Báo cáo 19/BC-BCĐ kết quả giao ban trực tuyến triển khai công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại năm 2013 của Ban Chỉ đạo 127/TW

Số hiệu 19/BC-BCĐ
Ngày ban hành 16/04/2013
Ngày có hiệu lực 16/04/2013
Loại văn bản Báo cáo
Cơ quan ban hành Ban Chỉ đạo 127-TW
Người ký Nguyễn Cẩm Tú
Lĩnh vực Thương mại,Bộ máy hành chính,Văn hóa - Xã hội

BAN CHỈ ĐẠO 127/TW
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 19/BC-BCĐ

Hà Nội, ngày 16 tháng 04 năm 2013

 

BÁO CÁO

KẾT QUẢ GIAO BAN TRỰC TUYẾN TRIỂN KHAI CÔNG TÁC CHỐNG BUÔN LẬU, HÀNG GIẢ VÀ GIAN LẬN THƯƠNG MẠI NĂM 2013 CỦA BAN CHỈ ĐẠO 127/TW

Được sự đồng ý của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, ngày 30 tháng 3 năm 2013, Ban Chỉ đạo 127/TW tổ chức Giao ban trực tuyến triển khai công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại năm 2013 tại 3 đầu cầu Hà Nội - Đà Nẵng - Tp. Hồ Chí Minh do Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng - Trưởng ban Chỉ đạo 127/TW chủ trì và chỉ đạo Giao ban. Tham dự Giao ban có các đồng chí Ủy viên Ban Chỉ đạo 127/TW; lãnh đạo Ban chỉ đạo 127 các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; thành viên Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 127/TW và Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 127 các tỉnh, thành phố trong cả nước; đại diện một số Bộ, ngành Trung ương; một số Vụ, Cục của Bộ Công Thương và một số cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương, địa phương.

Tại Giao ban, Bộ trưởng Bộ Công Thương - Trưởng ban Ban Chỉ đạo 127/TW khai mạc và nêu những nội dung cần tập trung làm rõ, nhất là các giải pháp và đề xuất kiến nghị. Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú - Phó trưởng ban thường trực trình bày dự thảo Báo cáo công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại năm 2012 phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2013 của Ban Chỉ đạo 127/TW. đại diện các cơ quan đã phát biểu ý kiến góp ý vào dự thảo báo cáo và những vấn đề Bộ trưởng - Trưởng ban Ban Chỉ đạo 127/TW phát biểu chỉ đạo Giao ban.

Dưới đây là kết quả Giao ban:

1. Về kết quả đạt được

Thực hiện chủ trương kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 127/TW đa khẩn trương, kịp thời và chủ động, chỉ đạo các lực lượng chức năng triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, trong hoàn cảnh khó khăn về phương tiện, trang thiết bị, biên chế về cơ chế, chính sách còn nhiều bất cập, các lực lượng chức năng đã nỗ lực, cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ bước đầu đã thu được nhiều kết quả/trong năm đã kiểm tra, xử lý 272.158 vụ vi phạm, tăng 68.566 vụ; xử phạt và tịch thu hàng hóa trị giá 8.310,5 tỷ đồng, tăng 2.896,7 tỷ đồng, tăng 53,5% so với năm trước. Một số mặt hàng bị thu giữ có số lượng lớn như: xăng dầu, khoáng sản, thuốc lá, bia các loại, gia súc, gia cầm và các sản phẩm gia súc, gia cầm...

Kết quả cụ thể về kiểm tra, xử lý của một số lực lượng như sau:

- Lực lượng Công an: xử lý 12.873 vụ, tổng số thu 734 tỷ đồng;

- Lực lượng Hải quan: xử lý 24.242 vụ, tổng số thu 517 tỷ đồng;

- Lực lượng Biên phòng: xử lý 1.860 vụ, tổng số thu gần 150 tỷ đồng:

- Lực lượng Quản lý thị trường: xử lý 91.519 vụ; tổng số thu 398,9 tỷ đồng;

- Lực lượng Cảnh sát biển: xử lý 41 vụ, tổng số thu trên 40 tỷ đồng;

- Lực lượng Thuế: xử phạt, truy thu thuế 47.151 vụ, tổng số thu trên 8.570 tỷ đồng;

- Lực lượng Kiểm lâm: xử lý 23.993 vụ, tổng số thu trên 287 tỷ đồng;

- Lực lượng thanh tra chuyên ngành: xử lý 4.470 vụ, tổng số thu trên 29,5 tỷ đồng;

Các tỉnh, thành phố có số vụ kiểm tra, xử lý và số thu lớn như: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Nghệ An, Khánh Hòa, Gia Lai, Lâm Đồng, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, An Giang...

Kết quả đạt được đã góp phần giảm nhập siêu, kiềm chế lạm phát, thúc đẩy kinh tế phát triển, ổn định thị trường, đặc biệt là những công việc đột xuất, nổi cộm như giá, chất lượng xăng dầu, phân bón, mũ bảo hiểm được giải quyết kịp thời, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý.

2. Một số tồn tại, khó khăn, vướng mắc đồng thòi là nguyên nhân cần khắc phục

- Khung pháp lý trong công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại còn thiếu, một số văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành đã lạc hậu hoặc thậm chí tạo ra kẽ hở để cho đối tượng vi phạm lợi dụng, một số quy định sắp hết hiệu lực, mặc dù những quy định đó đang phát huy tác dụng;

- Phương thức thủ đoạn hoạt động của đối tượng làm ăn phi pháp ngày càng tinh vi; mặc dù Chính phủ đã có nhiều chủ trương, chính sách, nhiều biện pháp hạn chế buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả và gian lận thương mại nhưng nhiều đối tượng vẫn không từ bất cứ thủ đoạn nào, kể cả chống đối quyết liệt khi bị bắt giữ hàng hóa. Tình hình buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trên các tuyến, địa bàn trọng điểm vẫn còn diễn biến phức tạp; nhiều phương thức, thủ đoạn buôn lậu đã tồn tại nhiều năm, nhưng chưa có giải pháp ngăn chặn đấu tranh, xử lý hiệu quả (như gian lận qua khâu hải quan, lợi dụng chính sách cư dân biên giới, quản lý hóa đơn, chứng từ...);

- Hàng hóa sản xuất tại Việt Nam tuy đa dạng, phong phú nhưng nhiều chủng loại, phân khúc hàng hóa chưa đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. Trong khi đó, hàng hóa của nước ngoài với mẫu mã đẹp, giá rẻ, cùng với tâm lý mua sắm của người tiêu dùng, đặc biệt địa bàn nông thôn quan tâm chủ yếu đến yếu tố giá và mẫu mã, tạo cơ hội cho tình trạng buôn bán hàng lậu, hàng giả và gian lận thương mại tồn tại;

- Việc cấp phép khai thác mỏ, chế biến và xuất khẩu quặng các loại (nhất là quặng titan, quặng sắt và một số quặng quý hiếm) có lúc, có nơi còn buông lỏng quản lý; còn thiếu chế tài kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp chấp hành các quy định về khai thác, chế biến, xuất khẩu quặng;

- Công tác dự báo thị trường và nắm tình hình thị trường cung cầu hàng hóa, giá cả hàng hóa, lượng hàng dự trữ của các đơn vị kinh doanh đóng trên từng địa bàn có lúc, có nơi còn thiếu chủ động, nhạy bén, chưa phát hiện, đề xuất các giải pháp xử lý kịp thời đối với những vấn đề nổi cộm như việc gia tăng buôn bán, vận chuyển hàng thực phẩm vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.. Công tác dự báo chưa có tầm nhìn mang tính dài hạn;

- Năng lực và trình độ chuyên môn của công chức ở một số đơn vị chưa đồng đều không ít công chức chưa được đào tạo bài bản, chuyên sâu; không ít lực lượng kiểm tra kiểm soát còn thiếu biên chế, kinh phí hạn hẹp, phương tiện đã thiếu lại lạc hậu;

- Sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong công tác trao đổi cung cấp thông tin chưa thường xuyên, chưa chặt chẽ (ví dụ như sự phối hợp trong ngăn chặn gia cầm nhập lậu còn manh mún, cục bộ địa phương; chưa có sự phối hợp tổng thể để triệt phá các đối tượng đầu nậu, các điểm tập kết, thu gom);

- Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật tuy đã được quan tâm nhưng chưa được tiến hành bài bản, thường xuyên và sâu rộng trong nhân dân, nhất là đối với nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hình thức tuyên truyền chưa đa dạng:

- Công tác kiểm tra, xử lý về hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ của các lực lượng chức năng chưa nhận được sự phối hợp, cung cấp thông tin nhận biết hàng thật, hàng giả của các nhà sản xuất, chủ sở hữu quyền; chi phí giám định cao, thời gian giám định dài nên ảnh hưởng đến hiệu quả công tác.

[...]