Báo cáo số 50/BC-UBND về sơ kết 02 năm thực hiện Luật Khiếu nại, tố cáo sửa đổi và 01 năm thực hiện thông báo Kết luận số 130-TB/TW của Bộ Chính trị về công tác khiếu nại, tố cáo, trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

Số hiệu 50/BC-UBND
Ngày ban hành 13/05/2009
Ngày có hiệu lực 13/05/2009
Loại văn bản Báo cáo
Cơ quan ban hành Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Lê Hoàng Quân
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
----------

Số: 50/BC-UBND

TP. Hồ Chí Minh, ngày 13 tháng 5 năm 2009

 

BÁO CÁO

SƠ KẾT 02 NĂM THỰC HIỆN LUẬT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO SỬA ĐỔI VÀ 01 NĂM THỰC HIỆN THÔNG BÁO KẾT LUẬN SỐ 130-TB/TW CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ CÔNG TÁC KHIẾU NẠI, TỐ CÁO, TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

I. KHÁI QUÁT TÌNH HÌNH

Trong quá trình thực hiện Luật Khiếu nại, tố cáo trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, các cấp ủy Đảng, các cơ quan hành chính Nhà nước đã có nhiều cố gắng và đạt được những kết quả quan trọng trong công tác tiếp công dân, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo; góp phần nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước của các cấp chính quyền. Tuy nhiên, kết quả đạt được trong việc thi hành Luật Khiếu nại, tố cáo vẫn còn hạn chế, một số địa phương chưa thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở; một số cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo vi phạm thời hạn giải quyết theo luật định; đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân và giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo vẫn còn bất cập, một bộ phận tinh thần trách nhiệm chưa cao; kỷ cương, kỷ luật trong bộ máy hành chính Nhà nước chưa chuyển biến kịp theo yêu cầu của thực tiễn; việc phối hợp trong giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo của các cấp, các ngành chưa thống nhất, đồng bộ, vẫn còn hiện tượng gây phiền hà cho công dân.

Trước tình hình đó và để cụ thể hóa Luật Khiếu nại, tố cáo; Luật Khiếu nại, tố cáo sửa đổi, bổ sung năm 2004 và năm 2005, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Chỉ thị số 20/2006/CT-UBND ngày 05 tháng 6 năm 2006 về chấn chỉnh và tăng cường trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan hành chính Nhà nước trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn thành phố (viết tắt là Chỉ thị 20/2006/CT-UBND), thay thế Chỉ thị 26/2001/CT-UB ngày 20 tháng 9 năm 2001 và Quyết định số 132/2006/QĐ-UBND ngày 05 tháng 9 năm 2006 về ban hành Quy định tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh (viết tắt là Quyết định 132/2006/QĐ-UBND), thay thế Quyết định số 84/2001/QĐ-UB ngày 21 tháng 9 năm 2001.

Hai văn bản quan trọng nêu trên tạo thành một hệ thống giải pháp đồng bộ, áp dụng thống nhất trong các cấp, các ngành tại thành phố, từng bước khắc phục những thiếu sót, khuyết điểm trong tổ chức thực hiện, giúp cho việc thi hành Luật khiếu nại, tố cáo ngày càng chuyển biến tích cực và hiệu quả hơn.

Đặc biệt, ngày 02 tháng 5 năm 2008, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Chương trình hành động số 34-CTr/TU thực hiện Thông báo Kết luận số 130-TB/TW của Bộ Chính trị về công tác khiếu nại, tố cáo trong thời gian tới; nội dung chương trình xác định mục tiêu, nhiệm vụ, một số giải pháp chủ yếu, phân công trách nhiệm các Ban Đảng của Thành ủy, các cấp Chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể tổ chức quán triệt và xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện Chương trình hành động của Thành ủy. Thực hiện Chương trình này, ngày 22 tháng 7 năm 2008, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố đã có Quyết định số 3141/QĐ-UBND ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 34-CT/TU ngày 02 tháng 5 năm 2008 của Ban Thường vụ Thành ủy (viết tắt là Quyết định số 3141/QĐ-UBND).

Để đánh giá, phân tích những mặt đã làm được, những mặt còn hạn chế, rút ra những bài học kinh nghiệm, đề ra giải pháp khả thi nhằm tăng cường trách nhiệm của Thủ trưởng các cơ quan hành chính Nhà nước trong công tác tiếp công dân, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo trên địa bàn thành phố; ngày 03 tháng 4 năm 2009, Ủy ban nhân dân thành phố đã tổ chức Hội nghị sơ kết 02 năm thực hiện Luật Khiếu nại, tố cáo sửa đổi và 01 năm triển khai thực hiện Thông báo Kết luận số 130-TB/TW của Bộ Chính trị về công tác khiếu nại, tố cáo trong thời gian tới, với kết quả được đánh giá như sau:

II. KẾT QUẢ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN

1. Công tác tổ chức quán triệt, phổ biến, tuyên truyền giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo:

Sau khi Chỉ thị số 20/2006/CT-UBND và Quyết định số 132/2006/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân thành phố có hiệu lực thi hành cùng với việc thực thi Luật Khiếu nại, tố cáo bổ sung, sửa đổi năm 2004 và năm 2005, Thủ trưởng cơ quan hành chính Nhà nước các cấp, các ngành trên địa bàn thành phố đã tổ chức Hội nghị quán triệt nội dung các văn bản trên đến từng cán bộ chủ chốt, cụ thể hoá Quy định tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo phù hợp với đặc điểm tình hình và chức năng nhiệm vụ của từng đơn vị, đi đôi với việc xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch với nhiều nội dung như: đào tạo nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; triển khai thực hiện Đề án tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo cho nhân dân và cán bộ ở xã, phường, thị trấn thuộc địa bàn thành phố đến năm 2010 theo Quyết định 4860/QĐ-UBND ngày 24 tháng 10 năm 2007 của Ủy ban nhân dân thành phố (viết tắt là Đề án 3). Các cấp, các ngành đã kết hợp các biện pháp tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khiếu nại, tố cáo bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Các hình thức phổ biến, tuyên truyền khá sinh động, phù hợp với đặc thù của từng địa phương, lĩnh vực như: tuyên truyền miệng, phát hành và cung cấp miễn phí cẩm nang, tài liệu, tờ rơi, tờ bướm đến người dân, thông qua hệ thống loa đài phát thanh vào các buổi sáng. Một số cơ quan tổ chức Hội thi tìm hiểu Luật Khiếu nại, tố cáo như ở Hội Nông dân thành phố, Ủy ban nhân dân quận 4, Sở Tư pháp..., thu hút được nhiều đối tượng tham gia.

Bên cạnh đó, thực hiện sự chỉ đạo Ủy ban nhân dân thành phố, Thanh tra thành phố và Văn phòng Tiếp công dân thành phố đã tăng cường hướng dẫn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác tiếp công dân và tham mưu giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về kỹ năng thực hiện các loại biểu mẫu nghiệp vụ tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh (ban hành kèm theo Quyết định số 63/2007/QĐ-UBND ngày 20 tháng 4 năm 2007 của Ủy ban nhân dân thành phố); một số sở-ngành, quận-huyện đã xây dựng nội qui tiếp công dân, quy trình tiếp công dân và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, có một số quận đăng ký thực hiện theo tiêu chuẩn ISO 9001-2000 về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Về triển khai thực hiện Quyết định số 3141/QĐ-UBND: Theo tổng hợp báo cáo của 14 sở, ngành và 20 quận, huyện thì hầu hết các cơ quan đã tổ chức triển khai quán triệt nội dung Quyết định số 3141/QĐ-UBND đến Cấp ủy cơ sở, Thủ trưởng các phòng, ban, đơn vị trực thuộc và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn. Đến nay có 6 đơn vị (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Giao thông vận tải, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tư pháp, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố) đã xây dựng kế hoạch thực hiện Quyết định số 3141/QĐ-UBND, trong đó có 02 đơn vị là Sở Tài nguyên và Môi trường, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố xây dựng Chương trình hành động của Cấp ủy để thực hiện Chương trình hành động số 34-CT/TU ngày 02 tháng 5 năm 2008 của Ban Thường vụ Thành ủy; có 10 quận, huyện vừa xây dựng kế hoạch hoạt động của Quận, Huyện ủy vừa xây dựng kế hoạch của Ủy ban nhân dân, có 02 quận, huyện (quận 4 và quận 7) xây dựng kế hoạch do cơ quan Thanh tra quận xây dựng và ban hành, có 05 quận, huyện (Củ Chi, quận 11, quận 8, Phú Nhuận, Gò Vấp) xây dựng kế hoạch của Ủy ban nhân dân và 03 quận, huyện (Hóc Môn, quận Tân Phú và quận 3) xây dựng kế hoạch của Quận, Huyện ủy.

Đặc biệt, để thực hiện Đề án 3, trong năm 2008 công tác này tăng nhanh cả về số lượng lẫn chất lượng như Thanh tra thành phố đã tổ chức 12 hội nghị tuyên truyền, 15 cuộc tập huấn với gần 5.000 lượt người tham gia. Các hình thức khác như phát hành tờ rơi, cẩm nang hỏi đáp về pháp luật cũng được triển khai mạnh đến tận cán bộ cơ sở và người dân.

2. Đẩy mạnh công tác quản lý Nhà nước về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo:

Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố, trong năm 2007 và năm 2008, các sở-ngành, quận-huyện đã tổ chức 46 Đoàn thanh, kiểm tra về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Nhìn chung, các sở-ngành, quận-huyện (so với trước khi có Chỉ thị số 20/2006/CT-UBND và Quyết định số 132/2006/QĐ-UBND) đã có sự tích cực tập trung chấn chỉnh và tăng cường thực hiện công tác quản lý Nhà nước về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, cụ thể:

- Đã triển khai kịp thời các quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo và có biện pháp tổ chức thực hiện các chỉ đạo của cấp trên liên quan đến công tác khiếu nại, tố cáo như ban hành các văn bản chỉ đạo các đơn vị, tổ chức trực thuộc triển khai thực hiện, áp dụng các biểu mẫu, tăng cường, chấn chỉnh công tác tiếp dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo; hàng quý có báo cáo lịch tiếp công dân định kỳ của cán bộ lãnh đạo và danh sách cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân đến Ủy ban nhân dân thành phố và Ủy ban nhân dân quận, huyện.

- Hàng năm Ủy ban nhân dân các cấp, Thủ trưởng các sở, ngành tổ chức các Đoàn thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo tại các đơn vị trực thuộc, góp phần phát hiện và kịp thời chấn chỉnh các hạn chế, thiếu sót, nâng cao hiệu quả hoạt động trong công tác tiếp dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn. Ban hành quy trình, quy định về tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương (điển hình như quận 1, quận 8, quận 4, quận Phú Nhuận, quận Bình Thạnh, quận Thủ Đức, quận Tân Bình, Thanh tra thành phố, Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Tiếp công dân thành phố…).

3. Công tác tổ chức tiếp công dân, phân loại, xử lý đơn thư:

a) Về tiếp công dân:

- Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố, Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành đã tổ chức tiếp công dân theo quy định như:

+ Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố, Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố đã tổ chức tiếp hơn 87 buổi, xem xét xử lý hoặc giải quyết 216 vụ việc.

+ Các sở, ban, ngành, quận, huyện đã tổ chức tiếp công dân thường xuyên với hơn 144.889 lượt công dân.

+ Cán bộ lãnh đạo quận, huyện, ngành sở đã tiếp hơn 3.901 lượt công dân.

b) Về tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo:

- Đơn đã nhận được 47.071 đơn; trong đó qua phân loại, xử lý có 25.663 đơn thuộc thẩm quyền giải quyết, chiếm tỷ lệ 54,52%.

- Về tổ chức tiếp nhận, phân loại và xử lý đơn: đa số quận, huyện đều thành lập Tổ tiếp công dân trực thuộc Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, chịu trách nhiệm chính về tiếp dân và là đầu mối tập trung nhận đơn của cơ quan, tổ chức và công dân. Tại đa số các sở, ngành, công tác tiếp công dân được giao cho Thanh tra sở, ngành làm đầu mối tiếp nhận đơn, hướng dẫn và xử lý theo quy định, tạo cơ sở tốt trong việc cập nhật số liệu tổng hợp, báo cáo và đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân khi liên lệ nộp đơn cũng như tìm hiểu tiến độ giải quyết.

4. Công tác giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền:

[...]