Tội sản xuất trái phép chất ma túy được xử lý như thế nào và hình phạt cụ thể cho tội danh này là gì?
Nội dung chính
Tội sản xuất trái phép chất ma túy được xử lý như thế nào và hình phạt cụ thể cho tội danh này là gì?
Theo quy định tại Điều 248 Bộ Luật hình sự 2015 (có hiệu lực ngày 01/01/2018) thì:
1. Người nào sản xuất trái phép chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 500 gam đến dưới 01 kilôgam;
e) Hêrôin, côcain hoặc Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 05 gam đến dưới 30 gam;
g) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 20 gam đến dưới 100 gam;
h) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 100 mililít đến dưới 200 mililít;
i) Tái phạm nguy hiểm;
k) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm đ đến điểm h khoản này.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
a) Có tính chất chuyên nghiệp;
b) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 05 kilôgam;
c) Hêrôin, côcain hoặc Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 30 gam đến dưới 100 gam;
d) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 100 gam đến dưới 300 gam;
đ) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 200 mililít đến dưới 750 mililít;
e) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm b đến điểm đ khoản này.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 05 kilôgam trở lên;
b) Hêrôin, côcain hoặc Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 100 gam trở lên;
c) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 300 gam trở lên;
d) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 750 mililít trở lên;
đ) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm d khoản này.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Dấu hiệu pháp lý của tội danh này là:
- Khách thể: Hành vi phạm tội đã xâm phạm đến các quy định về quản lý chất ma túy của Nhà nước. Đối tượng của tội phạm này là các chất ma tuý, các nguyên liệu thực vật có chứa chất ma tuý và các tiền chất ma tuý.
- Chủ thể: Chủ thể của tội phạm này là người có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi nhất định.
- Mặt khách quan: Hành vi của tội phạm là hành vi sản xuất trái phép chất ma tuý dưới bất kỳ hình thức nào. Đó là những hành vi tham gia vào quá trình tạo ra chất ma tuý. Quá trình này bao gồm nhiều công đoạn khác nhau và người phạm tội không đòi hỏi phải là người có hành vi tham gia vào toàn bộ quá trình mà chỉ cần có hành vi tham gia vào bất kì công đoạn nào.
- Mặt chủ quan: Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội biết rõ hành vi sản xuất trái phép chất ma tuý là hành vi trái phép và gây nguy hiểm cho xã hội nhưng vì mục đích thương mại hay lợi ích cá nhân khác mà vẫn cố tình thực hiện.
Trên đây là nội dung tư vấn về tội xuất trái phép chất ma túy. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này vui lòng tham khảo thêm tại Bộ Luật hình sự 2015.
Trân trọng!