Báo cáo 50/BC-UBND về tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội, thu chi ngân sách thành phố quý 1 và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm quý 2 năm 2019 do thành phố Hồ Chí Minh ban hành

Số hiệu 50/BC-UBND
Ngày ban hành 10/04/2019
Ngày có hiệu lực 10/04/2019
Loại văn bản Báo cáo
Cơ quan ban hành Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Lê Thanh Liêm
Lĩnh vực Thương mại,Tài chính nhà nước,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 50/BC-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 10 tháng 4 năm 2019

 

BÁO CÁO

TÌNH HÌNH KINH TẾ - VĂN HÓA - XÃ HỘI, THU CHI NGÂN SÁCH THÀNH PHỐ QUÝ 1 VÀ NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM QUÝ 2 NĂM 2019

Phần thứ nhất

TÌNH HÌNH KINH TẾ - VĂN HÓA - XÃ HỘI QUÝ 1 NĂM 2019

I. VỀ KINH TẾ

1. Tổng sản phẩm nội địa GRDP

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 03 tháng đầu năm ước đạt 324.497 tỷ đồng, tăng 7,64%, tương đương cùng kỳ (cùng kỳ tăng 7,64%). Trong đó: khu vực dịch vụ tăng 7,7%, có mức tăng thấp hơn so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 7,98%), khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,41%, đạt mức tăng cao hơn cùng kỳ (cùng kỳ tăng 7,25%), khu vực nông nghiệp tăng 5,2% (cùng kỳ tăng 5,83%), thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 7,79%, đạt mức tăng cao hơn cùng kỳ (cùng kỳ tăng 7,09%). Về cơ cấu ngành trong GRDP, khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng 63,1%, khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm tỷ trọng 21,5%, khu vực nông nghiệp chiếm tỷ trọng 0,6%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 14,7%.

Cơ cấu kinh tế thành phố tiếp tục tăng dần tỷ trọng các ngành dịch vụ chất lượng cao, giá trị gia tăng lớn, có lợi thế cạnh tranh là 9 nhóm ngành dịch vụ chủ yếu có tiềm năng và là thế mạnh của thành phố như thương mại, tài chính - ngân hàng - bảo hiểm, du lịch, thông tin truyền thông, vận tải - cảng - kho bãi, khoa học - công nghệ, kinh doanh bất động sản, giáo dục và y tế. Tỷ trọng 9 nhóm ngành dịch vụ chủ yếu chiếm tỷ trọng cao nhất 57,7% trong tổng GRDP. Trong đó, 3 nhóm ngành bất động sản; thương mại và vận tải kho bãi tiếp tục chiếm tỷ trọng cao 34,9% trong tổng GRDP.

Về tốc độ phát triển dịch vụ, một số ngành có mức tăng cao hơn so cùng kỳ: Thông tin và truyền thông tăng 9,5% (cùng kỳ tăng 1,6%); khoa học và công nghệ tăng 8,0% (cùng kỳ tăng 7,6%); giáo dục và đào tạo tăng 5,7% (cùng kỳ tăng 4,4%). Riêng ngành thương mại tăng 7,7% (cùng kỳ tăng 7,8%); tài chính - ngân hàng và bảo hiểm tăng 9,1% (cùng kỳ tăng 9,9%); vận tải kho bãi tăng 6,6% (cùng kỳ tăng 9,1%); du lịch tăng 8,4% (cùng kỳ tăng 11,7%); bất động sản tăng 6,9% (cùng kỳ tăng 9,3%); Y tế tăng 6,7% (cùng kỳ tăng 7,1%).

2. Lĩnh vực dịch vụ

2.1. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong tháng 3 ước đạt khoảng 95.489 tỷ đồng, tăng 2,4% so tháng trước và tăng 14,5% so với cùng kỳ. Tính chung 3 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 285.088 tỷ đồng, tăng 12,9% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 12,3%)[1].

2.2. Kim ngạch xuất - nhập khẩu

- Xuất khẩu: Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp 03 tháng đầu năm ước đạt 8,98 tỷ USD, tăng 5,7% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 10,6%). Nếu không tính giá trị dầu thô, kim ngạch ước đạt 8,4 tỷ USD, tăng 6,4% (cùng kỳ tăng 12,7%). Mặt hàng xuất khẩu của một số mặt hàng giảm so với cùng kỳ: Hàng dệt, may chiếm 14,5%, giảm 3,6% (cùng kỳ giảm 6,2%); Máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng chiếm 5,6%, giảm 11,3% (cùng kỳ tăng 8,6%); Cà phê chiếm 2%, giảm 26,4% (cùng kỳ tăng 7,0%),...

- Nhập khẩu: Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa 03 tháng đầu năm ước đạt 10,8 tỷ USD, tăng 1,3% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 12,8%). Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là trang thiết bị, nguyên vật liệu cho sản xuất như: Máy móc, thiết bị và phụ tùng tăng 19,3%; Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 8,1%....

2.3. Hoạt động Du lịch

Công tác quản lý nhà nước lĩnh vực lữ hành - khách sạn được phối hợp tốt, đã góp phần tăng cường hỗ trợ pháp lý, tuyên truyền hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện đúng quy định. Hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch tiếp tục đẩy mạnh thông qua các chương trình như: Du lịch đường thủy, Du lịch cộng đồng, Du lịch Y tế, Du lịch nông nghiệp, Chương trình kích cầu du lịch, Chương trình nghệ thuật phục vụ du khách, Chương trình dịch vụ đạt chuẩn du lịch, Lễ hội Áo dài, Ngày hội du lịch thành phố ... Các sự kiện được nâng tầm, nâng chất với quy mô lớn hơn, nội dung phong phú, đa dạng, chú trọng về chiều sâu.

Trong 3 tháng đầu năm 2019, tổng lượng khách quốc tế đến Thành phố Hồ Chí Minh, ước đạt 2.257.994 lượt, tăng 14,1% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 15,6%), đạt 27% kế hoạch năm 2019 (8,5 triệu lượt). Tổng doanh thu du lịch (lữ hành, khách sạn, nhà hàng) trong 3 tháng đầu năm 2019 ước đạt 39.872 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 14,4%) đạt 26,6% kế hoạch năm 2019 (150.000 tỷ đồng).

2.4. Vận tải hàng hóa và hành khách

Trong quý 1, sản lượng vận tải hàng hóa và hành khách lĩnh vực giao thông đường thủy trên địa bàn tăng, trong khi lĩnh vực giao thông đường bộ giảm so với cùng kỳ năm 2018:

- Khối lượng vận chuyển hàng hóa bằng xe ôtô ước đạt 102 triệu tấn, số lượt người sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng ước đạt 124 triệu lượt hành khách (HK), giảm 6,1% so với cùng kỳ năm 2018 và đạt 20% so với kế hoạch năm 2019 (635 triệu lượt hành khách).

- Về lĩnh vực giao thông đường thủy: sản lượng hàng hóa qua các cảng biển trên địa bàn thành phố đạt 26,7 triệu tấn, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2018 (25,5 triệu tấn) và sản lượng hàng hóa được kiểm soát thông qua các cảng, bến thủy nội địa là 4,12 triệu tấn, tăng 3% so với cùng kỳ (4,00 triệu tấn). Tổng lượt hành khách thông qua cảng, bến thủy nội địa, bến khách ngang sông, bến phà đạt 8,9 triệu lượt hành khách/năm, tăng 4,2% so với cùng kỳ (8,58 triệu lượt).

2.5. Bưu chính viễn thông và công nghệ thông tin

Thành phố đang triển khai giải pháp thực hiện Đề án xây dựng Cổng thông tin tiếp nhận và giải đáp thông tin cho người dân, doanh nghiệp và tổ chức. Xây dựng phương án thí điểm tại Ủy ban nhân dân Quận 3, 5 và quận Bình Thạnh trong việc tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh lĩnh vực trật tự đô thị trước khi mở rộng ra trên địa bàn thành phố. Đang triển khai kế hoạch ngầm hóa cáp viễn thông giai đoạn 2018 - 2020; làm việc với các doanh nghiệp thông tin di động để triển khai công tác quản lý hạ tầng (trạm BTS).

Thành phố đã triển khai hệ thống đánh giá sự hài lòng của tổ chức và người dân tại địa chỉ https://danhgiahailong.hochiminhcity.gov.vn/, địa chỉ liên kết trên trang thông tin điện tử thành phố (Hochiminh Cityweb), trang thông tin điện tử các Sở, Ủy ban nhân dân các quận - huyện và Cổng dịch vụ công trực tuyến thành phố, hoặc người dân có thể đánh giá trực tiếp tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả qua các trang thiết bị (kiosk, máy tính bảng).

2.6. Tín dụng - Ngân hàng, thị trường chng khoán

- Thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng trên địa bàn trong quý I tiếp tục ổn định, đảm bảo đáp ứng nhu cầu vốn, dịch vụ ngân hàng cho doanh nghiệp và người dân, tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng sau:

+ Tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước đến đầu tháng 3 đạt 2.223.150 tỷ đồng, tăng 1,0% so cuối năm 2018. Trong đó, tiền gửi VNĐ tiếp tục tăng trưởng và chiếm tỷ trọng cao trong tổng nguồn vốn huy động, chiếm gần 89% tổng nguồn vốn huy động[2].

+ Tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn ước đến cuối tháng 02 đạt 2.060.400 tỷ đồng, tăng 2,0% so cuối năm 2018[3]. Dư nợ tín dụng trung, dài hạn chiếm 53,5% tổng dư nợ, tăng 0,84% so cuối năm 2018; dư nợ tín dụng ngắn hạn chiếm 46,5%, tăng 3,37% so cuối năm 2018.

[...]