Từ ngày 01/08/2024, nhà chung cư buộc phải di dời khẩn cấp có đúng không? Thủ tục di dời thế nào?

Theo quy định mới có trường hợp nhà chung cư buộc phải di dời khẩn cấp có đúng không? Nếu có thì thủ tục di dời đối với chủ người sở hữu nhà chung cư như thế nào?

Nội dung chính

    Người sử dụng nhà chung cư được quy định là những ai ?

    Theo khoản 6 Điều 3 Nghị định 98/2024/NĐ-CP có quy định Người sử dụng nhà chung cư như sau:

    Giải thích từ ngữ:
    ...
    6. Người sử dụng nhà chung cư là người đang thuê nhà ở theo hợp đồng hoặc theo văn bản bố trí sử dụng hoặc theo các giấy tờ chứng minh việc sử dụng nhà ở thuộc tài sản công theo quy định của pháp luật nhà ở hoặc người được quyền thừa kế nhà ở theo quy định của pháp luật về thừa kế.
    ...

    Như vậy, người sử dụng nhà chung cư là người đang thuê nhà ở theo hợp đồng hoặc theo văn bản bố trí sử dụng hoặc theo các giấy tờ chứng minh như quy định đã nêu trên.

    Từ ngày 01/08/2024, nhà chung cư buộc phải di dời khẩn cấp? (hình internet)

    Các trường hợp nào phải di dời khẩn cấp nhà chung cư ?

    Theo quy định tại khoản 1 Điều 23 Nghị định 98/2024/NĐ-CP thì các trường hợp di dời khẩn cấp gồm 2 trường hợp như sau:

    Các trường hợp di dời chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư

    1. Các trường hợp di dời khẩn cấp nhà chung cư bao gồm:

    a) Nhà chung cư bị hư hỏng do cháy, nổ không còn đủ điều kiện bảo đảm an toàn để tiếp tục sử dụng;

    b) Nhà chung cư bị hư hỏng do thiên tai, dịch họa không còn đủ điều kiện bảo đảm an toàn để tiếp tục sử dụng.

    ...

    Theo đó, người sử dụng nhà chung cư chỉ di dời khẩn cấp nếu nhà chung cư bị hư hỏng do cháy, nổ hoặc do thiên tai, dịch họa và không còn đủ điều kiện đảm bảo tiếp tục sử dụng được nữa.

    Trình tự, thủ tục di dời người sử dụng nhà chung cư được quy định như thế nào?

    Căn cứ theo khoản 1 Điều 24 Nghị định 98/2014/NĐ-CP quy định Trình tự, thủ tục di dời chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư như sau:

    Trình tự, thủ tục di dời chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư

    1. Trình tự, thủ tục di dời khẩn cấp đối với trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 23 Nghị định này được thực hiện như sau:

    a) Cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quyết định di dời khẩn cấp trong thời hạn tối đa 03 ngày, kể từ thời điểm có kết luận của cơ quan có thẩm quyền về việc nhà chung cư này không còn đủ điều kiện bảo đảm an toàn để tiếp tục sử dụng theo quy định của pháp luật.
    Quyết định di dời khẩn cấp bao gồm các nội dung: địa điểm nhà chung cư phải di dời khẩn cấp, địa điểm bố trí chỗ ở tạm thời, phương thức di dời, thời hạn di dời, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan trong việc thực hiện quyết định di dời khẩn cấp; kinh phí di dời;
    b) Kể từ khi có quyết định di dời khẩn cấp, Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có nhà chung cư có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tại địa phương tổ chức di dời khẩn cấp toàn bộ chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư đến chỗ ở tạm thời theo quyết định di dời khẩn cấp quy định tại điểm a khoản này;
    c) Cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện nếu được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao chủ trì, phối hợp với cơ quan tài chính tại địa phương đề xuất Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bố trí kinh phí di dời khẩn cấp từ nguồn ngân sách chi thường xuyên của địa phương.
    ...

    Như vậy, trình tự, thủ tục di dời người sử dụng nhà chung cư được thực hiện như sau:

    Bước 1: Cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh trình UBND cấp tỉnh ban hành quyết định di dời khẩn cấp trong thời hạn tối đa là 3 ngày, tính từ thời điểm có kết luận của cơ quan có thẩm quyền về việc nhà chung cư này không còn đảm bảo an toàn để tiếp tục sử dụng;

    Quyết định di dời khẩn cấp gồm các nội dung sau đây:

    - địa điểm nhà chung cư phải di dời khẩn cấp;

    - địa điểm bố trí chỗ ở tạm thời;

    - phương thức di dời;

    - thời hạn di dời;

    - trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan trong việc di dời khẩn cấp;

    - kinh phí di dời.

    Bước 2: Sau khi có quyết định di dời khẩn cấp, UBND cấp huyện nơi đó có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tại địa phương tổ chức di dời khẩn cấp toàn bộ dân cư tại chung cư không thể sử dụng tiếp đó;

    Bước 3: Cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh hoặc UBND cấp huyện nếu được UBND cấp tỉnh giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với cơ quan tài chính tại địa phương đề xuất UBND cấp tỉnh bố trí kinh phí di dời khẩn cấp từ nguồn ngân sách chi thường xuyên của địa phương.

    Tóm lại, người sử dụng nhà chung cư chỉ di dời khẩn cấp trong trường hợp nhà chung cư bị hư hỏng do cháy nổ hoặc do thiên tai, dịch họa dẫn đến nhà chung cư không còn đảm bảo an toàn để tiếp tục sử dụng từ ngày 01/08/2024 khi Nghị định 98/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành. Bên cạnh đó, UBND các cấp sẽ ra quyết định cũng như phối hợp di dời người dân đến nơi tạm ở mới.

    10