bổ sung), các đạo luật về tổ chức bộ máy nhà nước, đặc biệt là Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân và các đề án về cải cách tư pháp.

II. CHỈ TIÊU CƠ BẢN

Viện kiểm sát các cấp thực hiện tốt những chỉ tiêu công tác trên mọi lĩnh vực hoạt động của Ngành, trong đó tập trung vào các chỉ tiêu cơ bản sau:

- Không có trường hợp nào bị tạm giữ, tạm giam quá thời hạn luật định thuộc trách nhiệm của Viện kiểm sát;

- Phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều tra đẩy nhanh tiến độ giải quyết án; phấn đấu đạt tỷ lệ trên 80%;

- Hạn chế thấp nhất tỉ lệ trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, tỉ lệ trả hồ sơ không quá 06%;

- Không để xảy ra việc đình chỉ điều tra bị can vì không phạm tội hoặc Toà án tuyên bị cáo không phạm tội do lỗi chủ quan của Viện kiểm sát khi thực hiện các quyền năng theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự;

- Nâng cao số lượng, chất lượng kháng nghị về hình sự,dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động và hành chính. Kháng nghị phúc thẩm hình sự được chấp nhận đạt tỉ lệ trên 70%; kháng nghị phúc thẩm dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động và hành chính đạt tỉ lệ trên 80%; kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm các loại án đạt tỉ lệ trên 85%;

- Định kỳ hàng quý các đơn vị Viện kiểm sát cấp trên có thông báo rút kinh nghiệm nghiệp vụ với Viện kiểm sát cấp dưới;

- Tham gia xây dựng pháp luật theo phân công, đảm bảo về chất lượng và tiến độ, thực hiện tốt công tác hướng dẫn nghiệp vụ trong Ngành;

- Tăng cường công tác quản lý, giáo dục nâng cao phẩm chất đạo đức, trách nhiệm công vụ và tinh thần phục vụ nhân dân cho cán bộ, công chức, viên chức trong đơn vị; đề cao kỷ luật, phấn đấu không có cán bộ, công chức, viên chức vi phạm bị xử lý hình sự hoặc kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên;

- Chấp hành nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo và quản lý công tác trong Ngành.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM

Để đạt được mục tiêu và các chỉ tiêu cơ bản nêu trên, toàn Ngành tập trung thực hiện có chất lượng và hiệu quả những nhiệm vụ, giải pháp sau:

1. Quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc các nghị quyết của Đảng, của Quốc hội

Ngành kiểm sát tổ chức chu đáo việc nghiên cứu, học tập, quán triệt các Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội, trên cơ sở đó xây dựng và thực hiện tốt chương trình hành động của các cấp uỷ Đảng, các đơn vị trong Ngành; nhất là các Nghị quyết về xây dựng Đảng, xây dựng và thực thi pháp luật thuộc trách nhiệm của các cơ quan tư pháp và ngành Kiểm sát nhân dân.

Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm về cải cách tư pháp trong Ngành Kiểm sát nhân dân giai đoạn 2011-2020 theo Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 và Kết luận số 79-KL/TW ngày 28/7/2010 của Bộ Chính trị.

2. Nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong lĩnh vực hình sự.

2.1. Tiếp tục triển khai các biện pháp thực hiện tốt chủ trương của Đảng về: “Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra”.

- Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố đối với Cơ quan điều tra; phấn đấu tăng tỷ lệ phát hiện, xử lý tội phạm; không làm oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm.

- Đề ra các biện pháp cụ thể nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra theo quy định tại Điều 112 Bộ luật tố tụng hình sự, bảo đảm việc khởi tố và áp dụng các biện pháp ngăn chặn, việc điều tra và xử lý của Cơ quan điều tra có căn cứ, đúng pháp luật.

- Kiểm sát chặt chẽ việc tạm đình chỉ, đình chỉ điều tra vụ án và bị can. Có biện pháp cụ thể để quản lý, theo dõi chặt chẽ các vụ án tạm đình chỉ, định kỳ rà soát, tích cực đôn đốc Cơ quan điều tra truy bắt bị can trốn,... để phục hồi điều tra.

- Tập trung đẩy nhanh việc giải quyết các vụ án trọng điểm, các vụ án dư luận xã hội đặc biệt quan tâm; các vụ án phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhiều lần hoặc có khiếu kiện gay gắt. Từng bước khắc phục và tiến tới chấm dứt tình trạng điều tra vụ án kéo dài vi phạm quy định tố tụng hình sự về thời hạn điều tra.

[...]