Việc tổ chức thực hiện phương án đấu giá quyền sử dụng đất là trách nhiệm của ai? Có trường hợp nào dẫn đến việc đấu giá không thành không?

Việc tổ chức thực hiện phương án đấu giá quyền sử dụng đất là trách nhiệm của ai? Trường hợp nào dẫn đến việc đấu giá không thành?

Nội dung chính

    Việc tổ chức thực hiện phương án đấu giá quyền sử dụng đất là trách nhiệm của ai?

    Căn cứ theo quy định tại khoản 5 Điều 125 Luật Đất đai 2024 như sau:

    Giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất

    ...

    5. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm sau đây:
    a) Hằng năm phải công bố kế hoạch, danh mục các khu đất thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất trên Cổng thông tin đấu giá quyền sử dụng đất quốc gia, cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp huyện;
    b) Tổ chức lập, tổ chức thực hiện phương án thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định của Luật này để đấu giá quyền sử dụng đất;
    c) Tổ chức lập, tổ chức thực hiện phương án đấu giá quyền sử dụng đất;
    d) Chỉ đạo việc bàn giao đất trên thực địa, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cho người trúng đấu giá quyền sử dụng đất.

    Điều này có nghĩa là, theo quy định tại điểm c khoản 5 Điều 125 của Luật Đất đai 2024, việc lập và thực hiện phương án đấu giá quyền sử dụng đất phải do cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cụ thể là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện, chịu trách nhiệm tiến hành.

    Theo đó, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện không chỉ có nhiệm vụ lập phương án đấu giá mà còn phải triển khai, thực hiện các công tác cần thiết liên quan đến đấu giá quyền sử dụng đất. Điều này nhằm đảm bảo quá trình đấu giá được tổ chức chặt chẽ, minh bạch và công bằng theo quy định pháp luật, góp phần quản lý, sử dụng quỹ đất một cách hiệu quả và tạo nguồn thu cho ngân sách địa phương.

    Việc tổ chức thực hiện phương án đấu giá quyền sử dụng đất là trách nhiệm của ai? Có trường hợp nào dẫn đến việc đấu giá không thành không? (Ảnh từ Internet)Việc tổ chức thực hiện phương án đấu giá quyền sử dụng đất là trách nhiệm của ai? Có trường hợp nào dẫn đến việc đấu giá không thành không? (Ảnh từ Internet)

    Có trường hợp nào dẫn đến việc đấu giá không thành không?

    Có một số trường hợp đấu giá không thành được quy định tại khoản 6 Điều 125 Luật Đất đai 2024 như sau:

    Giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất

    ...

    6. Các trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất không thành bao gồm:
    a) Các trường hợp đấu giá không thành theo quy định của Luật Đấu giá tài sản;
    b) Đã hết thời hạn đăng ký mà chỉ có 01 người đăng ký tham gia đấu giá;
    c) Có nhiều người đăng ký tham gia đấu giá nhưng chỉ có 01 người tham gia cuộc đấu giá hoặc có nhiều người tham gia cuộc đấu giá nhưng chỉ có 01 người trả giá hoặc có nhiều người trả giá nhưng chỉ có 01 người trả giá hợp lệ.

    Theo đó, các trường hợp đấu giá không thành theo quy định của Luật Đất giá tài sản được quy định tại Điều 52 Luật Đấu giá tài sản 2016 như sau:

    Đấu giá không thành
    1. Các trường hợp đấu giá không thành bao gồm:
    a) Đã hết thời hạn đăng ký mà không có người đăng ký tham gia đấu giá;
    b) Tại cuộc đấu giá không có người trả giá hoặc không có người chấp nhận giá;
    c) Giá trả cao nhất mà vẫn thấp hơn giá khởi điểm trong trường hợp không công khai giá khởi điểm và cuộc đấu giá được thực hiện theo phương thức trả giá lên;
    d) Người trúng đấu giá từ chối ký biên bản đấu giá theo quy định tại khoản 3 Điều 44 của Luật này;
    đ) Người đã trả giá rút lại giá đã trả, người đã chấp nhận giá rút lại giá đã chấp nhận theo quy định tại Điều 50 của Luật này mà không có người trả giá tiếp;
    e) Trường hợp từ chối kết quả trúng đấu giá theo quy định tại Điều 51 của Luật này;
    g) Đã hết thời hạn đăng ký mà chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá trong trường hợp đấu giá tài sản quy định tại Điều 59 của Luật này.

    Như vậy, các trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất không thành xảy ra khi thuộc các trường hợp đấu giá không thành theo Điều 52 Luật Đấu giá tài sản 2016 và khi không đáp ứng đủ số lượng hoặc tính hợp lệ của người tham gia đấu giá. Điều này bao gồm việc chỉ có một người đăng ký hoặc tham gia đấu giá, chỉ có một người trả giá, hoặc chỉ có một giá hợp lệ. Các quy định này nhằm đảm bảo tính cạnh tranh và minh bạch trong quá trình đấu giá quyền sử dụng đất, đồng thời giúp chọn được người sử dụng đất có tiềm năng tốt nhất.

    Điều kiện để tiến hành đấu giá quyền sử dụng đất là gì?

    Tại khoản 2 Điều 125 Luật Đất đai 2024 có quy định về các điều kiện để tiến hành đấu giá quyền sử dụng đất như sau:

    Giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất

    ...

    2. Điều kiện để tiến hành đấu giá quyền sử dụng đất bao gồm:
    a) Đất đã được thu hồi và hoàn thành bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hoặc không phải bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; trong khu vực dự án có hạ tầng giao thông đã được kết nối;
    b) Có trong kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện đã được phê duyệt vào mục đích sử dụng để đấu giá quyền sử dụng đất, trừ trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất đối với đất quy định tại điểm e khoản 1 Điều 217 của Luật này;
    c) Có quy hoạch chi tiết 1/500 được cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức lập và phê duyệt đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở;
    d) Có phương án đấu giá quyền sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

    Như vậy, để tiến hành đấu giá quyền sử dụng đất, cần đáp ứng các điều kiện quan trọng như:

    (1) Đất phải được thu hồi, bồi thường và tái định cư đầy đủ (hoặc không cần bồi thường), có hạ tầng giao thông kết nối;

    (2) Đất thuộc kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện đã được phê duyệt cho mục đích đấu giá;

    (3) Có quy hoạch chi tiết 1/500 nếu là dự án xây dựng nhà ở;

    (4) Có phương án đấu giá đã được phê duyệt.

    Các điều kiện này giúp đảm bảo rằng đất được đấu giá có đầy đủ cơ sở pháp lý và điều kiện hạ tầng để thực hiện các dự án hiệu quả, mang lại giá trị sử dụng cao.

    164