Báo cáo 70/BC-BCĐ năm 2015 sơ kết 5 năm (2010-2014) thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020" dự kiến kế hoạch giai đoạn 2016-2020

Số hiệu 70/BC-BCĐ
Ngày ban hành 20/08/2015
Ngày có hiệu lực 20/08/2015
Loại văn bản Báo cáo
Cơ quan ban hành Tỉnh Thanh Hóa
Người ký Phạm Đăng Quyền
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

UBND TỈNH THANH HÓA
BAN CHỈ ĐẠO ĐÀO TẠO NGHỀ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 70/BC-BCĐ

Thanh Hóa, ngày 20 tháng 08 năm 2015

 

BÁO CÁO

SƠ KẾT 5 NĂM (2010 - 2014) THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “ĐÀO TẠO NGHỀ CHO LAO ĐỘNG NÔNG THÔN TỈNH THANH HÓA ĐẾN NĂM 2020" DỰ KIẾN KẾ HOẠCH GIAI ĐOẠN 2016-2020

Thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”. Sau 5 năm triển khai và thực hiện đề án trên địa bàn toàn tỉnh, Ban chỉ đạo thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020” báo cáo như sau:

A. MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN NĂM 2014 VÀ TRONG 5 NĂM (2010 - 2014)

I. Nhiệm vụ và chỉ tiêu cụ thể năm 2014

- Tổng số lao động nông thôn được hỗ trợ kinh phí dạy nghề ngắn hạn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg là: 5.000 người.

- Tuyên truyền, tư vấn học nghề và việc làm đối với lao động nông thôn tại cộng đồng.

- Bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dạy nghề cho 100 giáo viên dạy nghề và bồi dưỡng kỹ năng dạy học cho 60 người dạy nghề;

- Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan tham mưu cho UBND tỉnh về biên chế cán bộ chuyên trách theo dõi dạy nghề cấp huyện. Chỉ đạo việc tổ chức đào tạo bồi dưỡng cán bộ công chức xã cho 2.861 người.

- Tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề đối với các cơ sở dạy nghề công lập thuộc huyện để đáp ứng yêu cầu dạy nghề cho lao động nông thôn.

- Tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động dạy nghề cho lao động nông thôn

II. Nhiệm vụ và chỉ tiêu cụ thể tỉnh xác định trong 5 năm (2010 - 2014) tại Đề án đã được phê duyệt

1. Đào tạo nghề:

- Đào tạo nghề cho 281.179 lao động nông thôn. Trong đó, cao đẳng nghề: 15.605 người, bình quân mỗi năm đào tạo 3.121 người; trung cấp nghề: 50.839 người, bình quân mỗi năm đào tạo 10.168 người; sơ cấp nghề và dạy nghề thường xuyên: 214.735 người, bình quân mỗi năm đào tạo 42.974 người.

- Lao động nông thôn được đào tạo chia theo các nhóm nghề: nghề nông nghiệp và dịch vụ nông nghiệp 112.472 người (chiếm 40%), nghề phi nông nghiệp 168.707 người (chiếm 60%).

- Tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm sau khi học nghề tối thiểu đạt 75%; có 50% lao động nông thôn học nghề phi nông nghiệp chuyển sang làm việc ở khu vực đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, xuất khẩu lao động.

2. Đào tạo, bồi dưỡng, cán bộ công chức xã:

- Về Chuyên môn: đào tạo trình độ đại học cho khoảng 300 người thuộc 16 huyện, thị xã, thành phố đồng bằng, ven biển, trung du; trung cấp chuyên nghiệp trở lên cho khoảng 75% số cán bộ thuộc 11 huyện miền núi.

- Bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước: khoảng 10.000 - 11.000 lượt người.

- Bồi dưỡng kiến thức theo chức danh quy định tại Nghị định số 92/2009/NĐ-CP của Chính phủ là: 8.000 người

B. KẾT QUẢ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN ĐÀO TẠO NGHỀ CHO LAO ĐỘNG NÔNG THÔN NĂM 2014 VÀ TRONG 5 NĂM (2010 - 2014)

I. Kết quả hỗ trợ dạy nghề cho lao động nông thôn

1. Kết quả, hiệu quả dạy nghề năm 2014:

Toàn tỉnh đã tổ chức được 277 lớp nghề với 8.379 lao động nông thôn học nghề, trong đó: đối tượng 1 là 2.438 người, đối tượng 2 là 315 người, đối tượng 3 là 5.626 người. Vượt 67,58% so với kế hoạch năm 2014 và vượt 4,8% so với thực hiện năm 2013.

Tổng số lao động nông thôn học nghề đã học xong là: 8.379 người, số lao động nông thôn có việc làm sau học nghề là 7.183 người, đạt 85,7% so với tổng số người đã học nghề xong (trong đó: doanh nghiệp tuyển dụng: 1.783 người, bao tiêu sản phẩm: 1.069 người; tạo việc làm: 4.331 người). Đạt 100% so với hiệu quả thực hiện năm 2013.

(Chi tiết tại Phụ lục 1.1 kèm theo).

2. Kết quả, hiệu quả dạy nghề trong 5 năm (2010 - 2014)

- Tổng số lao động nông thôn hỗ trợ học nghề trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng theo chính sách Đề án 1956 là 29.166 người (916 lớp), trong đó: đối tượng 1 là 13.286 người, đối tượng 2 là 877 người, đối tượng 3 là 15.003 người.

[...]