Thứ 6, Ngày 08/11/2024

Báo cáo 69/BC-UBND về tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội thành phố Quý I, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm Quý II năm 2020 do thành phố Hồ Chí Minh ban hành

Số hiệu 69/BC-UBND
Ngày ban hành 28/04/2020
Ngày có hiệu lực 28/04/2020
Loại văn bản Báo cáo
Cơ quan ban hành Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Lê Thanh Liêm
Lĩnh vực Thương mại,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 69/BC-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 28 tháng 4 năm 2020

 

BÁO CÁO

TÌNH HÌNH KINH TẾ - VĂN HÓA - XÃ HỘI THÀNH PHỐ QUÝ I, NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM QUÝ II NĂM 2020

Phần thứ nhất

TÌNH HÌNH KINH TẾ - VĂN HÓA - XÃ HỘI QUÝ I NĂM 2020

I. VỀ KINH TẾ

1. Tổng sản phẩm nội địa GRDP

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 03 tháng đầu năm ước đạt 335.682 tỷ đồng, tăng 0,42% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 7,64%). Trong đó: khu vực dịch vụ giảm 1,23% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 7,7%), khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,13% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 7,41%), khu vực nông nghiệp tăng 4,6% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 5,2%), thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 2,89% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 7,79%). về cơ cấu ngành trong GRDP, khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng 60,63%, khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm tỷ trọng 22,85%, khu vực nông nghiệp chiếm tỷ trọng 0,53%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 15,99%.

Nhìn chung do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, mức tăng trưởng của các khu vực, các ngành kinh tế đều thấp hoặc giảm so vơi cùng kỳ năm trước. Chịu tác động nhiều nhất là khu vực thương mại dịch vụ, khi mức tăng của khu vực này chỉ bằng 98,77%, giảm 1,23% so với cùng kỳ. Một số ngành có nhiều hoạt động kinh doanh sôi nổi trước đây hiện rơi vào tình trạng suy thoái, hoạt động cầm chừng với 5/9 ngành dịch vụ trọng yếu có mức tăng trưởng âm như: vận tải kho bãi giảm 0,37%; kinh doanh bất động sản giảm 12,85%; giáo dục và đào tạo giảm 26,57%; y tế và hoạt động cứu trợ giảm 2,92%; dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 31,69%.

Tác động của dịch bệnh Covid-19 tập trung vào nửa cuối tháng 3 và tiếp tục ảnh hưởng trong quý 2 sắp tới, trong đó khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ chịu tác động nặng nề nhất do có quy mô nhỏ, không đủ khả năng cầm cự thời gian dài trước các ảnh hưởng của dịch. Trên Hệ thống thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, số liệu doanh nghiệp đăng ký như sau:

STT

Loại doanh nghiệp

Số doanh nghiệp

Tỷ trọng (%)

Vốn đăng ký (tỷ đồng)

Tỷ trọng (%)

1

Doanh nghiệp có quy mô vốn điều lệ <=3 tỷ

289.633

68,95

330.579

5,43

2

Doanh nghiệp có quy mô vốn điều lệ từ >3 tỷ đến <20 tỷ

91.737

21,84

644.896

10,59

3

Doanh nghiệp có quy mô vốn điều lệ từ >= 20 tỷ đến <100 tỷ

29.720

7,07

942.589

15,47

4

Doanh nghiệp có quy mô vốn điều lệ từ > 100 tỷ

8.989

2,14

4.173.047

68,51

 

Tổng cộng

420.079

100

6.091.111

100

Theo số liệu điều tra doanh nghiệp gần đây nhất của Cục Thống kê thì trong khoảng 3 triệu lao động làm việc trong các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố thì có hơn 1,5 triệu lao động làm việc trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ, ngành thống kê dự báo có thể có khoảng 70 ngàn lao động sẽ chịu tác động trong các tháng sắp tới do tác động kinh tế[1]. Trong năm nay, ngay cả khi Việt Nam sớm khống chế được dịch thì do các nước trên thế giới vẫn còn chưa hồi phục, kinh tế thành phố và cả nước sẽ vẫn gặp nhiều khó khăn.

2. Lĩnh vực dịch vụ [2]

a) Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 3 tháng đầu năm 2020 ước đạt 318.123 tỷ đồng, giảm 1,3% so với cùng kỳ; trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 210.623 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ.

Các trung tâm thương mại, siêu thị tung ra nhiều chương trình khuyến mãi nhằm thu hút người tiêu dùng đến mua sắm, tuy nhiên do ảnh hưởng vì tâm lý sợ dịch bệnh nên người dân hạn chế đi lại. Trong đó, lương thực, thực phẩm chiếm 17,6% trong doanh thu bán lẻ, tăng 13%; may mặc chiếm 6,5%, tăng 6,6%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình chiếm 19%, tăng 7,6%; xăng dầu chiếm 8,2%, tăng 4,6%. Tình hình doanh thu các ngành dịch vụ khác (dịch vụ lưu trú và ăn uống, dịch vụ lữ hành, dịch vụ khác) có xu hướng giảm, ngành bán lẻ duy trì tốc độ tăng trưởng (tăng 8,0%), cao hơn tốc độ tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ (giảm 1,3%). Việc duy trì mức tăng trưởng của ngành bán lẻ trong quý 1 năm 2020 có 03 yếu tố:

- Một là, xu hướng thay đổi hành vi tiêu dùng trong tình hình dịch bệnh đang diễn biến khó lường; theo đó người dân điều tiết cơ cấu chi tiêu theo hưởng tập trung vào mua sắm hàng hóa thiết yếu[3], giảm mua sắm qua chợ, trung tâm thương mại và tăng chi tiêu qua hệ thống siêu thị và mua sắm trực tuyến[4].

- Hai là, sự đáp ứng nhu cầu của người dân qua hệ thống phân phối rộng khắp với 238 chợ, 202 siêu thị, 49 trung tâm thương mại, 2.656 cửa hàng tiện lợi (tăng 12 cửa hàng so với cuối năm 2019).

- Ba là, khả năng và cam kết đáp ứng đầy đủ nguồn hàng của doanh nghiệp trên địa bàn. Theo báo cáo của các doanh nghiệp ngành thực phẩm, bình ổn thị trường và hệ thống phân phối, nguồn nguyên liệu dự trữ đầy đủ đảm bảo duy trì sản xuất tối thiểu 3 tháng tới; nguồn cung hàng hóa dồi dào, đủ khả năng cung cấp liên tục và đầy đủ từ 2-3 tháng, sản lượng thực phẩm chế biến đảm bảo đủ cung ứng đến hết quý 2 năm 2020, nhiều doanh nghiệp có chính sách giảm giá 2% - 3% hỗ trợ người dân trong mùa dịch; các doanh nghiệp cam kết (không tăng giá, sẵn sàng cung ứng vượt 30 - 50% kế hoạch thành phố giao, ưu tiên cung ứng hàng hóa cho thị trường nội địa, thậm chí dừng xuất khẩu nếu cần).

b) Kim ngạch xuất - nhập khẩu

- Xuất khẩu: Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp 3 tháng đầu năm 2020 ước đạt 9,85 tỷ USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ. Nếu không tính giá trị dầu thô, kim ngạch ước đạt 9,3 tỷ USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ. Do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, nhóm hàng nông sản giảm 3,2% so với cùng kỳ; hàng lâm sản có giá trị xuất khẩu giảm 8,9% so với cùng kỳ; hàng thủy hải sản giảm 19,5% so với cùng kỳ; hàng hóa khác giảm 7,5% so với cùng kỳ. Riêng mặt hàng dầu thô, sản lượng xuất khẩu trong tháng 3 tháng đầu năm 2020, giảm 0,4% so với cùng kỳ với giá trị giảm 6,7% so với cùng kỳ.

- Nhập khẩu: Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa 3 tháng đầu năm 2020 ước đạt 11,3 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ. Do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, nhóm hàng nguyên nhiên vật liệu giảm 14,4% so với cùng kỳ năm 2019; nhóm hàng tiêu dùng giảm 24,8%. Một số mặt hàng nhập khẩu chủ yếu: máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác giảm 26,4% so với cùng kỳ; vải các loại giảm 28,6% so với cùng kỳ; chất dẻo nguyên liệu giảm 9,8% so với cùng kỳ; sắt thép giảm 18,6% so với cùng kỳ; dược phẩm giảm 41,9% so với cùng kỳ; điện thoại các loại và linh kiện giảm 13% so với cùng kỳ; nguyên phụ liệu dệt, may, da giày giảm 18,2% so với cùng kỳ.

c) Hoạt động Du lịch

Thành phố đã thành lập Tổ công tác phản ứng nhanh về phòng, chống dịch Covid-19[5] trong lĩnh vực du lịch với mục tiêu và nhiệm vụ cụ thể như sau: (1) Sẵn sàng phản ứng nhanh trong việc phối hợp với các đơn vị liên quan, phát hiện sớm các trường hợp dịch bệnh Covid-19 gây ra trong lĩnh vực du lịch, góp phần tích cực cùng với các cơ quan chức năng của thành phố xử lý kịp thời theo đúng quy trình và quy định; (2) Nắm chắc và cập nhật thường xuyên thông tin từ các doanh nghiệp du lịch về tình hình, diễn biến khách đến thành phố từ các nước, vùng lãnh thổ, đặc biệt từ các vùng dịch để kịp thời cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng và phối hợp xử lý theo quy định; (3) Rà soát, nhắc nhở các doanh nghiệp du lịch thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch bệnh, nghiêm túc chấp hành việc quản lý du khách đến từ vùng dịch theo khuyến cáo của cơ quan y tế, phối hợp với y tế địa phương trong công tác truyền thông, giám sát phòng chống dịch...

Bên cạnh đó, thành phố đã phát hành 188.100 cuốn cẩm nang phòng, chống dịch bệnh Covid-19 gửi các doanh nghiệp lữ hành, doanh nghiệp kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch, Ủy ban nhân dân 24 quận huyện để thông tin, tuyên truyền và phổ biến công tác phòng, chống dịch bệnh. Ngành du lịch thành phố đã triển khai phát miễn phí khẩu trang cho người dân, doanh nghiệp và du khách tại các trạm thông tin và hỗ trợ khách du lịch, một số điểm tham quan và du lịch như Bảo tàng chứng tích chiến tranh, Bưu điện thành phố, Dinh độc lập....

Hoạt động du lịch tiếp tục tăng cường các hoạt động xúc tiến, thông tin, quảng bá; tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, ngành du lịch thành phố chịu những tác động nghiêm trọng, trực tiếp đến nhiều doanh nghiệp và người lao động trong lĩnh vực du lịch. Nhìn chung, trước tác động của dịch bệnh, lượng khách đăng ký các chương trình du lịch giảm mạnh, doanh thu của các doanh nghiệp du lịch bị ảnh hưởng nặng và giảm mạnh so với cùng kỳ. Thành phố đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh về việc cung cấp thông tin doanh nghiệp du lịch vay vốn bị thiệt hại do dịch bệnh Covid-19 gây ra và cần sự hỗ trợ của ngân hàng trong việc vay vốn để tháo gõ những khó khăn. Trong 3 tháng đầu năm 2020, lượng khách quốc tế đến thành phố ước đạt 1.303.750 lượt khách, chiếm 14,49% kế hoạch năm 2020, giảm 42,26% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu du lịch thành phố 3 tháng đầu năm ước đạt 25.591 tỷ đồng, đạt 18,28% so với kế hoạch năm, giảm 26% so với cùng kỳ[6].

Để ứng phó với tác động của dịch bệnh Covid-19, thành phố đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ các nội dung có liên quan về hỗ trợ doanh nghiệp du lịch trên địa bàn thành phố ứng phó với tác động của dịch bệnh Covid-19. Theo đó, ngành du lịch thành phố đề xuất kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, có ý kiến đối với các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh du lịch về: chính sách thuế; chính sách tài chính, tín dụng; chính sách bảo hiểm xã hội; chính sách giảm tiền thuê đất; chính sách visa. Bên cạnh đó, ngành du lịch thành phố cũng đã triển khai quán triệt các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn về việc không phân biệt đối xử với người nước ngoài trong việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19 gây ra.

d) Vận tải hàng hóa và hành khách

Khối lượng vận tải hành khách công cộng ước đạt 96,5 triệu lượt hành khách, giảm 36,1% so với cùng kỳ. số lượt vận tải hành khách bằng đường thủy ước đạt 8,7 triệu lượt hành khách, giảm 2,23% so với cùng kỳ. Khối lượng vận tải hành khách theo hợp đồng ước đạt 56,3 triệu lượt hành khách, giảm 30% so với cùng kỳ năm 2019.

Sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển đạt 30,78 triệu tấn, tăng 4,5% so với cùng kỳ. Sản lượng hàng hóa thông qua các cảng, bến thủy nội địa trong đạt 7,87 triệu tấn, tăng 16,95% so với cùng kỳ. Sản lượng vận tải hàng hóa đường bộ ước đạt 85 triệu tấn tăng 11% so với cùng kỳ.

[...]