Báo cáo 65/BC-TLĐ về việc báo cáo tháng 11 năm 2004 do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành
Số hiệu | 65/BC-TLĐ |
Ngày ban hành | 30/11/2004 |
Ngày có hiệu lực | 30/11/2004 |
Loại văn bản | Báo cáo |
Cơ quan ban hành | Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam |
Người ký | Hoàng Ngọc Thanh |
Lĩnh vực | Lao động - Tiền lương |
TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 65/BC-TLĐ |
Hà Nội, ngày 30 tháng 11 năm 2004 |
BÁO CÁO THÁNG 11 NĂM 2004
1. Một số hoạt động tuyên truyền, giáo dục và phong trào thi đua
Kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, các cấp công đoàn đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như gặp mặt trao đổi kinh nghiệm công tác giảng dạy, toạ đàm nâng cao chất lượng giáo dục; đi thăm, tặng quà cho các trường học và giáo viên có hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu, vùng xa; tổ chức hội diễn văn nghệ, thể thao, thi nữ công gia chánh… Công đoàn ngành Giáo dục tổ chức hội thảo “CĐ Giáo dục VN triển khai thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư về xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục”. LĐLĐ thành phố Hồ Chí Minh tổ chức cuộc toạ đàm “Giải pháp phát triển đội ngũ giảng viên trẻ”. LĐLĐ Phú Yên tổ chức gặp mặt và trao quà cho các đồng chí cán bộ công đoàn chuyên trách tham gia công tác đào tạo. LĐLĐ tỉnh Quảng Trị tổ chức gặp mặt biểu dương giáo viên tiêu biểu có nhiều thành tích trong sự nghiệp phát triển giáo dục, đào tạo vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa…
Chuẩn bị các nội dung hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm 2005 (75 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản VN, 30 năm ngày giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước, 115 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 60 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, 76 năm ngày thành lập CĐVN), Tổng Liên đoàn đã có văn bản hướng dẫn các cấp công đoàn tổ chức các hoạt động tuyên truyền với mục đích giáo dục CNVCLĐ lòng yêu nước, truyền thống cách mạng; khơi dậy lòng tự hào và ý thức tự cường dân tộc, nâng cao nhận thức tuyệt đối tin tưởng vào đường lối đổi mới của Đảng và về con đường đi lên CNXH ở nước ta.
Nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của các phương tiện truyền thông công đoàn, tăng cường công tác giáo dục, nâng cao trình độ mọi mặt cho CNLĐ, Tổng Liên đoàn phối hợp với Công đoàn Chế tạo Australia (AMWU) tổ chức hội thảo “Nâng cao ảnh hưởng và vai trò của công đoàn qua các phương tiện thông tin đại chúng” tìm các biện pháp cải tiến nâng cao chất lượng chương trình thông qua các phương tiện truyền thông công đoàn và đổi mới hoạt động tuyên giáo công đoàn. Tổng Liên đoàn đã ra Chỉ thị số 05/CT-TLĐ ngày 24/11/2004 về “Nâng cao chất lượng, đẩy mạnh phát hành và sử dụng tốt Tạp chí Lao động và Công đoàn”.
Nhân Ngày thế giới phòng chống AIDS (1/12), các cấp công đoàn đã tổ chức hoạt động tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của CNVCLĐ về HIV/AIDS và cách phòng chống với nhiều hình thức như tổ chức mít tinh, thi tìm hiểu, phát tờ rơi, sinh hoạt CLB, tập huấn … LĐLĐ Đồng Tháp phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh tổ chức thi tìm hiểu pháp luật về phòng chống HIV/AIDS trong CNVCLĐ. LĐLĐ An Giang tổ chức tập huấn Pháp lệnh phòng chống AIDS, phát hành tờ rơi đến CNVCLĐ. Báo Lao động có bài viết về “Quyền được làm việc của người có HIV”…
Chào mừng các ngày lễ lớn năm 2004-2005, tiến tới Đại hội Thi đua toàn quốc, Tổng Liên đoàn cùng với Ban Tư tưởng văn hoá TW, Hội đồng thi đua khen thưởng TW tổ chức “Những ngày hội bàn tay vàng - sản phẩm vàng” nhằm tôn vinh những tập thể tiên tiến điển hình, những nhân tố mới trong lao động, sản xuất kinh doanh, cùng những thành quả lao động sáng tạo, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp CNH-HĐH. Đồng thời phát động phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” và “bảo đảm ATVSLĐ-PCCN”; phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, thực hành tiết kiệm, giảm các chi phí hành chính, giảm định mức tiêu hao nguyên nhiên vật liệu; nâng cao hiệu suất, năng lực của máy móc thiết bị, tạo ra các sản phẩm đạt chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh, hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế.
2. Chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng người lao động và hoạt động xã hội.
Nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người lao động, các cấp công đoàn đã phối hợp với cơ quan BHXH tổ chức phổ biến chính sách đến người sử dụng lao động, người lao động; tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động được tham gia BHXH, BHYT. LĐLĐ Tây Ninh phối hợp với BHXH tỉnh, Ban quản lý KCN tổ chức cho các chủ DN có vốn đầu tư nước ngoài học tập chính sách BHXH. LĐLĐ Lạng Sơn tổ chức thi tìm hiểu chính sách BHXH trong CNVCLĐ. LĐLĐ Sóc Trăng phối hợp với Sở Y tế, BHXH tỉnh triển khai BHYT tự nguyện cho thân nhân người lao động và thành viên các tổ chức nghiệp đoàn. Công đoàn ngành Giao thông vận tải đã trao đổi và thống nhất với BHXH VN duy trì thẻ BHYT lưu động cho CNLĐ ngành GTVT và có lộ trình giải quyết chế độ lao động dôi dư trong quá trình sắp xếp đối với những DNNN tại các đơn vị còn nợ BHXH. Công đoàn Công nghiệp VN phối hợp với Đài truyền hình VN thực hiện phóng sự “Giải pháp nào cho vấn đề BHXH tại các DN khó khăn”…
Ngày 16/11, Tổng Liên đoàn LĐVN và Liên minh các Hợp tác xã VN ký kết chương trình phối hợp hoạt động “Phát huy vai trò của công đoàn trong việc xây dựng và phát triển kinh tế tập thể giai đoạn 2005-2010”. Các hoạt động phối hợp tập trung vào việc đề xuất các biện pháp tăng cường công tác tuyên truyền hướng dẫn thực hiện Luật hợp tác xã, Luật công đoàn; xây dựng chính sách liên quan trực tiếp đến người lao động ở khu vực kinh tế tập thể, đảm bảo các điều kiện lao động, vấn đề bảo vệ môi trường ở nông thôn và tham gia kiểm tra việc thực hiện chế độ, chính sách cho người lao động trong khu vực kinh tế tập thể; phát huy dân chủ, tính chủ động, sáng tạo, nâng cao hiệu quả SX kinh doanh, góp phần xây dựng, phát triển nhiều HTX, phát triển đoàn viên và tổ chức công đoàn.
Trong tháng, nhiều LĐLĐ địa phương đã tổ chức hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Qui định 736/QĐ-TLĐ của Tổng Liên đoàn LĐVN về việc công đoàn giải quyết và tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo. Qua sơ kết cho thấy công đoàn các cấp đã tham gia cùng chính quyền, cơ quan chức năng giải quyết nhanh chóng các đơn thư khiếu nại, tố cáo của CNVCLĐ; cùng với đơn vị xây dựng qui chế giải quyết khiếu nại, tố cáo; tham gia tích cực vào hoạt động của Hội đồng hoà giải cơ sở, kịp thời bảo vệ quyền lợi người lao động, góp phần hạn chế những mâu thuẫn trong quan hệ lao động tại doanh nghiệp.
Trước thực trạng đình công, tranh chấp lao động tập thể có xu hướng tăng (năm 1995 có 60 cuộc đình công, đến năm 2003 đã tăng lên 119 cuộc, 11 tháng năm 2004 là 107 cuộc), Tổng Liên đoàn đã tổ chức hội thảo về “tình hình đình công, giải pháp và kiến nghị” nêu thực trạng tình hình đình công của người lao động và thực tế giải quyết đình công; vai trò của công đoàn với vấn đề đình công và tham gia giải quyết đình công trong thời gian qua; đề xuất các giải pháp thực hiện cho tổ chức công đoàn và kiến nghị với Nhà nước có những biện pháp hữu hiệu hạn chế tranh chấp lao động và đình công trong thời gian tới, góp ý kiến vào xây dựng dự thảo Pháp lệnh đình công.
Trong tháng, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 7 cuộc đình công (thành phố Hồ Chí Minh xảy ra 2 cuộc, Hải Phòng 2, Đồng Nai, Long An, Bình Dương mỗi địa phương 1 cuộc). Trong đó, DN có vốn đầu tư nước ngoài 4 cuộc (Đài Loan 3, Hàn Quốc 1), DN ngoài quốc doanh 3. Nguyên nhân chủ yếu của các cuộc đình công là do người lao động phải làm thêm giờ quá nhiều, định mức lao động cao, đơn giá sản phẩm thấp dẫn đến thu nhập thấp, bị trừ lương không đúng, không được ký HĐLĐ, không được tham gia BHXH, BHYT… Các cuộc đình công chủ yếu đòi quyền lợi kinh tế và các chế độ có liên quan đến người lao động.
Hưởng ứng cuộc vận động ủng hộ nạn nhân chất độc da cam VN, các cấp công đoàn đã vận động CNVCLĐ tham gia đóng góp tiền, vật chất trợ giúp nạn nhân chất độc da cam. Tổng Liên đoàn đã tổ chức giao lưu chủ đề “Chia sẻ nỗi đau với nạn nhân chất độc da cam” tại TP HCM với sự tham gia của 18.000 CNVCLĐ và trao 2 tỷ đồng tiền ủng hộ của các tổ chức, cá nhân tại buổi giao lưu tới Quỹ ủng hộ nạn nhân chất độc da cam VN. LĐLĐ Bà Rịa - Vũng Tàu trao 132 suất quà cho nạn nhân chất độc màu da cam với tổng số tiền trên 70 triệu đồng. Các cấp công đoàn tỉnh Phú Yên vận động CNVCLĐ ủng hộ 85 triệu đồng; Quảng Nam, 305 triệu đồng; Đồng Nai 462 triệu đồng…
3. Một số kết quả thực hiện Chương trình phát triển 1 triệu đoàn viên.
Thực hiện Chương trình phát triển 1 triệu đoàn viên do Nghị quyết Đại hội IX CĐVN đề ra, TLĐ đã khảo sát tại một số tỉnh kinh tế trọng điểm, nơi tập trung đông CNLĐ và tổ chức các cuộc hội thảo nhằm tìm ra các giải pháp thực hiện có hiệu quả chương trình này. Các LĐLĐ tỉnh, thành phố, CĐ ngành TW, CĐ cấp trên cơ sở đã xây dựng kế hoạch toàn khoá, từng năm và giao chỉ tiêu cho CĐ cấp dưới, tích cực tuyên truyền, phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS mới, đặc biệt ở khu vực kinh tế NQD, khu vực có vốn ĐTNN, xã, phường, thị trấn. Một số LĐLĐ địa phương đã tham mưu cho cấp uỷ ban hành NQ hoặc chỉ thị “Về lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS trong các DN, trường dân lập và CĐ xã, phường, thị trấn”, tranh thủ sự hỗ trợ của chính quyền cùng cấp; tổ chức hội thảo, gặp mặt các chủ DN trên địa bàn…
Mặc dù các cấp CĐ rất cố gắng chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác phát triển đoàn viên, nhưng khả năng sẽ không đạt chỉ tiêu phát triển 250.000 đoàn viên năm 2004. Theo báo cáo của 76 LĐLĐ tỉnh, TP, CĐ ngành TW và CĐ Tổng Cty trực thuộc TLĐ, đến 08/11/2004, các cấp CĐ đã đăng ký trong nhiệm kỳ 2003- 2008 sẽ phát triển mới 1.424.594 đoàn viên. Đến nay, theo báo cáo gửi TLĐ của 20 ngành, địa phương, mới phát triển được 105.035 đoàn viên và 825 CĐCS. Trong khi đó, số lượng đoàn viên đang giảm mạnh ở các DNNN phải sắp xếp lại theo kế hoạch của các ngành, địa phương. Nguyên nhân chủ yếu là do các chủ DN né tránh thành lập CĐ; phần lớn DN có qui mô nhỏ, vốn ít; lực lượng lao động thường xuyên biến động, hầu hết là hợp đồng thời vụ, chưa tha thiết tham gia tổ chức CĐ. Đồng thời, việc triển khai của các cấp CĐ còn chậm và thiếu đồng bộ; công tác tuyên truyền còn nhiều hạn chế; năng lực và trình độ của cán bộ CĐCS phần lớn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, phụ thuộc giới chủ nên dè dặt, ngại va chạm với giới chủ khi quyền lợi của người lao động bị vi phạm. Mặt khác, do khó khăn về kinh phí và biên chế cán bộ, nhất là ở cấp huyện, đã ảnh hưởng trực tiếp đến công tác này ở tất cả các địa phương.
4. Kết quả hoạt động vay vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm qua Tổng Liên đoàn năm 2004.
Năm 2004, hoạt động vay vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm qua Tổng Liên đoàn đã cho 343 lượt dự án vay bằng vốn mới và vốn thu hồi với tổng số tiền vay 21.569 triệu đồng; hỗ trợ giải quyết việc làm cho 8.488 lượt lao động (số lao động được hỗ trợ vốn tạo việc làm mới là 7.036 lượt người) trong 6.220 lượt hộ vay (số hộ vay lại khoảng 25%).
Các dự án triển khai cho vay đúng đối tượng, đúng mục đích, có hiệu quả cả về hỗ trợ giải quyết việc làm và thu nhập. Vốn vay có tác dụng giúp người lao động tự giải quyết phần nào những khó khăn ban đầu về việc làm (đối với đối tượng chưa có việc làm), tạo việc làm đầy đủ hơn đối với đối tượng thiếu việc làm; tạo thu nhập thêm cho người lao động từ 200.000 đến 300.000đồng/người/tháng với mức vốn vay từ 2 đến 3 triệu đồng/hộ và đầu tư vào mô hình chăn nuôi nhỏ (lãi 10% so với vốn đầu tư). Những hộ được vay vốn từ 5 đến 7 triệu đồng cùng với vốn tự có của gia đình hoặc khai thác thêm nguồn vốn khác như vay tín dụng ngân hàng từ 15-20 triệu đồng, đầu tư chăn nuôi gia súc, gia cầm với qui mô lớn, có kỹ thuật, chuồng trại khoa học cho thu nhập khá cao, mỗi năm thu lãi từ 20-25 triệu đồng, góp phần giải quyết khó khăn đời sống gia đình và vươn lên làm giàu. Những dự án vốn vay theo mô hình nhóm hộ, mức vay từ 5-7 triệu đồng/hộ, đầu tư sản xuất tiểu thủ-công nghiệp có hiệu quả cao về thu hút lao động mới và tạo thu nhập bình quân 1.200.000 đồng/người/tháng. Các dự án kinh doanh, dịch vụ buôn bán nhỏ, vốn đầu tư ít, mức vay chỉ từ 2-3 triệu đồng/hộ cũng đã hỗ trợ người vay tạo việc làm, thu nhập từ 500.000 đồng - 600.000 đồng/tháng. Các dự án trồng cây công nghiệp, cây ăn quả mỗi hộ được vay ít nhất là 5 triệu đồng đã khai thác thêm nguồn vốn khác đầu tư cải tạo vườn tạp, trồng mới và chăm sóc cây giống, cây công nghiệp, cây ăn quả cho thu nhập khá.
Đạt được kết quả trên là do Tổng Liên đoàn đã khẩn trương, kịp thời triển khai thực hiện kế hoạch nguồn vốn mới được Nhà nước phân bổ; tổ chức các đợt kiểm tra định kỳ đối với hoạt động vay vốn của các địa phương; tăng cường quản lý nguồn vốn Quỹ Quốc gia giao cho TLĐ, phòng chống thất thoát và tồn đọng vốn. Ngoài ra, hầu hết các LĐLĐ tỉnh, thành phố đã cử cán bộ, chuyên viên theo dõi dự án, chủ động tích cực trong việc khai thác nguồn vốn mới và thực hiện xử lý, quay vòng vốn kịp thời nên việc thực hiện cho vay bằng vốn thu hồi đối với các dự án đã hết hạn vay tương đối tốt, tiến độ giải ngân nhanh; số vốn nợ quá hạn không đáng kể và vốn tồn đọng tại Ngân hàng chính sách xã hội không lớn, vốn vay được bảo toàn, không có trường hợp nào làm thất thoát vốn.
Năm 2004, mức cho vay đối với từng hộ và từng dự án đã được nâng lên. So với nhu cầu vốn cần đầu tư của các hộ còn thấp, vốn vay mới chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu, nhưng đã có tác dụng rõ nét về hỗ trợ việc làm, thu nhập, hạn chế tiêu cực xã hội và góp phần làm lành mạnh hoá xã hội. Để nâng cao hiệu quả về hỗ trợ việc làm, thu nhập, góp phần hạn chế tiêu cực xã hội do nguyên nhân thiếu và chưa có việc làm, Tổng Liên đoàn đề nghị Nhà nước tiếp tục bổ sung thêm vốn từ ngân sách cho Chương trình việc làm từ nay đến năm 2010 để hỗ trợ người lao động giải quyết việc làm, tăng thu nhập, giảm bớt sức ép về việc làm trong xã hội.
5. Các hoạt động khác
- Ngày 15/11, Tổng Liên đoàn LĐVN và Bộ Tài nguyên & Môi trường đã ký Nghị quyết liên tịch về “Phối hợp hành động bảo vệ môi trường phục vụ phát triển bền vững”. Nghị quyết đã đề ra 8 nội dung phối hợp thực hiện các hoạt động nâng cao nhận thức cho CNVCLĐ về nhiệm vụ bảo vệ môi trường, từng bước thay đổi những hành vi, phong tục, tập quán lạc hậu ảnh hưởng xấu đến môi trường, phát huy phong trào quần chúng làm công tác BHLĐ và bảo vệ môi trường thời kỳ CNH, HĐH đất nước.
- Từ ngày 15 đến 16/11, Đoàn đại biểu Tổng Liên đoàn LĐVN đã tham dự hội nghị Công đoàn các nước khu vực Châu á - Thái Bình Dương thuộc APEC lần thứ 10 tại Santiago (Chile). Trong thời gian này, Đoàn đại biểu TLĐ đã gặp gỡ và trao đổi với các đoàn đại biểu công đoàn các nước tham dự về vai trò của APEC và hoạt động công đoàn.
- Trong tháng, Tổng Liên đoàn đã làm việc với Đoàn đại biểu Liên hiệp Công đoàn Hàn Quốc (FKTU), Đoàn đại biểu Công ty Bảo hiểm Công đoàn Singapore (NTUC INCOME), Đoàn đại biểu Công đoàn Công nông cách mạng Mexico (CROC) về hoạt động công đoàn và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động trong nền kinh tế thị trường.
|
TL.ĐOÀN CHỦ TỊCH TỔNG LIÊN ĐOÀN LĐVN |