BỘ
LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
--------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số
21/LĐTBXH-BTXH
|
Hà
Nội, ngày 25 tháng 04 năm 2005
|
BÁO CÁO CHÍNH PHỦ
VỀ
CHUẨN NGHÈO GIAI ĐOẠN 2006-2010
I. THỰC TRẠNG NGHÈO CỦA NƯỚC
TA
1. Khái niệm về nghèo và chuẩn
nghèo
Tại hội nghị về chống nghèo đói do
uỷ ban kinh tế xã hội khu vực Châu á - Thái Bình Dương (ESCAP) tổ chức tại Bangkok,
Thái Lan vào tháng 9 năm 1993, các quốc gia trong khu vực đã thống nhất cao và
cho rằng: "Nghèo khổ là tình trạng một bộ phận dân cư không có khả năng
thoả mãn những nhu cầu cơ bản của con người mà những nhu cầu ấy phụ thuộc vào
trình độ phát triển kinh tế xã hội, phong tục tập quán của từng vùng và những
phong tục ấy được xã hội thừa nhận"
Theo khái niệm này không có chuẩn
nghèo chung cho mọi quốc gia, chuẩn nghèo cao hay thấp phụ thuộc vào điều kiện
cụ thể của từng quốc gia và nó thay đổi theo thời gian và không gian.
Chuẩn nghèo là thước đo để
phân biệt ai nghèo, ai không nghèo từ đó có chính sách biện pháp trợ giúp phù
hợp và đúng đối tượng.
Hội nghị thượng đỉnh thế giới về
phát triển xã hội tổ chức tại Copenhagen Đan Mạch năm 1995 đã đưa ra một định nghĩa
cụ thể hơn về nghèo như sau: "Người nghèo là tất cả những ai mà thu nhập
thấp hơn 1 đô la (USD) mỗi ngày cho mỗi người, số tiền được coi như đủ để mua
những sản phẩm thiết yếu để tồn tại".
Ngân hàng thế giới thì khuyến nghị
tính chuẩn nghèo theo 4 nhóm nước là chậm phát triển, đang phát triển, phát
triển và các nước công nghiệp phát triển:
- Đối với các nước chậm phát triển:
các cá nhân bị coi là nghèo khi mà có thu nhập dưới 0,5 USD/ngày.
- Đối với nước đang phát triển
là 1 USD - 2USD/ngày
- Các nước Châu Âu là 4 USD/ngày
- Các nước công nghiệp phát triển
là 14,4 USD/ngày
(chuẩn đô la Mỹ nêu trên là
tính theo sức mua tương đương, đối với nước ta 1 USD tương đương với 2800 đồng
với thời điểm năm 2004).
* Đối với nước ta chuẩn nghèo
đã được điều chỉnh theo 4 giai đoạn:
- Chuẩn nghèo 1993-1995:
Hộ nghèo là hộ có thu nhập bình quân
đầu người quy theo gạo/tháng dưới 20 kg đối với thành thị, dưới 15 kg đối với
khu vực nông thôn.
- Chuẩn nghèo 1996-1997:
+ Vùng nông thôn miền núi, hải đảo:
dưới 15 kg.
+ Vùng nông thôn, đồng bằng, trung
du: dưới 20 kg.
+ Vùng thành thị: dưới 25 kg.
- Chuẩn nghèo 1998-2000:
+ Vùng nông thôn miền núi, hải đảo:
dưới 15 kg (tương đương 55 ngàn đồng).
+ Vùng nông thôn, đồng bằng, trung
du: dưới 20 kg (tương đương 70 ngàn đồng).
+ Vùng thành thị: dưới 25 kg (tương
đương 90 ngàn đồng).
- Chuẩn nghèo 2001-2005:
+ Vùng nông thôn miền núi, hảo đảo:
80.000 đồng/người/tháng.
+ Vùng nông thôn đồng bằng: 100.000
đồng/người/tháng.
+ Vùng thành thị: 150.000 đồng/người/tháng.
2. Thực trạng hộ nghèo
Cùng với tốc độ tăng trưởng GDP cao
(trên 7%/năm) trong mấy năm qua rất nhiều chính sách, giải pháp XĐGN được triển
khai ở tất cả các cấp với nguồn kinh phí huy động từ Chính phủ, cộng đồng và
các tổ chức Quốc tế, đã cải thiện đáng kể tình hình nghèo đói ở tất cả các vùng
miền trong cả nước. Những thành tựu đó đã góp phần đưa tỷ lệ nghèo đói của cả
nước giảm nhanh từ 30% năm 1992 xuống còn 8,3% năm 2004 và ước tính còn dưới 7%
vào năm 2005.
* Tính đến cuối năm 2004, theo chuẩn
nghèo hiện nay:
- Có 2 tỉnh/thành phố cơ bản không
còn hộ nghèo theo chuẩn.
- 18 tỉnh tỷ lệ hộ nghèo từ 3-5%
- 24 tỉnh tỷ lệ hộ nghèo từ
5-10%.
- 15 tỉnh tỷ lệ hộ nghèo từ
10-15%.
- 3 tỉnh tỷ lệ hộ nghèo từ
15-20%.
- 2 tỉnh tỷ lệ hộ nghèo trên 20%.
* Tỷ lệ hộ nghèo theo vùng năm
2004:
- Tây Bắc: 14,9%;
- Đông Bắc: 10,4%;
- Đồng bằng sông Hồng: 6,1%;
- Bắc Trung bộ: 13,2%;
- Duyên hải Nam Trung bộ: 9,6%;
- Tây Nguyên: 11,0%;
- Đông Nam bộ: 2,3%;
- Đồng bằng sông Cửu Long: 7,4%.
3. Những thành tựu nổi bật về
xoá đói giảm nghèo
- Tỷ lệ hộ nghèo của cả nước giảm
nhanh từ 30% năm 1992 xuống 8,3% năm 2004; xã nghèo, xã ĐBKK thay đổi đáng kể,
đặc biệt là hạ tầng cơ sở và phát triển sản xuất; đời sống người dân được nâng
cao, đặc biệt là hộ nghèo, đồng bào dân tộc ở miền núi, phụ nữ.
- Chính phủ đã có những chính sách
ưu tiên đối với các vùng khó khăn, đồng bào DTTS đã giúp tiếp cận được các thành
quả của quá trình phát triển kinh tế - xã hội và thu hẹp khoảng cách phát triển
giữa các vùng.
- XĐGN đã thu hút sự tham gia của
đông đảo các tầng lớp dân cư, các tổ chức kinh tế, các tổ chức xã hội và cộng
đồng quốc tế, mọi người dân nhận thức rằng XĐGN là vấn đề chung của cả nước,
của toàn xã hội. Giai đoạn 2001-2004 và dự kiến 2005 tổng nguồn lực của chương
trình khoảng 40.950 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương chiếm 37,73%, ngân
sách địa phương 13,27%, huy động từ cộng đồng 13,43%, quốc tế hỗ trợ chiếm 7,24%,
nguồn tín dụng 28,33%. Ngoài ra còn đóng góp ngày công lao động, quy đổi trị
giá trên 1.000 tỷ đồng.
- Có sự đổi mới rõ rệt trong quá
trình lập kế hoạch và tổ chức thực hiện chương trình XĐGN, nhất là cơ chế phân cấp
cho địa phương, cơ sở và có sự tham gia của người dân đã tạo điều kiện cho chính
quyền cơ sở chủ động, tự quyết và tự chịu trách nhiệm về hiệu quả của chương
trình. Với việc thực hiện cơ chế dân chủ cơ sở lợi ích của chương trình đến
được nhiều người nghèo hơn, bảo đảm tính công khai, dân chủ và công bằng hơn.
- Thành tựu XĐGN của Việt Nam không
chỉ thể hiện sự cam kết chính trị mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước với cộng đồng
quốc tế mà còn tạo vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, tạo được sự đồng
thuận cao về mọi mặt; đồng thời cũng thể hiện sự quyết tâm của Đảng và Nhà nước
về xoá đói giảm nghèo, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.
II. XÂY DỰNG CHUẨN NGHÈO MỚI
2006 - 2010
1. Sự cần thiết phải xây dựng
và ban hành chuẩn nghèo mới a. Về kinh tế - xã hội
- Kinh tế tăng trưởng cao và ổn định,
GDP bình quân 2001 - 2005 đạt 7,5% năm, trong đó nông nghiệp tăng 4%/năm; công
nghiệp, xây dựng tăng 11%/năm; dịch vụ tăng 6,7%/năm.
- Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo
hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Năm 2004 tỷ trọng nông nghiệp trong GDP
đạt 22%; công nghiệp, xây dựng đạt 40%; dịch vụ đạt 38%; Cơ cấu lao động tương
ứng là 57,9% - 17,4% - 24,7%.
- Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội
chiếm 35 - 36% GDP.
- Thu nhập bình quân đầu người năm
2002 là 356 nghìn đồng/tháng, trong đó thành thị 622 nghìn đồng/tháng; nông thôn
275 nghìn đồng/tháng. Đến năm 2004 thu nhập bình quân đầu người là 484 nghìn
đồng/tháng, trong đó thành thị là 795 nghìn đồng/tháng; nông thôn 377 nghìn
đồng/tháng. Tốc độ tăng thu nhập bình quân thời kỳ 2002 - 2004 là 16,6%/năm,
trong đó thành thị tăng 13%, nông thôn tăng 17%.
- Chi cho đời sống bình quân nhân
khẩu 1 tháng năm 2002 là 269 nghìn đồng, năm 2004 đạt 370 nghìn đồng. Tốc độ
cho đời sống tăng bình quân năm thời kỳ 2002 - 2004 là 17,2%.
- Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt
25,5%, trong đó qua đào tạo nghề là 17,6%.
- Tỷ lệ dân số là người lớn biết
chữ đạt 95%.
- Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh
dưỡng giảm xuống còn 25% năm 2005.
- Tuổi thọ bình quân từ 63 tuổi năm
1990 tăng lên 73 tuổi vào năm 2005.
b. Về thực tiễn
* Do chuẩn nghèo hiện nay của nước
ta thấp, 8 tỉnh, thành phố có điều kiện theo quy định đã nâng chuẩn nghèo cao
hơn từ 2-3 lần
- Thành phố Hồ Chí Minh: 2 mức
290.000 đồng 330.000 đồng.
- Thành phố Đà Nẵng: 2 mức 250.000
đồng và 300.000 đồng.
- Tỉnh Khánh Hoà: 3 mức 200.000;
250.000 đồng và 300.000 đòng.
- Thành phố Hải Phòng: 2 mức 200.000
và 250.000 đồng.
- Thành phố Cần Thơ: 2 mức 200.000
và 250.000 đồng.
- Tỉnh Long An: 2 mức 200.000 và
250.000 đồng.
- Tỉnh Bình Dương: 2 mức 200.000
và 250.000 đồng.
- Tỉnh Đồng Nai: 2 mức 150.000 và
250.000 đồng.
* Tỷ lệ nghèo theo chuẩn 2001-2005
cả nước còn 8,3% năm 2004, cũng trong năm này Ngân hàng thế giới đánh giá còn
khoảng 24%, cao gấp 3 lần.
c. Chuẩn nghèo một số nước
Chuẩn nghèo hiện nay của các nước
vẫn tính theo thu nhập bình quân đầu người/ngày, nhưng quy theo sức mua tương
đương. Trung Quốc và Philipin tương ứng 2 USD; Thái Lan và Malaysia trên 3 USD;
Lào, Campuchia và Mông Cổ trên 1 USD; các nước Châu Mỹ La tinh trên 2 USD; các
nước Châu Âu trên 4 USD; các nước công nghiệp phát triển 14 USD và Mỹ 16 USD.
Trong khi đó chuẩn nghèo của nước ta giai đoạn 2001-2005 có 3 mức: 80.000-100.000
và 150.000 đồng, tính theo sức mua tương đương năm 2004 thì tương ứng với 0,95
USD đối với miền núi; 1,2 USD đối với đồng bằng và 1,7 USD đối với thành thị.
2. Phương pháp xác định chuẩn
nghèo mới
a. Định hướng chung về giảm
nghèo
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính
phủ là: toàn diện hơn, công bằng hơn, bền vững và hội nhập cũng như sự cần thiết
nêu trên đòi hỏi chuẩn nghèo trong giai đoạn mới (2006-2010) phải nâng dần để
phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế, mức sống của dân cư và từng bước hội
nhập với các nước trong khu vực và thế giới.
b. Về phương pháp xác định
- Trong quá trình nghiên cứu, Bộ
LĐTB&XH đã phối hợp với các Bộ, ngành, tổ chức đoàn thể và các tổ chức quốc
tế tại Việt Nam thống nhất sử dụng phương pháp xác định chuẩn nghèo dựa vào chi
tiêu là chính, tức là phải xác định thực trạng hộ nghèo đang sống như thế nào, thu
nhập từ nguồn nào. Bên cạnh xác định mức chi tiêu, có tính đến các yếu tố về
nhà ở, đất sản xuất, công cụ sản xuất, tài sản hiện có. Phương pháp này dựa trên
nhu cầu chi tiêu về lương thực, thực phẩm với rổ hàng hoá trên 40 mặt hàng thiết
yếu và chi tiêu cho phi lương thực thực phẩm. Phần chi cho lương thực, thực
phẩm bảo đảm năng lượng hàng ngày cho một người là 2100 Kcalo, chiếm khoảng 60%
tổng chi tiêu; phần chi cho phi lương thực, thực phẩm (mặc, nhà ở, y tế, giáo
dục, văn hoá, đi lại, giao tiếp xã hội) chiếm khoảng 40%. Tổng chi cho lương
thực, thực phẩm và phi lương thực, thực phẩm quy ra tiền là chuẩn nghèo.
- Dựa vào điều tra trực tiếp hiện
trạng về thu nhập, mức sống của hộ nghèo ở 6 tỉnh Bắc Kạn, Thanh Hoá, Quảng
Nam, Bắc Giang, Yên Bái, Hà Tây, cho thấy số liệu dự báo với kết quả điều tra
thực tế có sự sai lệch không lớn. Thanh Hoá dự báo tỷ lệ nghèo theo chuẩn mới
là 35%, kết quả điều tra là 34,3%; 7 huyện của Quảng Nam dự báo là 28%, kết quả
điều tra là 25,8%; Bắc Kạn dự báo là 59%, kết quả điều tra 50%. Kết quả điều
tra ở 3 tỉnh Yên Bái, Bắc Giang, Hà Tây cũng cho thấy thu nhập trung bình của
nhóm hộ có thu nhập bình quân dưới 200 nghìn đồng/người/tháng ở khu vực nông
thôn đạt 140 nghìn đồng/người/tháng năm 2004.
Nếu tốc độ tăng thu nhập như giai
đoạn 2002-2004 thì năm 2005 sẽ đạt khoảng 160 nghìn đồng/người/tháng, năm 2006
là 187 nghìn, năm 2007 sẽ là 217 nghìn đồng/người/tháng.
- Khi tính toán chuẩn nghèo cho cả
giai đoạn 2006 - 2010 cũng đã xem xét đến các yếu tố: trượt giá (ước tính trung
bình hàng năm cả giai đoạn 7-8%); tăng trưởng kinh tế (7,5 -8%/năm); tăng tiền
lương (khoảng 10 - 20%).
Trong giai đoạn tới chỉ xác định
chuẩn nghèo cho hai khu vực là: nông thôn và thành thị (hiện nay là 3: nông thôn
miền núi, nông thôn đồng bằng và thành thị). Việc áp dụng chung một chuẩn nghèo
cho khu vực nông thôn sẽ có lợi hơn cho người dân ở vùng miền núi bảo đảm công
bằng hơn giữa các vùng và Nhà nước tập trung được nguồn lực cho vùng có tỷ lệ
hộ nghèo cao. Việc sử dụng chuẩn nghèo cho 2 khu vực thành thị và nông thôn cũng
phù hợp với xu thế quốc tế. Hiện nay ở Indonesia, ấn Độ, Trung Quốc... cũng chỉ
áp dụng chuẩn nghèo hai khu vực là nông thôn và thành thị.
3. Đề xuất phương án chuẩn
nghèo
Trên cơ sở phương pháp xác định và
cách tính chuẩn nghèo trên, Bộ Lao động - Thương binh và XÃ hội trình chuẩn nghèo
áp dụng cho giai đoạn 2006 - 2010 với 2 phương án như sau:
a. Phương án I
- Nông thôn: Những hộ có mức thu
nhập bình quân đầu người từ 200.000 đồng/ tháng trở xuống là hộ nghèo.
- Thành thị: Những hộ có mức thu
nhập bình quân đầu người từ 260.000 đồng/tháng trở xuống là hộ nghèo.
Theo phương án này ước tính tỷ lệ
hộ nghèo cả nước vào đầu năm 2006 khoảng 26-27%, trong đó thành thị 12%, nông
thôn 31%. Cả nước có khoảng 4,6 triệu hộ nghèo, thành thị 500 nghìn hộ, nông
thôn 4,1 triệu hộ.
Ước tính theo vùng:
- Tây Bắc: 62,3%;
- Đông Bắc: 36,1%;
- Đồng bằng sông Hồng: 19,8%;
- Bắc Trung bộ: 39,7%;
- Duyên hải Nam Trung bộ: 23,3%;
- Tây Nguyên: 52,2%;
- Đông Nam bộ: 10,8%;
- Đồng bằng sông Cửu Long: 20,8%.
Ước tính cứ 100 hộ nghèo thì có 10
hộ ở thành thị; 42 hộ ở nông thôn đồng bằng; 48 hộ ở nông thôn miền núi (trong
đó dân tộc thiểu số khoảng 36 hộ).
So sánh với chuẩn nghèo hiện nay
(2001-2005) thì tỷ lệ hộ nghèo của cả nước tăng gấp 3 lần.
b. Phương án II
- Nông thôn: những hộ có mức thu
nhập bình quân đầu người từ 180.000 đồng/ tháng trở xuống là hộ nghèo.
- Thành thị: những hộ có mức thu
nhập bình quân đầu người từ 240.000 đồng/tháng trở xuống là hộ nghèo.
Theo phương án này tỷ lệ hộ nghèo
của cả nước vào đầu năm 2006 vào khoảng 24%, trong đó thành thị khoảng 9%, nông
thông 29%, cả nước có 4 triệu hộ nghèo, thành thị 380 nghìn hộ nghèo, nông thôn
3,62 triệu hộ nghèo. Tương tự như vậy tỷ lệ hộ nghèo của các vùng cũng giảm đi
từ 3 - 4%.
c. Lựa chọn phương án
* Bộ Lao động - Thương binh và
Xã hội trình Chính phủ cho áp dụng chuẩn nghèo theo phương án I, vì:
- Chuẩn nghèo theo phương án I phù
hợp với thu nhập và mức sống của dân cư nói chung và của 20% nhóm hộ nghèo nhất
và đã có tính đến các yếu tố thu nhập và chi tiêu thực tế, tốc độ tăng trưởng
kinh tế và trượt giá.
- Mặt khác qua thực tiễn cho thấy
chuẩn nghèo giai đoạn 2001 - 2005 so với chuẩn nghèo giai đoạn trước cũng tăng
gấp 1,5 lần, đến năm 2004 - 2005 đã quá thấp, vì vậy giai đoạn 2006 - 2010 phải
tăng gấp 2 lần mới phù hợp (200 nghìn đồng và 260 nghìn đồng/người/tháng).
- Với số lượng hộ nghèo như trên,
các địa phương vẫn có khả năng cân đối được nguồn lực để thực hiện một số chính
sách trợ giúp, ước tính năm 2006 ngân sách Nhà nước chi cho khám chữa bệnh của
người nghèo là 1.317 tỷ đồng, tăng 567 tỷ so với 2005 (18,8 triệu người nhân
với mức 70.000 đồng) từ năm 2008 chi cho khám chữa bệnh người nghèo giảm xuống
còn 1100 tỷ đồng vì người nghèo giảm xuống còn 16 triệu người; giáo dục 300 tỷ,
cấp bù lãi suất tín dụng hộ nghèo 150 tỷ; Tổng cộng năm 2006 chi tăng thêm so
với năm 2005 là 1.020 tỷ đồng.
- Với chuẩn nghèo theo phương án
I thì nước ta cũng từng bước tiếp cận với các nước đang phát triển trong khu vực
(tương đương 2 USD/người/ngày vào năm 2006 đối với khu vực nông thôn, vì 1 USD
tính theo sức mua tương đương tương ứng với 3000 đồng). Đại diện các tổ chức
quốc tế ở Việt Nam cũng đồng tình cao với phương án này.
- Tuy nhiên, nếu chọn phương án I
thì vào năm 2006 số lượng hộ nghèo lớn 4,6 triệu hộ, tỷ lệ hộ nghèo 26 - 27%.
* Trong trường hợp chọn phương án
II thì có ưu điểm là năm 2006 số lượng hộ nghèo thấp hơn phương án I khoảng 600
ngàn hộ và ngân sách hàng năm tăng thêm cho y tế, giáo dục và tín dụng hộ nghèo
thấp hơn một chút (900 tỷ đồng). Nhưng nhược điểm là từ năm 2008 chuẩn nghèo sẽ
thấp hơn so với thu nhập và mức sống của 20% nhóm hộ nghèo nhất, cũng như mức
sống chung của dân cư. Vì vậy phải điều chỉnh chuẩn nghèo và phải tiến hành
điều tra để xác định lại hộ nghèo theo chuẩn mới, như vậy sẽ tốn kém thời gian
và công sức.
III. Ý KIẾN CỦA CÁC BỘ, NGÀNH
VÀ CÁC TỔ CHỨC ĐOÀN THỂ VỀ CHUẨN NGHÈO MỚI
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
đã có văn bản số 3295/LĐTBXH-BTXH ngày 27/9/2004 kèm theo dự thảo tờ trình và Quyết
định của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo giai đoạn 2006 - 2010
xin ý kiến các Bộ, ngành, các tổ chức đoàn thể có liên quan và đã nhận được văn
bản góp ý của 11 Bộ, ngành, tổ chức đoàn thể (Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính,
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tư pháp, Thuỷ sản, Tổng cục Thống kê, Ngân
hàng Chính sách xã hội, Uỷ ban Dân tộc, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội
Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam). Về cơ bản các Bộ, ngành, các
tổ chức đoàn thể đều nhất trí với phương pháp và cách tính chuẩn nghèo.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh là
dựa vào chuẩn nghèo quốc tế để xác định chuẩn nghèo quốc gia. Chuẩn nghèo theo
phương án I quy đổi theo sức mua tương đương 2004: 1USD tương đương 2.800 đồng,
năm 2006 ước khoảng 3000 đồng thì đã tiếp cận với các nước trong khu vực.
Tổng cục Thống kê trong văn bản số
869/TCTK ngày 7/12/2004 đề nghị chuẩn nghèo nông thôn là 160.000 đồng, thành thị
270.000 đồng. Nếu theo phương án này thì chuẩn nghèo nông thôn quá thấp, vì vậy
qua trao đổi lại (ngày 7/4/2005) Tổng cục Thống kê cũng đã đồng ý phương án I
là nông thôn 200.000 đồng, thành thị 260.000 đồng.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
xin trình Chính phủ./.
|
BỘ
TRƯỞNG
BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
Nguyễn Thị Hằng
|