Việc chủ động phục hồi danh dự được pháp luật hiện hành quy định như thế nào?

Việc chủ động phục hồi danh dự được pháp luật hiện hành quy định như thế nào? Văn bản pháp luật nào quy định cụ thể về nội dung này?

Nội dung chính

    Việc chủ động phục hồi danh dự được pháp luật hiện hành quy định như  thế nào?

    Theo quy định tại Điều 57 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 (có hiệu lực ngày 01/07/2018) thì chủ động phục hồi danh dự được quy định như sau:

    - Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường hoặc kể từ ngày có bản án, quyết định quy định tại Điều 55 của Luật này có hiệu lực pháp luật, cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho người bị thiệt hại về việc Nhà nước tổ chức thực hiện phục hồi danh dự.

    - Trường hợp người bị thiệt hại đồng ý với nội dung trong thông báo thì cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại thực hiện phục hồi danh dự theo quy định tại Điều 58 và Điều 59 của Luật này.

    - Trường hợp người bị thiệt hại không đồng ý với nội dung trong thông báo thì có ý kiến đề nghị cụ thể về nội dung đó để cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại có cơ sở thực hiện phục hồi danh dự.

    - Trường hợp người bị thiệt hại đề nghị chưa thực hiện phục hồi danh dự thì việc phục hồi danh dự được thực hiện khi người bị thiệt hại có yêu cầu bằng văn bản.

    - Trường hợp người bị thiệt hại từ chối quyền được phục hồi danh dự theo quy định của Luật này thì không còn quyền yêu cầu phục hồi danh dự. Việc từ chối phải thể hiện bằng văn bản; trường hợp người bị thiệt hại từ chối quyền được phục hồi danh dự bằng lời nói thì cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại lập biên bản, trong đó ghi rõ việc từ chối quyền được phục hồi danh dự của người bị thiệt hại. Biên bản phải có chữ ký hoặc điểm chỉ của người bị thiệt hại.

    - Trường hợp người bị thiệt hại chết thì cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại thực hiện việc đăng báo xin lỗi và cải chính công khai theo quy định tại Điều 59 của Luật này.

    - Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

    Như vậy, phục hồi danh dự cho người bị oan là trách nhiệm công vụ (cá nhân bị cơ quan tố tụng làm oan trong quá trình giải quyết vụ án thì việc phục hồi danh dự cho người bị oan phải là “trách nhiệm công vụ”) và Nhà nước có trách nhiệm phục hồi danh dự cho người bị oan ngay cả khi họ không có đơn yêu cầu, bởi lẽ không phải tất cả mọi người dân đều hiểu được quyền của mình, quy định này là điểm tiến bộ của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 (có hiệu lực ngày 01/07/2018). 

    13