Tặng nhà cho người yêu sau khi chia tay có đòi được không?
Nội dung chính
Hợp đồng tặng nhà cho người yêu được quy định thế nào?
Tặng nhà cho người yêu theo quy định của pháp luật được hiểu là tặng cho tài sản mà cụ thể là tặng cho nhà (bất động sản).
Theo Điều 457 Bộ luật Dân sự 2015 thì hợp đồng tặng cho tài sản dựa trên sự thỏa thuận của các bên, bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù và phải được bên được tặng cho đồng ý nhận.
Thêm vào đó, tại Điều 459 Bộ luật Dân sự 2015 đối với tặng cho tài sản là bất động sản thì phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hoặc phải đăng ký nếu bất động sản này phải đăng ký quyền sở hữu. Hợp đồng tặng cho bất động sản có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký; nếu bất động sản không phải đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm chuyển giao tài sản.
Tuy nhiên, nếu bên tặng cho yêu cầu bên được tặng cho thực hiện một hoặc nhiều nghĩa vụ trước hoặc sau khi tặng cho thì điều kiện tặng cho không được vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội. (khoản 1 Điều 462 Bộ luật Dân sự 2015)
Tặng nhà cho người yêu sau khi chia tay có đòi được không? (Hình từ Internet)
Tặng nhà cho người yêu sau khi chia tay có đòi được không?
Như đã nêu ở trên thì việc tặng cho nhà hoàn tất và có hiệu lực khi bên tặng cho đã chuyển quyền sở hữu nhà cho bên được tặng cho (hoàn tất thủ tục đăng ký quyền sở hữu). Về nguyên tắc, bên tặng cho không có quyền đòi lại nhà đã tặng. Tuy nhiên, theo quy định pháp luật thì vẫn có một số trường hợp bên tặng vẫn có thể đòi lại nhà như khi có sự gian dối, lừa đảo,... hoặc người nhận tặng cho vi phạm các điều kiện khi tặng cho nhà.
Trường hợp 1, nếu đây là hợp đồng tặng cho có điều kiện, khi bên tặng cho yêu cầu bên được tặng cho thực hiện một hoặc nhiều nghĩa vụ sau khi tặng cho mà bên được tặng cho không thực hiện thì bên tặng cho có quyền đòi lại tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại. (khoản 3 Điều 462 Bộ luật Dân sự 2015).
Theo đó, quyền đòi lại tài sản và bồi thường thiệt hại là một trong những biện pháp pháp lý nhằm bảo vệ quyền lợi của bên tặng cho khi bên nhận không thực hiện nghĩa vụ.
Ở đây, nếu việc tặng cho nhà này là tặng cho có điều kiện, bên nhận tặng cho nhà không thực hiện nghĩa vụ thì bên tặng có quyền đòi lại nhà và bên nhận tặng nhà bắt buộc phải trả lại nhà cho người tặng. Còn nếu việc tặng cho nhà này không có điều kiện thì chỉ có thể đòi lại nhà nếu thuộc trường hợp 2 dưới đây.
Trường hợp 2, tặng cho không có điều kiện nhưng bị vô hiệu khi không đáp ứng các điều kiện của hiệu lực của hợp đồng tặng cho như sau: chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập; chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện; mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội. Thêm vào đó về hình thức của hợp đồng tặng cho phải lập thành văn bản có công chứng, chứng thực, phải đăng ký quyền sở hữu theo quy định của luật (Điều 122 Bộ luật Dân sự 2015).
Ở đây, nếu hợp đồng tặng cho nhà không đảm bảo điều kiện luật định thì hợp đồng này sẽ vô hiệu, bên tặng nhà có thể được nhận lại nhà (khoản 2 Điều 131 Bộ luật Dân sự 2015).
Hợp đồng tặng nhà cho người yêu bị tuyên vô hiệu nhưng nhà đã bán cho bên thứ ba ngay tình thì giải quyết ra sao?
Căn cứ khoản 2 Điều 133 Bộ luật Dân sự 2015 trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao bằng một giao dịch dân sự khác cho người thứ ba ngay tình và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch thì giao dịch đó không bị vô hiệu.
Bên cạnh đó quy định này cũng nêu rõ “Trường hợp tài sản phải đăng ký mà chưa được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì giao dịch dân sự với người thứ ba bị vô hiệu, trừ trường hợp người thứ ba ngay tình nhận được tài sản này thông qua bán đấu giá tại tổ chức có thẩm quyền hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó chủ thể này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị hủy, sửa.”
Ngoài ra, tại khoản 3 Điều 133 Bộ luật Dân sự 2015 quy định nếu giao dịch dân sự với người thứ 3 không bị vô hiệu như quy định đã nêu ở trên thì chủ sở hữu không có quyền đòi lại tài sản từ người thứ ba ngày tình, tuy nhiên chủ sở hữu có quyền khởi kiện, yêu cầu chủ thể có lỗi dẫn đến việc giao dịch được xác lập với người thứ ba phải hoàn hoàn trả những chi phí hợp lý và bồi thường thiệt hại.
Đối chiếu với vấn đề đang đặt ra thì hợp đồng tặng nhà cho người yêu bị tuyên vô hiệu nhưng nhà đã bán cho bên thứ ba ngay tình thì có một số hướng giải quyết như sau:
Nếu việc tặng cho này đã được đăng ký, bên nhận nhà đã đăng ký quyền sở hữu nhà thì khi bán cho bên thứ ba ngay tình, hợp đồng mua bán nhà với bên thứ ba ngay tình sẽ không bị vô hiệu. Người tặng cho nhà không thể đòi lại được từ người thứ ba ngay tình. Tuy nhiên người tặng cho nhà có quyền khởi kiện, yêu cầu người nhận tặng cho (nếu người nhận tặng cho có lỗi dẫn đến việc giao kết hợp đồng với người thứ ba) phải hoàn hoàn trả những chi phí hợp lý và bồi thường thiệt hại. Nếu việc tặng cho này chưa được đăng ký, bên nhận nhà chưa đăng ký quyền sở hữu nhà thì khi bán cho bên thứ ba ngay tình, hợp đồng mua bán nhà với bên thứ ba ngay tình sẽ bị vô hiệu. Khi hợp đồng mua bán nhà này vô hiệu, đồng thời hợp đồng tặng cho nhà ban đầu cũng vô hiệu thì các bên sẽ hoàn trả cho nhau những gì đã nhận, bên tặng nhà sẽ được nhận lại nhà theo khoản 2 Điều 131 Bộ luật Dân sự 2015.
Từ những phân tích trên, có thể thấy rõ rằng việc đòi lại tài sản tặng cho sau khi chia tay là một điều khó thực hiện, bởi lẽ hầu hết các cặp đôi ít khi ký kết hợp đồng tặng cho với các điều kiện ràng buộc. Tuy nhiên, chính những khó khăn này lại là một lời nhắc nhở quan trọng, giúp mỗi người nhận thức rõ hơn về sự cần thiết của việc thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật khi tặng cho tài sản. Việc chủ động và hiểu rõ quyền lợi cũng như nghĩa vụ của mình trong các giao dịch dân sự sẽ giúp bảo vệ quyền lợi cá nhân và tránh những tranh chấp không đáng có trong tương lai.