Báo cáo 12/BC-BTP về tổng kết công tác tư pháp năm 2015, nhiệm kỳ 2011-2015; định hướng nhiệm kỳ 2016-2020 và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu công tác năm 2016 do Bộ Tư pháp ban hành

Số hiệu 12/BC-BTP
Ngày ban hành 20/01/2016
Ngày có hiệu lực 20/01/2016
Loại văn bản Báo cáo
Cơ quan ban hành Bộ Tư pháp
Người ký Đinh Trung Tụng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BỘ TƯ PHÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 12/BC-BTP

Hà Nội, ngày 20 tháng 01 năm 2016

 

BÁO CÁO

TỔNG KẾT CÔNG TÁC TƯ PHÁP NĂM 2015, NHIỆM KỲ 2011-2015; ĐỊNH HƯỚNG NHIỆM KỲ 2016-2020 VÀ NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU CÔNG TÁC NĂM 2016

Từ năm 2011, tình hình thế giới diễn biến rất phức tạp, kinh tế phục hồi chậm hơn dự báo. Khủng hoảng nợ công diễn ra trầm trọng ở nhiều quốc gia. Trong nước, khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu làm cho những yếu kém nội tại của nền kinh tế bộc lộ nặng nề hơn; thiên tai, dịch bệnh gây thiệt hại lớn và yêu cầu bảo đảm an sinh xã hội, tăng cường quốc phòng an ninh ngày càng cao. Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII đã quyết định điều chỉnh mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, trong đó, tập trung ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý gắn với đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng; bảo đảm quốc phòng an ninh và ổn định chính trị xã hội; tăng cường hoạt động đối ngoại và nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, toàn quân, toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp, chúng ta vừa kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia, giữ vững hoà bình, ổn định vừa phấn đấu đạt chỉ tiêu cao nhất của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và 5 năm 2011-2015. Trên hầu hết các lĩnh vực đều đạt kết quả quan trọng, cơ bản thực hiện được mục tiêu tổng quát đã đề ra, nhất là: kiềm chế được lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; duy trì được tăng trưởng ở mức hợp lý và đạt tăng trưởng cao hơn ở những năm cuối, riêng năm 2015 tăng trưởng GDP ước đạt 6,68%, cao nhất trong vòng 8 năm qua; an sinh xã hội cơ bản được bảo đảm, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện; cải cách hành chính đạt những kết quả tích cực; công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí được chú trọng; quốc phòng, an ninh được tăng cường, chủ quyền quốc gia được giữ vững; công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được chủ động đẩy mạnh, nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Cùng với các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, ngành Tư pháp đã nỗ lực vượt khó, hoàn thành các nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần quan trọng vào các thành tựu chung về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và đối ngoại của đất nước. Thực hiện Nghị quyết số 06/NQ-CP ngày 07/3/2012 về Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2011-2015, Bộ Tư pháp đã ban hành Chương trình hành động của Ngành[1] và tổ chức triển khai toàn diện trên các lĩnh vực công tác, đạt được nhiều kết quả nổi bật so với nhiệm kỳ 2007-2011. Riêng đối với năm 2015, thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2015, Bộ đã chủ động ban hành Chương trình hành động của Ngành[2] và tổ chức triển khai bài bản, lập thành tích thiết thực kỷ niệm các ngày Lễ lớn của đất nước, của Ngành, tập trung giải quyết nhiều “điểm nghẽn” trong công tác tư pháp, nhất là ở địa phương; nhiều nhiệm vụ mới được triển khai thực hiện bước đầu phát huy hiệu quả; vị trí, vai trò của công tác tư pháp trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước tiếp tục được khẳng định; vị thế của Ngành từ Trung ương đến địa phương ngày càng được củng cố, tăng cường.

Tổng kết công tác Tư pháp năm 2015, nhiệm kỳ 2011-2015, toàn Ngành nghiêm túc đánh giá một cách toàn diện, chính xác, khách quan những kết quả tích cực đã đạt được; ghi nhận những cách làm mới, hiệu quả cần nhân rộng; làm rõ những khó khăn, vướng mắc, hạn chế, yếu kém trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện các mặt công tác để đề ra định hướng công tác Tư pháp nhiệm kỳ 2016-2020, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu năm 2016.

Phần thứ nhất

TÌNH HÌNH CÔNG TÁC TƯ PHÁP NĂM 2015, NHIỆM KỲ 2011-2015

I. TÌNH HÌNH CÔNG TÁC TRONG CÁC LĨNH VỰC CỤ THỂ

1. Triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013

1.1. Kết quả đạt được

Tiếp tục thực hiện Kế hoạch của Chính phủ tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, Bộ Tư pháp cùng với các Bộ, ngành, địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, rà soát, xây dựng văn bản triển khai thi hành Hiến pháp và đạt nhiều kết quả tích cực, cụ thể:

- Công tác tuyên truyền, phổ biến Hiến pháp được tăng cường dưới nhiều hình thức phong phú; gắn với trách nhiệm tích cực, chủ động, tự giác học tập, tìm hiểu Hiến pháp của công dân nhằm tôn vinh, nâng cao nhận thức về Hiến pháp, pháp luật, ý thức trách nhiệm của mỗi người dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bộ, ngành Tư pháp đã tham mưu cho Chính phủ tổ chức thành công cuộc thi viết “Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, với gần 5 triệu bài dự thi[3], trở thành cuộc thi tìm hiểu pháp luật có số lượng người tham gia đông nhất, với thành phần, đối tượng đa dạng nhất từ trước đến nay. Việc công bố kết quả, tổng kết và trao giải cuộc thi đã được tổ chức vào Ngày Pháp luật năm 2015, được Thủ tướng Chính phủ nhận xét là một sự kiện sinh hoạt chính trị - pháp lý rộng lớn và có sức lan tỏa, một phong trào sôi nổi, động viên, khích lệ đồng chí, đồng bào tích cực học tập, tìm hiểu và thực hiện Hiến pháp. Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp đang chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan và các chuyên gia, nhà khoa học tổ chức hoạt động nghiên cứu, bình luận khoa học về Hiến pháp năm 2013 và tổ chức biên soạn thành sách phục vụ nhu cầu tìm hiểu sâu về tinh thần, nội dung Hiến pháp trong quá trình thi hành.

- Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đối với kết quả rà soát VBQPPL[4], trong năm 2015, các Bộ, cơ quan và địa phương đã tiếp tục cập nhật kết quả rà soát, đồng thời căn cứ thẩm quyền được giao xây dựng chương trình, kế hoạch sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới những văn bản, quy định không còn phù hợp với Hiến pháp. Đối với các quy định của luật, pháp lệnh không còn phù hợp với Hiến pháp, trên cơ sở kết quả rà soát, các Bộ, cơ quan đã phối hợp với Bộ Tư pháp đề xuất đưa vào đề nghị của Chính phủ và đã được Quốc hội thông qua về điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015 và dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 với tổng số 33 luật, nghị quyết và 03 pháp lệnh. Đối với việc rà soát VBQPPL về quyền con người, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về kết quả rà soát trong năm 2014 đối với VBQPPL liên quan đến quy định về quyền con người tại Hiến pháp năm 2013[5], Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 539/QĐ-BTP 26/3/2015 về Kế hoạch triển khai kết quả rà soát và tích cực tổ chức thực hiện. Đến nay, việc tiếp tục rà soát VBQPPL về quyền con người đang được thực hiện theo đúng Kế hoạch của Bộ Tư pháp.

- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ đã tham mưu giúp Chính phủ trình Quốc hội, UBTVQH thông qua và cho ý kiến 26 luật, pháp lệnh, nghị quyết trực tiếp triển khai thi hành Hiến pháp (tại kỳ họp thứ 9 và thứ 10, Quốc hội khóa XIII), nâng tổng số các luật, pháp lệnh, nghị quyết triển khai thi hành Hiến pháp do Chính phủ trình lên tới 48/74 luật, pháp lệnh, nghị quyết. Để bảo đảm tiến độ, chất lượng xây dựng các dự án luật, pháp lệnh, Bộ Tư pháp đã tham mưu, giúp Chính phủ thực hiện một số giải pháp như: (1) Tổ chức Phiên họp Chuyên đề của Chính phủ về xây dựng pháp luật (tháng 7/2015) để định hướng về quan điểm, mục tiêu, nội dung chủ yếu của một số dự án luật, pháp lệnh; (2) tổ chức cuộc họp Hội đồng tư vấn thẩm định các dự án luật, pháp lệnh trực tiếp triển khai thi hành Hiến pháp để tư vấn, giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc xem xét cho ý kiến đối với 13 dự án luật quan trọng[6], góp phần hoàn thiện bảo đảm chất lượng các luật trước khi trình Quốc hội.

Nhìn lại nhiệm kỳ 2011-2015, với định hướng xuyên suốt là tham mưu giúp Chính phủ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiên cứu, đề xuất sửa đổi bổ sung và triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, ngành Tư pháp đã hoàn thành một khối lượng lớn công việc như: (1) tổ chức việc tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992; xây dựng Báo cáo của Chính phủ tổng kết thi hành Hiến pháp năm 2013 và Báo cáo những nội dung cơ bản về sửa đổi Hiến pháp năm 2012; (2) tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Hiến pháp; xây dựng Báo cáo của Chính phủ về kết quả lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp và các Báo cáo chuyên đề; (3) tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 với 3 nhiệm vụ chính là tuyên truyền, phổ biến Hiến pháp; rà soát VBQPPL, lập danh mục đề xuất bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới phù hợp với Hiến pháp và xây dựng các luật, pháp lệnh để triển khai thi hành Hiến pháp... Với việc thực hiện các công việc nêu trên, Ngành Tư pháp đã tích cực góp phần để lần đầu tiên Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tham gia một cách chủ động vào việc nghiên cứu, đề xuất nội dung sửa đổi, bổ sung Hiến pháp; đồng thời thực hiện tốt vai trò của Chính phủ trong tổ chức thi hành Hiến pháp, qua đó thiết thực góp phần đưa Hiến pháp đi vào cuộc sống.

1.2. Hạn chế và nguyên nhân

a) Hạn chế

- Một số nhiệm vụ triển khai thi hành Hiến pháp thực hiện còn chậm so với Kế hoạch của Chính phủ, chẳng hạn như việc xây dựng Bình luận về Hiến pháp, việc rà soát các VBQPPL cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với Hiến pháp.

- Việc xây dựng, thẩm định luật, pháp lệnh trực tiếp triển khai thi hành Hiến pháp còn gặp nhiều khó khăn; một số dự án luật quan trọng triển khai thi hành Hiến pháp chưa được chuẩn bị kỹ phải xin lùi, rút (như Luật về hội lùi trình từ tháng 6 sang tháng 8/2015, Luật báo chí lùi trình từ tháng 7 sang tháng 8/2015, Luật biểu tình lùi sang Chương trình năm 2016).

b) Nguyên nhân

Công tác phối hợp giữa các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan trong triển khai thi hành Hiến pháp còn bất cập. Bên cạnh đó, cũng có cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản chưa thật sự quyết tâm, quyết liệt, đầu tư nguồn lực cho việc chuẩn bị văn bản.

- Việc triển khai thi hành Hiến pháp được tiến hành khẩn trương với khối lượng công việc đồ sộ, phức tạp, nhất là nhiệm vụ rà soát số lượng lớn VBQPPL do nhiều chủ thể ban hành, đòi hỏi phải đầu tư nhiều thời gian, công sức.

- Số lượng các luật, pháp lệnh triển khai thi hành Hiến pháp là rất lớn, trong khi vẫn còn có cách hiểu chưa thực sự thống nhất về một số nội dung của Hiến pháp[7].

2. Công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa, hợp nhất VBQPPL và pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật

2.1. Kết quả đạt được

- Trong năm 2015, Bộ Tư pháp, các Bộ, cơ quan đã tích cực tham mưu giúp Chính phủ chủ trì, phối hợp xây dựng, chỉnh lý, trình Quốc hội, UBTVQH thông qua 27 dự án. Trong số đó có 19 luật và 03 nghị quyết do Chính phủ trình nâng tổng số luật, pháp lệnh, nghị quyết do Chính phủ trình được Quốc hội, UBTVQH khóa XIII thông qua trong nhiệm kỳ 2011-2015 lên 99 luật, pháp lệnh, nghị quyết, tăng 04 văn bản so với Chính phủ nhiệm kỳ 2007-2011. Trong đó, có các luật, bộ luật rất quan trọng về tổ chức bộ máy nhà nước và các thiết chế trong hệ thống chính trị, về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, bảo đảm quyền con người, quyền công dân như: Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật tổ chức chính quyền địa phương, Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi), Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi), Luật tố tụng hành chính (sửa đổi)...

Riêng Bộ Tư pháp đã chủ trì xây dựng, giúp Chính phủ trình Quốc hội thông qua 03 luật, bộ luật và cho ý kiến đối với 02 luật khác, trong đó, lần đầu tiên trong vòng một năm đã tổ chức thành công 02 đợt lấy ý kiến Nhân dân, hoàn thiện trình Quốc hội thông qua dự án Bộ luật dân sự (sửa đổi), Bộ luật hình sự (sửa đổi). Đặc biệt, với việc Quốc hội thông qua Luật ban hành VBQPPL (hợp nhất) với những nội dung mới, quan trọng dựa trên nền tảng là các nguyên tắc hiến định về tổ chức quyền lực nhà nước, về tính tối thượng của Hiến pháp và pháp luật trong một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, không chỉ khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn xây dựng và thi hành pháp luật thời gian qua, mà với vai trò là “luật về làm luật”, Luật thiết lập một mặt bằng thể chế thống nhất cho hệ thống pháp luật quốc gia, củng cố trật tự ban hành pháp luật của các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương, đồng thời mở ra không gian rộng lớn cho sự tham gia, phản biện và giám sát của Nhân dân trong quá trình xây dựng và vận hành hệ thống pháp luật của đất nước hướng tới mục tiêu đồng bộ, minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận, hiệu lực và hiệu quả; đồng thời, với việc không được quy định thủ tục hành chính trong các VBQPPL của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Tổng Kiểm toán Nhà nước, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, trừ trường hợp được giao trong luật, Luật chắc chắn sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong thời kỳ hội nhập.

[...]
5
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ