Báo cáo 04/BC-BTP về tổng kết công tác tư pháp năm 2008 và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2009 do Bộ Tư pháp ban hành

Số hiệu 04/BC-BTP
Ngày ban hành 09/01/2009
Ngày có hiệu lực 09/01/2009
Loại văn bản Báo cáo
Cơ quan ban hành Bộ Tư pháp
Người ký Hà Hùng Cường
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BỘ TƯ PHÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 04/BC-BTP

Hà Nội, ngày 09 tháng 01 năm 2009

 

BÁO CÁO

TỔNG KẾT CÔNG TÁC TƯ PHÁP NĂM 2008 VÀ PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ CÔNG TÁC NĂM 2009

(Báo cáo tại Hội nghị triển khai công tác tư pháp toàn quốc năm 2009)

Năm 2008 là năm Chính phủ quyết tâm phấn đấu đạt một số chỉ tiêu cơ bản của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm (2006 - 2010), đưa nước ta thoát khỏi tình trạng kém phát triển trước năm 2010. Năm 2008 cũng là năm tình hình kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu đã tác động trực tiếp đến tốc độ tăng trưởng kinh tế của đất nước, các hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu bị giảm sút, lạm phát tăng cao, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, chúng ta đã giành được nhiều thành tựu quan trọng. Việc kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô đạt được kết quả bước đầu quan trọng; nền kinh tế duy trì được mức tăng trưởng khá (khoảng 6,23%); an sinh xã hội được quan tâm đẩy mạnh và triển khai thực hiện có hiệu quả. Các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế, văn hoá, thông tin và bảo vệ môi trường được chú trọng. Cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có những chuyển biến tích cực. Hoạt động đối ngoại và hội nhập kinh tế quốc tế có nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Chính trị, xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững; trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm.

Cùng với sự nỗ lực chung của cả nước, Ngành Tư pháp tiếp tục vượt qua khó khăn, đẩy mạnh thực hiện các Nghị quyết của Đảng về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam, Chiến lược cải cách tư pháp, triển khai đồng bộ các mặt công tác, tập trung hoàn thành nhiệm vụ theo Chương trình công tác trọng tâm của Ngành năm 2008, cụ thể là: đẩy mạnh công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật; tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm thực sự tạo chuyển biến cơ bản trong công tác thi hành án dân sự; tiếp tục lộ trình cải cách hành chính, cải cách tư pháp; thu hút nhân tài, nâng cao chất lượng đào tạo luật, đào tạo nghề, đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực; kiện toàn bộ máy của cơ quan tư pháp các cấp, nhất là tư pháp cấp xã; tăng cường kỷ cương, kỷ luật, đổi mới lề lối làm việc, thông tin hai chiều; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; tăng cường vai trò của báo chí, cổng thông tin điện tử; xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9000-2000 vào hoạt động của Bộ và Ngành; phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương để thực hiện hiệu quả công tác tư pháp.

Bước sang năm 2009, toàn Ngành cần nghiêm túc đánh giá một cách toàn diện, chính xác, khách quan công tác tư pháp năm 2008, nhất là việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, qua đó khẳng định những kết quả đã đạt được, ghi nhận và nhân rộng những cách làm mới, hiệu quả; làm rõ những khó khăn, hạn chế, yếu kém; xác định cụ thể nguyên nhân, rút ra bài học, đồng thời đưa ra các giải pháp khắc phục nhằm thực hiện thành công Kế hoạch công tác của Ngành, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Chính phủ về giải pháp thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2009.

Phần thứ nhất:

KẾT QUẢ CÔNG TÁC TƯ PHÁP NĂM 2008

1. Công tác xây dựng văn bản, đề án; thẩm định, kiểm tra, rà soát và hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật

a) Công tác xây dựng văn bản, đề án

Năm 2008, Bộ Tư pháp có nhiệm vụ soạn thảo 42 văn bản, đề án trình Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (trong đó có 07 dự án luật); 63 văn bản, đề án thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ Tư pháp hoặc liên tịch ban hành. Bên cạnh đó, các đơn vị thuộc Bộ, các cơ quan Tư pháp địa phương, các Tổ chức pháp chế Bộ, ngành còn phải thực hiện một số lượng lớn các công việc liên quan đến việc xây dựng văn bản, đề án.

Bộ đã hoàn thành và trình Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 34 văn bản, đề án (trong đó có 18 văn bản đã được ban hành), đạt 80,95% so với kế hoạch, tăng 12,95% so với năm 2007; riêng việc xây dựng và trình các dự án luật đạt 100% kế hoạch (chi tiết xem Phụ lục số 1). Các đơn vị thuộc Bộ đã hoàn thành và trình 38 văn bản, đề án thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ hoặc liên tịch ban hành (trong đó có 22 văn bản đã được ban hành), đạt 60,31%, tăng 17,76% so với năm 2007.

Quy trình xây dựng các VBQPPL không những tuân thủ quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, mà còn được đổi mới theo hướng tăng cường tính dân chủ, công khai, minh bạch, nâng cao tính chuyên nghiệp trong tất cả các khâu từ lập dự kiến chương trình đến soạn thảo, thẩm định và ban hành. Công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu kinh nghiệm nước ngoài, tham khảo ý kiến của các chuyên gia trong nước và quốc tế, sự phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan và địa phương trong việc xây dựng văn bản, đề án được chú trọng thực hiện và có nhiều chuyển biến tích cực.

Nội dung các văn bản, đề án đã thể chế hóa kịp thời đường lối, chính sách, định hướng quan trọng thể hiện trong các Nghị quyết của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; chứa đựng nhiều vấn đề mới, tiến bộ, đặc biệt là tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc nảy sinh trong đầu tư, sản xuất, kinh doanh, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đáp ứng yêu cầu cải cách pháp luật, cải cách tư pháp, cải cách hành chính và hội nhập kinh tế quốc tế trong tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam

b) Công tác thẩm định, góp ý văn bản, đề án

Tính đến hết ngày 30/9/2008, Bộ đã tiến hành thẩm định xong 352 văn bản, đề án, 107 điều ước quốc tế (tăng 25 điều ước so với năm 2007); tham gia góp ý 984 văn bản các loại do các Bộ, ngành gửi đến (tăng 372 văn bản so với năm 2007); cấp ý kiến pháp lý cho 69 khoản vay nước ngoài (tăng 42 ý kiến so với năm 2007). Theo thống kê chưa đầy đủ, trong năm 2008, các cơ quan Tư pháp địa phương đã giúp HĐND, UBND các cấp soạn thảo 2.174 văn bản quy phạm pháp luật, thẩm định 30.071 văn bản, góp ý kiến cho 8.422 văn bản.

Tiến độ thẩm định được bảo đảm, chất lượng thẩm định từng bước được nâng cao. Nội dung thẩm định đã chú trọng đánh giá tác động xã hội, sự phù hợp với các cam kết quốc tế, bảo đảm tính khả thi, góp phần nâng cao chất lượng dự thảo văn bản. Trong quá trình thẩm định các điều ước quốc tế đã kịp thời phát hiện, đề xuất sửa đổi, bổ sung và ban hành mới những quy định còn chưa tương thích với các cam kết quốc tế.

Tại nhiều địa phương, Lãnh đạo HĐND, UBND đánh giá cao công tác thẩm định văn bản, đề án, thể hiện sự tin tưởng qua việc chỉ ký ban hành khi đã có ý kiến thẩm định của cơ quan Tư pháp. Điều đó phản ánh sự nỗ lực của toàn Ngành trong việc phấn đấu trở thành "người gác cổng" tin cậy của chính quyền các cấp trong việc ban hành chính sách, pháp luật.

Để góp phần nâng cao chất lượng thẩm định văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan Tư pháp địa phương, trong năm 2008, Bộ đã kết hợp với các Sở Tư pháp: thành phố Hồ Chí Minh, Lào Cai, Đà Nẵng, Hải Phòng tổ chức các hội thảo với sự tham dự của nhiều chuyên gia trong và ngoài Ngành, đại diện chính quyền các địa phương. Kết quả hội thảo đã giúp cho các cơ quan Tư pháp nhận thức rõ hơn về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác thẩm định văn bản cũng như tìm ra các giải pháp để nâng cao hiệu quả của công tác này trong thời gian tới.

c) Công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa VBQPPL

Toàn Ngành đã kiểm tra được 38.083 văn bản, trong đó phát hiện 8.752 văn bản có sai sót; đã kiến nghị xử lý 4.565 văn bản. Riêng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đã tiến hành kiểm tra 1.968 văn bản theo thẩm quyền (gồm 865 văn bản của cấp Bộ và 1.283 văn bản của địa phương), bước đầu phát hiện 490 văn bản có sai sót về nội dung và hình thức.

Hoạt động kiểm tra, xử lý văn bản theo chuyên đề, địa bàn, lĩnh vực và các nguồn thông tin được chú trọng và tích cực triển khai thực hiện. Việc ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật gây bức xúc trong dư luận xã hội đã được kịp thời kiến nghị xử lý.

Hoạt động rà soát, hệ thống hóa VBQPPL, đặc biệt là các VBQPPL ban hành trong các lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của Ngành tiếp tục được tăng cường; triển khai thực hiện thí điểm tổng rà soát tại một số Bộ, ngành và địa phương như: Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước, tỉnh Nghệ An, TP. HCM, chuẩn bị cho việc thực hiện Đề án tổng rà soát hệ thống pháp luật Việt Nam trong năm 2009.

Trong năm qua, Bộ đã hoàn thành báo cáo kết quả rà soát, hệ thống hóa văn bản trong một số lĩnh vực theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (các Báo cáo kết quả rà soát văn bản và cơ chế điều hành về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng Sông Hồng và vùng Đông Nam Bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; Báo cáo kết quả rà soát văn bản theo Nghị quyết 27/2007/NQ-CP ngày 30/5/2007 của Chính phủ...). Bộ cũng đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tiến hành rà soát pháp luật Việt Nam liên quan đến các cam kết của Việt Nam với WTO. Trên cơ sở các báo cáo rà soát pháp luật của các Bộ, ngành và địa phương, Bộ đã hoàn thiện và trình Chính phủ Báo cáo Kết quả rà soát pháp luật Việt Nam với các cam kết WTO.

Công tác đôn đốc thực hiện, kiểm tra, hướng dẫn, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trong năm qua cũng được quan tâm hơn. Bộ đã chủ trì 4 đoàn công tác liên ngành kiểm tra công tác này ở một số địa phương; tổ chức một số lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho các cán bộ làm công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản ở các bộ, ngành, địa phương.

Bộ đã hoàn thành và trình phê duyệt Đề án về đổi mới và nâng cao hiệu quả trong công tác rà soát, hệ thống hóa VBQPPL; Đề án tăng cường năng lực trong công tác kiểm tra, xử lý VBQPPL; Đề án tổng rà soát hệ thống pháp luật Việt Nam nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa VBQPPL của Ngành trong thời gian tới.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, các mặt công tác nêu trên còn một số hạn chế, yếu kém sau đây:

- Tiến độ xây dựng một số văn bản, đề án còn chậm so với kế hoạch, nhất là các văn bản, đề án thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ hoặc liên tịch ban hành; còn lúng túng trong việc xác định phạm vi và đối tượng điều chỉnh của một số dự án luật; một số nội dung của dự án luật chưa được chuẩn bị, giải trình kỹ, do đó, chưa thực sự thuyết phục được các Đại biểu Quốc hội.

[...]