Xác nhận giao dịch điện tử theo Thông tư 50/2024/TT-NHNN là gì?
Nội dung chính
Xác nhận giao dịch điện tử theo Thông tư 50/2024/TT-NHNN là gì?
Căn cứ khoản 8 Điều 2 Thông tư 50/2024/TT-NHNN quy định về việc giải thích thuật ngữ xác định giao dịch điện tử như sau:
Giải thích từ ngữ và thuật ngữ
...
8. Xác nhận giao dịch điện tử (sau đây gọi là xác nhận giao dịch) là hình thức xác nhận bằng phương tiện điện tử để thể hiện sự chấp thuận của khách hàng đối với các thông điệp dữ liệu trong giao dịch điện tử.
Như vậy, theo quy định pháp luật, xác nhận giao dịch điện tử là hình thức xác nhận qua quá trình sử dụng phương tiện điện tử để khách hàng thể hiện sự đồng ý đối với các thông điệp dữ liệu trong giao dịch điện tử.
Xác nhận giao dịch điện tử theo Thông tư 50/2024/TT-NHNN là gì?
(Hình từ internet)
Việc xác nhận giao dịch được quy định như thế nào?
Căn cứ Điều 10 Thông tư 50/2024/TT-NHNN quy định về việc xác nhân giao dịch như sau:
Xác nhận giao dịch
1. Đối với giao dịch thanh toán trực tuyến:
a) Đối với giao dịch thanh toán sử dụng tài khoản thanh toán hoặc ví điện tử hoặc giao dịch chuyển tiền từ thẻ ghi nợ, thẻ trả trước định danh, đơn vị thực hiện phân loại giao dịch theo các nhóm loại hình giao dịch quy định tại Phụ lục 01 ban hành kèm theo Thông tư này và áp dụng hình thức xác nhận quy định tại Phụ lục 02 ban hành kèm theo Thông tư này, trừ quy định tại điểm b, điểm c, điểm d và điểm đ khoản này;
b) Đối với giao dịch thanh toán thực hiện bằng phương thức xử lý xuyên suốt, đơn vị thực hiện xác nhận giao dịch tối thiểu bằng một trong các hình thức xác nhận quy định tại khoản 7, khoản 8, khoản 9 Điều 11 Thông tư này;
c) Đối với các giao dịch thanh toán thẻ trực tuyến (không bao gồm giao dịch chuyển tiền), đơn vị thực hiện phân loại giao dịch theo các nhóm loại hình giao dịch quy định tại Phụ lục 03 ban hành kèm theo Thông tư này và áp dụng các hình thức xác nhận quy định tại Phụ lục 04 ban hành kèm theo Thông tư này;
d) Đối với các giao dịch mà đơn vị chủ động trích Nợ tài khoản thanh toán, chủ động trích Nợ ví điện tử, chủ động thanh toán từ thẻ của khách hàng theo thỏa thuận với khách hàng, không phải áp dụng xác nhận giao dịch quy định tại điểm a, điểm c khoản 1 Điều này;
đ) Đối với các giao dịch thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, nộp tiền vào ngân sách nhà nước, không bắt buộc phải áp dụng xác nhận giao dịch quy định tại điểm a, điểm c khoản 1 Điều này.
2. Đối với giao dịch đăng ký tự động trích Nợ tài khoản thanh toán, tự động trích Nợ ví điện tử, tự động thanh toán từ thẻ của khách hàng, đơn vị áp dụng tối thiểu một trong các hình thức xác nhận quy định tại khoản 3, khoản 4, khoản 5, khoản 7, khoản 8, khoản 9 Điều 11 Thông tư này.
3. Đối với các giao dịch khác, ngoài giao dịch quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này, trên cơ sở đánh giá rủi ro và tuân thủ quy định của pháp luật có liên quan, đơn vị lựa chọn hình thức xác nhận phù hợp theo quy định tại Điều 11 Thông tư này để cung cấp cho khách hàng đăng ký sử dụng và chịu trách nhiệm với việc lựa chọn này.
4. Trường hợp khách hàng là người khuyết tật, đơn vị căn cứ điều kiện, khả năng cung ứng của đơn vị mình để cung cấp và hướng dẫn khách hàng là người khuyết tật lựa chọn hình thức xác nhận phù hợp, không bắt buộc áp dụng quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều này, nhưng phải bảo đảm kiểm tra, xác nhận được sự chấp thuận của khách hàng khi thực hiện giao dịch theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử và Thông tư này.
Như vậy việc xác nhận giao dịch được thực hiện theo quy định nêu trên.
Quy định về xác nhận giao dịch điện tử đối với người khuyết tật
Căn cứ khoản 4 Điều 10 Thông tư 50/2024/TT-NHNN quy định về xác nhận giao dịch điện tử đối với người khuyết tật:
Xác nhận giao dịch
...
4. Trường hợp khách hàng là người khuyết tật, đơn vị căn cứ điều kiện, khả năng cung ứng của đơn vị mình để cung cấp và hướng dẫn khách hàng là người khuyết tật lựa chọn hình thức xác nhận phù hợp, không bắt buộc áp dụng quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều này, nhưng phải bảo đảm kiểm tra, xác nhận được sự chấp thuận của khách hàng khi thực hiện giao dịch theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử và Thông tư này.
Như vậy, xác nhận giao dịch điện tử đối với người khuyết tật được quy định như sau: Khi khách hàng là người khuyết tật, đơn vị sẽ căn cứ vào khả năng cung ứng của mình để hướng dẫn và cung cấp hình thức xác nhận phù hợp, không bắt buộc áp dụng các quy định tại khoản 1, 2, 3 Điều 10 Thông tư 50/2024/TT-NHNN. Tuy nhiên, phải đảm bảo kiểm tra và xác nhận sự chấp thuận của khách hàng theo quy định pháp luật và Thông tư này.
Có bao nhiêu hình thức xác nhận giao dịch điện tử?
Căn cứ Điều 11 Thông tư 50/2024/TT-NHNN có các hình thức xác nhận giao dịch điện tử thông qua hệ thống Online Banking như sau:
(1) Hình thức xác nhận bằng mã khóa bí mật (Password)
(2) Hình thức xác nhận bằng mã PIN (Personal Identification Number)
(3) Hình thức xác nhận bằng mã khóa bí mật dùng một lần (One Time Password - OTP)
(4) Hình thức xác nhận hai kênh
(5) Hình thức xác nhận khớp đúng thông tin sinh trắc học
(6) Hình thức xác nhận khớp đúng thông tin sinh trắc học thiết bị
(7) Hình thức xác nhận FIDO (Fast IDentity Online)
(8) Hình thức xác nhận bằng chữ ký điện tử
(9) Hình thức xác nhận bằng chữ ký điện tử an toàn
(10) Hình thức xác nhận trên cơ sở đánh giá rủi ro đối với giao dịch thanh toán thẻ trực tuyến theo tiêu chuẩn EMV 3-D Secure (gọi tắt là hình thức xác nhận EMV 3DS)
(11) Hình thức xác nhận thông qua các thao tác thể hiện sự xác nhận
Thông tư 50/2024/TT- NHNN chính thức có hiệu lực ngày 01 tháng 01 năm 2025.