ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 216 /BC-UBND
|
Thành phố Hồ Chí
Minh, ngày 09 tháng 12 năm 2013
|
BÁO CÁO
KẾT QUẢ THỰC HIỆN
NHIỆM VỤ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ THANH NIÊN NĂM 2013
Thực hiện Công văn số 3884/BNV-CTTN ngày 28 tháng
10 năm 2013 của Bộ Nội vụ, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh báo cáo kết
quả thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh niên năm 2013 như sau:
1. Kết quả tổ chức triển khai, thực hiện Chiến
lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 của năm 2013
Thực hiện Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam
giai đoạn 2011 - 2020 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thành phố đã đầu
tư, nghiên cứu, xây dựng và ban hành Chương trình phát triển thanh niên Thành
phố giai đoạn 2011 - 2020, Kế hoạch 5 năm triển khai thực hiện Chương trình
phát triển thanh niên giai đoạn 2011 - 2015 và theo từng năm phù hợp với tình
hình thực tế của địa phương.
Nhìn chung các sở, ban, ngành Thành phố và Ủy ban
nhân dân các quận - huyện đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng kế hoạch, phối
hợp triển khai thực hiện và đã đạt được một số kết quả nhất định, góp phần vào
việc định hướng tư tưởng, đào tạo, bồi dưỡng thế hệ thanh niên, tuổi trẻ Thành
phố, cụ thể như sau:
a) Nâng cao nhận thức về phát triển thanh niên;
ban hành và tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách đối với thanh niên:
Thành phố đã tổ chức Hội nghị triển khai công tác
thanh niên và Chương trình phát triển thanh niên cho lãnh đạo các sở, ban,
ngành và Ủy ban nhân dân 24 quận - huyện trên địa bàn Thành phố. Qua đó, nâng
cao ý thức trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị trong việc xây dựng thế hệ
thanh niên của Thành phố.
Trên cơ sở Quyết định số 6028/QĐ-UBND ngày 27 tháng
11 năm 2012 của Ủy ban nhân dân Thành phố về ban hành Chương trình phát triển
thanh niên Thành phố giai đoạn 2011 - 2020, Ủy ban nhân dân các quận - huyện đã
xây dựng và ban hành Chương trình phát triển thanh niên tại địa phương giai
đoạn 2011 - 2020 và kế hoạch thực hiện theo từng năm trong đó lồng ghép các mục
tiêu, chỉ tiêu về phát triển thanh niên, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tại
địa phương.
Đối với các Sở, ban, ngành Thành phố, trong năm
2013 đã tổ chức thực hiện các mục tiêu của đề án trong Chương trình phát triển
thanh niên Thành phố giai đoạn 2011 - 2020 đảm bảo đúng tiến độ thực hiện của
năm 2013. Bên cạnh đó còn tổ chức thực hiện các nội dung ký kết liên tịch với
Thành Đoàn TNCS Hồ Chí Minh các nội dung liên kết, gắn với tình hình và nhiệm
vụ công tác thanh niên trên từng lĩnh vực. Cụ thể, Sở Giáo dục và Đào tạo với 5
nội dung liên tịch góp phần nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, nghề nghiệp
cho thanh niên; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội với 12 nội dung liên tịch
góp phần vào việc giảm thiểu tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm trong thanh
niên, tạo điều kiện cho thanh niên lập nghiệp, nâng cao thu nhập cho thanh
niên; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch với 9 nội dung liên tịch trong đó chú
trọng xây dựng các thiết chế văn hóa và chính sách bảo đảm cho thanh niên vui
chơi, giải trí, hoạt động văn hóa, nghệ thuật; Sở Y tế với 6 nội dung liên tịch
góp phần nâng cao công tác giáo dục sức khỏe sinh sản, phòng chống HIV/AIDS
trong thanh niên; Sở Nội vụ với 7 nội dung liên tịch góp phần xây dựng các cơ
chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích cán bộ, công chức trẻ của Thành phố, đào
tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức trẻ có trình độ và chuyên môn nghiệp
vụ đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đất nước;…
Qua các hoạt động liên tịch đã góp phần quan trọng
cho hoạt động giáo dục toàn diện, tạo sự chuyển biến trong nhận thức hành động,
thể hiện vai trò xung kích, tình nguyện của thanh niên Thành phố, góp phần cùng
Thành phố hoàn thành nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2013.
Ngoài ra, Thành phố còn chỉ đạo Sở Tư pháp, Sở Nội
vụ, Sở Giao thông vận tải, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội,… thường xuyên
tổ chức tuyên truyền các quy định pháp luật liên quan đến thanh niên như: Luật
Thanh niên năm 2005, Luật Nghĩa vụ quân sự sửa đổi năm 2005, Luật Hôn nhân và
Gia đình, Luật Giao thông đường bộ năm 2008, Luật Giáo dục,… và tại các quận - huyện
thông qua hình thức các hội thảo, hội thi tìm hiểu pháp luật, tọa đàm, các
trang thông tin điện tử đáp ứng nhu cầu học tập cho thanh niên.
b) Tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng,
truyền thống lý tưởng đạo đức và lối sống, pháp luật cho thanh niên:
Trong năm 2013, Thành phố đã tổ chức Hội nghị
chuyên đề quán triệt nội dung trọng tâm nhằm đẩy mạnh việc tiếp tục học tập và
làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, một trong những
nét mới trong việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách
Hồ Chí Minh năm nay đó là có sự kết hợp chặt chẽ với việc tiếp tục đẩy mạnh
thực hiện Nghị quyết Trung ương 04 khóa IX của Đảng gắn với cuộc vận động “Xây
dựng mẫu hình thanh niên Thành phố” giai đoạn 2013 - 2017; phát động cuộc thi
trực tuyến “Tuổi trẻ học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, cuộc
thi đã thu hút 31.015 thí sinh là đoàn viên, thanh niên, học sinh tham gia; tổ
chức các đợt hoạt động chào mừng kỷ niệm 83 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản
Việt Nam, 38 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, kỷ niệm 82 năm Ngày
thành lập Đoàn, kỷ niệm 123 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, kỷ niệm 66
năm Ngày Thương binh liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2013), 68 năm Cách mạng Tháng
Tám (19/8/1945 - 19/8/2013) và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt
Nam (02/9/1945 - 02/9/2013), 45 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu
Thân 1968, kỷ niệm ngày truyền thống học sinh, sinh viên 09/01 tưởng niệm anh
hùng liệt sĩ Trần Văn Ơn...
Cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân Thành
phố, các sở, ban, ngành, quận - huyện và Thành Đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên,
Hội Sinh viên Thành phố đã xây dựng các chuyên trang, chuyên mục dành riêng cho
đối tượng đoàn viên, thanh niên; qua đó tăng cường truyền tải nhiều nội dung
thiết thực, góp phần bồi dưỡng lý tưởng, đạo đức cách mạng, kiến thức pháp luật
và kỹ năng sống cho thanh niên. Đặc biệt, Đài Truyền hình và Đài Tiếng nói nhân
dân Thành phố duy trì việc phát sóng các chương trình bổ ích, cuốn hút sự quan
tâm, theo dõi của đông đảo thanh niên Thành phố.
Bên cạnh đó, Thành Đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên,
Hội Sinh viên Thành phố tiếp tục triển khai nhiều phong trào hành động cách
mạng cho thanh niên; tạo lập môi trường và xây dựng động cơ phấn đấu của tuổi
trẻ như các chiến dịch tình nguyện Xuân tình nguyện; Tiếp sức mùa thi; Mùa hè
xanh; Kỳ nghỉ hồng; Hành quân xanh; Dân ta phải biết sử ta; Thắp nến tri ân;
triển lãm hình ảnh, tư liệu, sách báo về chủ quyền biên giới, biển đảo; Mô hình
cột mốc chủ quyền; Tọa đàm “Giải quyết tranh chấp biển Đông dưới góc nhìn pháp
lý”; Nhắn tin ủng hộ Quỹ “ Vì Trường Sa thân yêu - Vì tuyến đầu Tổ quốc”; Ngày
hội “Thanh niên Thành phố với biển đảo quê hương”; Hội thi “Tự hào sử Việt”;
Chương trình “Không gian tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp”,…
c) Đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực trẻ có chất
lượng cao:
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố Hồ
Chí Minh lần thứ IX về Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của
Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2011 - 2015, đặc biệt là nguồn nhân lực trẻ có
trình độ cao đồng thời xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo kế thừa cho cơ sở .
Trong năm 2013, Thành phố đã tiếp tục thực hiện công tác tạo nguồn quy hoạch
cán bộ trẻ theo 03 chương trình: Chương trình tạo nguồn quy hoạch cán bộ lãnh
đạo, quản lý trẻ tuổi; Chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ; Chương trình tạo
nguồn quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý xuất thân từ công nhân.
Trong năm 2013, có khoảng 100 thanh niên là cán bộ,
công chức, sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi được xét chọn vào diện quy
hoạch. Theo đó, đã bố trí tăng cường đội ngũ cán bộ quy hoạch này về công tác
tại các sở, ban, ngành, các quận - huyện và phường, xã, thị trấn của Thành phố.
Hầu hết lãnh đạo các cơ quan, đơn vị tiếp nhận cán
bộ trẻ có sự quan tâm chọn cử và hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng lý luận
chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ giúp cán bộ trẻ nâng cao nhận thức, trình độ,
năng lực, kỹ năng công tác để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao, với nhiều
hình thức đào tạo chính quy tập trung, bồi dưỡng chuyên đề, tổ chức tọa đàm
trao đổi kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý và khuyến khích cán bộ tự đào tạo. Nhiệm
kỳ 2010 - 2015, có 268 cán bộ trẻ tham gia cấp ủy cơ sở (tăng 204 cán bộ so với
nhiệm kỳ 2005 - 2010); 98 cán bộ được bầu vào cấp ủy trên cơ sở (tăng 83 cán bộ
so với nhiệm kỳ 2005 - 2010); có 47 cán bộ trẻ được quy hoạch các chức danh
diện Thành ủy quản lý, 20 cán bộ đang giữ các chức danh Thành ủy quản lý tham
gia đại biểu Quốc hội khóa XIII, đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố khóa
VIII. Phần lớn cán bộ trẻ được bố trí, bổ nhiệm các chức danh chủ chốt đều phát
huy tốt, được đồng nghiệp, cán bộ hưu trí, đảng viên, nhân dân tín nhiệm.
Thành phố đã chỉ đạo Thành Đoàn phối hợp cùng Sở
Khoa học và Công nghệ triển khai chương trình Vườn ươm sáng tạo Khoa học và
Công nghệ trẻ dành cho đối tượng giảng viên, trí thức trẻ từ 35 tuổi trở xuống
với mục tiêu xây dựng những nhà nghiên cứu khoa học trong tương lai. Trong năm
2013, có 47 đề tài được xét duyệt bảo vệ và cấp kinh phí hơn 2,5 tỷ đồng, có 8
đề tài được nghiệm thu.
Tổ chức trao học bổng “Chung một ước mơ” cho 350 em
từ 7 tỉnh miền Đông Nam Bộ và 50 em ở các tỉnh phía Bắc, trao 1.614 suất học
bổng trị giá 2,6 tỷ đồng cho đoàn viên, thanh niên có hoàn cảnh khó khăn; tổ
chức 70 lớp phổ cập tin học, ngoại ngữ miễn phí cho 2.578 đoàn viên, thanh niên
tham gia học tập; 14 đợt tư vấn cho 2.937 thanh niên làm kinh tế; tiếp tục đồng
hành cùng thanh niên trong nghề nghiệp và việc làm thông qua triển khai có hiệu
quả các dự án hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm giai đoạn 2012 - 2015;
tiếp tục triển khai công tác hướng nghiệp, hướng nghề cho 7.000 lượt học sinh
THPT, THCS; tổ chức Ngày hội “Tư vấn tuyển sinh - Hướng nghiệp” năm 2013 với
hơn 130 gian hàng của các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp chuyên nghiệp,
các Trung tâm đào tạo, tư vấn du học…
Tư vấn chuyên sâu, giải đáp thắc mắc về trường,
ngành học đã thu hút hơn 10.000 phụ huynh, học sinh các trường trung học cơ sở,
trung học phổ thông trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh tham dự; tổ
chức thành công hội thi “ Học sinh giỏi nghề toàn thành” năm 2013 và Ngày hội
“Hướng nghiệp, Dạy nghề” với chủ đề “Vững tay nghề - Sáng tương lai” qua đó đã
có 15 doanh nghiệp tham gia trực tiếp tuyển dụng và hơn 100 doanh nghiệp tham
gia tuyển dụng với hơn 5.000 chỉ tiêu việc làm, thu hút trên 2.000 lượt người
tham gia tìm việc với hơn 1.100 lượt người được tư vấn việc làm tại các bàn,
gian hàng tuyển dụng, tổng số lao động được giới thiệu đến doanh nghiệp phỏng
vấn là 630 lao động; các hoạt động “Việc làm thời vụ tết Quý Tỵ 2013”, “Sàn
giao dịch việc làm và Tư vấn học nghề - năm 2013”; chương trình Tiếp sức người
lao động 2013; hoạt động tư vấn qua “Tổng đài tư vấn, hỗ trợ và giới thiệu việc
làm thanh niên” tiếp tục được triển khai có hiệu quả. Trong năm, Thành phố đã
hỗ trợ 333 tỷ 918 triệu đồng từ các nguồn vốn giúp thanh niên làm kinh tế, học
tập, học nghề.
Hoạt động tư vấn - cung ứng lao động và giới thiệu
việc làm trong năm 2013 góp phần đáp ứng nhu cầu giới thiệu việc làm, làm giảm
tỷ lệ thất nghiệp trên địa bàn Thành phố, với nhiều công cụ hỗ trợ từ Cổng
thông tin việc làm Thanh niên, tổng đài tư vấn, hỗ trợ và giới thiệu việc làm
Thanh niên đến các văn phòng giới thiệu việc làm miễn phí tại các bến xe...
cùng với các phương thức đổi mới công tác truyền thông đã góp phần giải quyết
việc làm cho hơn 6.500 lượt lao động, tư vấn việc làm cho hơn 18.000 lượt
người, mời gọi hơn 800 lượt doanh nghiệp tham gia tuyển dụng với hơn 35.000
lượt chỉ tiêu tuyển dụng; giải quyết việc làm cho 150.400 lao động thanh niên,
trong đó lao động có việc làm ổn định là 70%.
Trong thời gian tới Thành phố sẽ tiếp tục tăng
cường lãnh đạo công tác quy hoạch, đào tạo đội ngũ cán bộ trẻ trưởng thành từ
môi trường hoạt động Đoàn - Hội - Đội, nhất là số cán bộ trưởng thành qua môi
trường công tác ở cơ sở, tạo nguồn cán bộ trẻ cung cấp cho hệ thống chính trị.
d) Tiếp tục xây dựng môi trường xã hội lành
mạnh, tạo điều kiện cho thanh niên nâng cao đời sống văn hóa tinh thần để phát
triển toàn diện:
Ủy ban nhân dân Thành phố đã chỉ đạo Thành Đoàn, Sở
Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng kế hoạch liên tịch thực hiện các chương
trình văn hóa, văn nghệ kết hợp với tuyên truyền giáo dục pháp luật, hướng dẫn
kỹ năng lao động, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe thanh niên công nhân, sinh viên tại
các khu chế xuất, khu công nghiệp và ký túc xá sinh viên. Thông qua dịp kỷ niệm
các ngày lễ lớn,
Thành Đoàn và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối
hợp tổ chức các chương trình văn nghệ tại các ký túc xá, khu công nghiệp, khu
chế xuất, Nhà văn hóa Thanh niên, Nhà văn hóa Sinh viên (trung bình tổ chức 10
chương trình/đợt Lễ).
Trong Công tác giáo dục truyền thống dân tộc được
đẩy mạnh thông qua các đợt hoạt động cao điểm “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn
đáp nghĩa” kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc, các sự kiện chính trị trong năm:
Các đơn vị từ cấp Thành phố đến cơ sở đã tổ chức
hoạt động về nguồn tặng quà cho hơn 1.900 hộ gia đình với số tiền hơn 1 tỷ
đồng; tổ chức cho 166.495 lượt đoàn viên, thanh niên tham gia hành trình đến
với bảo tàng, các di tích lịch sử, vùng căn cứ cách mạng; tổ chức 3.503 hội
trại truyền thống, lễ hội truyền thống, các hội thi, hội thao, du khảo chào
mừng các ngày lễ lớn thu hút 386.131 lượt đoàn viên, thanh thiếu nhi tham gia
hưởng ứng; tổ chức thăm hỏi tặng quà, chăm lo cho 657 Mẹ Việt Nam anh hùng,
1.939 gia đình thương - bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, 429 gia đình chính sách
và con em bộ đội đang công tác tại Trường Sa, các gia đình chính sách bị ảnh
hưởng bởi chất độc da cam với tổng kinh phí 1,8 tỷ đồng; xây dựng mới 61 nhà
tình nghĩa, nhà tình thương trị giá 1,7 tỷ đồng; vận động 46.016 nến tổ chức
chương trình “Thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ” tại 7 nghĩa trang Liệt sĩ
trên địa bàn Thành phố; Tổ chức Hội thi “Tự hào Sử Việt” với 60.756 thí sinh
tham gia dự thi trực tuyến với 84.728 bài thi.
Trong năm 2013, các cơ quan thông tấn báo chí của
Thành phố đều tăng cường các bài tuyên truyền, bồi dưỡng lòng yêu nước, lý
tưởng, đạo đức cách mạng, bản lĩnh chính trị, xây dựng ý thức công dân, lối
sống văn hóa cho thanh thiếu nhi; tăng cường giới thiệu các gương điển hình
thanh thiếu nhi tiêu biểu trên các lĩnh vực, qua đó định hướng về giá trị đạo
đức, lối sống cho thanh thiếu nhi.
Cụ thể như: Đài Truyền hình Thành phố dành gần 8%
tổng thời lượng phát sóng để đưa các tin tức, chương trình về hoạt động của các
tổ chức Đoàn - Hội - Đội và về thanh thiếu nhi Thành phố, Báo Tuổi trẻ tăng 30%
tin bài về hoạt động Đoàn và thanh niên; Đài Tiếng nói nhân dân Thành phố tổ
chức tuyên truyền, phổ biến Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam, Chương
trình, Kế hoạch phát triển thanh niên Thành phố cùng các văn bản quy phạm pháp
luật về thanh niên và công tác thanh niên trên nhiều phương tiện thông tin đại
chúng như tăng thời lượng phát sóng trên 03 làn sóng của Đài tiếng nói nhân dân
Thành phố: Kênh AM 610 KHz, Kênh Thông tin - Thương mại - Giải trí FM 99.9 MHz
và Kênh FM Giao thông đô thị FM 95.6 MHz và thường xuyên đổi mới phương thức
tuyên truyền, giáo dục lý tưởng, pháp luật công dân, đạo đức, lối sống cho
thanh niên.
Nhằm tăng cường thời lượng các kênh thông tin
truyền thông dành cho thanh thiếu nhi Thành phố, Ủy ban nhân dân Thành phố đã
chấp thuận chủ trương hỗ trợ kinh phí thực hiện chương trình Truyền hình Thanh
niên là 1 tỷ đồng/năm, từng bước hỗ trợ trang thiết bị mới nhằm nâng cao chất
lượng phục vụ của chương trình và các Chương trình phát thanh “Sức trẻ Thành
phố anh hùng” của Đài tiếng nói nhân dân Thành phố; Đề án “Mạng xã hội” trên
Mực Tím online dành cho thanh thiếu niên (tập trung trong độ tuổi từ 14 đến 22
tuổi),… cũng được chú trọng nâng cao về chất lượng nội dung chương trình.
Công tác đấu tranh phòng ngừa các tệ nạn xã hội,
hạn chế những tác động tiêu cực của gameonline, các sản phẩm văn hóa đồi trụy…
ảnh hưởng đến thanh thiếu nhi Thành phố được quan tâm thực hiện, từ các hoạt
động mang tính chất nghiệp vụ đến hoạt động tuyên truyền, phổ biến trong thanh
thiếu nhi và xã hội. Các chương trình phối hợp giữa Thành Đoàn với Công an
Thành phố trong giáo dục pháp luật, phòng chống bạo lực học đường, giáo dục
thanh niên chậm tiến, thanh thiếu nhi chưa ngoan đã thu được kết quả bước đầu.
Thông qua các chương trình trang bị, huấn luyện kỹ năng thực hành xã hội, các
hoạt động ngoại khóa, một bộ phận thanh thiếu nhi Thành phố được trang bị kiến
thức, kỹ năng ứng phó trước những tình huống cụ thể trong cuộc sống.
Các cơ quan, đơn vị đã thể hiện rõ vai trò định
hướng, trang bị kỹ năng thực hành xã hội cho các đối tượng thanh thiếu niên:
thường xuyên tổ chức các lớp nghệ thuật nói chuyện trước công chúng, nghệ thuật
giao tiếp, người dẫn chương trình; chương trình kỹ năng thường thức và đời
sống; tư vấn tâm lý, sức khỏe sinh sản, hôn nhân và gia đình; kỹ năng làm việc
nhóm; kỹ năng xin việc và phỏng vấn; kỹ năng sống trong thời đại số, tổ chức
các lớp, các hoạt động trang bị, huấn luyện kỹ năng thực hành xã hội, các lớp
tập huấn kỹ năng giao tiếp chuyên đề ngôn ngữ cơ thể và kỹ năng tư duy sáng
tạo; chương trình du lịch học sử - rèn luyện kỹ năng thực hành xã hội kết hợp
tìm hiểu các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh của đất nước... cho
hơn 118.320 lượt thanh niên.
Thành phố cũng chỉ đạo các sở, ban, ngành trong
lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch các khu công nghiệp, khu chế xuất, xây
dựng các trường đại học đảm bảo dành diện tích đất thỏa đáng để đầu tư xây dựng
ký túc xá sinh viên, khu lưu trú công nhân và các công trình phúc lợi đáp ứng
nhu cầu sinh hoạt, học tập, vui chơi, giải trí cho thanh niên công nhân, sinh
viên.
đ) Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về thanh niên và
công tác thanh niên:
Thực hiện đường lối chủ trương chính sách của Đảng,
pháp luật của Nhà nước trong công tác đối ngoại, mở rộng hợp tác đa phương trên
nhiều lĩnh vực trong đó có hợp tác quốc tế về thanh niên. Hàng năm, Thành phố
đã giao cho Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức các hoạt động giao lưu với Thanh niên
các nước: tăng cường các hoạt động giao lưu giữa đoàn viên thanh niên Thành phố
và thanh niên, sinh viên các nước trên thế giới. Đã có nhiều hoạt động nổi bật
được triển khai trong năm 2013 như: tổ chức đoàn đại biểu Thành phố Hồ Chí Minh
tham gia Liên hoan thanh niên quốc tế Vladivostok tại Liên Bang Nga, tổ chức
đón tiếp đoàn đại biểu Thành Đoàn Viên-Chăn (nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân
Lào) và Thành Đoàn Thượng Hải (Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa) đến tham quan, trao
đổi kinh nghiệm hoạt động; tiếp nhận 20 sinh viên Malaysia từ YSS - Tổ chức
sinh viên tình nguyện Malaysia (thuộc Bộ Giáo dục Malaysia) tham gia vào các
hoạt động tình nguyện hè của đoàn viên, thanh niên Thành phố, phối hợp tổ chức
chương trình giao lưu sinh viên quốc tế các Thành phố tiểu vùng Mê-kông lần thứ
nhất năm 2013 tại Thành phố Hồ Chí Minh; tổ chức trại hè “Trại hè Thanh thiếu
niên kiều bào và Tuổi trẻ Thành phố năm 2013” thu hút 40 trại sinh gồm có các
thanh thiếu niên kiều bào từ các quốc gia như Campuchia, Lào, Thái Lan, Nga,
Bungary, Slovakia, Pháp,…; tổ chức đón tiếp đoàn đại biểu cấp cao Trung ương
Đoàn Thanh niên nhân dân Cách mạng Lào, đoàn đại biểu Hội đồng giao lưu chính
trị Úc, đoàn đại biểu tổng đội thiếu sinh quân Ấn Độ,… đặc biệt là chương trình
Festival Thanh niên ASEAN - Nhật Bản và chương trình Tàu Thanh niên Đông Nam Á
(SSEAYP) năm 2013 nhân kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ hữu nghị và hợp tác
ASEAN - Nhật Bản và 40 năm chương trình SSEAYP,...
Bên cạnh đó, nhằm tăng cường kỹ năng, kiến thức cần
thiết của công tác quốc tế thanh niên cho cán bộ Đoàn chủ chốt tại cơ sở, trong
năm 2013, Thành Đoàn đã tổ chức 01 lớp tập huấn dành cho 100 cán bộ Đoàn của
các đơn vị trực thuộc với nội dung là những thành tựu trong công tác đối ngoại
của Việt Nam năm 2012, diễn biến của tình hình thế giới trong năm 2012, một số
định hướng trong công tác đối ngoại đặc biệt là những vấn đề cần lưu ý trong
công tác đối ngoại nhân dân trước những diễn biến phức tạp của tình hình khu
vực và thế giới thời gian qua, một số kỹ năng về lễ tân ngoại giao; tổ chức 01
lớp bồi dưỡng kiến thức với chuyên đề “Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược
xuyên Thái Bình Dương” dành cho hơn 150 cán bộ Đoàn làm công tác tuyên giáo;
tiếp tục duy trì việc tổ chức trại hè Tiếng Anh Sky tại Malaysia và Singapore
nhằm tạo môi trường để học sinh, sinh viên được trải nghiệm văn hóa các nước
trong khu vực, rèn luyện tiếng Anh và nâng cao kỹ năng giao lưu quốc tế.
e) Huy động nguồn lực đầu tư cho phát triển
thanh niên:
Thành phố triển khai thực hiện các công trình văn
hóa, thể dục, thể thao, tăng cường các thiết chế văn hóa phục vụ nhu cầu hoạt
động, vui chơi giải trí lành mạnh cho thanh thiếu nhi Thành phố giai đoạn đến
năm 2020. Tiến hành quy hoạch mạng lưới nhà văn hóa thanh niên, nhà thiếu nhi,
đầu tư các thiết chế văn hóa, thể thao, phát triển các loại hình giải trí lành
mạnh cho thanh niên, cụ thể Thành phố thực hiện các công trình, dự án đầu tư
xây dựng như: Dự án đầu tư xây dựng mới Nhà văn hóa thanh niên Thành phố; Dự án
xây dựng mới Nhà văn hóa sinh viên tại Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh
(Quy mô dự án là 34.000 m2 sàn xây dựng, chiều cao 7 tầng, dự án đã
được phê duyệt mức đầu tư 400 tỷ. Ủy ban nhân dân Thành phố đã phê duyệt kết
quả thi tuyển kiến trúc theo quy định và ghi vốn chuẩn bị đầu tư cho công
trình); Công tác chuẩn bị thực hiện dự án như: đo đạc cao độ, khoan địa chất...
đã thực hiện xong, hiện đã khởi công xây dựng công trình; Dự án xây dựng mới
Nhà Thiếu nhi Thành phố (Cơ sở 2) tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm; Dự án xây dựng
Trung tâm sinh hoạt dã ngoại, huấn luyện kỹ năng cho thanh thiếu nhi (giai đoạn
2) tại huyện Cần Giờ; Dự án xây dựng Cao ốc văn hóa Hãng phim trẻ; Dự án đầu tư
xây dựng mới dãy phòng học năng khiếu tại Nhà Thiếu nhi Thành phố; Dự án xây
dựng mới Văn phòng hỗ trợ thanh niên công nhân tại khu chế xuất Linh Trung 1
(quận Thủ Đức); khu lưu trú công nhân Tân Thuận (Quận 7); khu lưu trú công nhân
tại xã Tân Kiên (huyện Bình Chánh;…
Thành phố đã xét duyệt 417 dự án vay vốn sản xuất
kinh doanh với số tiền 37,325 tỷ đồng từ quỹ hỗ trợ đào tạo và giải quyết việc
làm cho người bị thu hồi đất để thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn Thành
phố, góp phần giải quyết việc làm cho 4.247 lao động thanh niên; xét duyệt
1.463 dự án vay của 4.437 hộ, góp phần giải quyết cho 6.249 lao động với số
tiền 78,679 tỷ đồng từ Quỹ Quốc gia về việc làm. Đưa khoảng 2.414 người lao
động đi làm việc tại các nước trên thế giới.
Công tác đào tạo nghề tiếp tục thực hiện theo hướng
xã hội hóa, tăng cường số lượng và hiệu quả ở các cấp đào tạo. Tính đến nay có
420 cơ sở dạy nghề, trong đó có 11 trường cao đẳng nghề, 28 trường trung cấp
nghề, 67 trung tâm dạy nghề, 18 trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp chuyên
nghiệp và 270 doanh nghiệp và các tổ chức xã hội khác tham gia dạy nghề. Tỷ lệ
lao động đã qua đào tạo nghề của Thành phố đạt 64% kế hoạch đề ra. Thành phố đã
hỗ trợ đầu tư thiết bị cho 04 trường nghề trọng điểm với tổng kinh phí là 9 tỷ
đồng, tổ chức đào tạo bồi dưỡng giáo viên dạy nghề ở nước ngoài với kinh phí 8
tỷ 720 triệu đồng. Về dự án đào tạo nghề cho lao động ở nông thôn, Thành phố đã
hỗ trợ đầu tư thiết bị cho 07 cơ sở dạy nghề với tổng kinh phí 3 tỷ 800 triệu
đồng; hỗ trợ 8.274 lao động nông thôn với tổng kinh phí 12 tỷ 601 triệu đồng;
đồng thời tổ chức khảo sát bổ sung nhu cầu học nghề của lao động nông thôn tại
5 huyện làm cơ sở dữ liệu cho kế hoạch dạy nghề lao động nông thôn hàng năm.
Bên cạnh các công trình, dự án do ngân sách Thành
phố đầu tư, Ủy ban nhân dân các quận, huyện bằng nguồn vốn của địa phương và
nguồn vận động xã hội hóa, đã tăng cường quan tâm chỉ đạo đầu tư sửa chữa, nâng
cấp, xây dựng các sân chơi văn hóa dành cho thanh thiếu nhi trên địa bàn với
kinh phí hơn 760 tỷ đồng. Hiện nay đã có 21/24 quận, huyện có Nhà thiếu nhi.
g) Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các
đoàn thể nhân dân và toàn xã hội trong việc chăm lo giáo dục, đào tạo và phát
triển thanh niên:
Chính quyền các cấp đã chú trọng phối hợp với Mặt
trận Tổ quốc và đoàn thể trong công tác tuyên truyền, phổ biến đến các đoàn
viên, hội viên, quần chúng nhân dân về Luật Thanh niên, Luật bảo vệ, chăm sóc
và giáo dục trẻ em, tạo điều kiện để thanh thiếu nhi phát triển toàn diện, trở
thành những thanh niên tốt, công dân tốt. Thường xuyên tổ chức tuyên truyền,
thông tin kịp thời các chính sách, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế -
xã hội có liên quan đến thanh niên, đồng thời phát huy vai trò giám sát của
đoàn, hội đối với việc xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện các chủ
trương, chính sách về thanh niên và công tác thanh niên. Huy động và tạo điều
kiện cho thanh niên tham gia các hoạt động cộng đồng như hoạt động nhân đạo,
bảo vệ môi trường, đấu tranh phòng chống tội phạm, phòng, chống tham nhũng,
lãng phí, hiến kế xây dựng đảng, chính quyền cơ sở trong sạch vững mạnh; nhân
rộng mô hình đoàn viên thanh niên tham gia ban điều hành khu phố, ấp, tổ dân
phố, tổ nhân dân.
2. Công tác tổ chức tổng kết 7 năm thi hành Luật
Thanh niên năm 2005 và Nghị định số 120/2007/NĐ-CP ngày 23 tháng 7 năm 2007 của
Chính phủ về hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh niên; kết quả việc
rà soát, hệ thống hóa các chính sách, pháp luật có liên quan đến thanh niên
Theo Công văn số 3091/BNV-CTTN ngày 27 tháng 8 năm
2012 của Bộ Nội vụ về việc tổng kết đánh giá kết quả triển khai Luật Thanh niên
năm 2005, Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức điều tra khảo sát theo mẫu phiếu
điều tra khảo sát của Bộ Nội vụ, tổng hợp gồm 69 phiếu điều tra khảo sát (theo
03 mẫu) gửi về Bộ Nội vụ theo quy định (trong đó Khối quận - huyện: 24 phiếu;
Khối cơ quan chuyên môn: 25 phiếu; Thanh niên sinh sống học tập trên địa bàn:
20 phiếu). Qua điều tra, khảo sát, Thành phố đã tổng kết, đánh giá kết quả
triển khai thực hiện Luật Thanh niên năm 2005 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí
Minh (Báo cáo số 44/BC-UBND ngày 28 tháng 02 năm 2013 của Ủy ban nhân dân Thành
phố).
Nhằm góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức
làm công tác thanh niên có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức,
có kiến thức chuyên môn và kỹ năng nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được
giao; trang bị kỹ năng phân tích, đánh giá; kỹ năng xây dựng và hoạch định
chính sách đối với thanh niên và công tác thanh niên cho đội ngũ cán bộ, công
chức làm công tác thanh niên, Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 2322/KH-UBND
ngày 16 tháng 5 năm 2013 của Ủy ban nhân dân thành phố về thực hiện quản lý nhà
nước về công tác thanh niên năm 2013; Quyết định số 708/QĐ-UBND ngày 06 tháng
02 năm 2013 của Ủy ban nhân dân thành phố về phê duyệt kế hoạch đào tạo, bồi
dưỡng cán bộ, công chức Nhà nước của Thành phố năm 2013; Quyết định số
4123/QĐ-UBND ngày 30 tháng 7 năm 2013 của Ủy ban nhân dân thành phố về điều
chỉnh, bổ sung Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức Nhà nước của Thành
phố năm 2013.
Bên cạnh đó, Thành phố đã tiến hành rà soát, nghiên
cứu điều chỉnh Quyết định số 299/QĐ-UB-NC ngày 26 tháng 01 năm 1994 của Ủy ban
nhân dân Thành phố Quy định về chức danh Tổng phụ trách Đội thiếu niên tiền
phong Hồ Chí Minh trong các trường phổ thông theo hướng có quy định thêm biên
chế chức danh trợ lý thanh niên và bổ sung một số chế độ, chính sách đối với
Tổng phụ trách Đội, trợ lý thanh niên ở các trường, tại các Phòng Giáo dục và
Đào tạo quận - huyện.
3. Tổ chức, bộ máy thực hiện nhiệm vụ quản lý
nhà nước về công tác thanh niên
Thực hiện Thông tư số 04/2011/TT -BNV ngày 10 tháng
02 năm 2011 của Bộ Nội vụ về việc hướng dẫn bổ sung nhiệm vụ, tổ chức và biên
chế của Sở Nội vụ; Công văn số 221/BNV-CTTN ngày 24 tháng 01 năm 2013 của Bộ
Nội vụ về thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước
về thanh niên năm 2013, Thành phố đã triển khai thực hiện bảo đảm đủ biên chế
để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao:
- Thành lập Phòng Công tác thanh niên thuộc Sở Nội
vụ vào ngày 08 tháng 6 năm 2011. Hiện nay có 04 biên chế (01 Trưởng phòng, 01
Phó Trưởng phòng và 02 chuyên viên), có phân công một Phó Giám đốc phụ trách
công tác thanh niên.
- Tại các Sở, ban, ngành Thành phố đã thực hiện
việc phân công công chức có đủ phẩm chất và năng lực làm đầu mối tham mưu cho
Thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong việc ban hành và thực hiện cơ chế, chính sách
đối với thanh niên trong phạm vị nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
- Tại Ủy ban nhân dân 24 quận - huyện đều đã bố trí
01 công chức thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh niên (mỗi quận -
huyện 01 biên chế).
- Có 315/322 Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn
phân công 01 công chức giữ chức danh Văn phòng - Thống kê thực hiện nhiệm vụ
quản lý nhà nước về công tác thanh niên.
4. Việc tổ chức, tham gia các lớp tập huấn
nghiệp vụ quản lý nhà nước về công tác thanh niên năm 2013
- Trong năm 2013, Thành phố đã cử 04 công chức tham
gia các lớp tập huấn nghiệp vụ quản lý nhà nước về công tác thanh niên do Bộ
Nội vụ tổ chức tại Thành phố Vũng Tàu và Hà Nội.
- Tổ chức lớp tập huấn Luật Thanh niên, Nghị định
số 120/2007/NĐ-CP ngày 23 tháng 7 năm 2007 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành
một số điều của Luật Thanh niên; chủ trương của Đảng, Nhà nước về thanh niên và
công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa cho khoảng
300 cán bộ, công chức làm công tác quản lý nhà nước về thanh niên tại 24 quận -
huyện và các sở, ban, ngành của Thành phố.
- Tổ chức tập huấn 04 lớp chuyên đề về các kỹ năng
thực hành công vụ; 02 lớp đào tạo trình độ Anh văn B, C cho hơn 250 cán bộ Đoàn
là cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan hành chính, sự nghiệp trên
địa bàn Thành phố.
Ngoài ra, tại Ủy ban nhân dân các quận - huyện đã
tổ chức các lớp tập huấn về công tác quản lý nhà nước về thanh niên cho hơn 800
lượt cán bộ, công chức là Bí thư, Phó Bí thư quận - huyện đoàn; Bí thư, phó Bí
thư Đoàn và công chức giữ chức danh Văn phòng - Thống kê phường, xã, thị trấn,…
5. Kết quả triển khai thực hiện chế độ, chính sách
đối với thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến
Thời gian qua, việc thực hiện chế độ, chính sách
cho Cựu Thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến đã được
Thành phố Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm giải quyết đảm bảo kịp thời, đúng đối
tượng theo quy định tại Quyết định số 40/2011/QĐ-TTg ngày 27 tháng 7 năm 2011
của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư liên tịch số 08/2012/TTLT -BLĐTBXH-BNV-BTC
ngày 16 tháng 4 năm 2012 của liên Bộ: Lao động - Thương binh và Xã hội, Nội vụ,
Tài chính. Tính đến tháng 11 năm 2013, Thành phố Hồ Chí Minh đã giải quyết chế
độ trợ cấp cho 66 trường hợp Cựu Thanh niên xung phong.
Trong năm 2014, Ủy ban nhân dân Thành phố sẽ tiếp
tục chỉ đạo các cơ quan có liên quan thực hiện chế độ, chính sách đối với thanh
niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến và dự kiến sẽ hoàn
thành dứt điểm trước ngày 30 tháng 11 năm 2014 theo tinh thần Chỉ thị số 23/CT
-TTg ngày 27 tháng 10 năm /2013 của Thủ tướng Chính phủ và Công văn số
3641/BNV-CTTN ngày 07 tháng 10 năm 2013 của Bộ Nội vụ về việc hướng dẫn một số
nhiệm vụ trọng tâm thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước về thanh niên năm 2014.
6. Kết quả công tác kiểm tra, đánh giá kết quả
thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh niên năm 2013
Trong năm 2013, tình hình thực hiện chính sách,
pháp luật đối với thanh niên và công tác thanh niên của Thành phố đã có những
chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả khá toàn diện. Định kỳ 6 tháng,
hàng năm có kiểm tra, giám sát, sơ kết và rút kinh nghiệm trong quá trình thực
hiện công tác thanh niên. Qua kiểm tra, giám sát hầu hết tại các sở, ban, ngành
Thành phố, Ủy ban nhân dân các quận - huyện đã có sự quan tâm và đầu tư đúng
mức nhằm phát triển thanh niên Thành phố (xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương
trình phát triển thanh niên Thành phố; ban hành kế hoạch thực hiện công tác
quản lý nhà nước về thanh niên hàng năm; lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu về
phát triển thanh niên trong các hoạt động tại cơ quan, đơn vị; xây dựng các báo
cáo định kỳ và đột xuất khi có yêu cầu). Qua đó, đã kịp thời giải quyết khó
khăn, vướng mắc của các cơ quan chuyên môn, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý
nhà nước về công tác thanh niên trên địa bàn Thành phố, đồng thời làm cơ sở đề
xuất với Bộ Nội vụ và Chính phủ xem xét, ban hành cơ chế, chính sách đối với
thanh niên.
7. Những hạn chế, tồn tại và nguyên nhân của hạn
chế, tồn tại
Được sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Nội vụ, Thành ủy,
Ủy ban nhân dân Thành phố đã hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước về công
tác thanh niên theo các Chương trình Kế hoạch đã đề ra; góp phần xây dựng hệ
thống tổ chức quản lý nhà nước về công tác thanh niên từ Thành phố đến quận -
huyện, phường, xã, thị trấn đảm bảo bố trí đủ biên chế làm công tác thanh niên
theo quy định của Bộ Nội vụ.
Tuy nhiên, Công tác quản lý nhà nước về thanh niên
còn những mặt tồn tại, hạn chế như sau:
- Công tác phối hợp giữa các ngành liên quan chưa
chặt chẽ, việc lồng ghép chỉ tiêu phát triển thanh niên trong chương trình, mục
tiêu của Thành phố còn hạn chế; một số sở, ban, ngành chưa chủ động phối hợp
với Đoàn thanh niên để triển khai thực hiện theo trách nhiệm được phân công nên
chưa tạo điều kiện thuận lợi cho việc đào tạo, bồi dưỡng và phát huy năng lực
của thanh niên.
- Có quan tâm xây dựng các thiết chế văn hóa cho
thanh niên. Tuy nhiên, điều kiện vui chơi giải trí để phát triển tinh thần, thể
lực cho thanh niên còn hạn chế nên việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao
cho thanh niên còn ít so với nhu cầu vui chơi giải trí của thanh niên. Việc đầu
tư cơ sở vật chất tạo sân chơi lành mạnh cho thanh niên được quan tâm nhưng còn
hạn chế nhất là ở phường, xã, thị trấn.
- Các chính sách cho thanh niên chưa đáp ứng với
nhu cầu thực tế và tình hình phát triển kinh tế trong giai đoạn hiện nay.
- Cơ sở dữ liệu về thanh niên chưa có, vì vậy khó
khăn trong việc quản lý và đề xuất, kiến nghị với cấp có thẩm quyền xây dựng
chính sách cho thanh niên.
- Hầu hết công chức phụ trách công tác thanh niên
tại các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn đều phải kiêm
nhiệm nhiều công tác khác nhau. Do đó, việc xây dựng cơ chế, chính sách cho
thanh niên còn mờ nhạt, chưa được quan tâm đúng mức, chưa đi vào chiều sâu và
chất lượng chưa cao.
8. Phương hướng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về
thanh niên năm 2014
a) Tổ chức thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát
triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 của Chính phủ, Chương trình, Kế
hoạch phát triển thanh niên Thành phố:
- Tập trung chỉ đạo các sở, ban, ngành và Ủy ban
nhân dân các quận - huyện hàng năm xây dựng và ban hành kế hoạch thực hiện
Chương trình phát triển thanh niên của cơ quan và tại đơn đơn vị.
- Triển khai thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phát
triển thanh niên trong chương trình, kế hoạch phát triển thanh niên Thành phố.
Trong đó, tập trung thực hiện tốt một số chỉ tiêu về dạy nghề cho thanh niên;
tổ chức hướng nghiệp cho thanh niên, tập trung giải quyết việc làm cho thanh
niên; chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục và giáo dục tiền hôn nhân
cho thanh niên,…
- Triển khai thực hiện các nhiệm vụ, đề án thực
hiện chương trình phát triển thanh niên, kế hoạch thực hiện chương trình phát
triển thanh niên Thành phố.
- Khảo sát, thu thập số liệu thống kê về tình hình
thanh niên làm cơ sở xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về thanh niên.
- Bố trí nhân lực, kinh phí để tổ chức triển khai
thực hiện có hiệu quả chương trình, kế hoạch phát triển thanh niên Thành phố.
b) Ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 45/NQ-CP
ngày 11 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của
Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 25 tháng 7 năm 2008 của Ban
Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với
công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
c) Tiếp tục triển khai thực hiện chế độ, chính sách
đối với thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến; tổ chức
và thực hiện chính sách đối với thanh niên xung phong hiện nay.
d) Tổ chức tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ quản lý nhà
nước về thanh niên cho đội ngũ công chức theo dõi quản lý nhà nước về thanh
niên của các Sở, ban, ngành; công chức thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về
thanh niên các quận - huyện và công chức giữ chức danh Văn phòng - Thống kê
phường, xã, thị trấn.
đ) Tổ chức kiểm tra việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ
quản lý về thanh niên của các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các quận - huyện
và phường, xã, thị trấn. Nội dung kiểm tra gồm:
- Kết quả tổ chức triển khai Chiến lược, chương
trình, kế hoạch phát triển thanh niên;
- Việc ban hành cơ chế chính sách, pháp luật đối
với thanh niên; chính sách dạy nghề, giải quyết việc làm đối với thanh niên;
- Việc quy hoạch các thiết chế văn hóa cho thanh
niên;
- Việc thực hiện chế độ, chính sách đối với thanh
niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến;
- Việc thực hiện Nghị định số 12/2011/NĐ-CP ngày 30
tháng 01 năm 2011 của Chính phủ về tổ chức và chính sách đối với thanh niên
xung phong.
9. Những kiến nghị, đề xuất với Chính phủ, Thủ
tướng Chính phủ và Bộ Nội vụ
- Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan
xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách cho
thanh niên, có hướng dẫn cụ thể hoạt động quản lý nhà nước về thanh niên của
từng cơ quan, đơn vị.
- Sửa đổi, bổ sung Luật Thanh niên năm 2005 và ban
hành các văn bản triển khai, hướng dẫn, cụ thể hóa Luật Thanh niên.
- Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chính sách đối với
thanh niên trên một số lĩnh vực, đối tượng như: dạy nghề, giải quyết việc làm,
chính sách đối với thanh niên tình nguyện, thanh niên dân tộc thiểu số, thanh
niên khuyết tật, tàn tật, thanh niên sau cai nghiện, sau cải tạo.
- Cần quy định chính sách hỗ trợ đối với công chức
làm công tác thanh niên, đặc biệt là công chức làm công tác thanh niên tại các
sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn.
- Xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao cho
thanh niên góp nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, sức khỏe, thể lực cho thanh
niên.
- Xây dựng các mô hình điểm về thực hiện công tác
quản lý nhà nước về thanh niên tại một số tỉnh, Thành phố. Qua đó, nhân rộng,
tạo điều kiện để các tỉnh, thành trong cả nước cùng giao lưu, học tập, rút kinh
nghiệm trong công tác.
- Quan tâm tổ chức cho cán bộ, công chức làm công
tác thanh niên được đi tham quan học tập, trao đổi kinh nghiệm về thanh niên và
quản lý nhà nước về công tác thanh niên trong và ngoài nước.
- Xây dựng phần mềm chương trình quản lý nhà nước
về thanh niên theo các tiêu chí thống nhất.
- Có quy định cho Sở Nội vụ các tỉnh, Thành phố
trong việc hình thành cơ chế quản lý nhà nước thống nhất các đơn vị sự nghiệp
làm công tác thanh niên và liên quan đến thanh niên.
Trên đây là báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ quản
lý nhà nước về thanh niên trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh năm 2013, báo cáo
Bộ Nội vụ tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ theo quy định./.
Nơi nhận:
- Bộ Nội vụ-Vụ Công tác TN (để b/c);
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực HĐND. TP;
- TTUB: CT, các PCT;
- Văn phòng Thành ủy;
- Ban Tổ chức Thành ủy;
- Thành đoàn TNCS Hồ Chí Minh;
- Các Sở - ngành thành phố;
- Ủy ban nhân dân quận - huyện;
- VPUB: CVP, PVP/VX, TH;
- Phòng VX, THKH;
- Lưu:VT, (VX/Ng.T) H.
|
CHỦ TỊCH
Lê Hoàng Quân
|