Chỉ thị 01/2010/CT-UBND đẩy mạnh công tác quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk do Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk ban hành

Số hiệu 01/2010/CT-UBND
Ngày ban hành 19/01/2010
Ngày có hiệu lực 29/01/2010
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Đắk Lắk
Người ký Lữ Ngọc Cư
Lĩnh vực Thương mại

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK LẮK
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Trình duyệt của bạn có thể không hỗ trợ hiển thị hình này.Số: 01/2010/CT-UBND

Buôn Ma Thuột, ngày 19 tháng 01 năm 2010

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM, HÀNG HÓA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK LẮK

Căn cứ Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa có hiệu lực từ ngày 01/7/2008 và các văn bản hướng dẫn thi hành; nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa đáp ứng tốt cho nhu cầu sản xuất, tiêu dùng và hội nhập kinh tế quốc tế, UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn và các tổ chức, cá nhân có liên quan trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm túc các nội dung sau:

1. Giao nhiệm vụ quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo chuyên ngành cho các Sở, ban, ngành: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông - Vận tải, Công thương, Lao động - Thương binh và Xã hội, Thông tin và Truyền thông, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Giáo dục và Đào tạo, Tài chính, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Khoa học và công nghệ, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Đắk Lắk, Công an tỉnh (Danh mục sản phẩm, hàng hóa cụ thể nêu tại phụ lục kèm theo).

2. Các Sở quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo chuyên ngành có trách nhiệm:

a) Tổ chức tuyên truyền các quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa; đề xuất và tham mưu UBND tỉnh ban hành các quy chuẩn kỹ thuật địa phương, các văn bản hướng dẫn đối với công tác quản lý về chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo chuyên ngành; đề xuất UBND tỉnh kiến nghị với Trung ương sửa đổi, bổ sung, các quy định có liên quan đến chất lượng sản phẩm, hàng hóa nhằm khắc phục những quy định bất cập, gây cản trở cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

b) Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch công tác quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa và đầu tư kinh phí thích hợp để xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật, trang thiết bị cần thiết phục vụ công tác quản lý nhà nước về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

c) Tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong lĩnh vực chất lượng sản phẩm, hàng hóa, lựa chọn các sản phẩm, hàng hóa trong ngành, lĩnh vực phụ trách để đề nghị hỗ trợ, tạo điều kiện nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu cạnh tranh, hội nhập kinh tế quốc tế; 

d) Quản lý các hoạt động công bố tiêu chuẩn áp dụng, công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy, chứng nhận hợp chuẩn, chứng nhận hợp quy và chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng.

đ) Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan thực hiện thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa (hàng hóa trong sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, lưu thông trên thị trường và trong quá trình sử dụng); giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn và lĩnh vực được phân công;

e) Vận động, khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất- kinh doanh đăng ký tham gia Giải thưởng Chất lượng quốc gia, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc tế như ISO 9001:2008, ISO 14000, ISO 22000, GMP v.v…

f) Định kỳ 6 tháng, 01 năm hoặc đột xuất báo cáo tình hình và kết quả hoạt động quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa về Sở Khoa học và Công nghệ để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và Bộ.

3. UBND các huyện, thị xã, thành phố trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm sau:

a) Tuyên truyền, phổ biến và tổ chức hướng dẫn thực hiện pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo quy định của pháp luật;

b) Thực hiện việc quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong phạm vi điạ phương của mình. Tham gia hoạt động kiểm tra chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường; xử lý vi phạm về pháp luật chất lượng hàng hóa theo thẩm quyền;

c) Theo dõi, thống kê, tổng hợp tình hình chất lượng hàng hóa lưu thông trên địa bàn; giải quyết khiếu nại, tố cáo về chất lượng hàng hóa lưu thông trên địa bàn theo quy định của pháp lụât.

d) Chỉ đạo, hướng dẫn UBND xã, phường, thị trấn thực hiện chức năng quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn.

4. UBND xã, phường, thị trấn trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm sau:

a) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa;

b) Tổ chức hướng dẫn kỹ thuật, kiểm tra việc tuân thủ các quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và xử lý vi phạm về chất lượng sản phẩm, hàng hoá sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ trên địa bàn theo phân cấp quản lý;

c) Phối hợp với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc kiểm tra, thanh tra về chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn theo quy định của pháp luật.

5. Sở Tài chính căn cứ vào khả năng cân đối ngân sách hàng năm, phối hợp với các Sở, ngành liên quan bố trí kinh phí về quản lý, kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa.

6. Đài Phát thanh - Truyền hình, các cơ quan thông tấn, báo chí trên địa bàn tỉnh, phối hợp với các Sở, ngành có liên quan mở đợt tuyên truyền các quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa đến với các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh; tăng cường đưa tin các loại sản phẩm, hàng hóa giả, kém chất lượng đã bị phát hiện và xử lý trên địa bàn tỉnh và các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh vi phạm các quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

7. Các tổ chức cá nhân sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh:

a) Tuân thủ các điều kiện đảm bảo chất lượng sản phẩm trong sản xuất trước khi đưa ra thị trường, các điều kiện đảm bảo chất lượng hàng hóa trong kinh doanh khi lưu thông trên thị trường và chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm, hàng hóa do mình sản xuất, kinh doanh.

b) Chủ động tăng cường nhân lực, tài chính để phát triển sản xuất, kinh doanh theo hướng áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến để nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong sản xuất kinh doanh v.v… Tham gia phối hợp với các cơ quan nhà nước trong việc đấu tranh, phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

8. Sở Khoa học và công nghệ có trách nhiệm:

a) Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa tại địa phương; làm đầu mối tổng hợp, báo cáo tình hình quản lý chất lượng tại địa phương cho UBND tỉnh và Bộ Khoa học và Công nghệ;

[...]