Báo cáo 164/BC-UBTVQH13 giải trình, tiếp thu ý kiến vị đại biểu Quốc hội về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2013, điều chỉnh năm 2012 và nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIII do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành

Số hiệu 164/BC-UBTVQH13
Ngày ban hành 11/06/2012
Ngày có hiệu lực 11/06/2012
Loại văn bản Báo cáo
Cơ quan ban hành Uỷ ban Thường vụ Quốc hội
Người ký Uông Chu Lưu
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

UỶ BAN THƯỜNG VỤ
QUỐC HỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 164/BC-UBTVQH13

Hà Nội, ngày 11 tháng 6 năm 2012

 

BÁO CÁO

GIẢI TRÌNH, TIẾP THU Ý KIẾN CÁC VỊ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VỀ DỰ KIẾN CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG LUẬT, PHÁP LỆNH NĂM 2013, ĐIỀU CHỈNH CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG LUẬT, PHÁP LỆNH NĂM 2012 VÀ NHIỆM KỲ QUỐC HỘI KHOÁ XIII

Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội,

Trong các ngày 28 tháng 5 và 01 tháng 6 năm 2012, các vị đại biểu Quốc hội đã thảo luận ở Tổ và Hội trường về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2013, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012 và nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII. Về cơ bản, các vị đại biểu Quốc hội tán thành với dự kiến Chương trình do Ủy ban thường vụ Quốc hội trình; đồng thời, góp thêm nhiều ý kiến về các nội dung cụ thể. Trên cơ sở thảo luận ở Tổ và Hội trường, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Ủy ban pháp luật, Bộ tư pháp và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2013, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012 và nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII.

Tiếp theo Báo cáo ngày 01 tháng 6 năm 2012 dự kiến giải trình, tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ, Uỷ ban thường vụ Quốc hội kính trình Quốc hội Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2013, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012 và nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII.

I. TÌNH HÌNH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG LUẬT, PHÁP LỆNH CỦA QUỐC HỘI NHIỆM KỲ KHÓA XIII

1. Đánh giá tình hình thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII đến nay

Các vị đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành với những đánh giá trong báo cáo của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về những mặt được, chưa được trong việc thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII đến nay. Đồng thời, các vị đại biểu Quốc hội cũng đã phân tích và làm rõ thêm nguyên nhân của việc chưa hoàn thành Chương trình.

Uỷ ban thường vụ Quốc hội xin được tiếp thu các ý kiến của đại biểu Quốc hội và sẽ cùng với Chính phủ chỉ đạo các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiêm túc rút kinh nghiệm, khắc phục những yếu kém, tồn tại trong việc xây dựng và thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội; xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong quá trình lập dự kiến Chương trình; tạo điều kiện để đại biểu Quốc hội thực hiện quyền kiến nghị về luật của mình; chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Nghị quyết của Quốc hội về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội phần về xây dựng pháp luật khi được Quốc hội thông qua và các quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

2. Về việc điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012

- Nhiều ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội tán thành với đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc điều chỉnh Chương trình xây dựng, luật pháp lệnh năm 2012, trong đó thể hiện sự nhất trí cao với việc bổ sung dự án Luật biển Việt Nam vào Chương trình thông qua tại kỳ họp thứ 3, bổ sung dự án Luật việc làm, Luật khoa học và công nghệ (sửa đổi) vào Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4.

Tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, để giải quyết các bất cập, hạn chế, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội giữ dự án Luật đất đai (sửa đổi) trong Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 theo đúng Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012.

Các dự án Luật thư viện, Luật quy hoạch và Luật đô thị đều thuộc Chương trình nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, cho đến thời điểm này chưa xác định rõ phạm vi và các chính sách của luật, do đó đề nghị chưa đưa vào Chương trình năm 2012, năm 2013.

- Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện lực, Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận thấy, giá điện là vấn đề rất quan trọng, liên quan đến cuộc sống hằng ngày của người dân. Tuy nhiên, việc sửa đổi Luật điện lực lần này, ngoài vấn đề về giá điện, còn có nhiều vấn đề khác như đã nêu trong Tờ trình Quốc hội và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật điện lực. Do đó, đề nghị Quốc hội cho giữ việc trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật này theo quy trình tại hai kỳ họp Quốc hội để bảo đảm tiến độ và chất lượng dự án.

- Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị chuyển dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) từ Chương trình năm 2013 lên Chương trình năm 2012 nhằm sớm triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XI (Nghị quyết Trung ương 5); một số ý kiến đề nghị giữ trong Chương trình năm 2013 như dự kiến.

Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận thấy, Nghị quyết Trung ương 5 đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí, trong đó có một số nội dung liên quan đến việc sửa đổi Luật phòng, chống tham nhũng, như việc thay đổi mô hình Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, không tổ chức Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; việc công khai kết quả kê khai tài sản, thu nhập ở nơi công tác và nơi cư trú; từng bước mở rộng diện kê khai và phạm vi công khai việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức... Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới, sớm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, tiếp thu nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) vào Chương trình năm 2012 để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2012) theo quy trình xem xét, thông qua tại một kỳ họp.

3. Về việc điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII

- Nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội tán thành bổ sung các dự án Luật doanh nghiệp (sửa đổi), Luật đầu tư (sửa đổi), Luật ban hành quyết định hành chính vào Chương trình nhiệm kỳ khoá XIII như đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Có ý kiến cho rằng, trong hồ sơ trình dự án mới chỉ nói đến sự cần thiết ban hành dự án mà chưa rõ việc chuẩn bị dự án như thế nào nên đề nghị cân nhắc nếu chuẩn bị chưa tốt thì chưa bổ sung vào Chương trình.

Ủy ban thường vụ Quốc hội xin báo cáo như sau:

Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tổ chức làm việc với cơ quan thẩm tra, cơ quan trình dự án, các cơ quan hữu quan về tình hình thực tế chuẩn bị các dự án luật này và nhận thấy các dự án luật này đã đáp ứng các yêu cầu về hồ sơ để đưa vào Chương trình nhiệm kỳ. Vì vậy, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho bổ sung các dự án này vào Chương trình nhiệm kỳ khóa XIII và sẽ cân nhắc một cách kỹ lưỡng cả về chất lượng, tiến độ chuẩn bị trình Quốc hội đưa các dự án này vào Chương trình hằng năm khi đáp ứng yêu cầu theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

- Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, để bảo đảm sự đồng bộ với việc sửa đổi Luật phòng, chống tham nhũng, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung dự án Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) vào Chương trình nhiệm kỳ khóa XIII; đồng thời, đề nghị đưa dự án này vào Chương trình năm 2013 để cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 5 theo quy trình xem xét, thông qua tại một kỳ họp.

- Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” vào Chương trình nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII và Chương trình năm 2012.

- Đối với dự án Luật cảnh vệ, Luật kiến trúc sư, Luật khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ, Luật khuyến khích đầu tư theo hình thức đối tác công tư, như đã trình bày với Quốc hội tại Tờ trình số 136/TTr-UBTVQH13, đề nghị Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp tục nghiên cứu tổng kết thi hành pháp luật hiện hành, chuẩn bị hồ sơ và sẽ trình Quốc hội xem xét, quyết định đưa vào Chương trình khi đã có đủ điều kiện theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

- Có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2013 dự án Pháp lệnh về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định việc áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính tại Tòa án nhân dân. Ý kiến khác đề nghị chưa đưa dự án Pháp lệnh này vào Chương trình.

Trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị đưa dự án Pháp lệnh về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân vào Chương trình để triển khai thực hiện Luật xử lý vi phạm hành chính sau khi được Quốc hội xem xét, thông qua.

- Đối với các dự án còn lại là Luật bảo vệ an toàn lãnh thổ, chủ quyền quốc gia, Luật trọng dụng nhân tài, Luật cảnh vệ mới chỉ là đề xuất về tên dự án, chưa có hồ sơ, thuyết minh, chưa nêu rõ phạm vi điều chỉnh, nội dung, chính sách cần điều chỉnh nên đề nghị các vị đại biểu Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp tục nghiên cứu để đề nghị Quốc hội đưa vào Chương trình khi có đủ điều kiện theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đối với kiến nghị xây dựng luật, đền bù, hỗ trợ, thu hồi đất và tái định cư là cần thiết để xử lý các vấn đề bất cập hiện nay, nhưng đây là các vấn đề thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật đất đai nên sẽ được quy định và cụ thể hóa trong Luật đất đai (sửa đổi) đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012 (trình Quốc hội lần đầu tại kỳ họp thứ 4), dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 5 vào năm 2013

II. VỀ DỰ KIẾN CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG LUẬT, PHÁP LỆNH NĂM 2013

- Đa số ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội tán thành với định hướng lập Chương trình và dự kiến các dự án luật, pháp lệnh trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2013 như nêu trong Tờ trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Có ý kiến nhấn mạnh một số định hướng cần tập trung trong việc lập dự kiến Chương trình.

[...]
8
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ