Xử phạt hành chính đối với những hành vi chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự
Nội dung chính
Căn cứ vào Điều 138 Bộ luật hình sự 1999 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật hình sự 1999 năm 2009:
“Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọnghoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”
Theo đó, để xác định được A có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không, không chỉ căn cứ vào giá trị tài sản trộm cắp mà còn phải căn cứ vào nhân thân của A.
Theo thông tin chị Thư cung cấp chưa đầy đủ, Luật sư Thái An phân tích như sau:
Vì giá trị tài sản mà A lấy trộm của nhà chị trị giá một triệu hai trăm nghìn đồng nhỏ hơn hai triệu cho nên có hai trường hợp xảy ra:
- Trường hợp thứ nhất: Hành vi trộm cắp của A gây hậu quả nghiêm trọng. Hậu quả đó có thể là thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, tài sản hoặc hậu quả phi vật chất (gây ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước; gây ảnh hưởng xấu về an ninh, trật tự, an toàn xã hội) (Điều 3 Thông tư liên tịch 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP).
Hoặc A đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. Bị coi là "đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt", nếu trước đó đã bị xử lý bằng một trong các hình thức sau đây về hành vi chiếm đoạt, nhưng chưa hết thời hạn để được coi là chưa bị xử lý mà lại thực hiện một trong các hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản, trộm cắp tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. ( Điều 1 Thông tư liên tịch 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP)
Khi đó, A sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trộm cắp tài sản.
-Trường hợp thứ hai: Hành vi trộm cắp của A không gây ra hậu quả nghiêm trọng và A chưa bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản và đã được xóa án tích.
Khi đó, A sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo Khoản 1 Điều 2 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012: “Vi phạm hành chính là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính”.
Hay nói một cách khác vi phạm hành chính là tất cả những hành vi xâm phạm đến trật tự an toàn xã hội mà có tính chất đơn giản, rõ ràng và hậu quả không nghiêm trọng, chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Như vậy, trong trường hợp thứ 2, hành vi của A được coi là vi phạm hành chính và A sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012.