Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Thông tư 46/2005/TT-BNV hướng dẫn quản lý tài liệu khi chia, tách, sáp nhập cơ quan, tổ chức, đơn vị hành chính và tổ chức lại, chuyển đổi hình thức sở hữu doanh nghiệp nhà nước do Bộ Nội Vụ ban hành.

Số hiệu 46/2005/TT-BNV
Ngày ban hành 27/04/2005
Ngày có hiệu lực 20/05/2005
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Nội vụ
Người ký Đỗ Quang Trung
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Bộ máy hành chính

BỘ NỘI VỤ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 46/2005/TT-BNV

Hà Nội, ngày 27 tháng 04 năm 2005 

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN QUẢN LÝ TÀI LIỆU KHI CHIA, TÁCH, SÁP NHẬP CƠ QUAN, TỔ CHỨC, ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH VÀ TỔ CHỨC LẠI, CHUYỂN ĐỔI HÌNH THỨC SỞ HỮU DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC

Thực hiện Điều 9 Nghị định số 111/2004/NĐ-CP ngày 08 tháng 4 năm 2004 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Lưu trữ chia, tách, sáp nhập cơ quan, tổ chức, đơn vị hành chính và tổ chức lại, chuyển đổi hình thức sở hữu doanh nghiệp nhà nước như sau:

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn quản lý tài liệu khi chia, tách, sáp nhập cơ quan, tổ chức, đơn vị hành chính và tổ chức lại, chuyển đổi hình thức sở hữu các doanh nghiệp nhà nước.

2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này được áp dụng đối với các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế nhà nước và đơn vị vũ trang nhân dân (sau đây gọi chung là cơ quan, tổ chức).

3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, một số từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

3.1. Chia, tách, sáp nhập cơ quan, tổ chức bao gồm:

- Chia cơ quan, tổ chức để thành các cơ quan, tổ chức mới;

- Tách một hoặc một số bộ phận của cơ quan, tổ chức để sáp nhập vào cơ quan, tổ chức khác;

- Sáp nhập cơ quan, tổ chức vào cơ quan, tổ chức khác (hoặc hợp nhất một số cơ quan, tổ chức để thành cơ quan, tổ chức mới).

3.2. Chia, tách, sáp nhập đơn vị hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; quận, huyện, thành phố thuộc tỉnh; xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là tỉnh, huyện, xã) bao gồm:

- Chia tỉnh, huyện, xã để thành các tỉnh, huyện, xã mới: Chia tỉnh để thành các tỉnh mới, huyện để thành các huyện mới, xã để thành các xã mới;

- Chia, tách tỉnh, huyện, xã để sáp nhập vào tỉnh, huyện, xã khác: Điều chỉnh huyện của tỉnh này cho tỉnh khác, xã của huyện này cho huyện khác, một phần diện tích tự nhiên và dân số (thôn, làng, bản, ấp) của xã này cho xã khác quản lý;

- Sáp nhập (hoặc hợp nhất) tỉnh, huyện, xã để thành tỉnh, huyện, xã mới: Sáp nhập (hoặc hợp nhất) tỉnh này với tỉnh khác để thành tỉnh mới, huyện này với huyện khác để thành huyện mới, xã này với xã khác để thành xã mới.

3.3. Tổ chức lại doanh nghiệp nhà nước không làm thay đổi sở hữu của doanh nghiệp bao gồm: chia, tách, sáp nhập, hợp nhất công ty nhà nước; chuyển công ty nhà nước thành công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước một thành viên, hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước có hai thành viên trở lên; chuyển tổng công ty do Nhà nước quyết định đầu tư và thành lập thành tổng công ty do các công ty tự đầu tư và thành lập; khoán, cho thuê công ty nhà nước và các hình thức khác theo quy định của pháp luật (theo Điều 73 Luật Doanh nghiệp nhà nước năm 2003).

3.4. Chuyển đổi hình thức sở hữu doanh nghiệp nhà nước bao gồm: cổ phần hoá công ty nhà nước; bán toàn bộ một công ty nhà nước; bán một phần công ty nhà nước để thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn có hai thành viên trở lên, trong đó có một thành viên là đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước; giao công ty nhà nước cho tập thể người lao động để chuyển thành công ty cổ phần hoặc hợp tác xã (theo Điều 80 Luật Doanh nghiệp nhà nước năm 2003).

3.5. Cơ quan, tổ chức thuộc nguồn nộp lưu tài liệu vào lưu trữ lịch sử là những cơ quan, tổ chức được cơ quan có thẩm quyền quy định theo pháp luật hiện hành.

4. Yêu cầu quản lý tài liệu

Toàn bộ hồ sơ, tài liệu hình thành trong quá trình hoạt động của cơ quan, tổ chức khi cơ quan, tổ chức, đơn vị hành chính chia, tách, sáp nhập; doanh nghiệp nhà nước tổ chức lại, chuyển đổi hình thức sở hữu phải được quản lý theo các yêu cầu sau:

- Bảo đảm nguyên tắc tập trung, thống nhất: Việc thu nhập, chỉnh lý, thống kê, bàn giao hồ sơ, tài liệu trong cơ quan, tổ chức và từ cơ quan, tổ chức vào lưu trữ lịch sử phải được thực hiện thống nhất theo các quy định về nghiệp vụ lưu trữ của pháp luật hiện hành.

- Bảo đảm nguyên tắc không phân tán phông lưu trữ: Tài liệu hình thành trong quá trình hoạt động của cơ quan, tổ chức nào phải được thống kê và bảo quản theo phông lưu trữ của cơ quan, tổ chức đó.

- Thuận tiện cho việc bảo quản và nghiên cứu sử dụng tài liệu lưu trữ.

II. HUỚNG DẪN CỤ THỂ

Khi cơ quan, tổ chức có quyết định thay đổi thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư này, tất cả hồ sơ, tài liệu đã giải quyết xong của các đơn vị, cá nhân trong cơ quan, tổ chức phải được giao nộp vào lưu trữ hiện hành của cơ quan, tổ chức để tiến hành phân loại, chỉnh lý, xác định giá trị và thống kê thành mục lục hồ sơ theo quy định. Sau đó, việc quản lý hồ sơ, tài liệu được thống nhất thực hiện như sau:

[...]