Báo cáo số 384/BC-VTLTNN về việc sơ kết 01 năm thực hiện chỉ thị của Thủ tướng và tình hình công tác văn thư, lưu trữ từ năm 2001 đến nay do Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước ban hành

Số hiệu 384/BC-VTLTNN
Ngày ban hành 06/05/2008
Ngày có hiệu lực 06/05/2008
Loại văn bản Báo cáo
Cơ quan ban hành Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước
Người ký Vũ Thị Minh Hương
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BỘ NỘI VỤ
CỤC VĂN THƯ VÀ LƯU TRỮ
NHÀ NƯỚC
-----

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------

Số: 384/BC-VTLTNN

Hà Nội, ngày 06 tháng 5 năm 2008

 

BÁO CÁO

SƠ KẾT 01 NĂM THỰC HIỆN CHỈ THỊ CỦA THỦ TƯỚNG VÀ TÌNH HÌNH CÔNG TÁC VĂN THƯ, LƯU TRỮ TỪ NĂM 2001 ĐẾN NAY

Để có cơ sở báo cáo Thủ tướng kết quả 01 năm thực hiện Chỉ thị số 05/2007/CT-TTg ngày 02 tháng 3 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường bảo vệ và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ (sau đây gọi tắt là Chỉ thị của Thủ tướng), đồng thời đánh giá kết quả công tác văn thư, lưu trữ từ khi có Pháp lệnh Lưu trữ Quốc gia năm 2001 đến nay, chỉ ra những tồn tại, khó khăn nhằm đề ra phương hướng, biện pháp trong thời gian tới; được sự đồng ý của Bộ Nội vụ, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước tổ chức Hội nghị sơ kết 01 năm thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng và tình hình công tác văn thư, lưu trữ từ năm 2001 đến nay đối với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Tập đoàn kinh tế nhà nước và Tổng công ty 91 (sau đây gọi tắt là các Bộ, ngành trung ương).

Chuẩn bị nội dung cho Hội nghị, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước đã có Công văn số 117/VTLTNN-NVTW ngày 20 tháng 02 năm 2008 gửi các Bộ, ngành trung ương và Công văn số 171/VTLTNN-NVTW ngày 06 tháng 3 năm 2008 gửi các đơn vị thuộc Cục đề nghị báo cáo kết quả 01 năm thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng và tình hình công tác văn thư, lưu trữ từ năm 2001 đến nay. Kết quả đã có 7 Trung tâm trực thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước và 40 Bộ, ngành trung ương đã gửi báo cáo về Cục. Căn cứ vào các báo cáo nhận được và thực tế quản lý, chỉ đạo trong thời gian qua, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước tổng hợp thành Báo cáo trình bày trước Hội nghị.

Phần I.

KẾT QUẢ 01 NĂM THỰC HIỆN CHỈ THỊ CỦA THỦ TƯỚNG VÀ CÔNG TÁC VĂN THƯ, LƯU TRỮ TỪ NĂM 2001 ĐẾN NAY

I. TẠI CỤC VĂN THƯ VÀ LƯU TRỮ NHÀ NƯỚC

1. Thực hiện quản lý nhà nước về văn thư, lưu trữ

a) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về văn thư, lưu trữ

Ngay sau khi Pháp lệnh Lưu trữ quốc gia được ban hành năm 2001, Cục Lưu trữ Nhà nước (nay là Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước) đã tổ chức 02 Hội nghị triển khai thi hành Pháp lệnh đối với các Bộ, ngành trung ương và địa phương. Tại Hội nghị, Cục Lưu trữ Nhà nước đã quán triệt những nội dung chủ yếu của  Pháp lệnh, trong đó nhấn mạnh trách nhiệm của lãnh đạo các cấp, các ngành đối với việc quản lý, chỉ đạo và đầu tư kinh phí, bố trí cán bộ làm lưu trữ.

Trong những năm tiếp theo, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước đều tổ chức hội nghị tập huấn triển khai các văn bản mới ban hành và tổng kết định kỳ công tác văn thư, lưu trữ.

Ngay sau khi Chỉ thị của Thủ tướng được ban hành, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước đã tổ chức họp báo, đồng thời trình Bộ Nội vụ ban hành Kế hoạch triển khai Chỉ thị của Thủ tướng. Đối với các Bộ, ngành trung ương, Cục đã ban hành văn bản số 300/VTLTNN-NVTW ngày 03 tháng 5 năm 2007 gửi tới các Bộ, ngành trung ương về việc triển khai thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng.

Từ năm 2001 đến nay, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước thường xuyên cử cán bộ trực tiếp phổ biến văn bản pháp luật về văn thư, lưu trữ cho hàng chục Bộ, ngành trung ương. Riêng trong năm 2007, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước đã trực tiếp phổ biến Chỉ thị tại 12 Bộ, ngành trung ương.  

Ngoài ra, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước đã chú trọng việc tuyên truyền Pháp lệnh và Chỉ thị của Thủ tướng trên các phương tiện thông tin đại chúng như Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Phát thanh Truyền hình Hà Nội, Báo Nhân dân, Tạp chí Văn thư Lưu trữ Việt Nam, Website Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước.

b) Ban hành văn bản quản lý và hướng dẫn nghiệp vụ văn thư, lưu trữ

Thi hành Pháp lệnh Lưu trữ quốc gia, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước đã tham mưu giúp Bộ Nội vụ trình các cơ quan nhà nước có thẩm quyền  ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật như: Nghị định số 110/2004/NĐ-CP ngày 08 tháng 4 năm 2004 của Chính phủ về công tác văn thư; Nghị định số 111/2004/NĐ-CP ngày 08 tháng 4 năm 2004 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh Lưu trữ quốc gia; Thông tư số 30/2004/TT-BTC ngày 07 tháng 4 năm 2004 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý, sử dụng phí khai thác và sử dụng tài liệu lưu trữ; các Quyết định số 13/2005/QĐ-BNV và số 14/2005/QĐ-BNV ngày 06 tháng 01 năm 2005 của Bộ Nội vụ ban hành chế độ báo cáo thống kê cơ sở và chế độ báo cáo thống kê tổng hợp công tác văn thư, lưu trữ; Thông tư số 21/2005/TT-BNV ngày 01 tháng 02 năm 2005 của Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của tổ chức văn thư, lưu trữ Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Uỷ ban nhân dân; Thông tư số 46/2005/TT-BNV ngày 27 tháng 4 năm 2005 của Bộ Nội vụ hướng dẫn quản lý tài liệu khi chia, tách, sáp nhập cơ quan, tổ chức; đơn vị hành chính và tổ chức lại, chuyển đổi hình thức sở hữu doanh nghiệp nhà nước; Thông tư liên tịch số 55/2005/TTLT-BNV-VPCP ngày 06 tháng 5 năm 2005 của Bộ Nội vụ và Văn phòng Chính phủ hướng dẫn về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản; Thông tư số 04/2006/TT-BNV ngày 11 tháng 4 năm 2006 hướng dẫn xác định cơ quan, tổ chức thuộc nguồn nộp lưu tài liệu vào lưu trữ lịch sử các cấp; Thông tư số 09/2007/TT-BNV ngày 26 tháng 11 năm 2007 hướng dẫn về kho lưu trữ chuyên dụng.

Trong phạm vi thẩm quyền được giao, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước đã ban hành các văn bản hướng dẫn chuyên môn, như: Công văn số 262/LTNN-NVTW ngày 12 tháng 6 năm 2001 hướng dẫn thành phần hồ sơ, tài liệu của các cơ quan hành chính nhà nước trung ương thuộc diện nộp lưu vào các Trung tâm Lưu trữ Quốc gia; Công văn số 283/VTLTNN-NVTW ngày 19 tháng 5 năm 2004 hướng dẫn chỉnh lý tài liệu hành chính; Công văn số 319/VTLTNN-NVTW ngày 01 tháng 6 năm 2004 hướng dẫn thực hiện việc giao nộp tài liệu vào lưu trữ lịch sử các cấp; Công văn số 260/VTLTNN-NVĐP ngày 06 tháng 5 năm 2005 hướng dẫn xây dựng Quy chế công tác văn thư và lưu trữ cơ quan; Công văn số 425/VTLTNN-NVTW ngày 18 tháng 7 năm 2005 hướng dẫn quản lý văn bản đi, văn bản đến; Công văn số 879/VTLTNN-NVĐP ngày 19 tháng 12 năm 2006 hướng dẫn tổ chức tiêu huỷ tài liệu hết giá trị...

Hệ thống văn bản quản lý nhà nước về văn thư, lưu trữ trong thời gian qua đã khẳng định được vai trò, chức năng quản lý nhà nước đối với công tác này, tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động văn thư, lưu trữ phát triển trong khuôn khổ pháp luật.

Đặc biệt, sau khi Chỉ thị số 05/2007/CT-TTg được ban hành, việc Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định lấy ngày 03 tháng 01 hàng năm là Ngày Lưu trữ Việt Nam đã một lần nữa khẳng định vị trí ngành lưu trữ trong xã hội.

c) Chỉ đạo, kiểm tra việc thi hành pháp luật về văn thư, lưu trữ

Hàng năm, để giúp các Bộ, ngành trung ương và các địa phương có căn cứ xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch công tác văn thư, lưu trữ tại cơ quan, tổ chức của mình, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước đã ban hành văn bản hướng dẫn phương hướng nhiệm vụ công tác văn thư, lưu trữ, trong đó đặc biệt nhấn mạnh việc tổ chức thực hiện Pháp lệnh, Chỉ thị của Thủ tướng và các văn bản pháp luật khác về văn thư, lưu trữ.

Kiểm tra việc thi hành pháp luật là nhiệm vụ thường xuyên trong hoạt động quản lý nhà nước của Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước. Từ năm 2001 đến nay, Cục đã tiến hành kiểm tra nghiệp vụ tại 25 Bộ, ngành; chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức và tham gia 3 đợt kiểm tra chéo tại các Bộ, ngành trung ương và các đơn vị trực thuộc. Kết quả kiểm tra cho thấy công tác văn thư, lưu trữ ở các Bộ, ngành trung ương đã có nhiều chuyển biến, đáp ứng tốt hơn các yêu cầu của cơ quan và xã hội. Tuy nhiên, thực trạng công tác này ở các cơ quan, đơn vị trực thuộc vẫn còn nhiều tồn tại, cần nhanh chóng khắc phục.

Qua kiểm tra, nắm bắt thực tế tình hình công tác văn thư, lưu trữ, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước đã có những điều chỉnh, bổ sung kịp thời trong việc tham mưu giúp Bộ Nội vụ và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Pháp lệnh, Chỉ thị của Thủ tướng, cũng như trong việc chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn thi hành pháp luật đối với các Bộ, ngành trung ương.

d) Hoạt động nghiên cứu khoa học văn thư, lưu trữ

Công tác nghiên cứu khoa học đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng văn bản và chỉ đạo nghiệp vụ về văn thư, lưu trữ. Kể từ khi Pháp lệnh Lưu trữ quốc gia được thông qua, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước đã tổ chức nghiên cứu và nghiệm thu 17 đề tài cấp Bộ. Nội dung các đề tài nghiên cứu tập trung vào những vấn đề mà thực tiễn đang đòi hỏi cấp bách như thành phần tài liệu nộp lưu; thời hạn bảo quản tài liệu; hệ thống thuật ngữ văn thư, lưu trữ; tài liệu lưu trữ điện tử; công tác văn thư trong môi trường điện tử…Các kết quả nghiên cứu đã và đang dần được triển khai, áp dụng trong thực tiễn công tác của ngành.

Đồng thời, trong những năm gần đây, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước còn thường xuyên tổ chức các hội nghị, hội thảo khoa học, tập huấn nghiệp vụ với sự tham gia của các báo cáo viên là đồng nghiệp lưu trữ quốc tế. Từ năm 2004 đến nay, Cục đã tổ chức 8 hội nghị khoa học và tập huấn nghiệp vụ với sự tham gia của các đồng nghiệp đến từ Singapore, Malaysia, Nga, Cu Ba, Úc, Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc… Hội nghị khoa học quốc tế với chủ đề “Phát huy giá trị tài liệu lưu trữ phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” vừa được tổ chức ngày 8 và 9 tháng 4 vừa qua là việc làm thiết thực để thi hành Chỉ thị của Thủ tướng. Hội nghị đã để lại dấu ấn tốt đẹp trong lòng các đồng nghiệp lưu trữ trong nước và quốc tế.

Cùng với việc mở rộng quan hệ hợp tác với các Tổ chức lưu trữ quốc tế và với Lưu trữ Quốc gia của nhiều nước trên thế giới, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước còn tổ chức nhiều đợt đi dự hội nghị, học tập, tham quan, khảo sát về công tác văn thư, lưu trữ ở nước ngoài. Đây là những hình thức sinh hoạt khoa học rất bổ ích, nhằm trao đổi kinh nghiệm, tăng cường sự hiểu biết, kỹ năng quản lý và nghiệp vụ chuyên môn về văn thư, lưu trữ.

2. Quản lý tài liệu tại các Trung tâm Lưu trữ Quốc gia

[...]