Thứ 4, Ngày 06/11/2024

Tư vấn cho sản phụ trong chuyển dạ và ngay sau đẻ được quy định như thế nào?

Tư vấn cho sản phụ trong chuyển dạ và ngay sau đẻ được quy định như thế nào? Vấn đề này được quy định ở đâu?

Nội dung chính

    Tư vấn cho sản phụ trong chuyển dạ và ngay sau đẻ được quy định như thế nào?

    Tư vấn cho sản phụ trong chuyển dạ và ngay sau đẻ được quy định tại Hướng dẫn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành kèm theo Quyết định 4128/QĐ-BYT năm 2016 như sau:

    1. Nguyên tắc chung về tư vấn trong chuyển dạ.

    - Động viên để sản phụ bớt lo âu.

    - Lắng nghe những điều khiến bản thân sản phụ và gia đình lo lắng.

    - Thông cảm và tôn trọng những truyền thống văn hóa và tôn giáo của sản phụ.

    - Nói cho sản phụ và gia đình biết những điều có thể xảy ra, giúp cho sản phụ hiểu về tình trạng của sản phụ và cách xử trí để làm giảm sự lo âu và giúp họ chuẩn bị trước cho những tình huống có thể xảy ra.

    - Giải thích cho sản phụ và gia đình về những tai biến có thể gặp khi chuyển dạ.

    - Đối với thai kỳ nguy cơ cao, cần giải thích cho thai phụ và gia đình về tình trạng bệnh, cách xử trí, cũng như hướng xử trí khi có tai biến, biến chứng xảy ra.

    - Các nội dung tư vấn cần phải ghi vào phiếu tư vấn và lưu giữ trong hồ sơ bệnh án

    2. Tư vấn trước khi sinh.

    - Thông tin cho sản phụ về cuộc đẻ bình thường hay đẻ khó.

    - Giúp đỡ, động viên sản phụ để giảm bớt lo lắng.

    - Hướng dẫn sản phụ biết cách thở đều, thở sâu (khi không có cơn co), thở nhanh, mạnh kết hợp xoa vùng xương cùng-cụt (khi đau do cơn co), cách nín hơi, rặn đẻ và cách thở ra khi không được rặn nữa...

    - Ở nơi có thể, khuyến khích người thân hoặc bạn bè chăm sóc sản phụ, đặc biệt về tinh thần.

    - Tư vấn làm xét nghiệm HIV khi chuyển dạ nếu sản phụ chưa xét nghiệm HIV trong thời kỳ mang thai.

    3. Tư vấn ngay sau khi sinh.

    - Cung cấp thông tin về cuộc đẻ và tình trạng sơ sinh, hỗ trợ tình cảm cho sản phụ nhất là những trường hợp có vấn đề bất thường. Thực hiện các bước trong chăm sóc thiết yếu

    - Tôn trọng lòng tin truyền thống, phong tục tập quán, giúp đỡ những gì sản phụ và gia đình cần. Tuy nhiên cũng cần giải thích cho sản phụ và gia đình hiểu những việc làm không có lợi cho mẹ và con như không cho bé bú ngay sau sinh, vắt bỏ sữa non, cho bé uống mật ong hay nước cam thảo... nếu như sản phụ thực hiện.

    - Tư vấn sản phụ vận động sớm sau khi sinh, đặc biệt là vệ sinh thân thể như tắm gội, đánh răng mỗi ngày, nằm phòng thoáng mát, không nằm than, không uống thức uống có cồn, không ăn chế độ ăn nhiều muối.

    - Tư vấn cho sản phụ và gia đình về theo dõi và chăm sóc sau sinh cho cả mẹ và con.

    - Tư vấn cho con bú ngay sau đẻ và cách nuôi con bằng sữa mẹ (tham khảo bài “Tư vấn nuôi con bằng sữa mẹ-phần Chăm sóc sơ sinh”)

    - Giải thích mọi vấn đề giúp họ giảm nỗi lo âu, băn khoăn.

    - Lắng nghe, hiểu cặn kẽ và tôn trọng nỗi xúc động của sản phụ.

    4. Tư vấn cho các trường hợp đặc biệt.

    4.1. Sản phụ gặp biến chứng nặng

    - Mời người nhà: để thông báo đầy đủ chính xác những biến chứng đang gặp phải

    - Lãnh đạo, bác sỹ trong ban chủ nhiệm khoa, bác sỹ tham gia trực tiếp, các bộ phận có liên quan phải giải thích cho sản phụ và gia đình biết các diễn biến đã gặp phải.

    - Lắng nghe nghiêm túc các ý kiến của gia đình, ghi chép đầy đủ và cẩn thận

    - Giải thích tình trạng bệnh chính và bệnh kèm theo nếu có trên bệnh nhân. Giải thích nguyên nhân biến chứng và tai biến.

    - Không tranh luận khi có bất đồng với ý kiến của gia đình, hãy ghi lại đầy đủ những bất đồng này và sẽ giải thích sau khi có kết luận của hội đồng chuyên môn. Đặc biệt chú trọng hướng giải quyết vấn đề đang có trên bệnh nhân.

    - Bộ phận tư vấn phải luôn luôn bình tĩnh, đúng mực, thông cảm và sẵn sàng chia sẻ những rủi ro với gia đình; không làm tăng thêm những bức xúc hay bất đồng nếu có với gia đình người bệnh.

    4.2. Sản phụ trong tình trạng nguy kịch.

    - Phải bình tĩnh, điều trị tích cực ở mọi thời điểm.

    - Nếu cái chết không thể tránh được, cần an ủi và chia sẻ với gia đình. Giải thích cho gia đình biết lý do chết và trả lời những câu hỏi thắc mắc.

    - Tạo điều kiện cho gia đình chôn cất nếu có thể.

    4.3. Trẻ sơ sinh chết.

    - Nếu chết trong tử cung: phải giải thích cho sản phụ và gia đình biết nguyên nhân có thể dẫn đến cái chết của trẻ.

    - An ủi sản phụ và gia đình để họ chấp nhận sự mất mát.

    - Cho phép bà mẹ và gia đình ở cạnh bé đã chết để họ nhận đứa con nếu họ yêu cầu.

    - Không nên để bà mẹ có con vừa chết nằm chung phòng với bà mẹ có con khỏe mạnh.

    - Nếu phải tiến hành các thủ thuật trên đứa trẻ (như trong trường hợp chọc sọ), không để người mẹ nhìn thấy (nếu bà mẹ và gia đình vẫn muốn nhìn mặt con thì cần dùng chăn bọc, che các phần tổn thương, lau sạch máu, dịch bám trên da rồi mới đưa ra).

    - Trao đổi giữa bố mẹ bé và cán bộ y tế nhằm tìm kiếm các biện pháp dự phòng trong tương lai.

    4.4. Trẻ sơ sinh dị dạng.

    - Chỉ cho bố mẹ thấy các dị dạng của cháu nếu có yêu cầu.

    - Trong trường hợp cháu bé bị dị dạng quá nhiều thì quấn cháu trong chăn để cho mẹ nhìn thấy cháu trước và sau đó mới nói rõ dị dạng.

    - Không bắt bà mẹ kiểm tra dị dạng.

    - Thảo luận với bố mẹ về trường hợp dị dạng và trả lời các câu hỏi.

    - Khuyến khích gia đình tiếp xúc và chăm sóc bé. Nếu bà mẹ chưa muốn thì không ép buộc, nên tư vấn thuyết phục đến khi họ chấp nhận.

    4.5. Suy sụp tâm lý sau đẻ.

    - Cần động viên và giúp đỡ về tâm lý, đặc biệt khi con chết hoặc dị dạng, giới tính của con không phù hợp với nguyện vọng.

    - Lắng nghe tâm tư của sản phụ mà không phán xét và cần giúp sản phụ tự tin hơn với vai trò làm mẹ. Động viên người chồng giúp đỡ vợ. Khuyến khích họ nói chuyện với các sản phụ khác để được hỗ trợ thêm.

    - Nếu tổn thương tâm lý nặng cần cho thuốc an thần, giảm đau hoặc chuyển tuyến trên.

    4.6. Sản phụ có kết quả sàng lọc HIV(+) khi chuyển dạ hoặc sản phụ nhiễm HIV

    - Tư vấn cho sản phụ kết quả xét nghiệm sàng lọc HIV, cần làm xét nghiệm khẳng định HIV.

    - Sử dụng thuốc theo phác đồ hiện hành của Bộ Y tế

    Trên đây là nội dung quy định về việc tư vấn cho sản phụ trong chuyển dạ và ngay sau đẻ. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Quyết định 4128/QĐ-BYT năm 2016.

    Trân trọng!

    6