Thông tư liên tịch 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP hướng dẫn áp dụng chương XIV "Các tội phạm xâm phạm sở hữu" của Bộ luật Hình sự năm 1999 do Bộ Công An; Bộ Tư pháp; Toà án nhân dân tối cao; Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành

Số hiệu 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP
Ngày ban hành 25/12/2001
Ngày có hiệu lực 01/01/2002
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Bộ Công An,Bộ Tư pháp,Tòa án nhân dân tối cao,Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Người ký Đặng Quang Phương,Lê Thế Tiệm,Phạm Sĩ Chiến,Uông Chu Lưu
Lĩnh vực Trách nhiệm hình sự

BỘ CÔNG AN-BỘ TƯ PHÁP-TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO-VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP

Hà Nội , ngày 25 tháng 12 năm 2001

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

CỦA TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO, VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO, BỘ CÔNG AN, BỘ TƯ PHÁP SỐ 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP NGÀY 25 THÁNG 12 NĂM 2001VỀ VIỆC HƯỚNG DẪN ÁP ĐỤNG MỘT SỐ QUY ĐỊNH TẠI CHƯƠNG XIV "CÁC TỘI XÂM PHẠM SỞ HỮU" CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ NĂM 1999

Để áp dụng đúng và thống nhất các quy định tại Chương XIV "Các tội xâm phạm sở hữu" của Bộ luật hình sự năm 1999 (sau đây viết tắt là BLHS), Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp thống nhất hướng dẫn một số điểm như sau:

I. VỀ MỘT SỐ TÌNH TIẾT LÀ YẾU TỐ ĐỊNH TỘI HOẶC ĐỊNH KHUNG HÌNH PHẠT

1. Khi áp dụng tình tiết "đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt" quy định tại khoản 1 của các điều 137, 138, 139 và 140 BLHS cần chú ý:

1.1. Bị coi là "đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt", nếu trước đó đã bị xử lý bằng một trong các hình thức sau đây về hành vi chiếm đoạt, nhưng chưa hết thời hạn để được coi là chưa bị xử lý mà lại thực hiện một trong các hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản, trộm cắp tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính theo đúng quy định của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính;

b) Đã bị xử lý kỷ luật theo đúng quy định của Điều lệnh, Điều lệ của lực lượng vũ trang nhân dân;

c) Đã bị xử lý kỷ luật theo đúng quy định của cơ quan có thẩm quyền (Ví dụ 1: Một sinh viên trộm cắp của bạn 150.000 đồng và bị phát hiện. Hội đồng kỷ luật của Nhà trường đã xét và người có thẩm quyền đã ra quyết định cảnh cáo toàn trường hoặc đuổi học. Ví dụ 2: Một cán bộ (công chức) trộm cắp tài sản của cơ quan và bị phát hiện. Hội đồng kỷ luật của cơ quan đã xét và người có thẩm quyền đã ra quyết định kỷ luật hạ một bậc lương theo quy định của Pháp lệnh cán bộ, công chức...).

1.2. Hết thời hạn để được coi là chưa bị xử lý là hết thời hạn do pháp luật, Điều lệnh hoặc Điều lệ quy định (Theo quy định tại Điều 10 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, trong trường hợp "cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu quá một năm, kể từ ngày thi hành xong quyết định xử phạt hoặc từ ngày hết hiệu lực thi hành quyết định xử phạt mà không tái phạm, thì được coi như chưa bị xử phạt vi phạm hành chính"). Đối với các trường hợp bị xử lý mà chưa có quy định về thời hạn để hết thời hạn đó, người bị xử lý được coi là chưa bị xử lý, thì thời hạn đó là một năm, kể từ ngày bị xử lý.

1.3. Bị coi là "đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt" nếu trước đó đã bị xử phạt hành chính về một trong các hành vi sau đây:

a) Hành vi cướp tài sản;

b) Hành vi bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản;

c) Hành vi cưỡng đoạt tài sản;

d) Hành vi cướp giật tài sản;

đ) Hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản:

e) Hành vi trộm cắp tài sản:

g) Hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản; .

h) Hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản;

i) Hành vi tham ô tài sản;

k) Hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.

2. Bị coi là "đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản" nếu trước đó đã bị kết án về một trong các tội sau dây:

a) Tội cướp tài sản (Điều 133 BLHS);

b) Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Điều 134 BLHS);

c) Tội cưỡng đoạt tài sản (Điều 135 BLHS);

d) Tội cướp giật tài sản (Điều 136 BLHS);

đ) Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản (Điều 137 BLHS);

e) Tội trộm cắp tài sản (Điều 138 BLHS);

[...]