Tranh chấp đất trong trường hợp xây mộ lên phần đất đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Tình hình là gia đình tôi có một mảnh đất và đã được Nhà nước cấp quyền sử dụng đất ở lâu dài từ năm 2005. Đến năm 2014 có người đến làm mộ trên phần đất của tôi. Nay họ lấn chiếm phần đất nhà của tôi để xây mộ lớn hơn. Vậy anh/chị cho tôi hỏi, đối với mảnh đất này đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì trong trường hợp tranh chấp như thế này thì giải quyết như thế nào cho gia đình tôi có thể lấy lại phần đất đó để làm nhà ở.

Nội dung chính

    Tranh chấp đất trong trường hợp xây mộ lên phần đất đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

    Về vấn đề này Ban biên tập có một số ý kiến trao đổi với bạn như sau:

    Theo thông tin mà bạn cung cấp thì mảnh đất đó đã thuộc quyền sở hữu của gia đình bạn và đã được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Vì thế, mảnh đất đó đã được Nhà nước thừa nhận là đất hợp pháp nên gia đình bạn có mọi quyền đối với đất đó. Bạn có thể tham khảo chi tiết tại Điều 179 Luật Đất đai 2013 quy định về quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất để có thể hiểu rõ hơn. Cho nên, gia đình kia không có quyền sử dụng đối với mảnh đất đó mà vẫn cố tình xây mộ lớn hơn trên đất nhà bạn thì gia đình bạn có quyền yêu cầu gia đình kia không được xây dựng và cũng có quyền yêu cầu gia đình kia di dời mộ đi chỗ khác nhưng tuyệt đối gia đình bạn không được xâm phạm đến mồ mả của họ.

    Trong trường hợp nếu gia đình kia vẫn cố tình xây khi không có sự đồng ý của gia đình bạn thì bạn có thể gửi đơn lên Ủy ban nhân dân cấp xã để được hòa giải về tranh chấp đất đai theo Khoản 2 và 3 Điều 202 Luật Đất đai 2013 quy định như sau:

    "2. Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải.

    3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương mình; trong quá trình tổ chức thực hiện phải phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác. Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai".

    Điều 203 Luật đất đai quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai theo như sau:

    “Tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà không thành thì được giải quyết như sau:

    1. Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết;".

    Căn cứ vào quy định trên thì trường hợp hòa giải không thành thì gia đình bạn có thể làm đơn gửi lên Tòa án nhân dân cấp huyện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp.

    - Những hình phạt mà gia đình kia sẽ bị xử lý khi có hành vi vi phạm:

    Điều 206 Luật đất đai 2013 quy đình về xử lý đối với người có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai như sau:

    “1. Người có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

    2. Người có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai mà gây thiệt hại cho Nhà nước, cho người khác, ngoài việc bị xử lý theo quy định của pháp luật còn phải bồi thường theo mức thiệt hại thực tế cho Nhà nước hoặc cho người bị thiệt hại.”

    Theo đó, gia đình kia nếu vẫn cố tình xây mộ thì tùy vào tính chất, mức độ vi phạm mà có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Ngoài ra, gia đình đó còn phải bồi thường theo mức thiệt hại cho gia đình bạn.

    56