Tiền lương ủng hộ Quỹ Phòng chống thiên tai được giảm trừ thuế TNCN?

Tiền lương ủng hộ Quỹ Phòng chống thiên tai có được giảm trừ thuế TNCN?

Nội dung chính

    Tiền lương ủng hộ Quỹ Phòng chống thiên tai có được giảm trừ thuế TNCN?

    Theo khoản 3 Điều 9 Thông tư 111/2013/TT-BTC, một số nội dung bị bãi bỏ bởi khoản 6 Điều 25 Thông tư 92/2015/TT-BTC thì các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học sẽ được giảm trừ vào thu nhập chịu thuế của cá nhân trước khi xác định thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công. 

    Đồng thời, theo Công văn 3275/TCT-DNNCN năm 2020 Tổng Cục thuế trả lời Cục thuế Tp.HCM về chính sách thuế thu nhập cá nhân đối với khoản đóng góp bắt buộc vào Quỹ Phòng chống thiên tai có đề cập cụ thể như sau:

    Căn cứ quy định và hướng dẫn nêu trên, trường hợp người lao động tại các tổ chức có đóng góp vào Quỹ phòng chống thiên tai được thành lập theo quy định tại Nghị định số 94/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 của Chính phủ thì người lao động được tính giảm trừ đối với các khoản đóng góp nêu trên vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công.

     

    Như vậy, trong trường hợp người lao động làm việc tại các doanh nghiệp, có sử dụng tiền lương để ủng hộ vào Quỹ phòng chống thiên tai được thành lập theo Nghị định 94/2014/NĐ-CP (hiện nay Nghị định này đã hết hiệu lực và được thay thế bởi Nghị định 78/2021/NĐ-CP) thì sẽ được tính giảm trừ đối với khoản đóng góp này vào thu nhập chịu thuế TNCN.

    Doanh nghiệp ủng hộ vào Quỹ phòng chống thiên tai có được tính vào chi phí được trừ hay không?

    Tại Điều 6 Nghị định 78/2021/NĐ-CP có quy định như sau:

    Nguồn tài chính

    1. Hỗ trợ, tài trợ, đóng góp tự nguyện, ủy thác của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài. Các khoản đóng góp, tài trợ, hỗ trợ tự nguyện cho Quỹ phòng, chống thiên tai trung ương của các tổ chức, doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.

    2. Điều tiết từ Quỹ cấp tỉnh theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

    3. Thu lãi từ tài khoản tiền gửi.

    4. Các nguồn hợp pháp khác (nếu có).

    5. Tồn dư Quỹ trung ương năm trước được chuyển sang năm sau.

    Tại Điều 12 Nghị định 78/2021/NĐ-CP có quy định:

    Nguồn tài chính

    1. Mức đóng góp bắt buộc từ các tổ chức kinh tế trong nước và nước ngoài trên địa bàn một năm là 0,02% trên tổng giá trị tài sản hiện có theo báo cáo tài chính lập ngày 31 tháng 12 hàng năm của tổ chức báo cáo cơ quan Thuế nhưng tối thiểu 500 nghìn đồng, tối đa 100 triệu đồng và được hạch toán vào chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh của tổ chức.

    2. Đóng góp, tài trợ, hỗ trợ tự nguyện của các tổ chức, doanh nghiệp cho Quỹ phòng, chống thiên tai cấp tỉnh được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.

    ...

    Theo đó, trong trường hợp doanh nghiệp ủng hộ vào Quỹ phòng chống thiên tai Trung ương, cấp tỉnh thì số tiền ủng hộ này sẽ được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.

    Nhiệm vụ của Quỹ phòng, chống thiên tai là gì?

    Tại Điều 4 Nghị định 78/2021/NĐ-CP có quy định nhiệm vụ của Quỹ phòng, chống thiên tai như sau:

    - Hỗ trợ các hoạt động phòng, chống thiên tai mà ngân sách nhà nước chưa đầu tư hoặc chưa đáp ứng yêu cầu.

    - Tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài chính.

    - Thực hiện chế độ báo cáo, kế toán theo quy định.

    - Chấp hành việc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

    - Công bố công khai về quy chế hoạt động, kết quả hoạt động của Quỹ phòng, chống thiên tai, báo cáo tình hình thực hiện quỹ theo quy định.

    Quỹ phòng, chống thiên tai hoạt động theo mô hình nào?

    Tại Điều 3 Nghị định 78/2021/NĐ-CP có quy định về tên gọi, địa vị pháp lý của Quỹ phòng, chống thiên tai như sau:

    Tên gọi, địa vị pháp lý của Quỹ phòng, chống thiên tai

    1. Quỹ phòng, chống thiên tai là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách có tư cách pháp nhân, con dấu riêng và được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và các ngân hàng thương mại hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.

    2. Quỹ phòng, chống thiên tai trung ương (sau đây gọi tắt là Quỹ trung ương) được Chính phủ thành lập theo quy định tại Nghị định này, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý. Tên giao dịch quốc tế của Quỹ trung ương là: Vietnam Disaster Management Fund, viết tắt là VNDMF.

    3. Quỹ phòng, chống thiên tai cấp tỉnh (sau đây gọi tắt là Quỹ cấp tỉnh) do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định thành lập, do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quản lý. Tên giao dịch quốc tế của Quỹ cấp tỉnh được đặt theo từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

    4. Quỹ phòng, chống thiên tai hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

    Theo đó, Quỹ phòng chống thiên tai hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

    Đồng thời, Quỹ phòng, chống thiên tai là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách có tư cách pháp nhân, con dấu riêng và được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và các ngân hàng thương mại hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.

    489