Thứ 4, Ngày 06/11/2024

Nghị định 40/2019/NĐ-CP sửa đổi các Nghị định hướng dẫn Luật bảo vệ môi trường

Số hiệu 40/2019/NĐ-CP
Ngày ban hành 13/05/2019
Ngày có hiệu lực 01/07/2019
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Nguyễn Xuân Phúc
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 40/2019/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 13 tháng 5 năm 2019

 

NGHỊ ĐỊNH

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA CÁC NGHỊ ĐỊNH QUY ĐỊNH CHI TIẾT, HƯỚNG DẪN THI HÀNH LUẬT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật bảo vệ môi trường ngày 23 tháng 6 năm 2014;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường;

Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật bảo vệ môi trường.

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường (sau đây gọi tắt là Nghị định số 18/2015/NĐ-CP)

Điều 2a. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Công trình, hạng mục chính của dự án là các dây chuyền sả n xuất sản phẩm chính, hạng mục đầu tư xây dựng chính của dự án được nêu trong báo cáo nghiên cứu khả thi, báo cáo kinh tế - kỹ thuật hoặc hồ sơ dự án đầu tư.

2. Khu công nghiệp trong Nghị định này là tên gọi chung đối với khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghiệp hỗ trợ, khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp.”

Điều 8. Thực hiện đánh giá môi trường chiến lược

1. Đối tượng phải thực hiện đánh giá môi trường chiến lược quy định tại Phụ lục I Mục I Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

2. Cơ quan lập chiến lược, quy hoạch hoặc cơ quan được giao nhiệm vụ lập chiến lược, quy hoạch (sau đây gọi chung là cơ quan lập chiến lược, quy hoạch) của đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này có trách nhiệm thực hiện đánh giá môi trường chiến lược và gửi hồ sơ đề nghị thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược đến cơ quan có trách nhiệm tổ chức thẩm định quy định tại khoản 1 Điều 16 Luật bảo vệ môi trường. Hồ sơ đề nghị thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược được gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện hoặc gửi bản điện tử thông qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến đến cơ quan thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược, bao gồm:

a) 01 văn bản đề nghị thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược thực hiện theo Mẫu số 01 Phụ lục V Mục I Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;

b) 09 bản báo cáo đánh giá môi trường chiến lược có nội dung quy định tại Điều 15 Luật bảo vệ môi trường và phải thể hiện rõ những nội dung theo quy định tại khoản 5 Điều 10 Nghị định này;

c) 09 bản dự thảo chiến lược, quy hoạch.

Trường hợp số lượng thành viên hội đồng thẩm định nhiều hơn 09 người, cơ quan lập chiến lược, quy hoạch phải cung cấp thêm số lượng báo cáo đánh giá môi trường chiến lược và dự thảo chiến lược, quy hoạch theo yêu cầu của cơ quan tổ chức thẩm định.

3. Cơ quan lập chiến lược, quy hoạch chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả thực hiện đánh giá môi trường chiến lược, các thông tin, số liệu trong báo cáo đánh giá môi trường chiến lược.”

“4. Cơ quan thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược có trách nhiệm tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược trong thời hạn 25 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

5. Nội dung thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược gồm:

a) Cơ sở pháp lý được sử dụng để lập chiến lược, quy hoạch và thực hiện đánh giá môi trường chiến lược;

b) Các phương pháp được sử dụng thực hiện đánh giá môi trường chiến lược (bao gồm phương pháp sử dụng, cách sử dụng phương pháp);

c) Các quan điểm, mục tiêu, chủ trương, giải pháp về bảo vệ môi trường liên quan đến chiến lược, quy hoạch nêu trong báo cáo đánh giá môi trường chiến lược;

d) Các vấn đề môi trường chính đã được dự báo, nhận dạng khi triển khai thực hiện chiến lược, quy hoạch;

đ) Các đánh giá, dự báo xu hướng tích cực và tiêu cực của các vấn đề môi trường chính;

e) Các đánh giá, dự báo xu hướng tác động của biến đổi khí hậu trong việc thực hiện chiến lược, quy hoạch;

g) Các giải pháp được đề xuất để duy trì xu hướng tích cực, phòng ngừa, giảm thiểu xu hướng tiêu cực của các vấn đề môi trường chính;

[...]