Báo cáo 55/BC-UBDT kết quả Hội nghị sơ kết hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh, định cư cho đồng báo dân tộc thiểu số 2007- 2012 do Ủy ban Dân tộc ban hành

Số hiệu 55/BC-UBDT
Ngày ban hành 19/07/2012
Ngày có hiệu lực 19/07/2012
Loại văn bản Báo cáo
Cơ quan ban hành Uỷ ban Dân tộc
Người ký Giàng Seo Phử
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN DÂN TỘC
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 55/BC-UBDT

Hà Nội, ngày 19 tháng 07 năm 2012

 

BÁO CÁO

KẾT QUẢ HỘI NGHỊ SƠ KẾT 5 NĂM THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ DI DÂN THỰC HIỆN ĐỊNH CANH, ĐỊNH CƯ CHO ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ (2007 - 2012)

Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (Văn bản số 2318/VPCP-ĐP ngày 09/4/2012 của Văn phòng Chính phủ), ngày 29 tháng 6 năm 2012, tại thị trấn Sa Pa, tỉnh Lào Cai, Ủy ban Dân tộc đã tổ chức “Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số (2007 - 2012) và nhiệm vụ cần tập trung chỉ đạo thực hiện trong giai đoạn tới”, Ủy ban Dân tộc báo cáo kết quả Hội nghị như sau:

1. Thành phần tham dự Hội nghị

Tổng số 250 đại biểu, gồm:

- Đại biểu các Bộ, ngành: Ủy ban Dân tộc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Chính phủ, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội khóa XIII, Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Ban Chỉ Tây Nguyên.

- Đại biểu các địa phương: Đại diện Lãnh đạo UBND một số tỉnh, Ban Dân tộc, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự và chỉ đạo Hội nghị.

2. Nội dung Hội nghị

Ủy ban Dân tộc báo cáo Sơ kết 5 năm thực hiện “chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số (2007- 2012)”. Trên cơ sở báo cáo của Ủy ban Dân tộc, các địa phưong, các Bộ, ngành Trung ương đã thảo luận và thống nhất:

2.1. Tổ chức thực hiện chính sách

Các Bộ, ngành và địa phương đã tích cực thực hiện nhiệm vụ được phân công tại Quyết định số 33/2007/QĐ-TTg ngày 05/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ: Xây dựng 297 dự án thực hiện ĐCĐC cho 29.718 hộ với 140.313 nhân khẩu thuộc đối tượng du canh du cư. Tổng số vốn 2.717,046 tỷ đồng đầu tư cho các dự án ĐCĐC thực hiện từ năm 2007 - 2012.

2.2. Kết quả thực hiện chính sách

Từ năm 2007 - 2012, Trung ương đã cấp 1.253 tỷ đồng thực hiện đầu tư cho 297 dự án, các địa phương đã giải ngân đạt 93% tổng số vốn đã cấp. Ngoài số vốn Trung ương cấp, các tỉnh đã lồng ghép các nguồn vốn với tổng số 188,456 tỷ đồng.

Trong tổng số 297 dự án ĐCĐC đã thực hiện hoàn thành 6/44 dự án ĐCĐC xen ghép và 14/253 dự án ĐCĐC tập trung. Sau 5 năm đã hoàn thành ĐCĐC cho 9.827 hộ với 46.187 nhân khẩu, đạt 33% kế hoạch được phê duyệt Thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 3.357 hộ/ 9.827 hộ, đạt 34% số hộ ĐCĐC, còn 6.470 hộ chưa được cấp (66%). Đến nay, còn 19.891 hộ với 94.126 nhân khẩu du canh, du cư chưa được thực hiện ĐCĐC (67%).

Kết quả đạt được như trên do có sự quan tâm của các cấp, các ngành, sự nỗ lực của địa phương và tích cực tham gia của đồng bào các dân tộc. Song, do nguồn vốn cấp còn thấp nên chưa đạt được mục tiêu đề ra. Năm 2012, Quyết định hết hiệu lực nhưng đối tượng hộ cần tiếp tục di dân thực hiện ĐCĐC theo kế hoạch đã phê duyệt còn nhiều.

2.3. Đánh giá tình hình thực hiện chính sách

- Những mặt tích cực:

Hệ thống văn bản chỉ đạo, điều hành, đôn đốc thực hiện được ban hành tương đối đầy đủ và đồng bộ tạo hành lang pháp lý và điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện công tác này. Công tác tuyên truyền đã được triển khai thông qua nhiều hình thức, sát với thực tế, tạo sự đồng thuận và ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành và người dân. Công tác quản lý địa bàn đã có nhiều cố gắng; công tác thanh tra, kiểm tra cơ sở đã được thực hiện tích cực, kịp thời phát hiện những thiếu sót và từ đó đề xuất các giải pháp nhằm hạn chế thiếu sót trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách.

Nhiều mô hình ĐCĐC có hiệu quả được xây dựng ở các địa phương như: Hòa Bình, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Gia Lai, Nghệ An, Hậu Giang... Đời sống của các hộ ĐCĐC từng bước được cải thiện, góp phần thiết thực trong công tác xóa đói, giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số. Từ kết quả trên đã tạo sự ổn định về tư tưởng, các hộ được ĐCĐC an tâm sản xuất; giảm tình trạng phá rừng; giữ vững an ninh, quốc phòng và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.

- Những mặt còn hạn chế và yếu kém:

+ Ở Trung ương: Sự phối hợp thực hiện chính sách của các Bộ, ngành có mặt chưa chặt chẽ. Cơ chế, chính sách còn một số điểm hạn chế chưa phù hợp với thực tế của địa phương, chậm được sửa đổi. Như quy định về quy mô xây dựng dự án ĐCĐC tập trung chưa phù hợp nên một số tỉnh mặc dù có đối tượng du canh, du cư nhưng không thực hiện được, vì thiếu quỹ đất để bố trí đủ cho số hộ theo quy định. Thời gian thực hiện dự án kéo dài nên một số định mức không còn phù hợp với thực tế.

+ Ở các địa phương: Chất lượng lập dự án của một số địa phương chưa đạt yêu cầu, phải sửa đổi, bổ sung nên thời gian phê duyệt dự án bị kéo dài, ảnh hưởng đến việc tổ chức thực hiện chính sách. Nguồn lực đầu tư có hạn nhưng có địa phương lại bố trí dàn trải, thiếu tập trung nên sử dụng vốn kém hiệu quả; một số nơi sử dụng vốn chưa đúng, đưa vào khắc phục hậu quả bão lũ, sử dụng hỗ trợ đối tượng của Quyết định 193 hoặc đưa nguồn vốn sự nghiệp sang vốn đầu tư phát triển.

- Nguyên nhân hạn chế, yếu kém:

Địa bàn thực hiện ĐCĐC rộng, điều kiện tự nhiên hết sức khó khăn, khí hậu khắc nhiệt; đối tượng ĐCĐC phần lớn cư trú phân tán địa hình hiểm trở và phức tạp nên rất khó kiểm soát; cơ sở hạ tầng còn yếu kém, thiếu đất sản xuất, thiếu nguồn nước.

Tập quán của các dân tộc cũng rất đa dạng, giữa các vùng có nhiều sự khác biệt nên một số quy định chính sách chưa phù hợp với từng vùng miền.

Bố trí vốn thấp, chưa cân đối giữa vốn đầu tư phát triển và vốn sự nghiệp. Công tác quản lý và chỉ đạo còn hạn chế, quản lý đất đai và bảo vệ rừng của các cấp chính quyền có nơi còn buông lỏng, thiếu biện pháp tích cực để quản lý hộ tịch, hộ khẩu và quản lý sản xuất đối với các địa bàn còn du canh du cư, di cư tự do.

[...]