Thứ 7, Ngày 02/11/2024
10:45 - 02/11/2024

Tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức tư vấn học sinh quy định từ ngày 04/11/2024

Thông tư 11/2024/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức tư vấn học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trường chuyên biệt công lập

Nội dung chính

    Tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức tư vấn học sinh quy định từ ngày 04/11/2024

    Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 11/2024/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức tư vấn học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trường chuyên biệt công lập.

    Tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức tư vấn học sinh quy định từ ngày 04/11/2024Tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức tư vấn học sinh quy định từ ngày 04/11/2024 (Hình từ Internet)

    Tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của viên chức tư vấn học sinh các hạng.

    Căn cứ tại Điều 2 Thông tư 11/2024/TT-BGDĐT quy định về mã số chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh cụ thể như sau:

    Chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh bao gồm:

    - Viên chức tư vấn học sinh hạng III - Mã số: V.07.07.24.

    - Viên chức tư vấn học sinh hạng II - Mã số: V.07.07.23.

    - Viên chức tư vấn học sinh hạng I - Mã số: V.07.07.22.

    (1) Căn cứ vào khoản 2,3 Điều 4 Thông tư 11/2024/TT-BGDĐT quy định đối với viên chức tư vấn học sinh hạng III như sau:

    - Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng

    + Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên chuyên ngành đào tạo thuộc nhóm ngành hoặc ngành sau: Tâm lý học; Công tác xã hội; Xã hội học; Đào tạo giáo viên phù hợp với cấp học;

    + Hoàn thành chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh theo quy định.

    - Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ

    + Hiểu biết về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của ngành đối với công tác tư vấn học sinh;

    + Có khả năng tham mưu xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các hoạt động tư vấn học sinh của nhà trường theo kế hoạch;

    + Nhận biết được đặc điểm tâm lý, sinh lý lứa tuổi, sức khỏe của học sinh; nhận diện được tính đa dạng và tính nhạy cảm của đối tượng cần tư vấn, hỗ trợ; nhận biết được các hình thức xâm hại, bạo lực học đường và thực hiện thành thạo các kỹ năng phân tích, đánh giá mức độ tổn thương và mức độ nguy cơ;

    + Có khả năng xây dựng và thực hiện các nội dung, chương trình tư vấn nhằm phòng ngừa, bảo vệ học sinh khỏi các hình thức xâm hại, bạo lực học đường góp phần hỗ trợ học sinh phát triển toàn diện về năng lực, phẩm chất;

    + Có hiểu biết về kiến thức pháp luật, tâm lý, xã hội và các kiến thức khác có liên quan đến công tác tư vấn học sinh để áp dụng thực hiện trong hoạt động nghề nghiệp; có kỹ năng ứng xử sư phạm và ứng dụng công nghệ thông tin vào trong công tác;

    + Có khả năng phối hợp với các tổ chức, cá nhân có liên quan để thực hiện nhiệm vụ tư vấn, hỗ trợ học sinh.

    (2) Căn cứ vào khoản 2,3 Điều 5 Thông tư 11/2024/TT-BGDĐT quy định đối với viên chức tư vấn học sinh hạng II như sau:

    - Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng

    + Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên chuyên ngành đào tạo thuộc nhóm ngành hoặc ngành sau: Tâm lý học; Công tác xã hội; Xã hội học; Đào tạo giáo viên phù hợp với cấp học;

    + Hoàn thành chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh theo quy định.

    - Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ

    + Biết vận dụng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của ngành vào trong công tác tư vấn học sinh;

    + Chủ động tham mưu xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các hoạt động tư vấn học sinh của nhà trường;

    + Hiểu biết đặc điểm tâm lý, sinh lý lứa tuổi, sức khỏe của học sinh; nhận diện được tính đa dạng và tính nhạy cảm của đối tượng cần tư vấn, hỗ trợ; nhận diện được các dấu hiệu xâm hại, bạo lực học đường và thực hiện được các biện pháp phòng ngừa, ứng phó phù hợp;

    + Có khả năng xây dựng và thực hiện các nội dung, chương trình tư vấn nhằm phòng ngừa, bảo vệ học sinh khỏi các hình thức xâm hại, bạo lực học đường góp phần hỗ trợ học sinh phát triển toàn diện về năng lực, phẩm chất;

    + Nắm vững kiến thức về pháp luật, tâm lý, xã hội và các kiến thức khác có liên quan đến công tác tư vấn học sinh để áp dụng thực hiện trong hoạt động nghề nghiệp; có kỹ năng sư phạm và ứng dụng công nghệ thông tin vào trong công tác;

    + Chủ động phối hợp với các tổ chức, cá nhân có liên quan để thực hiện nhiệm vụ tư vấn, hỗ trợ học sinh.

    (3) Căn cứ vào khoản 2,3 Điều 6 Thông tư 11/2024/TT-BGDĐT quy định đối với viên chức tư vấn học sinh hạng I như sau:

    - Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng

    + Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên chuyên ngành đào tạo thuộc nhóm ngành hoặc ngành sau: Tâm lý học; Công tác xã hội; Xã hội học; Đào tạo giáo viên phù hợp với cấp học;

    + Hoàn thành chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh theo quy định.

    - Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ

    + Tích cực, chủ động tuyên truyền, vận động đồng nghiệp thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của ngành về công tác tư vấn học sinh;

    + Có khả năng hướng dẫn, hỗ trợ đồng nghiệp xây dựng và thực hiện các nội dung, chương trình tư vấn học sinh;

    + Hiểu và nắm vững đặc điểm tâm, sinh lý lứa tuổi, sức khỏe của học sinh; nhận diện được tính đa dạng và tính nhạy cảm của đối tượng cần tư vấn, hỗ trợ; nhận diện được các dấu hiệu xâm hại, bạo lực học đường và thực hiện được các biện pháp phòng ngừa, ứng phó phù hợp;

    + Có khả năng hướng dẫn, hỗ trợ đồng nghiệp phát triển năng lực chuyên môn, nghiệp vụ; thường xuyên cập nhật và vận dụng kiến thức mới vào trong công tác tư vấn học sinh. Có khả năng giám sát chuyên môn cho học sinh thực hiện tư vấn, hỗ trợ ngoài nhà trường;

    + Có khả năng vận dụng, triển khai những kiến thức pháp luật, tâm lý, xã hội và các kiến thức khác có liên quan đến công tác tư vấn học sinh trong hoạt động nghề nghiệp; có kỹ năng sư phạm và ứng dụng công nghệ thông tin vào trong công tác;

    + Có khả năng đề xuất phương thức kết nối, phối hợp chuyên môn với các tổ chức, cá nhân có liên quan để thực hiện nhiệm vụ tư vấn, hỗ trợ học sinh.

    Quy định xếp lương viên chức tư vấn học sinh ?

    Căn cứ vào Khoản 1 Điều 9 Thông tư 11/2024/TT-BGDĐT quy định về xếp lương như sau:

    - Viên chức được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh quy định tại Thông tư 11/2024/TT-BGDĐT được áp dụng bảng lương viên chức tại bảng 3 (bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước), cụ thể như sau:

    + Chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh hạng III (mã số V.07.07.24) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98;

    + Chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh hạng II (mã số V.07.07.23) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2 (nhóm A2.2), từ hệ số lương 4,00 đến hệ số lương 6,38;

    + Chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh hạng I (mã số V.07.07.22) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2 (nhóm A2.1), từ hệ số lương 4,40 đến hệ số lương 6,78.

    Thông tư 11/2024/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 04/11/2024.

    9