Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Báo cáo 81/BC-BCT năm 2022 về lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) do Bộ Công thương ban hành

Số hiệu 81/BC-BCT
Ngày ban hành 06/05/2022
Ngày có hiệu lực 06/05/2022
Loại văn bản Báo cáo
Cơ quan ban hành Bộ Công thương
Người ký Nguyễn Hồng Diên
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

BỘ CÔNG THƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 81/BC-BCT

Hà Nội, ngày 06 tháng 5 năm 2022

 

BÁO CÁO

LỒNG GHÉP VẤN ĐỀ BÌNH ĐẲNG GIỚI TRONG DỰ ÁN LUẬT DẦU KHÍ (SỬA ĐỔI)

Thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Nghị quyết số 17/2021/QH15 ngày 27 tháng 7 năm 2021 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021; Quyết định số 1427/QĐ-TTg ngày 24 tháng 8 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phân công cơ quan chủ trì soạn thảo, thời hạn trình các dự án luật được điều chỉnh trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 và các dự án luật thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, Bộ Công Thương báo cáo về lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) như sau:

I. MỤC TIÊU LỒNG GHÉP BÌNH ĐẲNG GIỚI TRONG DỰ ÁN LUẬT DẦU KHÍ (SỬA ĐỔI)

1. Mục tiêu chung

Mục tiêu tổng quát là nhằm thể chế hóa các Nghị quyết của Trung ương và Bộ Chính trị về hoàn thiện thể chế phát triển ngành dầu khí, phân định rõ chức năng quản lý nhà nước về dầu khí, loại bỏ rào cản, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho nhà đầu tư, góp phần cải thiện mức độ hấp dẫn của môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí. Xây dựng cơ chế, chính sách tăng cường thu hút nguồn lực từ các thành phần kinh tế, các tổ chức tài chính trong và ngoài nước để phát triển ngành dầu khí, tạo điều kiện và cơ hội bình đẳng để mọi tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động đầu tư trong lĩnh vực dầu khí.

2. Mục tiêu cụ thể

Thứ nhất, bảo đảm đồng bộ, thống nhất với quy định của pháp luật về bình đẳng giới, pháp luật khác có liên quan.

Thứ hai, tạo cơ sở pháp lý để mọi cá nhân (không phân biệt nam và nữ) được bình đẳng trong việc áp dụng pháp luật, tham gia vào hoạt động đầu tư trong lĩnh vực dầu khí.

Thứ ba, tạo lập chính sách khuyến khích đầu tư để thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia vào lĩnh vực dầu khí, tạo thêm công ăn việc làm cho các lao động người Việt Nam.

II. LỒNG GHÉP GIỚI TRONG TỔ CHỨC, THỰC HIỆN DỰ ÁN LUẬT

1. Lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong việc thành lập và xác định thành phần của Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự án Luật

Thực hiện Điều 21 Luật bình đẳng giới, Nghị định số 48/2009/NĐ-CP ngày 19 tháng 5 năm 2009 của Chính phủ về lồng ghép giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và Thông tư số 17/2014/TT-BTP ngày 13 tháng 8 năm 2014 của Bộ Tư pháp quy định về lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, Ban soạn thảo, Tổ biên tập của dự án Luật được xây dựng, cơ cấu với thành phần dựa trên ba yêu cầu cơ bản:

Một là, bảo đảm được quy định chung của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Hai là, đáp ứng được những đặc thù về đối tượng, phạm vi điều chỉnh của dự án Luật, bao gồm các đại diện: các bộ, cơ quan ngang bộ; các chuyên gia, nhà khoa học trong các lĩnh vực liên quan đến dầu khí, kinh tế, dân sự, tư pháp...

Ba là, đáp ứng được yêu cầu về lồng ghép giới trong thực hiện dự án luật với sự tham gia của đại diện cơ quan, tổ chức có thẩm quyền và chuyên gia về giới.

2. Thực hiện quy trình, thủ tục lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng dự án Luật

- Trong các phiên họp của Tổ biên tập và Ban soạn thảo về mục tiêu, các định hướng lớn trong việc xây dựng dự thảo Luật thì cơ quan chủ trì soạn thảo đều gián tiếp hoặc trực tiếp lồng ghép các vấn đề về bình đẳng giới; quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia hoạt động đầu tư trong lĩnh vực dầu khí trên cơ sở bình đẳng, không phân biệt về giới.

- Trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi), cơ quan chủ trì soạn thảo đã tổ chức xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương cũng như ý kiến tham vấn của các viện nghiên cứu, các hiệp hội và các chuyên gia; đồng thời tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm xin ý kiến về các quy định được quy định trong dự thảo Luật.

- Nghiên cứu, tổ chức rà soát, đánh giá về thực trạng và hiệu quả thi hành các quy định liên quan của pháp luật về dầu khí trong đó gián tiếp có những vấn đề liên quan đến bình đẳng giới, cụ thể:

(i) Cơ quan chủ trì soạn thảo đã tiến hành rà soát, nghiên cứu đánh giá hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành liên quan đến các công tác bình đẳng giới, trong đó chú trọng các hoạt động ưu tiên tạo việc làm cho doanh nghiệp trong nước, cá nhân; thu hút tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động đầu tư trong lĩnh vực dầu khí.

(ii) Tham khảo kinh nghiệm quốc tế đảm bảo các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân được quyền bình đẳng trong tiếp cận thông tin, tham gia hoạt động đầu tư trong lĩnh vực dầu khí, hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước.

III. XÁC ĐỊNH VẤN ĐỀ GIỚI VÀ CÁC BIỆN PHÁP GIẢI QUYẾT TRONG DỰ ÁN LUẬT DẦU KHÍ (SỬA ĐỔI)

1. Cơ sở để thực hiện lồng ghép bình đẳng giới

Việc thực hiện lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự thảo Luật dựa trên cơ sở pháp lý trong nước và Điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia, cụ thể như sau:

Thứ nhất, Hiến pháp Việt Nam đã từng bước xây dựng, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật về giới và bình đẳng giới với những yêu cầu pháp lý cụ thể, đồng bộ, thống nhất trong quy định, thực hiện chính sách đối với những quan hệ xã hội có nhạy cảm giới và trong xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật. Hiến pháp 2013 đã khẳng định về việc công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt; Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng; Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội; nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới; Nhà nước, xã hội và gia đình có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người mẹ, trẻ em....

Thứ hai, Luật Bình đẳng giới cũng quy định các khái niệm về bình đẳng giới, biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới, chính sách của Nhà nước về bình đẳng giới.

Thứ ba, Việt Nam đã là thành viên của một số điều ước quốc tế quan trọng liên quan đến giới và bình đẳng giới như: Công ước CEDAW, Công ước về quyền trẻ em... Việc cụ thể hóa các cam kết quốc tế vào pháp luật trong nước là trách nhiệm của các nước thành viên, trong đó có Việt Nam.

[...]